‘Thế là còn may đấy, chuyện có thể tệ hơn nữa í chứ.’
Bạn đã bao giờ nhận lời ‘an ủi’ tương tự lúc tâm sự hay chia sẻ với người khác chưa? Những câu động viên thế này có thể sẽ khiến bạn nghĩ rằng, ‘Chà, ít nhất thì mình cũng chưa gặp phải tình trạng tồi tệ đến–như–vậy.’ – và nếu nói thật lòng, thì cuộc đua ‘xem ai đau hơn nào’ cũng khá là phổ biến đấy chứ! Nhưng vấn đề là không phải cái gì phổ biến cũng tốt …
Trải nghiệm của mỗi con người là khác nhau
Mỗi người là một cá nhân riêng biệt và duy nhất. Hành trang chúng ta mang theo trên đời cũng là tổng hợp những câu chuyện và những trải nghiệm ‘độc quyền’ của mỗi người. Cách chúng ta cảm nhận và phản hồi với khó khăn, thử thách cũng sẽ theo đó mà khác biệt.
Cảm xúc con người không thuộc về một hệ thống hay cấp bậc xét loại cụ thể nào. Trong cùng một tình huống, chúng ta không thể nói rằng cách phản ứng của một người là tốt hơn hay tệ hơn người còn lại, cũng như không thể khẳng định ai là người khổ sở hơn chỉ vì nỗi đau của họ ‘lớn hơn’ người kia.
Khi phải đối diện với khó khăn, chưa cần ai phải bảo thì nhiều người đã có xu hướng so sánh những gì mình gặp phải với một hoàn cảnh trông có vẻ khốn khổ hơn nhằm làm giảm thiểu thực tế cũng như giúp thoát khỏi những cảm xúc khó khăn hiện tại – ‘Có gì đâu mà buồn, ngoài kia còn rất nhiều người đang phải chịu đựng số phận tồi tệ hơn.’ hay ‘Tại sao lại thấy cô đơn trong khi mình còn người thân, còn bạn bè, mình đã may mắn hơn nhiều người rồi.’
Chúng ta không thể lấy trải nghiệm của người khác để phủ nhận trải nghiệm của chính mình. Đây là một hình thức né tránh. Đối mặt với những cảm xúc gây khó chịu là một việc khó. Bác bỏ nó bằng luận điệu ‘chẳng là gì so với …’ lại dễ dàng hơn nhiều. So sánh cảm xúc cũng là biện pháp rất thường bắt gặp ở những người theo đuổi lối sống tích cực độc hại, tin vào trạng thái lạc quan ảo.
So sánh cảm xúc và những lời khuyên bảo ‘Đừng buồn nữa, hãy vui lên’
Ngay cả khi trường hợp được đem ra so sánh quả thật khốn đốn hơn về mặt khách quan, điều đó không có nghĩa rằng những gì bạn trải qua là không có thực, không hợp lý, hay không đáng. Không có cảm xúc nào là không nên xảy ra, cũng như chẳng ai có quyền cho phép hoặc không cho phép việc người khác cảm thấy buồn bã, thất vọng, hay đau đớn cả.
Đau đớn của bạn không làm lu mờ khổ sở của người khác. Ngược lại cũng thế, bi kịch của ai đó không xảy ra để câu chuyện của riêng bạn trở nên vô giá trị.
Cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến stress hoặc những hệ lụy nghiêm trọng hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng cho dù như thế, chúng vẫn quan trọng theo cách riêng. Xét dưới những góc độ nhất định, thì cảm xúc tiêu cực và những tình huống khó khăn giúp báo động cho bạn về những điều cần phải được thay đổi, cũng như thúc đẩy bạn thực hiện những thay đổi đó để cuộc sống trở nên tốt hơn.
Ai cũng xứng đáng được giúp đỡ
So sánh cảm xúc làm người ta nghĩ rằng họ không cần, hoặc không xứng đáng, nhận sự giúp đỡ, bởi vì vấn đề họ gặp phải chỉ là ‘muỗi’ so với những người khác.
