#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tường cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Nếu cây đào, mai là biểu tượng của Tết, những chiếc bao lì xì là niềm vui của những ngày đầu năm, pháo hoa là dấu hiệu thông báo một năm mới đã đến thì căn bếp chính là linh hồn của ngày Tết.
Tết của mọi nhà đều bắt đầu từ căn bếp nhỏ. Với đôi bàn tay khéo léo, mẹ thoăn thoắt trong bếp chuẩn bị những mâm cơm cầu kì để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, để cầu chúc cho cả nhà một năm mới no đủ.
Vì sao lại là từ căn bếp?
Ở Việt nam, lễ lạt vốn từ bếp mà ra. Bao nhiêu truyền thống, văn hoá của một đất nước đều được tô điểm từ căn bếp nhỏ của mẹ. Đó là những đĩa bánh trôi, bánh chay mềm mại trong Tết Hàn Thực, cũng có thể là món chay thanh đạm trong lễ Vu Lan. Đến cuối tháng chạp, mọi căn bếp trong nước lại cùng liu riu những đốm lửa nhỏ. Nhà thì thơm mùi canh măng nấu xương, nơi thì lại nghe thấy tiếng “lục bục” của nồi thịt kho đang sôi nhè nhẹ.
Bếp là nơi người ta lớn lên từ những thìa cháo bột đầu tiên, bếp cũng cũng là nơi bà dạy mẹ, mẹ lại truyền lại cho con gái những lễ nghĩa, truyền thống ẩm thực của đất nước. Mọi đứa trẻ đều lớn lên nhờ căn bếp và mọi mùa xuân cũng nhờ bữa ăn của mẹ mà càng trở nên trọn vẹn.
Người ta hay nói, muốn biết một căn nhà có vững chãi nhờ đôi bàn tay đàn ông không, hãy nhìn vào cánh cửa sắt liệu có được tra dầu; muốn biết một gia đình có hạnh phúc hay không, hãy nhìn xem liệu căn bếp có đem lại cảm giác ấm áp.
Khi Tết đến, xuân về, ai ai cũng đều bận rộn. Bố lo sửa và rửa lại chiếc xe, chỉnh lại dàn loa và dọn dẹp khoảng sân trước nhà. Con gái phụ trách mua sắm bánh kẹo, cố gắng vượt qua cơn ác mộng khi lau bộ bàn ghế gỗ trạm khảm. Anh trai bận rộn những ngày cuối năm để biếu bố mẹ được thêm một khoản tiền lo Tết, chỉnh nhà chỗ nọ, tu sửa tường chỗ kia.
Còn riêng mẹ, căn bếp là nơi mẹ đặt nhiều tâm huyết nhất. Mẹ lau dọn, kì cọ từng cái nồi, cái chén cho thật sạch, xếp lại tủ gia vị cho tinh tươm gọn gàng. Và rồi khắp bệ bếp, bàn ăn, tủ lạnh… đâu đâu cũng là những nguyên liệu tươi ngon để chuẩn bị cho cả gia đình những bữa ăn no đủ. Tình yêu của mẹ vốn rất nhỏ bé và đơn giản, gói gọn lại bằng câu “ăn thêm bát nữa đi, nhà còn nhiều đồ ăn lắm.”
Mẹ hay nói rằng, mâm cỗ ngày Tết thể hiện sự tinh tế, hài hoà của người phụ nữ. Một mâm cơm dù nhỏ thôi cũng phải đầy ắp màu sắc và ý nghĩa: Màu xanh của bánh chưng, màu đỏ tươi của xôi gấc, màu vàng ươm của canh măng, và chút sắc nhạt của đĩa thịt đông làm hài hoà cả mâm cỗ.
Nhìn cách mẹ bận rộn trong bếp, người ta có thể nhận ra phụ nữ Việt tinh tế và tỉ mỉ thế nào. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết,” một mâm cỗ đặt ở ngoài hàng có thể vẫn đẹp mắt và cầu kì, nhưng rõ ràng vì lo lắng về chất lượng, mẹ vẫn tự tay chuẩn bị tất cả. Để bên câu chuyện rôm rả khi tụ họp, mọi người vừa cười nói vừa được ăn ngon.
