#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
“Không có bữa trưa nào miễn phí” là một ví dụ đơn giản cho tình huống tổng bằng không (zero-sum) trong lý thuyết trò chơi — khi những gì một người thắng được sẽ bằng đúng số thua lỗ của những người chơi khác, sao cho khi cộng phần được và mất lại thì ta sẽ được số tổng bằng không (zero).
Thế nào là thiên kiến tổng bằng không (zero-sum bias)?
Từ lý thuyết trên, không ít người nảy sinh lối tư duy tổng bằng không — một thiên kiến nhận thức cho rằng mọi thứ trên đời đều là đánh đổi, được cái này chắc chắn sẽ mất cái kia, không thể có trường hợp hai bên cùng thắng (được) hoặc cùng thua (mất).
Thiên kiến tổng bằng không khuyến khích niềm tin vào bản chất đối kháng của các mối quan hệ xã hội — khi một người đạt được thứ gì đó thì người khác phải mất đi một thứ tương đương. Nhìn chung, nó có thể gây ảnh hưởng trên hai quy mô:
Cá nhân — Mọi người lầm tưởng rằng có sự cạnh tranh trong nội bộ nhóm (giữa họ và các thành viên khác) đối với một nguồn lực nhất định.
Xã hội — Mọi người lầm tưởng rằng có sự cạnh tranh giữa nhóm của họ và các nhóm khác đối với một nguồn lực nhất định.
Thiên kiến này có thể dẫn đến việc mọi người ra sức cạnh tranh để được hưởng lợi từ một nguồn tài nguyên mà họ cho rằng đang bị hạn chế, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại — ví dụ như hiện tượng tìm mọi cách để mua được lương thực, hàng hóa trong siêu thị trước khi giãn cách xã hội vì COVID-19.
Tất nhiên, cuộc sống vẫn tồn tại những tình huống zero-sum — khi cái được của một người trực tiếp cân bằng với cái mất của một hoặc nhiều người khác. Vấn đề ở đây là thiên kiến này khiến chúng ta có xu hướng nhìn nhận, đánh giá, và diễn giải các tình huống khác nhau theo lý thuyết tổng bằng không, trong khi bản chất thực tế của tình huống không phải như vậy.
Một số ví dụ của thiên kiến tổng bằng không
Người tiêu dùng thường có xu hướng nhìn nhận và đánh giá sản phẩm theo tư duy zero-sum. Họ cho rằng nếu món hàng vượt trội ở khía cạnh này thì chắc chắn phải kém hơn ở ít nhất một khía cạnh khác — kiểu như điện thoại mượt chắc nhanh hết pin, mấy món thân thiện với môi trường thì mau hư lắm,…
Thiên kiến này còn bóp méo nhận định của chúng ta khi thực hiện các giao dịch và trao đổi, cụ thể là sẽ luôn có một người ‘được’ nhiều hơn từ giao dịch này ngay cả trong những tình huống mà cả hai bên đều hưởng lợi ở mức độ ngang nhau, theo những cách khác nhau. Ví dụ, khi ai đó bán cho bạn một dịch vụ hay một sản phẩm, thì bạn tin rằng họ được ích lợi nhiều hơn (lợi nhuận, tiền thưởng, cơ hội thăng tiến,…) còn bạn là người chịu thua thiệt (mất tiền, tốn diện tích lưu trữ,…).
Thiên kiến tổng bằng không còn tồn tại trong các mối quan hệ xã hội. Một số người lớn hay nói đùa với trẻ con rằng “Có em bé thì ba mẹ sẽ thương em hơn, còn đứa lớn bị ra rìa.” Câu nói này dễ khiến các em nhận định sai lầm rằng tình yêu thương của ba mẹ là thứ luôn ‘dịch chuyển’ — đứa này được thương đồng nghĩa với việc (những) đứa còn lại sẽ bị bỏ mặc — trong khi sự thật thì tình yêu là một nguồn lực không bị hạn chế, khác với những thứ như thời gian (một ngày chỉ có 24 tiếng) hoặc tiền bạc.
