Khai mạc vào ngày 09.01, triển lãm Thẩm/Thấu, Thưởng – sự kiện trưng bày tác phẩm với sự hợp tác của đơn vị VietnamColor và phòng tranh Gallery Medium, là một không gian nghệ thuật độc đáo; nơi nghệ thuật đương đại và di sản văn hóa Việt Nam hòa quyện, tạo nên những cảm xúc mới mẻ và sâu lắng trong dịp Tết đến xuân về.
Được tổ chức vào thời điểm cận Tết Ất Tỵ 2025,triển lãm Thẩm/Thấu, Thưởng mang ý nghĩa đặc biệt khi gợi nhớ về những giá trị truyền thống, sự kết nối giữa con người và thiên nhiên; đồng thời mở ra không gian để chiêm nghiệm những điều mới mẻ trong năm mới.
Tổng quan về triển lãm
Trưng bày gần 50 tác phẩm nghệ thuật của 3 nghệ sĩ:HuongColor, Nguyễn Quốc Huy và Trần Nam Tước,Thẩm/Thấu, Thưởng mang đến một không gian nghệ thuật giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, khắc hoạ hình ảnh ngày Tết qua nhiều góc độ sáng tạo độc đáo:
- Anh Nguyễn Quốc Huy khơi nguồn cảm hứng từ sự giao thoa giữa đất, nước, và lửa để tạo nên những tác phẩm gốm trừu tượng độc đáo, mang đậm chất cá nhân.
- Anh Trần Nam Tước để lại dấu ấn bằng những thử nghiệm mới mẻ với bút pháp riêng trên chất liệu gốm, tôn vinh tinh thần thủ công qua từng tác phẩm.
- Trong khi đó, chị HuongColor mang tới chuỗi tác phẩm với chủ đề Thời khắc | In Time, bao gồm tranh màu nước trên lụa thô, sơn dầu trên toan, và các sắp đặt đa chất liệu. Những sáng tạo này tái hiện hình ảnh phượng hoàng như một biểu tượng của tái sinh, đan xen nét truyền thống và hơi thở đương đại.
Với sự kết hợp của nhiều chất liệu như gốm, lụa, giấy chuối, acrylic, và sơn dầu, Thẩm/Thấu, Thưởng vẽ nên một bức tranh ngày Tết vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Không gian triển lãm trở thành nơi hội tụ của thanh âm, sắc màu, và cảm xúc – nơi mùa xuân hiện lên rực rỡ, tràn đầy sức sống; gieo hy vọng và niềm tin cho một năm mới an lành, đủ đầy.
Không chỉ dừng lại ở việc thưởng lãm, trong suốt 2 tuần vừa qua,Thẩm/Thấu, Thưởng đã mở ra trải nghiệm đa chiều thông qua các buổi art talk và workshop; nơi công chúng có cơ hội tương tác trực tiếp với tác giả và tác phẩm. Đây là dịp để khám phá hành trình sáng tác, hiểu sâu hơn về các giá trị ẩn chứa trong từng chất liệu, đồng thời cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của nghệ thuật trong việc tái hiện hồn Tết Việt.
Một số tác phẩm nổi bật tại Thẩm/Thấu, Thưởng
1. Thời Khắc | Phượng Hoàng của HuongColor
Nằm trong bộ sự tập Thời khắc | In Time, bức hoạ mang tên Thời Khắc | Phượng Hoàng là một biểu tượng của sự tái sinh, gắn liền với sự phục hưng trong tâm hồn và hành trình tìm kiếm bản thể. Với tông màu vàng chủ đạo kết hợp sắc đỏ mạnh mẽ của đôi cánh con chim Phượng Hoàng, bức tranh gợi lên sức sống mãnh liệt và năng lượng tích cực.
Phượng Hoàng – biểu tượng của sự vươn lên từ tro tàn – như muốn truyền tải thông điệp về hy vọng và sự thăng hoa sau những thử thách của cuộc sống.
