Liệu bạn có thích mặc một loại màu nào đấy đến mức cả tủ đồ phủ kín tông màu đó? Có thể ta không quá thích gam màu đấy, nhưng nó lại phù hợp với vẻ ngoài và phong cách của bản thân. Hoặc cũng có thể bởi những màu sắc đó phù hợp với tâm trạng, cá tính của từng người. Ví dụ, khi mặc màu xanh dương, ta sẽ cảm thấy thư giãn, sảng khoái bởi nó gợi nhớ đến biển cả. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, sắc màu này lại thể hiện trạng thái mông lung, mang mác buồn không rõ tại sao của người mặc.
Để tìm hiểu việc này, ta có thuật ngữ “tâm lý màu sắc” (color psychology). Tuy vậy, hiện nay vẫn chưa có một phương pháp tiếp cận chung cho tâm lý học màu sắc. Theo Andrew J.Elliot – giáo sư tâm lý học tại Đại học Rochester và Munich, “Màu sắc có ở mọi nơi, khiến ai cũng nghĩ rằng tâm lý học màu sắc là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ. Nhưng đáng ngạc nhiên là có rất ít nghiên cứu hay thực nghiệm về vấn đề này.”
Màu sắc có thể tác động tới chúng ta dựa trên trải nghiệm cá nhân và nhận thức của từng người về chúng. Ví dụ, nhiều người thấy rằng màu đỏ là một tông màu đại diện cho quyền lực hay sự hấp dẫn. Tuy nhiên, một số người lại thấy sắc màu này tưởng trưng cho nỗi sợ, sự hồi hộp, cảnh giác. Bởi vậy, tâm lý học màu sắc là hoàn toàn độc nhất với mỗi cá nhân.
Vậy màu sắc có ảnh hưởng tới tâm trạng ta như thế nào?
Các nguyên tắc tiến hóa và sinh học có ảnh hưởng đến tâm lý học màu sắc
Giống nhiều yếu tố trong xã hội, tâm lý học màu sắc có nguồn gốc từ quá trình tiến hóa của con người.
Theo tiến sĩ Jennifer Hettema tại LifeStance Health: “Đối với cả động vật lẫn con người, màu đỏ thường sẽ khơi gợi sự khiêu khích, tính chiến đấu…, đây có thể là tín hiệu cho thấy sự thống trị với những thứ xung quanh.
Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận một loại hiệu ứng mang tên “hiệu ứng màu đỏ”. Theo đấy, những vận động viên hoặc các đội mặc đồ đỏ dường như sẽ có lợi thế và hiếu chiến hơn một chút so với các đội mặc đồ màu khác.” Dựa theo nguyên tắc tâm lý màu sắc này, mặc những bộ trang phục có tông màu đỏ có thể giúp bạn tăng thêm sự tự tin, dù là đang thuyết trình dự án tại chỗ làm hay chuẩn bị cho buổi hẹn đầu tiên.
Cũng theo góc độ tâm lý, nhà tâm lý học môi trường Lee Chambers cho rằng, con người bị ảnh hưởng bởi khái niệm “nhận thức bao bọc” (enclothed cognition). Theo anh: “Lý thuyết này dựa trên ý tưởng rằng quần áo có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của chúng ta, qua đó màu sắc cũng sẽ có những tác động tương tự.
Trải nghiệm cá nhân của một người cũng tác động đến quan điểm về màu sắc
Chúng ta có thể mặc một số loại màu khi muốn gợi lên những cảm xúc nhất định: để trở nên mạnh mẽ thì mặc màu đỏ, đen hay tím đậm; vui tươi thì nên mặc màu cam, vàng hay xanh lá sáng; khi buồn thì có thể thể thử nghiệm những trang phục có tông màu xám hoặc đen.
Màu sắc sẽ có ý nghĩa khác nhau đối với từng người tùy theo trải nghiệm của chính họ. Theo Hettema, nếu một người từng phải nhập viện nhiều lần và tại đây các nhân viên y tá thường mặc một tông màu xanh nhất định, khi xuất viện và bắt gặp tông màu đấy, người này có thể gặp phải những cảm xúc liên quan đến nỗi sợ và sự bất an. Ngược lại, nếu một người có những kỷ niệm tốt với món đồ màu hồng, như được tặng búp bê hồng ngày bé, họ sẽ có cảm xúc tích cực với loại màu này.
Tận dụng tâm lý màu sắc trong cuộc sống
Một ưu điểm của tâm lý học màu sắc chính là mỗi chúng ta luôn có thể dùng màu sắc như một liệu pháp điều chỉnh và quản lý tâm lý.
Để làm được điều này, bạn có thể ngắm nhìn những bức tranh hay đi đến các bảo tàng, chú ý đến tâm trạng của mình khi thấy các gam màu khác nhau, sau đó ghi lại cảm nghĩ về chúng. Một cách khác nữa chính là ghé thăm các cửa hàng quần áo và thử nghiệm với những loại trang phục có sắc màu mà bạn ít khi sử dụng. Từ đấy, bạn sẽ bắt đầu có thêm nhận thức về việc lựa chọn quần áo theo ngày sao cho phù hợp nhất với tâm trạng. Dù ít dù nhiều, việc chú ý đến tâm lý màu sắc chắc chắn có thể tạo ra những tác động tích cực đến đời sống của mỗi người.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
Haphephobia: Ám ảnh “chạm tay một giây thôi là sợ nhau cả đời”
Căng thẳng buổi sáng – vừa thức dậy ta đã thấy bồn chồn là vì sao?
7 kênh podcast giúp bạn tìm hiểu về tâm lý
Thảo luận về bài viết