Có bao giờ bạn nghe thấy ai đó bảo rằng họ là “người INFJ” hoặc “người ESTP” chưa? Bạn có biết thế có nghĩa là sao không? Những nhóm chữ cái đó là tên của từng nhóm tính cách khác biệt, dựa trên hệ thống phân loại tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator).
MBTI là phương pháp khám phá tính cách thông qua bộ câu hỏi trắc nghiệm, do hai nhà khoa học Isabel Myers và Kathryn Briggs nghiên cứu dựa trên lý thuyết của Carl Jung về các kiểu hình tính cách.
MBTI có thể dùng để xác định kiểu tính cách, điểm mạnh, cũng như sở thích của một người. Hiện nay, nó là một trong những công cụ tìm hiểu và khám phá về tâm lý con người nổi tiếng, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Tổng quan bài kiểm tra MBTI
Dựa vào phản hồi cho từng câu hỏi, người trả lời sẽ được “phân chia” vào một trong 16 loại tính cách. MBTI giúp mỗi cá nhân có thể khám phá chính mình, hiểu rõ tính cách của họ, bao gồm những gì mình thích hoặc không thích, ưu khuyết điểm, xu hướng lựa chọn nghề nghiệp cũng như sự hòa hợp với người khác.
Không có nhóm tính cách nào là “tốt nhất” hay “tốt hơn” những cái khác. MBTI không phải là công cụ được thiết kế để tìm kiếm những rối loạn hoặc bất thường trong mỗi người. Nó chỉ đơn giản giúp bạn hiểu về bản thân hơn.
Bảng câu hỏi của MBTI được tạo nên từ 4 thang đo khác nhau. Mỗi thang đo này đều có 2 “cực” – 2 mặt tính cách đối nghịch nhau. Tuy nhiên, những đối nghịch này luôn tồn tại trong mỗi con người. Tùy vào từng giai đoạn trong cuộc sống mà một người sẽ bộc lộ cực nào rõ hơn.
Extraversion (E) – Introversion (I): Hướng ngoại – Hướng nội
Theo mô tả của Jung, Hướng ngoại – Hướng nội là thang đo cách chúng ta phản ứng và tương tác với thế giới xung quanh. Hầu hết mọi người đều quen với cách hiểu này, tuy nhiên trong MBTI, chúng mang một ý nghĩa hơi khác.
Người hướng ngoại (Extravert) bộc lộ ra bên ngoài nhiều hơn, có xu hướng hành động hơn là quan sát. Họ thích giao tiếp xã hội và thường nhận được năng lượng từ việc giao tiếp đám đông.
Trong khi đó, người hướng nội (Introvert) thường thu mình và hay suy nghĩ. Những người này tận hưởng những cuộc trò chuyện ý nghĩa, và thường “sạc pin” khi được ở một mình.
Sensing (S) – Intuition (N): Giác quan – Trực giác
Thước đo này diễn giải cách chúng ta thu thập thông tin từ thế giới xung quanh. Cũng như thang Hướng ngoại – Hướng nội, tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn sẽ tiếp nhận thông tin bằng giác quan hoặc trực giác.
Người nhóm giác quan (S) nhận thức thế giới bằng qua năm giác quan, đồng thời có niềm tin cố hữu vào những gì họ thu nhận được thông qua chúng. Họ tập trung vào thực tại, quan tâm đến sự thật / điều hiển nhiên, những chi tiết, và ưa thích những trải nghiệm thực tế.
Ngược lại, người nhóm N lại để ý đến kiểu hình và những thứ trừu tượng. Nhóm này hay nghĩ đến khả năng, thường tưởng tượng về tương lai, quan tâm đến những lý thuyết trừu tượng, và tin vào những gì “trực giác mách bảo”.
Thinking (T) – Feeling (F): Lý trí – Cảm xúc
Sau bước thu thập thông tin, chúng ta cùng zoom in cách mọi người đưa ra lựa chọn dựa vào những gì họ có. Từ đây, chúng ta có thang đo Lý trí – Cảm xúc.
