Nhắc đến những tựa phim dựa trên những nhân vật, sự kiện, hoặc quan niệm mê tín lâu đời gắn liền với xui rủi và chết chóc, chúng ta có Halloween, Jeeper Creeper, Candyman, … và tất nhiên không thể quên Friday the 13th.
Trong văn hóa nhiều nước phương Tây, thứ Sáu ngày 13 luôn được xem là một ngày xui xẻo. Quan niệm trên xuất phát từ việc cả 2 thành tố của ngày này: thứ Sáu và số 13 đều được xem là có yếu tố xui rủi. Theo Dương lịch, thứ Sáu ngày 13 luôn xuất hiện ít nhất một lần trong năm, thậm chí có những năm ngày này xuất hiện đến 3 lần. Chứng ám ảnh sợ hãi liên quan đến thứ Sáu ngày 13 còn được biết đến với tên gọi friggatriskaidekaphobia.
Dựa trên quan niệm này cùng với nỗi sợ hãi của nhiều người, các nhà làm phim đã cho ra đời những tác phẩm kinh dị, rùng rợn mang chủ đề thứ Sáu ngày 13, với cái tên tiêu biểu nhất là thương hiệu kinh dị cùng tên nói về tên sát nhân hàng loạt Jason Voorhees – một trong những biểu tượng kinh điển của thể loại kinh dị, bạo lực, máu me của điện ảnh Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Ra mắt lần đầu vào năm 1980, tính đến hiện tại, Friday the 13th đã có 12 phần phim khác nhau. Không chỉ dừng lại ở các bộ phim màn ảnh rộng, thương hiệu kinh dị chặt chém này còn có cả những phiên bản chuyển thể truyền hình, tiểu thuyết, truyện tranh, và video game.
Nhìn chung, các tựa phim trong loạt Friday the 13th không được đánh giá quá cao về nội dung và cách xây dựng nhân vật. Tuy nhiên, loạt phim này lại thành công về mặt thương mại với tổng doanh thu 755,6 triệu đô – đứng thứ 2 trong số các thương hiệu kinh dị chặt chém có doanh thu cao nhất tại Mỹ. Bấy nhiêu đó cũng đủ để Paramount ‘bật đèn xanh’ cho những phần tiếp sau.
Thương hiệu kinh dị Friday the 13th xoay quanh nhân vật Jason Voorhees, một tên sát nhân điên loạn máu lạnh. Điều thú vị là hắn vốn chẳng được cho sắm vai phản diện chính. Ban đầu, đạo diễn Sean Cunningham không có ý định làm tiếp phần 2, còn nhân vật của Jason (với tên trong kịch bản gốc là Josh) thì được… cho chết từ đầu phim, khi chỉ mới là một đứa trẻ.
Tuy nhiên, thành công bất ngờ của phần đầu tiên đã khiến nhà sản xuất quyết định đầu tư phát triển Friday the 13th thành một thương hiệu điện ảnh. Trong phần tiếp theo, Friday the 13th Part 2 (1981), khán giả vỡ lẽ khi biết rằng Jason Voorhees thực ra vẫn còn sống. 5 năm sau sự kiện trong phần 1, Jason giờ đây đã là một người trưởng thành. Hắn điên cuồng săn lùng và giết hại tất cả những ai có liên quan đến khu trại hè Crystal Lake, bao gồm cả nhân viên và người cắm trại.
Các sự kiện kinh hoàng trong phim chủ yếu xảy ra vào đúng thứ Sáu ngày 13. Nhưng cũng có vài trường hợp ngoại lệ – phần thứ ba, Friday the 13th Part III (1982) diễn ra ngay sau sự kiện phần 2 (tức thứ Bảy ngày 14), và phần thứ tư, Friday the 13th: The Final Chapter (1984) lại là ngày tiếp theo nữa (tức Chủ nhật ngày 15). Cũng từ phần 3, Jason Voorhees chính thức được biết đến với chiếc mặt nạ khúc côn cầu đặc trưng. Kết thúc phần 4, Jason được cho là đã chết hẳn khi đánh vỡ đầu còn cơ thể bị rìu chặt nát.
Mặc dù thế, Paramount chẳng dễ gì bỏ qua cơn sốt ác quỷ giết người không gớm tay này. Trong phần tiếp theo, Friday the 13th: A New Beginning (1985), tên giết người mang mặt nạ một lần nữa lại gieo rắc nỗi kinh hoàng cho bao người, nhưng phía sau chiếc mặt nạ lần này thực ra một kẻ giả danh mang tên Roy Burns, còn Jason ‘hàng thật’ được để dành cho… sống lại trong phần tiếp theo, Friday the 13th Part VI: Jason Lives (1986), sau khi bị sét đánh trúng mộ.
Kể từ đó, tên sát nhân Jason Voorhees trở nên bất khả xâm phạm – súng đạn hay bất cứ sát thương vật lý nào cũng không thể làm tổn hại đến hắn. Các tình tiết thần bí cũng được nhà sản xuất thêm vào nhằm thu hút fans, như trong phần thứ 7, Friday the 13th Part VII: The New Blood (1988), khi khả năng tâm linh của một nhân vật đã vô tình đánh thức con quỷ giết người đang bị xích dưới đáy hồ Crystal.
Liên tiếp chết đi sống lại một cách khá phi lý, nhưng dường như người hâm mộ của thương hiệu kinh dị chặt chém này đều sẵn lòng nhắm mắt cho qua tất cả những tình tiết khó hiểu. Tuy thế, để tránh nhàm chán, Paramount bắt đầu ‘mở rộng địa bàn’ hoạt động của Jason Voorhees. Trong Friday the 13th Part VIII: Jason Takes Manhattan (1989), hắn theo chân một nhóm sinh viên đến New York, giết chết một cơ số nạn nhân nữa trước khi bị tan chảy bởi dòng chất độc trong cống ngầm.
Sau một thời gian gặt hái được thành công nhất định từ thương hiệu này, Paramount quyết định bán lại nó cho New Line Cinema. Trong 10 năm giữ bản quyền, hãng cho ra đời 3 bộ phim là Jason Goes to Hell: The Final Friday (1993), Jason X (2001), và Freddy vs. Jason (2003) – một tác phẩm crossover giữa Friday the 13th với một thương hiệu hái ra tiền khác của New Line Cinema là A Nightmare on Elm Street. Kết quả cuộc chiến đẫm máu giữa Jason Voorhees và Freddy Krueger bị bỏ ngỏ nhằm tránh mất lòng fans cả hai bên.
Do mất quá nhiều thời gian để phát triển nội dung, vào năm 2003, New Line Cinema bất đắc dĩ đã đề xuất hợp tác lại với Paramount Pictures. Sau một thời gian thương thảo khá lâu, Paramount và New Line quyết định khởi động lại thương hiệu này với bản reboot Friday the 13th ra mắt năm 2009. Tuy nhiên, vì tranh chấp bản quyền mà những phần reboot tiếp theo vẫn chưa có kế hoạch thực hiện.
Thông tin mới nhất về số phận của thương hiệu kinh dị chặt chém nổi tiếng này là thông báo của biên kịch kiêm đạo diễn Tom McLoughlin vào tháng 7/2019, cho biết ông đang phát triển một kịch bản mang tên Jason Never Dies, với bối cảnh câu chuyện tiếp diễn những sự kiện trong phần Jason Lives cũng do ông thực hiện trước đó.
Thảo luận về bài viết