Bố mẹ chúng ta thường nói rằng, họ không quan tâm đến việc chúng ta làm gì miễn là chúng ta sống hạnh phúc. Trong mắt phụ huynh và chính chúng ta, niềm vui được xem là một tài sản vô cùng quý giá. Tuy nhiên đối với người lớn, có những niềm vui có giá trị cao hơn những thú vui khác. Nếu chúng ta đánh cờ vua bố mẹ sẽ hài lòng hơn việc nhìn thấy mình chơi điện tử, nếu thú vui của chúng ta là học tập thì sẽ được coi là “ngoan” hơn đứa bạn có sở thích đọc truyện tranh. Tuy nhiên, liệu có thật sự có những niềm vui được coi là “cao cấp” hơn những niềm vui khác và liệu việc sưu tầm bi ve, đá bóng với đám bạn trong ngõ có thật sự là một thú vui “ngớ ngẩn,” mất thời gian?
Trong đời sống hàng ngày của người Việt, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy quan điểm mang tính phân biệt đấy. Ví dụ như:
– Xem Tiktok là vô bổ, tốn thời gian vì sau đó chúng ta cảm thấy vô nghĩa và không biết làm gì với những điều đã xem.
-Nhạc thị trường được coi là kém sang vì sự thiếu đa dạng trong đề tài, phần lớn chỉ tập trung và tình yêu nam nữ, giai điệu tương đối dễ đoán, thường chạy theo xu hướng
– Văn học trẻ được coi là văn học bình dân vì nuông chiều cảm xúc người đọc, không để lại giá trị về sau, lời văn hời hợt, thiếu tính ẩn dụ.
– Giới trẻ Việt Nam chỉ thích xem và đọc những thứ không có chiều sâu. Top 100 channel thịnh hành trên Youtube Việt đều là các tin về giải trí, những chương trình truyền hình có lượng người xem cao nhất là những Gameshows, những trang báo có lượng người đọc nhiều nhất thường là báo lá cải.
I. GÓC NHÌN CỦA THẾ GIỚI
Việc đánh giá giá trị của niềm vui được dựa theo Chủ nghĩa vị lợi, một triết lý đạo đức với nguyên lý: đặt niềm vui vào trung tâm của các mối quan tâm, và tin rằng những việc làm đúng đắn làm tăng hạnh phúc, giảm đau khổ, và điều ngược lại sẽ xảy ra nếu có người có những lựa chọn sai lầm. Tuy nhiên, ngay cả những người theo chủ nghĩa vị lợi ban đầu cũng không còn chắc chắn rằng, liệu niềm vui có phải là thứ nên đem lên bàn cân.
Jeremy Bentham tin rằng mọi nguồn vui đều có chất lượng như nhau. Ông viết trong cuốn The Rationale of Reward (1825) “Thành kiến khác biệt” rằng: Trò chơi push pin của bọn trẻ con cũng có thể được coi là có giá trị ngang bằng với những nghệ thuật đỉnh cao của nhân loại như thơ, ca. Tuy nhiên học trò của ông, Jonh Stuart Mill, thì không đồng ý như vậy, Mill tin rằng những người theo thuyết vị lợi chân chính sẽ lựa chọn thà làm một con người buồn tẻ còn hơn là một con lợn vui vẻ. Thà làm một Socrates chứa đầy thành kiến còn hơn một kẻ ngốc dễ dãi.
Về mặt lý thuyết, những lập luận của Mill về vấn đề này khá trừu tượng. Rất khó để người đọc có thể phân biệt được đâu là những thú vui “cao quý” và đâu là những niềm vui “tầm thường”, nhưng ít nhiều nó giúp chúng ta phân biệt được đâu là những hành vi mà chỉ con người mới có và đâu là những hành vi có sự tương đồng với các loài vật.
Niềm vui cao quý phụ thuộc vào khả năng suy nghĩ của con người, thứ mà đòi hỏi tư duy phức tạp, kiến thức sâu sắc, tính tự chủ, và khả năng sử dụng ngôn ngữ. Ngược lại, những thú vui tầm thường được coi là những niềm vui ngắn hạn, thứ mà chỉ phụ thuộc vào tri giác. Bất cứ loài động vật nào cũng thích tắm nắng, ăn uống hoặc duy trì các hoạt động tình dục, tuy nhiên chỉ DUY NHẤT con người mới tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, triết học v.v… Đây chính là sự khác biệt căn bản.