Những người Lý trí (T) đề cao sự thật và những dữ liệu khách quan. Người nhóm T cũng là những người nhất quán, logic và thường gạt bỏ những chuyện riêng tư ra một bên khi đưa ra quyết định.
Với người chơi hệ cảm xúc (F), họ lại để “con tim dẫn lối” nhiều hơn. Họ coi trọng cảm xúc và thường đưa những cảm xúc cá nhân vào mỗi lựa chọn của mình.
Judging (J) – Perceiving (P): Nguyên tắc – Linh hoạt
Thước đo cuối cùng này giải thích cách mỗi người phản ứng với thế giới bên ngoài. Những người có thiên hướng Nguyên tắc (J) ưa thích mọi cấu trúc và những gì chắc chắn. Họ cảm thấy an toàn nhất là khi có kế hoạch, và thường tưởng tượng mọi kết quả có thể xảy ra.
Vậy còn người Linh hoạt? Đây là những người cởi mở, rất giỏi ứng biến và cũng dễ dàng “nhìn thấy” cơ hội. Họ tiếp thu và sẵn sàng thay đổi mọi kế hoạch để phù hợp với hoàn cảnh.
Các nhóm tính cách MBTI
16 nhóm tính cách được thể hiện thông qua 4 chữ cái đại diện cho từng kiểu tính cách:
ISTJ – Người giám sát | INFJ – Người ủng hộ | ESTP – Nhà thuyết phục | ENFP – Nhà vô địch |
ISTP – Thợ thủ công | INFP – Người hòa giải | ESTJ – Người điều hành | ENFJ – Người cho đi |
ISFJ – Người bảo vệ | INTJ – Kiến trúc sư | ESFP – Người trình diễn | ENTP – Nhà tranh luận |
ISFP – Nghệ sĩ | INTP – Nhà tư tưởng | ESFJ – Người cung cấp | ENTJ – Người chỉ huy |
Theo Myers & Briggs Foundation, điều quan trọng chúng ta cần nhớ là tất cả các nhóm tính cách đều bình đẳng và đều có giá trị.
Vì sao MBTI khác các bài kiểm tra khác vậy?
Trước hết, MBTI không hẳn là một bài kiểm tra bởi vì không có câu trả lời đúng hay sai, cũng như không có nhóm tính cách nào tốt hơn các nhóm còn lại. MBTI cũng không dùng để đánh giá sức khỏe tinh thần hay phát hiện ra các chẩn đoán tâm lý nào. Nó khác hoàn toàn với những bài kiểm tra tâm lý khác, và kết quả bạn nhận được cũng không bị so sánh với các chuẩn thông thường nào cả.
Độ tin cậy và tính hợp lệ
Theo Myers & Briggs Foundation, bài kiểm tra MBTI đáp ứng được tiêu chuẩn về độ tin cậy và tính hợp lệ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghiên cứu cho rằng bài kiểm tra vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn hai tiêu chí trên. Tương tự, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 40-75% số người từng làm bài kiểm tra này nhận một kết quả mới khi họ làm lại nó lần thứ hai.
Nhận biết nhóm MBTI của mình
Hiện nay có nhiều trang web cung cấp miễn phí bảng câu hỏi và kết quả của MBTI, giúp bạn dễ dàng làm bài kiểm tra và hiểu rõ hơn nhóm tính cách của mình. Các bạn có thể tham khảo 16 Personalities (bản tiếng Anh – miễn phí) hoặc mbti.vn (bản tiếng Việt – mất phí).
Ảnh: 16 Personalities
Tham khảo: Very Well và 16 Personalities
Có thể bạn quan tâm:
Loài động vật yêu thích nói gì về bạn?
The Chameleon Effect: Khi mỗi chúng ta đều là tắc kè hoa
Thảo luận về bài viết