Nhìn kỹ vào cách xử lý màu sắc và chuyển động của nét cọ, tác phẩm không chỉ là một bức tranh mà còn là một câu chuyện về sự hòa hợp giữa âm và dương, giữa sự tĩnh lặng và năng động. Đây là minh chứng rõ ràng về sự giao thoa của cảm xúc và sáng tạo, nơi mỗi đường nét, mảng màu không chỉ đơn thuần là kỹ thuật mà còn là sự thăng hoa của tâm hồn người nghệ sĩ.
2. Năm Tỵ của Nguyễn Quốc Huy
Đương nhiên, nói đến không khí Ất Tỵ 2025 thì không thể không kể đến những tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Huy, với hình tượng con rắn làm chủ đạo trên các bình gốm và tranh có mặt tại triển lãm Thẩm/Thấu, Thưởng. Một trong số đó phải kể đếnNăm Tỵ.
Con rắn trong văn hóa phương Đông không chỉ mang ý nghĩa huyền bí, mà còn là biểu tượng của sự thông minh, nhạy bén và khả năng thích nghi. Trong Năm Tỵ, hình tượng này được nghệ sĩ chuyển hóa thành một tác phẩm gốm giàu tính triết lý. Các đường nét uốn lượn sắc sảo nhưng không kém phần uyển chuyển khiến người xem liên tưởng đến sự linh hoạt, sự kết nối giữa tự nhiên và con người, cũng như những chu kỳ đổi thay không ngừng của cuộc đời.
Chất liệu gốm, kết hợp với men mangan và thủy tinh rắc, mang đến cho tác phẩm một hiệu ứng thị giác độc đáo. Những mảng màu sắc và bề mặt nhấp nhô không chỉ tái hiện được cấu trúc mềm mại nhưng đầy sức sống của con rắn, mà còn tạo ra cảm giác về sự chuyển động liên tục – tượng trưng cho sự biến hóa và dòng chảy của cuộc sống. Chất liệu gốm bền vững giúp nhấn mạnh yếu tố thời gian, khẳng định sự trường tồn của nghệ thuật trong bối cảnh không gian và văn hóa.
Với bố cục tập trung và màu sắc chủ đạo là tông vàng-đen cùng các chi tiết men thủy tinh xanh, tác phẩm vừa mang hơi hướng tối giản nhưng lại chứa đựng sự sâu sắc trong từng đường nét. Đây không chỉ là một bức tượng rắn mà còn là một câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ hình ảnh và chất liệu, gợi mở những suy nghĩ về sự trường tồn, sự tái sinh và mối liên kết giữa nghệ thuật và cuộc sống.
3. Chuối Cá của Trần Nam Tước
Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của nghệ sĩ Trần Nam Tước tại Thẩm/Thấu, Thưởng mang một sắc thái hóm hỉnh, triết lý và đầy tính hiện thực. Hình ảnh con cá, lá chuối và những chi tiết phức tạp được khắc họa trên chất liệu gốm tạo nên một bức tranh 3 chiều sống động.Bề mặt lá chuối mang dấu ấn của thời gian, kết hợp với lớp men “mộc miên” – loại men độc đáo được chế tác thủ công – đã làm nổi bật sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Câu chuyện về “kiến ăn cá, cá ăn kiến” được lồng ghép tinh tế qua kỹ thuật điêu khắc tỉ mỉ, vừa mang tính biểu tượng vừa gợi nhắc về sự châm biếm trong cuộc sống – một vòng lặp bất tận của tham vọng.
Chuối Cá là một lời nhắn gửi đầy hài hước của Trần Nam Tước về sự “chuối” trong cuộc đời, khi con người luôn khao khát những điều không thể và mắc kẹt trong chính những mưu toan của mình. Tác phẩm này, với sự pha trộn hoàn hảo giữa kỹ thuật và ý tưởng, như một lời nhắc rằng cuộc sống đôi khi đơn giản chỉ là một giấc mơ kỳ ảo, đầy thú vị nhưng cũng lắm điều ngẫm nghĩ.