Mill chắc chắn không phải là người đầu tiên tìm ra sự khác biệt này. Aristotle cũng cho rằng việc thoả mãn vị giác, xúc giác bằng thú vui ăn uống cũng được coi là hành vi tầm thường như mọi loài động vật bởi hành động này không cần tới việc phát triển trí óc. Chính vì sự cam đoan này mà một phần lớn những nhà nghiên cứu bây giờ vẫn tiếp tục đứng về phía Benthan và cho rằng chúng ta thực chất không phải là một sinh vật cao quý như chúng ta tưởng. Không có gì xấu khi thừa nhận rằng chúng ta có những sự tương đồng về bản năng và cách hành xử với các loài vật khác.
Cùng với tình dục, ăn uống thường được coi là ví dụ rõ ràng nhất để định nghĩa một niềm vui “tầm thường.” Bất cứ loài động nào cũng có khả năng sử dụng các giác quan (ví dụ: khứu giác, vị giác) để ăn uống mà không cần bất kì nhận thức phức tạp nào để cảm nhận hương vị. Các nhà triết học cho rằng, việc ăn uống chỉ là để giải quyết nhu cầu sinh tồn căn bản, điều này được thể hiện qua một lập luận rất nổi tiếng của Plato. Ông cho rằng: Nấu ăn không được coi là một thú vui “cao cấp” bởi mọi sự cố gắng của người đầu bếp cuối cùng cũng chỉ kết thúc ở đáy bồn cầu.
Trái ngược với quan điểm của Plato, trong cuốn Sinh lý học về vị giác (1825) nhà phê bình ẩm thực người Pháp Jean Anthelme Brillat-Savarin đã chỉ ra rằng: “cả động vật lẫn con người đều ăn, nhưng chỉ người trí tuệ mới biết thưởng thức”. Ăn uống thực chất là một hành vi phức tạp. Chuyện đơn giản như chuẩn bị nguyên liệu cũng đòi hỏi một quá trình suy nghĩ. Bởi những gì chúng ta mua, không những cần phải dự tính trước mà còn liên quan đến cả quá trình trồng trọt, sản xuất, vận hành sinh thái. Không dừng ở đấy, nấu ăn hoàn toàn có thể được coi là một thú vui cao cấp bởi nó đòi hỏi kiến thức về nguyên liệu, cân bằng hương vị, dinh dưỡng và một thời gian dài rèn luyện kỹ năng. Đối với con người, ăn uống chính là kết quả của một quá trình tư duy.
Ăn uống có thể coi là một thú vui tầm thường, nhưng cách tận hưởng món ăn và quy trình chuẩn bị lại là một niềm vui cao cấp. Hùng hục ăn bất cứ thứ gì như một chú heo, cúi đầu xuống máng có thể không được coi trọng, nhưng việc sáng sớm xếp hàng để ăn một tô phở ở Bát Đàn có thể được coi là thú vui tao nhã. Bởi khi đó, chúng ta không đơn thuần chỉ ăn một bát phở cho no mà chúng ta chú trọng đến sự cầu kỳ trong việc chọn nguyên liệu, sự tận tâm trong khâu chế biến của người nấu. Chúng ta dùng nhận thức để phân tích sự tinh tế trong hương vị, dùng vị giác để tận hưởng sự hài hoà của nước dùng. Mỗi khi ăn phở, chúng ta ý thức được rằng đây là một món ăn thể hiện văn hoá, tinh hoa trong ẩm thực người Việt. Do đó một niềm vui là “cao cấp” hay “tầm thường” chỉ có thể đánh giá thông qua cách chúng ta duy trì, thực hiện và thưởng thức nó nó.
Một thước đo khác để đánh giá một niềm vui có “cao quý” hay không nằm ở mục đích cuối cùng của người hưởng thụ. Ví dụ một cô gái đi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn không phải để thưởng thức sự tinh tế, nét ẩn dụ trong từng lời nhạc mà để có một tấm ảnh checkin khoe Facebook thì sẽ không được coi là một niềm vui chính đáng. Một người dùng cả trái tim để cảm nhận phim hoạt hình Doraemon sẽ được coi là “cao quý” hơn một kẻ tự xưng là nghệ sĩ đọc mọi tác phẩm của William Shakespeare mà không hiểu gì.
