Thỉnh thoảng, sau khi thu nhận kiến thức hoặc thông tin gì mới, bạn mới chợt vỡ lẽ “Ơ thì ra nó là thế này, vậy thì mình đã biết từ lâu rồi!”. Nhưng sự thật có phải vậy không?
Hiện tượng tưởng–gì–chứ–thế–thì nói trên là một thiên lệch nhận thức khá phổ biến, thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias). Nó khiến chúng ta đánh giá quá cao về khả năng dự đoán của mình, biến một sự kiện bất kỳ trở nên dễ đoán định hơn so với thực tế. Thiên lệch nhận thức muộn gây ra những tác động lớn cho niềm tin bên trong và cả những hành vi thể hiện ra bên ngoài của con người.
Thế nào là thiên lệch nhận thức muộn?
Trước khi đi vào định nghĩa, hãy xem thử những kết quả nghiên cứu sau:
Báo cáo gần đây của Đại học Harvard về khả năng học tập và tiếp thu kiến thức mới cho thấy, càng lớn tuổi, con người ta càng có xu hướng bám giữ những quan niệm cũ. Họ gặp khó khăn trong việc cởi mở để tiếp nhận những thông tin mới, đặc biệt nếu chúng đối lập với những gì họ tin tưởng từ lâu. Đây là một sự thật khá… hiển nhiên. Người già thường bảo thủ, điều đó ai cũng thấy.
Tuy nhiên, nghiên cứu của các giáo sư khoa Tâm lý Đại học Alberta lại cho ra một kết quả trái ngược: người lớn tuổi là nhóm đối tượng học tập rất nhanh bởi họ sở hữu kho kiến thức và vốn trải nghiệm lớn hơn một thanh niên vừa “nứt mắt ra đời”. Nhận định này không sai chút nào. Thực tế, chúng ta cũng đã chứng kiến không ít trường hợp người thật việc thật như thế còn gì.
Khoan đã, vậy thế nào mới đúng? Tre già khó uốn, hay người lớn tuổi mới là những người có năng lực tiếp thu cao?
Thực ra, cả hai nghiên cứu trên… đều không có thật. Khi biết được điều gì mới, bộ não có xu hướng nhanh chóng “quên đi” những kiến thức, những ý kiến cũ nhằm để chúng ta thoải mái với cảm giác mình luôn đúng, dẫn đến ngộ nhận rằng mọi thứ thật ra dễ đoán hơn so với thực tế.
“Báo cáo của Đại học Harvard” khiến không ít người thốt lên “Tôi biết ngay mà!”, vì nó làm họ nhớ đến trải nghiệm với những người lớn tuổi khó khăn, bảo thủ. Tương tự, “kết quả nghiên cứu của Đại học Alberta” gợi nhắc đến những “sinh viên” 70–80 tuổi vẫn đều đặn lên giảng đường học tập. Những sự kiện đơn lẻ này có thể phần nào giúp chúng ta đưa ra dự đoán kiểu “người già cứng nhắc” hay “lớn tuổi cũng học được”, nhưng cuối cùng thì chúng cũng chỉ mãi là dự đoán cho đến khi gặp điều kiện thích hợp – ví dụ như những kết quả nghiên cứu bịa ra phía trên – để có thể trở thành sự thật hiển nhiên.
Thiên lệch nhận thức muộn làm đơn giản hóa quá trình từ nguyên nhân đến kết quả. Thực tế, không có cách nào để biết được điều gì sẽ xảy đến, dù cho chúng ta có đưa ra bao nhiêu dự đoán đi chăng nữa. Nhưng thiên lệch nhận thức muộn lại khiến chúng ta tin rằng mình biết trước kết quả rồi. Hiện tượng này có thể được bắt gặp trong rất nhiều tình huống thuộc các lĩnh vực đời sống khác nhau.
Ví dụ trong tài chính, áp lực về thời gian mua–bán cổ phiếu để tối đa hóa lợi nhuận thường khiến nhiều người cảm thấy tiếc vì đã không nhận ra những “dấu hiệu” sớm hơn, cho dù chúng đơn thuần là sự kiện ngẫu nhiên không lường trước được. Thiên lệch nhận thức muộn cũng xảy ra trong các đợt khủng hoảng. Sau bong bóng DotCom (cuối những năm 1990s) và Đại Suy thoái (2008), nhiều chuyên gia và nhà phân tích đã ra sức chứng minh những sự kiện bình thường ở thời điểm trước đó thực ra chính là “điềm báo” cho khủng hoảng trong tương lai.
Chính trị là một lĩnh vực nữa thường xuất hiện thiên lệch nhận thức muộn. Năm 1991, hai nhà nghiên cứu Martin Bolt và John Brink đã yêu cầu các sinh viên dự đoán tỉ lệ bầu chọn của Thượng nghị viện Hoa Kỳ cho ứng cử viên Clarence Thomas thuộc Tòa án Tối cao. Trước bầu cử, có 58% đoán rằng Thượng nghị viện sẽ phê chọn Thomas. Kết quả công bố Clarence Thomas được chấp thuận, và có 78% cho biết họ đã nghĩ đến điều này trước đây.