Đôi nét về những tác giả
1. HuongColor
Sinh năm 1974, nghệ sĩ/nhà thiết kế HuongColor đã dành gần 30 năm nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực màu sắc, thiết kế và sáng tạo nghệ thuật. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam năm 1996, con đường sự nghiệp của cô gắn liền với vai trò giám đốc sáng tạo, người sáng lập nhiều tuần lễ thời trang lớn ở Việt nam; cũng như ban giám khảo của các cuộc thi sáng tạo và thiết kế, tham gia nhiều triển lãm và dự án nghệ thuật với vai trò đạo diễn, nhà sản xuất và nghệ sĩ.
Cô từng tham gia triển lãm đôi TRẮNG cùng nghệ sĩ Thu Tran tại Hakio Let’s Art năm 2022. Triển lãm cá nhân Heure Bleue tổ chức tại G Studio TP. HCM năm 2023, và tham gia triển lãm nhóm ĐI & VỀ, ĐI tổ chức tại Indochine House Hà Nội 2024.
2. Nguyễn Quốc Huy
Sinh năm 1963, Nguyễn Quốc Huy là hoạ sĩ đồ họa nổi bật với phong cách sáng tạo độc đáo, kết hợp giữa màu sắc và chất liệu gốm nung. Anh bắt đầu hành trình nghệ thuật từ năm 1986, khi thực tập tại làng gốm Phù Lãng, và tiếp tục học hỏi từ các nghệ nhân Bát Tràng cho đến hiện tại.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam, anh từng đạt giải 3 Triển lãm Thiết kế Tem Hồ Chí Minh (1988), tham gia nhiều triển lãm nghệ thuật trong nước và ghi dấu ấn với các tác phẩm thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và sáng tạo cá nhân. Có thể kể đến là: Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (1988), triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (1990), triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng (2022), triển lãm nhóm ĐI & VỀ, ĐI (2024), và các triển lãm gốm của Hội Mỹ Thuật Việt Nam (2021 – 2024).
3. Trần Nam Tước
Sinh năm 1974, anh được biết đến là một người thợ đa ngành nhiều nghề, nhưng nổi bật hơn cả là gốm. Trong sự nghiệp lao động của mình, Trần Nam Tước đã giành được nhiều giải thưởng: Giải nhất nghề Gốm Cup 1000 năm Thăng Long năm 2010, Giải Văn học Việt Nam năm 2018, Giải nhất Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2019, Nghệ nhân Ưu Tú năm 2020 cùng nhiều giải thưởng gốm khác trong nước.
Với hơn 3 thập kỷ lao động trong nghề gốm, Trần Nam Tước đã có triển lãm cá nhân, như: Linh thú thời nay tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2023, hay Nam Tước hồn của đất 2024 tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Anh cũng tham gia các triển lãm nhóm và thực hiện nhiều công trình trùng tu tôn tạo trên khắp mọi miền tổ quốc.
Những tác phẩm của anh mang đậm dấu ấn cá nhân, là sự kết hợp giữa văn hóa dân gian và tiếp biến những đường nét người xưa luôn đồng hành cùng các làng nghề truyền thống.
Một số thông tin về triển lãm Thẩm/Thấu, Thưởng:
- Địa điểm: Gallery Medium, Số 240B, đường Pasteur, Phường 6, Quận 3.
- Thời gian trưng bày: 09.01 – 23.01.2025
- Giờ mở cửa: 10:00 – 18:00
- Vào cửa tự do.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Trưng bày “100 Năm Sơn Mài” đánh dấu 1 thế kỷ tồn tại của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
- “Thâm cung bí sử” về trang phục đón tết Nguyên đán các nước
- Bạn biết gì về âm thanh trắng, hồng, và nâu trong cuộc sống?