Chắc hẳn giới thời trang từng có một phen “mắt tròn mắt dẹt” khi chứng kiến những chiến dịch thời trang nóng bỏng của Tom Ford dành cho Gucci nửa cuối 1900 – đầu 2000. Điều đó như một luồng gió mới thổi vào lãnh địa thời trang có phần cứng nhắc lúc bấy giờ.
Nhục cảm luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt trong thời trang. Nhưng ở đây không phải là những dáng pose quỳ gối, những bức hình mặc một combo quen thuộc: áo trắng, váy ngắn caro, vớ đen gồng gánh theo một công thức gượng ép. Câu chuyện giữa thời trang và sex phức tạp hơn nhiều.
Tình dục không phải là thời trang, thời trang cũng không phải tiếng nói đại diện cho tình dục. Hai phạm trù này sẽ thường gặp nhau tại một số giao điểm liên quan đến “nghệ thuật.” Trong một vài trường hợp, một cách thuần tục, thời trang được con người sử dụng để hấp dẫn (tình dục) các đối tượng khác.
Như đã giải thích, tình dục và thời trang – tuy là hai thái cực khác nhau, nhưng qua đôi lần “va chạm” và tạo thành những cú nổ lớn, giao điểm này đã được
giới mộ điệu quý trọng như báu vật, để rồi họ tạo nên một nền thời trang gợi tình (sexy fashion) hay một viễn cảnh tình dục thời thượng (fashionable sex).
Thời trang gợi tình (sexy fashion): Khi thời trang “giải phóng” tình dục
Nhà thiết kế thời trang người Anh, Antonio Berardi đã từng khẳng định, sự quyến rũ sẽ không bao giờ lỗi thời.
Tình dục và thời trang về cơ bản luôn đi đôi với nhau. Con người mặc đẹp phần lớn là để thu hút kẻ khác giới (thậm chí cùng giới) và tìm bạn tình.
Antonio Berardi
Chủ đề tình dục từ lâu đã trở thành một chiêu thức kinh doanh tạo nên nhãn mác cho nhiều thương hiệu thời trang. Người ta gọi hình thức đó là sex sells – có nghĩa là mua bán dựa trên các vấn đề về tình dục.
Natalie Kingham – Giám đốc mua hàng của MatchesFashion, một cửa hàng bán lẻ toàn cầu hàng đầu nước Anh, đã từng nói, “Nếu khách hàng nhìn thấy những bộ trang phục gợi cảm, chắc chắn họ sẽ mua chúng – hoặc ít nhất là bị gây ấn tượng.”
Từng bước một, cảm hứng tình dục đã len lỏi vào thế giới thời trang và tạo nên một dấu ấn riêng vô cùng ấn tượng.
Bộ trang phục hiện đại đầu tiên mà con người nhận định là sexy được tạo ra bởi Madeleine Vionnet – người đã thành lập nhà mốt Temple of Fashion ở Paris vào năm 1912. Lấy cảm hứng từ hình tượng của các vũ công – đặc biệt là dancer người Mỹ Isadora Duncan và cảm giác tân cổ điển (neoclassical) của người Hy Lạp, Vionnet đã giải phóng cơ thể phụ nữ khỏi những chiếc áo corset chật cứng người.
Giới mộ điệu hẳn không thể quên hình ảnh người phụ nữ phô diễn cơ thể của mình qua những nút thắt sít chặt vào cơ thể đến mức “thở còn không nổi” của chiếc corset nịt ngực. Trải qua hai thế chiến khốc liệt, cái nhìn cô quạnh về thời trang cũng dần thay đổi. Đây cũng là thời kỳ ra đời của sự thức tỉnh và giải phóng tình dục. Thời trang – thường được xem là yếu tố phản ánh sâu sắc sự phát triển của xã hội, đã nhanh chóng tiếp thu sự thay đổi này.
Vionnet đã tiên phong cho trào lưu giải thoát người phụ nữ khỏi “gông xiềng” mang tên corset và thoải mái hơn trong việc lựa chọn trang phục. Cô chỉ đơn giản là khoác lên cơ thể tự nhiên của mình những thiết kế mềm mại và thoải mái hơn – với những nét cắt may mang thiên hướng “bán kín bán hở” để lộ những đường cong tự nhiên.
Cũng từ đó, cảm hứng tình dục đã xâm nhập vào dòng chảy sáng tạo của các ông hoàng thời trang.