Ngoài ra, thiên kiến tổng bằng không còn có thể ảnh hưởng đến tư duy của chúng ta trên quy mô lớn hơn, ví dụ:
– Trở thành thành viên của một nhóm xã hội nào đó là tình huống tổng bằng không — nếu đã là người của nhóm này tức sẽ không phải là người của nhóm kia. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tư tưởng phân biệt giới, phân biệt chủng tộc.
– Phân chia giai cấp và thứ bậc theo giới tính ở nơi làm việc là tình huống tổng bằng không, dẫn đến việc phản đối những nỗ lực và chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường công sở, vì cho rằng quyền lợi thêm vào của phái nữ có liên quan trực tiếp đến việc mất đi quyền lợi tương đương ở nam giới.
– Cạnh tranh tổng bằng không giữa những chủng tộc, dân tộc khác nhau, khiến nhiều người có thái độ thù ghét với cộng đồng dân nhập cư, cả hợp pháp và không hợp pháp.
– Phân biệt chủng tộc và nhận định sai lầm tổng bằng không — khi mọi người tin rằng nếu mức độ phân biệt đối với một nhóm giảm đi thì sẽ có sự tăng lên ở một (hoặc nhiều) nhóm khác để cân bằng.
Vì sao chúng ta rơi vào thiên kiến tổng bằng không
Nhìn nhận khách quan, thì tư duy tổng bằng không được đánh giá là một sự thích nghi có liên quan về mặt tiến hóa của con người. Nguyên nhân là do trong suốt quá trình hình thành và phát triển, phần lớn các nguồn lực quan trọng đều rất hạn chế. Do đó, tư duy này cần thiết bởi chúng khuyến khích con người nỗ lực cạnh tranh để sinh tồn. Tuy nhiên, xã hội hiện đại đã góp phần làm thay đổi bản chất của một số tình huống nhất định. Nếu không cẩn trọng, chúng ta rất dễ rơi vào lối tư duy zero-sum.
Tin vào nguồn lực hạn chế
Mọi người thường cho rằng một nguồn tài nguyên nào đó bị hạn chế hơn so với thực tế. Ví dụ, ý tưởng về lực lượng lao động cố định được phân phối trong nền kinh tế. Do đó, càng nhiều người gia nhập vào thị trường việc làm đồng nghĩa với việc càng nhiều ‘người cũ’ phải chịu cảnh thất nghiệp.
Tin tưởng vào sự đánh đổi
Khi chúng ta đánh giá mức độ hấp dẫn của các lựa chọn khác nhau trong một tập hợp lựa chọn nhất định, ta thường đưa ra các suy luận bù trừ về ưu-khuyết điểm của mỗi quyết định, sao cho tất cả đều được cân bằng về tổng thể. Kiểu suy luận này dễ khiến chúng ta đánh giá thấp phần ưu điểm của các lựa chọn tốt hơn vì cho rằng ưu điểm này đã được cân bằng bởi các nhược điểm vô hình; hoặc bỏ qua mặt tác hại của các lựa chọn kém hơn vì cho rằng hẳn phải có những lợi ích tiềm ẩn khác để phù hợp với suy luận tổng bằng không.
Xu hướng tương quan
Một số trường hợp trao đổi hoặc vấn đề nhất định có xu hướng tương quan, dẫn đến niềm tin rằng mối tương quan này tồn tại ngay cả trong những trường hợp không có. Ví dụ, chúng ta thường cho rằng nếu thiết bị điện tử có hiệu suất vượt trội thì nó thường có tuổi thọ pin kém hoặc tiêu tốn nhiều năng lượng điện, vì hai đặc điểm này thường tương quan với nhau.
Kinh nghiệm sẵn có
Một số trường hợp rơi vào bẫy tư duy này vì đã từng trải nghiệm những tình huống tương tự trong quá khứ, chỉ khác là khi ấy chúng thật sự là những tình huống tổng bằng không. Ví dụ, những người đã từng sống trong hoàn cảnh khan hiếm tài nguyên có xu hướng thể hiện niềm tin vào các tình huống tổng bằng không nhiều hơn, cho dù ở hiện tại những tình huống này đã không còn giống trong quá khứ.