Học sinh–sinh viên cũng là nhóm hay gặp phải thiên lệch nhận thức muộn trong quá trình học tập. Các thông tin trong sách giáo khoa hay tài liệu tham khảo có vẻ như khá dễ đoán. Nhiều người đắc chí vì nhận ra điều mình đã rõ như ban ngày sau khi đọc được một nghiên cứu bất kỳ. Những ngộ nhận này đều khá “đắt đỏ” khi cái giá phải trả là những lỗ hổng kiến thức và nguy cơ trượt kỳ thi cao vì mặc định rằng mình đã biết tất cả.
Vì đâu chúng ta lại đánh giá cao năng lực phán đoán của mình?
Có 3 yếu tố chủ chốt góp phần hình thành khuynh hướng cho rằng mọi thứ dễ đoán hơn so với thực tế.
Đầu tiên là hiện tượng bóp méo trí nhớ, khi chúng ta nhớ nhầm những dự đoán và những suy nghĩ trước đây của mình về một sự việc nhất định. Trở lại ví dụ nghiên cứu giả ở đầu bài. Thực tế, bạn có thể đã có trải nghiệm với những dẫn chứng của cả hai nhận định “người già bảo thủ” và “người già dễ học hỏi”. Nhưng khi đứng trước một trong hai ý kiến, bạn chọn lọc để nhớ lại những dữ kiện nào có lợi cho ý kiến đó mà thôi, dẫn đến việc cho rằng mình đã biết trước điều này từ lâu.
Tiếp theo là khuynh hướng tin vào tính không thể tránh khỏi của sự việc, từ đó cố gắng tạo ra câu chuyện hợp lý để dẫn dắt đến kết quả đã xảy ra. Ví dụ, khi đội bóng yêu thích thua trận, bạn sẽ bắt đầu đi tìm kiếm nguyên nhân của thất bại ngày hôm nay bằng cách nhìn lại những sự việc đã xảy ra trong thời gian trước đó, mặc dù phần lớn những “dấu hiệu” này thực chất chẳng liên quan gì đến kết quả cả.
Cuối cùng là mặc định của chúng ta về khả năng tiên đoán của bản thân. Vì câu chuyện (giả) của bạn chỉ bao gồm những dữ kiện bị bóp méo hoặc đã được chọn lọc, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ thấy nó vô cùng đơn giản, vô cùng dễ đoán, và đáng lý ra phải được nhìn thấy trước ngay từ đầu.
Kết
Theo nhà tâm lý học Rüdiger Pohl thì thiên kiến này có thể được xem như “hàng đính kèm” của khả năng học hỏi thích ứng (adaptive learning) – một trong những kỹ năng quan trọng về mặt tiến hóa của con người. Chúng ta luôn có nhu cầu nhìn nhận lại con người cũ và “kể lại” câu chuyện mới phù hợp hơn với con người trong hiện tại. Một khi đã tiếp nhận những kiến thức mới thì những sai lầm từng mắc phải hay những thông tin cũ đã lạc hậu sẽ trở nên thừa thãi và lập tức bị xóa khỏi bộ nhớ – một cách để tâm trí tự thanh lọc chính nó.
Quá trình detox này giúp ngăn chặn tình trạng quá tải của bộ nhớ, góp phần duy trì hoạt động nhận thức bình thường. Ý nghĩa của adaptive learning đối với sự phát triển của con người là không bàn cãi, thế nhưng “phụ phẩm” của quá trình này lại có phần nguy hiểm.
Thiên lệch nhận thức muộn có thể làm chúng ta trở nên tự tin thái quá, và tự tin thái quá dễ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Việc chọn lọc thông tin khiến chúng ta dễ đưa ra những quyết định sai lầm khi chỉ dựa trên những thứ mình đang biết, bỏ qua những gì mình đã biết, trong khi cái đang biết cũng chưa hẳn đã chính xác.
Cách hiệu quả để chống lại hiện tượng này, đó là cân nhắc điều ngược lại và những khả năng khác – tức những thứ mặc dù có thể xảy ra nhưng đã không xảy ra. Bằng cách này, chúng ta buộc phải rà soát tất cả những dữ kiện mình có chứ không chỉ chọn lọc những gì mình cho là phù hợp và vứt hết những thứ còn lại. Từ đó, chúng ta sẽ có được góc nhìn cân bằng hơn về những gì đã xảy ra trước khi quyết định hành động.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chúng ta biết gì về những lời nói dối?
Vì sao có những người không bao giờ chịu nhận lỗi?
Hiệu ứng Benjamin Franklin – Tranh thủ cảm tình của người khác bằng cách nhờ họ giúp đỡ
Thảo luận về bài viết