Trong giới thời trang, đại đa số mọi người đều tôn thờ hình ảnh của nữ danh ca Madonna như một biểu tượng bất diệt của tâm hồn tiên phong nổi loạn, phóng khoáng và ám mùi sắc dục. Vào năm 1990, Madonna xuất hiện với bộ cone bra kinh điển được thực hiện bởi chính bàn tay vàng của Jean-Paul Gaultier. Bộ bra đã phủ sóng khắp mặt báo và tạo nên làn sóng nổi loạn gán mác nữ hoàng nhạc pop Madonna.
Năm 1966, giới mộ điệu từng rúng động với bộ Le Smoking tuxedo huyền thoại của nhà Yves Saint Laurent, hình ảnh người nữ mặc bộ suit cổ điển, tay cầm điếu thuốc vẫn còn khói đỏ. Đây là một biểu trưng cho hình mẫu mạnh mẽ, nói lên việc người nữ đã giải tỏa được xiềng xích về giới cũng như tính dục, đã ăn sâu vào tiềm thức của giới mộ điệu.
Một trong những nghệ sĩ đầu tiên khai thác triệt để và tôn vinh “mối quan hệ” của sex và thời trang là nhiếp ảnh gia Terry Richardson. Nổi tiếng với gu thẩm mỹ khiêu dâm “hạng nhẹ” hoang dã – những sáng tạo của Terry Richardson thường gây nên rất nhiều tranh cãi.
Từ năm 1999, Sisley đã hợp tác cùng Terry Richardson nhằm thực hiện chiến dịch quảng cáo mớ. Kết quả của lần hợp tác thật không ngoài dự đoán – những bức hình phản cảm và gây sốc cho người xem: một người mẫu mặc quần lót Sisley đang “tự sướng” trước ống kính của Richardson; một cô gái nhìn thẳng vào ống kính và tạo dáng uống sữa bò; và trong một bức ảnh khác là hình ảnh cô gái bán khỏa thân, chỉ mặc thiết kế áo của Sisley với dáng ngồi khụy gối.
Dù không thể phủ nhận độ “khó nhìn” và “khó cảm” trong các tác phẩm của Richardson, nhưng chính những hình ảnh đó đã giúp chiến dịch của Sisley để lại dấu ấn khó phải trong lòng những người yêu thời trang.
Cảm hứng tình dục cũng dần có chỗ đứng trên bản đồ về các trường phái thời trang, và dường như, chủ đề này luôn được khai thác triệt để cho đến thời hiện đại. Có thể nói, nhục cảm thế hệ mới không còn bị đóng khung treo tường với những combo cắt da xẻ thịt lỗi thời nữa, mà thay vào đó, sự gợi cảm từ thời trang được toát lên từ chính vẻ đẹp tự tin của người mặc.
Ngày nay, việc trở nên gợi cảm không đơn thuần đến từ việc ăn mặc thiếu vải, mà có thể đến từ những trang phục trong chính tủ đồ hàng ngày của bạn. Không còn phải để lộ khe ngực hay uốn người trong những chiếc váy mini ôm sát cơ thể, phụ nữ vẫn có thể trở nên quyến rũ khi mặc một chiếc đầm kín đáo, chỉ lộ vai và xương quai xanh. Những thiết kế điệu đà, nữ tính, khiến người mặc tự tin là một cách tiếp cận rất hiện đại với nhục cảm thế hệ mới.
Sarah Rutson của Net-A-Porter cho biết
Viễn cảnh tình dục thời thượng (fashionable sex): Khi tình dục trở thành kim chỉ nam của thời trang
Nếu tua ngược thời gian về thế ký 20, khi thời trang trở thành công cụ giúp tình dục được giải phóng, thì ngày nay, người ta lại lựa chọn thời trang dựa trên những cảm hứng tình dục.
Khi nhắc đến hình ảnh nhục cảm của thời trang, mọi người sẽ nghĩ đến corset nịt ngực, bốt da cao cổ, roi da, bít tất ren…Thế nhưng, đó không phải là tất cả!
Trong dòng chảy thời trang đương đại, cảm hứng tình dục cũng chiếm một vị trí không nhỏ trong kho tàng sáng tạo của các nhà mốt nổi danh trên thế giới. Ngày nay, tình dục không chỉ thể hiện qua việc khoe triệt để những thông số phồn thực của cơ thể hay lấp liếm những khe hở trên da thịt, sex được truyền tải qua trang phục thời thượng, mang giá trị duy mỹ cao và tầm nhìn tinh tế của những nhà sáng tạo.
