Tâm lý học về màu sắc là một ngành tâm lý học nghiên cứu ảnh hưởng của màu sắc đối với tâm trạng và hành vi con người. Theo đó, các màu sắc khác nhau có thể gợi lên các phản ứng tâm lý khác nhau, cho dù con người không chủ động chú ý đến nó. Những phản ứng này xảy ra do:
– Cường độ màu sắc: cùng một màu đỏ nhưng có thể có nhiều sắc độ khác nhau như đỏ hoe, đỏ rực, đỏ trầm, đỏ chói, …
– Trải nghiệm cá nhân hoặc ảnh hưởng văn hóa: trong văn hóa phương Tây, màu trắng gợi cảm giác tinh khiết, trang trọng, thường xuất hiện ở đám cưới; trong khi với phương Đông thì màu trắng đôi khi gợi cảm giác tang tóc, buồn bã, thường xuất hiện trong đám tang.
Trong tâm lý học màu sắc, màu đỏ khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ hơn hẳn so với những màu khác. Nó còn là màu được liên kết với những cảm xúc đối lập nhiều nhất: đam mê, cuồng nhiệt, tình yêu, ấm áp với nguy hiểm, quyền lực, sự giận dữ.
Xem thêm: Màu xanh lá cây và những tác động của nó đến tâm lý con người
Nguy hiểm và cảnh báo
Có bước sóng dài (564–580 nm), đỏ là một trong những màu dễ nhìn thấy nhất trong quang phổ màu. Khả năng thu hút sự chú ý lập tức là lý do nó thường được sử dụng với mục đích báo động, cảnh báo – biển báo dừng, còi báo động, đèn đỏ giao thông, … Màu đỏ còn có thể được dùng để truyền đạt sự nguy hiểm cả theo cách gián tiếp và không gián tiếp – ‘cờ đỏ’ (red flag) là từ dùng để miêu tả một người hoặc một sự việc có dấu hiệu không ổn.
Chúng ta có xu hướng liên kết màu đỏ với những cảm xúc tiêu cực, cảnh báo nguy hiểm. Điều này có thể do đỏ là màu của lửa, máu, đôi khi là màu sắc của các loài động thực vật có độc.
Năng lượng và sự phấn khích
Màu đỏ còn thường được gắn với sự kích thích, phấn khích. Việc tiếp xúc hoặc trực tiếp sử dụng màu đỏ (qua quần áo, trang sức, đồ dùng, …) có thể gây ra một số tác động như:
– Tăng huyết áp
– Tăng cường trao đổi chất
– Tăng nhịp tim
– Tăng tốc độ hô hấp
Tất cả những thay đổi sinh lý này sẽ khiến mức năng lượng của một người tăng cao, do đó bạn sẽ có cảm giác phấn chấn, tràn trề sinh lực hơn. Ngoài ra, do tác dụng tăng cường trao đổi chất nên màu đỏ còn được cho rằng làm tăng cảm giác thèm ăn. Chúng ta có thể bắt gặp màu đỏ hoặc các màu nóng gần với đỏ được sử dụng ở các khu vực ăn uống (phòng ăn, bếp, nhà hàng, …).
Tính hung hăng, hiếu chiến
Trong nhiều nền văn hóa khác nhau, màu đỏ cũng được xem là đại diện cho tính hung hăng hoặc sự giận dữ. Sự liên tưởng này có thể được lý giải do hình ảnh những người đỏ mặt khi tức giận vì lưu lượng máu lên mặt tăng.
Tính thống trị
Màu đỏ không chỉ tác động đến tâm trạng và cảm xúc, trong lĩnh vực thể thao, màu đỏ còn được cho rằng sẽ làm tăng cơ hội chiến thắng. Trong kỳ thế vận hội Olympics 2004 tổ chức tại Athens, các vận động viên của các môn quyền anh, vật tự do, vật Greco–Roman, và taekwondo được ngẫu nhiên chỉ định mang trang phục thi đấu có màu đỏ hoặc xanh. Trong tất cả các trận đấu của 4 môn, các vận động viên mang trang phục đỏ giành chiến thắng nhiều hơn.
Nhiều người cho rằng đây là hệ quả của việc liên kết màu đỏ với sự thống trị có ý thức. Mang trang phục đỏ có thể khiến một vận động viên cảm thấy mình có ưu thế hơn, dẫn đến việc thi đấu quyết liệt hơn. Ngược lại, các vận động viên, đôi khi cả trọng tài, có thể đánh giá một đối thủ mang trang phục đỏ là hung hăng hơn, biểu hiện tính thống trị hơn, và có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn trong một cuộc đối đầu thể chất.
Đam mê và khát vọng
Màu đỏ không phải lúc nào cũng đại diện cho nguy hiểm, thống trị, hay hung hăng. Nó còn được liên kết với niềm đam mê, tình yêu, và khát vọng. Những liên tưởng này có thể là lý do để giải thích việc những người mặc màu đỏ thường được người khác giới đánh giá là hấp dẫn hơn về mặt giới tính.
Trong nghiên cứu Romantic red: Red enhances men’s attraction to women (2008), nhóm nghiên cứu đã cho những người tham gia là đàn ông xem ảnh một người phụ nữ, sau đó yêu cầu họ đánh giá mức độ hấp dẫn của cô ấy. Kết quả cho thấy, những người được xem ảnh người phụ nữ mặc áo đỏ đánh giá cô ấy có sức hấp dẫn tình dục hơn hẳn những người được cho xem ảnh cũng người phụ nữ ấy nhưng mặc áo màu xanh lam.
Quyền lực
Cuối cùng, màu đỏ còn được dùng để đại diện cho quyền lực. Thực tế, chúng ta có thể bắt gặp khá nhiều những ví dụ này trong xã hội ngày nay – chiếc cà vạt đỏ ngầm biểu thị vị trí kinh tế và xã hội của người đeo, hoặc chiếc thảm đỏ chuyên được dùng trong những màn chào đón khách quý hoặc các nhân vật danh giá, quyền lực nhất.
Mối liên hệ giữa màu đỏ với quyền lực và địa vị này cũng là lý do vì sao nhiều phụ nữ cho biết họ thấy đàn ông mặc đồ đỏ rất hấp dẫn.
Màu đỏ, hay bất cứ màu sắc nào khác, đều có thể gây ra một số ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta. Tuy nhiên, phản ứng của mỗi người với màu sắc này vẫn mang tính cá nhân – trải nghiệm quá khứ, liên tưởng cá nhân, nhận thức xã hội và ảnh hưởng văn hóa đều có thể đóng vai trò trong việc màu đỏ khiến ta cảm thấy như thế nào.
(Theo: Verywellmind)
Thảo luận về bài viết