Ví dụ, một người đang có các triệu chứng trầm cảm có thể nghĩ rằng mình không có bất kỳ ‘lý do’ nào để cảm thấy chán nản, đặc biệt là khi so sánh cuộc sống và trải nghiệm của mình với những người khác cũng trầm cảm nhưng triệu chứng dữ dội và tồi tệ hơn. Do đó, rất có thể họ sẽ không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ, cho dù đó là chia sẻ với người khác, điều trị bằng thuốc hay liệu pháp tâm lý.
Thay vì né tránh vấn đề bằng việc so sánh cảm xúc, bạn có thể thử:
– ‘Để yên’ cho cảm xúc được diễn ra. Nếu mọi chuyện diễn ra không như ý, đừng sợ khi thấy thất vọng. Nếu có ai đó làm bạn tổn thương, hãy để chính mình được cảm thấy đau khổ.
– Không dán nhãn, không xếp loại cảm xúc. Hãy cứ lặng yên quan sát và gọi tên đúng những gì mình đang cảm thấy – ‘Mình đang khó chịu.’, ‘Mình rất bực bội.’, ‘Mình thấy ghen tị.’
– Nhắc nhở bản thân rằng những gì bạn đang cảm thấy là hoàn toàn có thực. Không ai, kể cả bạn, có thể phủ nhận chúng.
– Có thể tìm đến người khác để chia sẻ, tâm sự. Nhưng đừng làm thế nếu mục đích của bạn chỉ nhằm bác bỏ nỗi đau của mình bằng cách nghe biết và so sánh với trải nghiệm riêng của họ.
Nếu giữ vai trò ‘người lắng nghe’, bạn có thể tránh việc làm đối phương cảm thấy tệ hơn bằng cách:
– Đừng đánh giá cảm xúc của họ, cũng đừng kết luận rằng cách họ phản hồi trong một tình huống cụ thể là nên hay không nên. Thay vào đó, hãy trân trọng việc họ tin tưởng bạn đủ nhiều để sẵn lòng chia sẻ.
– Lắng nghe câu chuyện của họ. Thừa nhận những cảm xúc của họ, cho dù chúng có làm bạn thấy ‘khó ở’ lây đi chăng nữa. Nếu bạn không sẵn sàng đối diện với những cảm xúc này thì từ chối lắng nghe ngay từ đầu suy cho cùng vẫn tốt hơn là lắng nghe sai cách và khiến mọi chuyện tệ hơn.
– Và tất nhiên, đừng kể về những trải nghiệm tệ hơn của mình hay của bất kỳ ai khác, với hy vọng làm đối phương ‘thấy khá hơn’.
– Cuối cùng, hãy nhớ rằng khi ai đó đang trong tình trạng dễ tổn thương, cái họ cần là lòng đồng cảm và sự giúp đỡ cần thiết (nếu bạn có thể), chứ không phải những lời so sánh hay phán xét.
Kết
So sánh cảm xúc và trải nghiệm hầu như là việc không thể tránh khỏi – chúng ta có xu hướng chú ý đến những gì người khác đang trải qua và đem chính những quan sát đó ra để đo lường, đong đếm, so sánh với trải nghiệm thật của chính mình.
So sánh cũng có thể đem lại lợi ích, ví dụ như giúp chúng ta cảm thấy biết ơn, giúp cân nhắc các lựa chọn và tìm ra phương án phù hợp, giúp chắt lọc kiến thức mà không cần phải thực sự trải qua tình huống đó, giúp chúng ta biết đồng cảm với những số phận bất hạnh hơn, … Tuy nhiên, đừng quên rằng chúng ta hoàn toàn có thể trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đồng thời vẫn thấy thất vọng, buồn bã, hay khó chịu với chính những thứ xảy ra không ngừng với cuộc sống này.
Xem thêm:
Tích cực độc hại – Không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng nụ cười
Nghiện đau khổ – Vì sao chúng ta không thể ngừng nghĩ về những điều tiêu cực?
Tư duy con cua và những tác động tiêu cực của nó với con người
Thảo luận về bài viết