Thiếu vắng góc nhìn
Điều này đặc biệt thể hiện rõ khi nhắc đến tương tác người với người. Thiếu vắng góc nhìn và / hoặc không có khả năng nhìn nhận sự việc từ quan điểm của người đối diện có thể dẫn đến thiên kiến tổng bằng không trong những tình huống khác nhau.
Ví dụ, khi thực hiện một trao đổi, giao dịch, hay một hành động bất kỳ, thì mỗi bên đều có thể làm vì những lý do khác nhau. Nếu không nhận thức được điều này, chúng ta dễ kết luận rằng hai bên đều được thúc đẩy bởi các yếu tố giống nhau. Điều này vô tình biến tình huống đang được đề cập trở thành tình huống tổng bằng không — khi mọi người tìm cách tranh giành vì một phần thưởng cố định.
Làm thế nào để tránh thiên kiến tổng bằng không
Bước đầu tiên là xác định các tình huống có thể gây ra tư duy tổng bằng không:
– Lợi ích của bất cứ bên nào đều được cân bằng trực tiếp với thiệt hại của các bên khác có liên quan;
– Hoặc tình huống ‘được cái này mất cái kia’ — một khía cạnh tốt thì những thứ khác phải giảm đi như một cách bù trừ tất yếu.
Tiếp theo, cần xác định xem đó có thật sự là những tình huống zero-sum hay không. Điều này phụ thuộc vào bản thân tình huống đó, và lý do mà bạn cho rằng nó có thể là zero-sum.
Ví dụ, nếu nghi ngờ về động cơ của ai đó khi họ đưa ra lời đề nghị với bạn (mua hàng, giúp đỡ,…), hãy thử nghĩ về những lý do khác nhau có thể thúc đẩy họ đưa ra đề nghị, để thấy rằng việc họ thực hiện hành động này có thể mang đến lợi ích đồng thời cho cả hai bên, mặc dù những lợi ích đó là khác nhau.
Một ví dụ khác, là khi mọi người đổ xô đi mua đồ tích trữ vì sợ khan hiếm hàng hóa, hãy bình tĩnh nhìn nhận và tìm hiểu xem điều đó có khả năng trở thành sự thật không. Nếu có, thì đâu là loại hàng hóa có thể hết nhanh nhất, và đâu là loại hàng hóa mà bạn sẽ cần dùng nhất trong thời gian vài ngày tới, để từ đó có thể đưa ra những quyết định hợp lý, vừa phù hợp với nhu cầu, đảm bảo được an toàn sức khỏe cho mình và người khác, vừa tránh góp phần gây ra tình trạng khan hiếm ‘giả’.
Kết
Nguyên lý tổng bằng không có ý nghĩa trong trường hợp nguồn lực hạn chế đang được phân phối. Nhưng áp dụng máy móc tư duy này vào cuộc sống sẽ gây tác động tiêu cực đến cách suy nghĩ và hành vi của chúng ta.
Chúng ta có xu hướng cho rằng, cái gì tốt đến với người khác thì hẳn đó sẽ là một mất mát đối với mình. Kiểu suy nghĩ khập khiễng về nhận thức này lại được rất nhiều người tin tưởng, từ đó nhìn nhận cuộc đời chẳng khác gì một chặng đua. Trong khi thực tế hoàn toàn không phải vậy.
Một người bạn thành công không có nghĩa rằng bạn phải thất bại. Một ai đó nhặt được tiền trên đường không có nghĩa ví của bạn phải rơi mất ở đâu. Cuộc sống của mỗi người đều được thúc đẩy bởi những động cơ khác nhau, vì thế thành công hay hạnh phúc đều nằm ở cách nhìn nhận và mục tiêu riêng của mỗi người.
Xem thêm:
#Nghĩ: Những hành vi có hại được bình thường hóa trong xã hội ngày nay
#Nghĩ: Rối loạn ăn uống – Nhịn đói, ăn uống vô độ, hay sống lành mạnh quá mức đều nguy hiểm
#Nghĩ: Người nhạy cảm với sự từ chối cũng là những người luôn khao khát được yêu thương
#Nghĩ: Phản ứng khác biệt của những tính cách khác nhau trước đại dịch
Thảo luận về bài viết