Sự tận tâm của mẹ được đặt vào bát canh bóng cầu kì với đủ thứ nguyên liệu mà nước vẫn trong suốt, đĩa dưa muối được tận tay mẹ chọn từng củ kiệu nhành cải, cẩn thận ngâm từ tận nửa tháng trước. Bao nhiêu công sức đó, chỉ để tạo nên sợi dây gắn kết giữa nhiều thế hệ, biểu đạt ý nghĩa sâu sắc của 2 tiếng “yêu thương” và “gia đình.” Sâu thẳm hơn nữa, bữa cơm này còn dùng để lấp đầy sự nhớ thương của mẹ, khi 1 năm dài phía trước mỗi người đều như cánh chim mải miết bay xa, đến những ngày cuối năm mới quay về tổ.
Thương cho những người phụ nữ ngày Tết…
Nhưng chính bởi những mỹ từ dành cho mẹ và căn bếp nhiều như vậy, người ta bắt đầu suy nghĩ xem liệu có phải xã hội đang cố dùng những câu chữ hoa mỹ để có thể trói buộc phụ nữ vào căn bếp cả cuộc đời, siết cho sợi dây ràng buộc đó trở nên chặt hơn vào những dịp lễ Tết. Rõ ràng đây là thời gian để nghỉ ngơi, nhưng mẹ lại bận rộn quay qua quay lại không phút nào ngừng tay.
Dù được chỉ dạy và hướng dẫn từ bé, nhiều cô gái vẫn không khỏi cảm thấy cơm nước dịp lễ Tết là một loại cực hình. Con cháu qua thăm phải làm cơm đãi, khách khứa ăn xong thì lại dọn dẹp lau rửa, sắp xếp lại tủ lạnh rồi chuẩn bị cho bữa ăn tiếp theo. Ấy vậy mà khi dặn mẹ làm ít món thôi, mấy ngày này mọi người gặp nhau vui vẻ là chủ yếu, món này món kia mình đừng làm nữa mẹ lại cười trừ. Thi thoảng, mẹ sẽ cất tiếng càm ràm cho có, nhưng đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt cuốn từng chiếc nem.
Trong bếp vốn toàn là việc lắt nhắt không tên, nhưng lại đi kèm với vô vàn gánh nặng. Dù là thành thị hay nông thôn, dù mẹ đang đi làm hay đã bước sang tuổi nghỉ hưu, hãy yêu thương hơn những người phụ nữ của gia đình – như cách họ quan tâm đến mỗi người.
Mẹ là người giữ cho lửa cháy mỗi ngày, cũng là người sưởi ấm cho cả căn nhà. Tuy nhiên hơi ấm đó không thể được duy trì nếu chỉ có một bàn tay lưu giữ. Căn bếp có thể trở nên rộn ràng hơn, công việc cũng có thể trở nên nhẹ nhàng hơn nếu nồi xôi có ba đồ cùng, chồng bát đĩa có anh trai cùng dọn dẹp. Và cứ như thế, tiếng cười nói sẽ vang cả căn nhà. Nụ cười mãn nguyện khi đó của mẹ cũng sẽ trở nên ấm áp hơn bất cứ ngọn lửa bập bùng nào.
Kết
Xét cho cùng, sẽ chả có gì trọn vẹn bằng một cái Tết đoàn viên, chẳng có gì bình yên bằng cả nhà tụ họp. Thời tiết tháng giêng có thể lạnh buốt hoặc hoặc hửng nắng dịu dàng, mưa xuân có thể nhẹ nhàng rơi hoặc không, nhưng sự êm ấm bắt nguồn từ căn bếp của mẹ sẽ chả bao giờ thay đổi.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- “Designer” vẽ bảng hiệu quảng cáo ở Sài Gòn trước năm 1975 như thế nào?
- “Mèo thông thái” Cheshire và 6 sự thật sâu sắc trong cuộc sống
- 22 sự thật “đắng lòng” về cuộc đời sẽ khiến bạn phải ngẫm lại