Một minh chứng cho sự lên ngôi của trường phái thời trang phô diễn khoái cảm chính là Calvin Klein. Có lẽ chủ nghĩa độc tôn về sex đã trở thành kim chỉ nam cho thương hiệu lâu đời của Mỹ này. Mỗi một mùa thời trang, mỗi một chiến dịch đều mang một sắc thái tình dục riêng biệt, tinh tế và vô cùng thời thượng.
Show diễn hàng năm của Gucci dưới thời Tom Ford cũng luôn mang một sự gợi cảm nhất định. Không chỉ nằm trong quần áo, vải vóc và thiết kế trên đường băng, dòng chảy tình ái còn chảy qua những chiến dịch quảng cáo, những thước phim thời trang hay cả những quảng bá dành cho dòng sản phẩm nước hoa. Sex trong thời kì đó đã trở thành một chủ đề thường trực, định hình cho thẩm mỹ thời trang của Gucci.
Tháng tư năm 2016, Anthony Vaccarello được bổ nhiệm cho vị trí giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Saint Laurent Paris. Nhà thiết kế tài năng này đã mang lại diện mạo mới cho thương hiệu bằng cách vận dụng chất liệu da kết hợp với thiết kế với đường cắt đặc trưng. “Sex” của Saint Laurent giờ đây đẳng cấp vượt bậc.
Không nằm ngoài dòng chảy của cảm hứng ái tình, show diễn haute couture hàng năm của nhà mốt Thierry Mugler cũng được “gợi cảm hóa” với những bộ suit bằng chất liệu latex được cắt may đúng chuẩn couture mang lại giá trị thẩm mỹ cao.
Không thoát khỏi ảnh hưởng của tình ái, Dolce & Gabbana cũng từng cho ra đời những sản phẩm mang đậm tinh thần này. Thời gian gần đây, khi nhìn vào đế chế Dolce & Gabbana với một xúc cảm nên thơ đậm chất Ý, hay sự lăng xê tối đa cho thế hệ millennials, ít ai nghĩ rằng cặp đôi vàng của thời trang Ý đã từng có khoảng thời gian đắm chìm trong chủ nghĩa nhục cảm. Điển hình là chiến dịch quảng cáo thời trang những năm 2004, 2005 nhuốm màu ái tình phóng khoáng.
Thời trang giúp con người “lựa chọn” đối tác tình dục. Trang phục là một trong những phương tiện để con người thể hiện bản thân – địa vị xã hội, khả năng kinh tế, óc thẩm mỹ, đến cả tâm trạng ngày hôm đó. Với việc phân loại một số phong cách thời trang cơ bản như: bohemian phóng túng; girly nữ tính; casual chic đơn giản thanh lịch; edgy kiểu cách và cá tính; classic cổ điển…, một người có thể dễ dàng cho cả thế giới thấy họ là ai.
Qua việc chọn phong cách thời trang, con người cũng phát ra thông điệp về bạn tình mình muốn tìm kiếm, hay thể hiện tâm trạng nhất thời của bản thân. Đồng thời, một bộ đồ tôn những thứ cần tôn, hở những thứ cần hở, sẽ giúp “đối tác” cảm nhận được sức thu hút để đến tiếp xúc, đặt quan hệ ngoại giao và “nội giao.”
Thời trang ngày nay cũng được dùng như một loại “vũ khí” để kích thích tình dục. Không phải ngẫu nhiên trong các lời khuyên “làm sương cho sáo” thường có sử dụng quần áo để kích thích. Bằng cách thay đổi quần áo, đồ lót có thể tạo cảm giác mới lạ, mà như mọi người đều biết “một cái lạ có thể bằng một tạ cái quen.”
Kết
Tình dục là nguồn cảm hứng đã tồn tại trong thời trang từ lâu, qua nhiều biến đổi, nó luôn tìm được hướng đi riêng cho mình, trở thành “suối nguồn” cảm hứng cho những nhà sáng tạo để họ tự do thể hiện cái tôi cá nhân riêng biệt của họ, đồng thời vẽ nên một bức tranh thời trang thi vị đầy mỹ cảm.
Thảo luận về bài viết