Hoặc một ví dụ rõ hơn là tình dục. Thú vui cơ bản này của con người cũng đã được đưa lên bàn cân để có những đánh giá nhất định. Với Brillat-Savarin: “động vật giao cấu, con người làm tình.” Có thể nói, tư duy và nhận thức trong việc giao phối của con người vốn không có nhiều thay đổi trong suốt quá trình tiến hoá. Tuy nhiên ý nghĩa của việc quan hệ tình dục sẽ thay đổi tuỳ theo ngữ cảnh và bản chất của mối quan hệ. Việc làm tình diễn ra là sự thăng hoa giữa hai người yêu nhau, hay chỉ để thoả mãn sự ham muốn nhất thời chính là một trong những thước đo để đánh giá rằng liệu quan hệ tình dục có được coi là một thú vui “cao quý” hay không?
II.QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI VIỆT.
Việc đọc sách được đánh giá cao bởi giá trị của nó không dừng ở việc đọc mà còn là lượng kiến thức chúng ta thu nhặt lại sau khi khép cuốn sách lại. Và giá trị truyền đạt khi chúng ta có thể chia sẻ những thông tin đấy với những người khác
Chơi thể thao được coi là lành mạnh không chỉ vì cảm giác vui vẻ khi trải nghiệm mà còn nhờ hoạt động đó cải thiện sức khoẻ và thể chất, đem lại năng lượng cho những hoạt động về sau.
Tại Việt Nam, văn hoá ăn tối cùng với người thân được coi trọng không chỉ đơn giản hoạt động này thoả mãn nhu cầu ăn uống cơ bản mà nó còn có ý nghĩa gắn kết các thành viên trong gia đình, giúp cho mọi người hiểu nhau hơn.
Đối với người Việt Nam, những niềm vui được đánh giá cao thường sẽ là những niềm vui bền vững, ý nghĩa, để mà khi khoảnh khắc vui vẻ qua đi, vẫn còn những giá trị khác ở lại. Đó có thể là cảm giác sảng khoái, sự hài lòng, thoả mãn. Những cảm giác tích cực đó không chỉ có ích với chính bản thân mình mà còn có ý nghĩa với cả chính những người xung quanh.
Như mọi hoạt động đã kể trên, một niềm vui được đánh giá cao còn được phản ánh ở việc nó không phải là một thú vui dễ dàng hưởng thụ. Để tránh có những sự thoả mãn nhất thời và duy trì những niềm vui lành mạnh, chúng ta cần dành nhiều thời gian tìm hiểu, có tình cảm với những hoạt động đó. Điều gì dễ dàng đến thường dễ dàng đi. Hoạt động thể thao không đem lại giá trị cho người chơi, nếu chúng ta không đẩy bản thân đến giới hạn, cơ bắp mệt mỏi và sự khó chịu khi cơ thể ướt mồ hôi. Đọc sách khiến chúng ta thấy ý nghĩa chỉ khi người đó tách mình ra khỏi đám đông, giữ tâm trí tập trung vào trang giấy thay vì những nguồn giải trí dễ dàng, đầy cám dỗ ngoài kia. Hay đôi khi để có một bữa ăn tối ý nghĩa với gia đình, chúng ta phải bỏ qua những cuộc hẹn đàn đúm với đám bạn, những bữa ăn hàng tiện lợi chỉ cần gọi món và đứng lên ra về thay vì dọn rửa bát sau một ngày mệt mỏi.
III. KẾT
Có thể Mill đã đúng khi tin có những thú vui cao cấp hơn những thú vui khác, nhưng lại sai khi nghĩ rằng ta có thể phân biệt chúng dựa trên sở thích. Cách chúng ta tận hưởng niềm vui đấy mới là điều quan trọng. Nghĩa là thú vui cao cấp hay tầm thường không phải là hoạt động tách biệt mà thực chất hoàn toàn có thể là cùng một hành động. Việc một sở thích được đánh giá là tầm thường hay sang trọng được tranh cãi trong suốt quá khứ cho đến nay đều xuất phát từ quan điểm chủ quan của từng người. Tuy nhiên dưới bất cứ hình thức nào, thì điều quan trọng nhất của niềm vui vẫn là khiến người ta cảm thấy thoải mái, thư giãn và có thêm niềm tin vào cuộc sống này. Vì vậy dù sở thích của bạn là gì, cũng hãy cứ thoải mái tận hưởng nó. Và nếu bạn thấy đây là niềm vui ý nghĩa, tuyệt vời đừng ngần ngại chia sẻ nó với những người xung quanh.
Nguồn ảnh: Day by day by Fan
BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM
Bắt nạt, tây chay và những điều có thể bạn chưa biết
Những nhân vật bị “xa lánh” khiến bạn thay đổi góc nhìn theo thời gian
Từ điển của quý cô trong mùa dịch