Từ phục hưng (Renaissance) mang hàm nghĩa là “tái sinh”, bắt đầu từ cuối thế kỷ 14 đến khoảng năm 1600. Phong cách này đã bao trùm lên mọi lĩnh vực văn hóa ở Châu Âu thời bấy giờ. Nó tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, và tất nhiên không thể thiếu thời trang.
Hoàn toàn khác biệt với ý tưởng lấy thần làm trọng tâm trong thời kỳ Trung Cổ, thời kỳ Phục Hưng lại là một chủ nghĩa nhân văn bị chi phối và mang tính con người nhiều hơn. Phong cách thời trang Phục Hưng có sự quan tâm sâu sắc về giới tính trong trang phục. Những người đàn ông sẽ được nhấn mạnh cơ thể cứng rắn và mạnh mẽ, áo rộng phồng lên để tôn lên phần cơ bắp bên trên. Kết hợp với quần cụt bó chặt người làm nổi bật các bộ phận thể hiện sự nam giới, tất nhiên phong cách thời trang này không có chỗ cho sự yếu đuối đối với nam giới.
Phụ nữ thì có phần kín đáo hơn để thể hiện sự nữ tính của họ. Phụ nữ thường mặc áo gi-lê, váy có khung bên trong, thắt chặt eo, áo nịt ngực, có miếng đệm mông và giày đế cao để làm nổi bật sự nữ tính. Cũng tại phong cách này, cả nam và nữ đều rất thịnh hành một loại trang trí có dạng tua tua ở cổ được gọi là “Ruff”.
Ngày nay, dấu ấn của thời trang Phục Hưng được sống lại rõ nét trong các thiết kế của nhiều nhà mốt nổi tiếng như Paco Rabanne hay Alexander Mcqueen. Nhưng trong số đó, nhà mốt nổi bật nhất đã đem đến sự hồi sinh huy hoàng của văn hóa này không phải ai khác chính là Saint Laurent.
Ngày nay, các thương hiệu Local Brand của các bạn trẻ cũng rất ưa chuộng những chiếc áo thun với hình ảnh Phục Hưng. Sự hồi sinh của phong cách Phục Hưng cũng là một minh chứng cho thấy con người đang ngày càng hứng thú với nhiều giá trị lịch sử hơn.
Giữa làn sóng thời trang nhanh, người ta mua quần áo như mì ăn liền thì việc phục dựng lại những vẻ đẹp cổ điển là một xu hướng đầy tinh tế của những người làm thời trang trong một nỗ lực xây dựng giá trị thời gian bền vững, không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại vi.
Thảo luận về bài viết