Để có một khoản mục trong danh sách chi tiêu ngày Tết, bạn nên chuẩn bị và mua sắm từ trước. Từ đó, bạn sẽ luôn chủ động trong việc quản lý tài chính cá nhân và rủng rỉnh trong những ngày cuối năm.
Tiết kiệm tiền biếu ông bà, bố mẹ
Ánh Ngọc (25 tuổi, nhân viên văn phòng) học tập và làm việc tại Hà Nội cho đến nay đã được 7 năm. Cô bạn thường tiết kiệm riêng một ít tiền để biếu ông bà và bố mẹ nhân dịp Tết Âm lịch. “Đây là thời gian sum vầy của các gia đình cũng là thời điểm phải chi tiêu rất nhiều. Do vậy, mình thường sẽ biếu bố mẹ một ít tiền để chuẩn bị cho Tết cũng như mua những món đồ mới”.
Do năm nay được tăng lương, cô bạn đã quyết định biếu bố mẹ nhiều hơn năm ngoái là 15 triệu. Cộng thêm ông bà nội ngoại, số tiền để “lì xì” khoảng 20 triệu đồng. Bởi vì thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào lợi nhuận công ty hàng năm cũng như mức độ đạt KPI của từng nhân viên, Ánh Ngọc không muốn phụ thuộc vào khoản tiền đó. Từ đầu tháng 11, cô bạn đã bắt đầu trích ra một khoản tiết kiệm dành riêng cho Tết.
Trung bình lương tháng là 17 triệu đồng, cô bạn thường tiết kiệm được 6 triệu/tháng. Chi phí thuê nhà 3,5 triệu đồng, đồ ăn và vật dụng hàng ngày khoảng 4 triệu đồng do được gia đình gửi thức ăn từ quê, xăng xe khoảng 500 nghìn đồng, còn 3 triệu đồng sẽ dành cho khoản chi tiêu tự thưởng.
Từ tháng 11, cô bạn quyết định tiết kiệm hơn nữa bằng cách giảm chi tiêu tự thưởng, trích 7 triệu đồng để vào một quỹ riêng gọi là “lì xì Tết”. “Trước đó, mình thường tích lũy tiền cho quỹ khẩn cấp và một khoản dự phòng cho những mục tiêu tài chính lớn hơn chẳng hạn như đổi xe máy, mua nhà. Song, từ đầu tháng này, mình quyết định tập trung tích lũy tiền dành cho ngày Tết. Nếu chờ đến thưởng Tết, mình cảm thấy khá bị động”.
Trong trường hợp nhận được khoản thưởng Tết lớn cô bạn sẽ cân nhắc tăng số tiền biếu bố mẹ. Đồng thời, dành một phần số tiền đó để “bù đắp” vào khoản tiền tiết kiệm tích lũy định kỳ, giúp duy trì kế hoạch tiết kiệm đều đặn và hợp lý.
Mua sớm quà Tết cho bạn bè và gia đình
Lan Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) thường tặng quà Tết dành cho những người thân quen. “Tết nghĩa là sum vầy. Do vậy, mình muốn tặng bố mẹ và bạn bè những món quà phù hợp, cảm ơn 1 năm qua đã giúp đỡ mình rất nhiều”.
Do thời điểm cuối năm rất bận rộn, cô bạn thường sẽ sắm từ sớm, bắt đầu từ tháng 11. Có những ngày sale lớn thời điểm cuối năm như 11/11, Black Friday hay vào tháng 12 có lễ hội Noel. Cô bạn thường sẽ lên danh sách đồ từ trước và canh xem xét giá phù hợp.
“Từ năm ngoái, mình đã bắt đầu mua quà Tết từ tháng 11. Vì 2 năm trước khi mình mua sát Tết, công việc bận rộn không thể lựa chọn tỉ mỉ. Mình rút kinh nghiệm mua trước 2, 3 tháng để tránh cập rập về thời gian”.
Hơn thế nữa, Lan Anh cũng order đồ từ nước ngoài cho tiết kiệm, những dịp sale cuối năm Dương lịch thường sẽ được giá khá hời. Cô bạn không cần phải lo lắng sợ bên vận chuyển quá tải nên không đến kịp trước Tết. Lan Anh thường sẽ tặng bạn bè nến thơm, đồ skincare,… với gia đình là đồ gia dụng, thực phẩm chức năng nên cũng không cần chờ đến Tết. “Mình nghĩ rằng mua quà cũng cần tính toán kỹ càng về chi phí. Dù sao mua được một món đồ bản thân tỉ mỉ lựa chọn với mức giá hời cho người thân là tối ưu nhất”.
Lên kế hoạch tài chính cho Tết từ sớm
Ánh Ngọc chia sẻ năm đầu mới ra trường, Tết là thời điểm cô bạn “vung tay” không suy nghĩ. Lúc đó cho rằng sau 1 năm làm việc vất vả, chi nhiều một chút cho Tết là điều hiển nhiên. Song, trên thực tế, cô bạn đã chi hết thưởng Tết và 2 tháng lương cho những ngày Tết. Cô bạn mua sắm 5-6 bộ quần áo mới, làm tóc, làm nail và thậm chí mua quà cho gia đình “thả ga”.
“Đúng là tự thưởng ngày Tết không sai. Song, chi tiêu vô tội vạ sẽ khiến bản thân sau 1 kỳ Tết bị mất đi một phần niềm vui. Sau mùa Tết năm đó, mình bị sốc khi ghi chép lại chi tiêu, nhìn vào tài khoản ngân hàng và nhận ra bản thân đã tiêu dùng quá tay ra sao”.
Ánh Ngọc chia sẻ rằng Tết là thời gian “niềm vui” xóa mờ “sự kỷ luật”. Những chiếc hẹn đi ăn uống, cà phê, mua sắm như là vô tận. Do vậy, nếu không lên kế hoạch từ trước, bạn sẽ dễ mua sắm quá mức.
Còn đối với Lan Anh, mua sắm Tết từ sớm sẽ giúp cô bạn có thời gian suy nghĩ liệu khoản chi này có phù hợp hay không. Điều đó giúp cô bạn mua được món đồ phù hợp nhất nhưng vẫn kiểm soát được tài chính cá nhân.
- 05 blog tài chính cá nhân sau có thể giúp bạn giải quyết bài toán kiểm soát chi tiêu
- Người trẻ tìm cách vượt qua “cú sốc” kinh tế: bài học về quản lý tài chính cá nhân