Chúng ta có ti tỉ chứng nghiện – nghiện rượu, nghiện đồ ngọt, nghiện cà phê, nghiện game, nghiện mua sắm, … nhưng có cái gì gọi là nghiện thông tin không?
Nghiện thông tin được hiểu là khi chúng ta chủ động đi tìm kiếm thông tin mặc dù biết rõ nó có thể có hại hoặc không quan tâm nó có hữu ích hay không, ví dụ như những người cứ vài phút lại check mạng xã hội, vài giờ lại dạo một lượt các trang tin tức vậy.
Theo như nghiên cứu Common neural code for reward and information value do nhóm tác giả trường Kinh doanh Haas thuộc Viện Đại học California–Berkeley (UC Berkeley’s Haas School of Business) thực hiện, thông tin cũng có thể ảnh hưởng lên não bộ như chất kích thích. Việc tiếp nhận thông tin – dù không cần thiết hay có hại – khiến chúng ta cảm thấy hung phấn, thỏa mãn, nói chung là ‘phê’ không kém giây phút một con nghiện trà sữa nhận dòng thông báo ‘Đơn hàng đang đến chỗ bạn’ sau một tháng không có giọt trà sữa nào vào người.
Nhà kinh tế học thần kinh Ming Hsu (trường Kinh doanh Haas thuộc Viện Đại học California–Berkeley) cho biết, “Đối với não bộ, bản thân việc tiếp nhận thông tin đã là một phần thưởng to lớn hơn cả giá trị hữu ích mà thông tin đó mang lại. Tương tự như cách bộ não của chúng ta yêu thích lượng calories rỗng từ đồ ăn vặt, nó cũng có xu hướng đánh giá quá cao những thông tin không hữu ích nhưng đem lại cảm giác thỏa mãn – có thể gọi đây là hiện tượng ‘rảnh rỗi sinh hiếu kỳ’.”
Ming Hsu cùng đồng nghiệp là nhà thần kinh học Kenji Kobayashi đã tiến hành phân tích ảnh fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng) não bộ của 37 tình nguyện viên trong lúc họ đang tiến hành hành động định giá thông tin trong một trò cá cược – quyết định về số tiền mình phải trả để nắm được thông tin về tỷ lệ ăn của một loạt game xổ số trước khi lựa chọn có tham gia chơi hay không.
Nhìn chung, các tình nguyện viên có xu hướng đánh giá quá cao những thông tin phụ không bổ ích mà họ chỉ cần trả tiền để có được. Các game xổ số có rủi ro càng lớn sẽ càng kích thích sự tò mò – các tình nguyện viên sẵn lòng hơn trong việc chi trả để biết trước thông tin về tỷ lệ ăn, ngay cả khi họ không dùng đến thông tin này để giúp ra quyết định sau cùng về việc tham gia chơi xổ số.
Dưới góc nhìn kinh tế, tò mò là một công cụ giúp con người thu nhận những thông tin hữu ích. Còn theo quan điểm tâm lý học, tò mò là một hành vi có tính chất bẩm sinh; con người tò mò theo cách rất bản năng, về rất nhiều thứ, bất chấp sự tò mò đó có mang lại giá trị hữu ích nào không. Nghiên cứu của Hsu và Kobayashi được thực hiện nhằm tìm câu trả lời cho hai câu hỏi: Liệu chúng ta có thể dung hòa các quan điểm kinh tế và tâm lý học về sự tò mò hay không, và sự tò mò sẽ diễn ra như thế nào trong não bộ.
Cả hai quan điểm kinh tế và tâm lý học về sự tò mò đều xuất hiện trong nghiên cứu của nhóm tác giả. Xu hướng đánh giá quá cao về giá trị thông tin của các tình nguyện viên trong thí nghiệm cũng tương tự như khi chúng ta bỏ thời gian tìm hiểu tỷ lệ cược của một trận bóng mình không định tham gia cá độ, hay khi muốn biết rằng mình có nhận được offer của công ty XX hay không cho dù chắc chắn sẽ từ chối nếu có.
Dữ liệu fMRI mà nhóm tác giả thu thập được trong thí nghiệm cho thấy sự liên quan giữa tò mò và hoạt động định giá. Cụ thể, thông tin về tỷ lệ ăn xổ số kích thích hoạt động tại thể vân và vỏ não trước trán (VMPFC) – đây cũng là những bộ phận não có liên quan đến các hoạt động định giá.
Tiếp đó, thông qua phân tích học máy, nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng, những ‘mã thần kinh’ (neural code) não bộ dùng để đánh giá tỷ lệ ăn xổ số cũng là những mã được dùng để đánh giá các dạng phần thưởng tài chính. Nói cách khác, đó là minh chứng cho thấy bộ não con người có khả năng quy đổi thông tin thành những giá trị cụ thể, ví dụ như tiền.
Kết quả từ nghiên cứu này phù hợp với kết quả từ các nghiên cứu trên động vật trước đây – rằng với não bộ thì bản thân thông tin đã là một phần thưởng, ngay cả khi nó không mang lại lợi ích hữu hình nào. Nhưng nghiên cứu mới cũng có một bước tiến trong việc tìm ra mối liên hệ giữa hành vi định giá và sự tò mò.
Lần đầu tiên, chúng tôi đã có thể chứng minh sự tồn tại của một mã thần kinh chung của thông tin và tiền bạc. Phát hiện này mở ra nhiều thắc mắc thú vị khác về cách mọi người tiêu thụ thông tin và những trường hợp tiêu thụ quá đến độ nghiện thông tin.
Ming Hsu
Xem thêm: Những thói quen khi sử dụng điện thoại di động của chúng ta ảnh hưởng người khác thế nào?
Hiểu được cách não bộ phản ứng với thông tin là một việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngày nay khi chỉ với một cú click chuột hay một cái vuốt tay, chúng ta có thể truy cập được lượng thông tin không giới hạn. Biết được lý do vì sao có những người lại nghiện thông tin một cách thái quá giúp giải thích rất nhiều điều khó hiểu, chẳng hạn như sức hấp dẫn khó chối từ của tiếng thông báo tin nhắn hay từ những drama được chia sẻ nhan nhản khắp nơi nhưng chẳng chút liên quan đến mình.
Xem thêm:
Doomscroll: Thói quen dìm mình trong tin buồn
Sống sót trong thời đại quá tải thông tin
Thảo luận về bài viết