Lifestyle

Hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc – Khi bạn bị tra tấn bởi những thanh âm thường ngày

Khó chịu khi ai đó cứ nhai nhóp nhép, cứ húp sùm sụp lúc ăn? Nổi điên vì người kế bên chốc chốc lại bấm bút tanh tách hoặc ư ử ngân nga?

Với nhiều người, những âm thanh này hoàn toàn bình thường, thậm chí còn được khuyến khích ở một số nơi khác nhau – ví dụ như Nhật Bản và văn hóa ăn uống phát ra tiếng. Nhưng cũng những âm thanh này lại khiến một số người cảm thấy phiền hà, một số khác lại trở nên bứt rứt khó chịu đến mức sẵn sàng bùng nổ cảm xúc với đối phương, cho dù đó là người quen hay người lạ.

Nhưng vì sao lại như thế?

Hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc

Nếu bị kích động bởi những âm thanh ‘thường ngày’ kể trên, rất có thể bạn đang bị misophonia – hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc. Hội chứng này xảy ra do những bất thường trong cấu trúc não dẫn đến những phản ứng khác biệt của não khi nghe thấy một số âm thanh cụ thể, đặc biệt là những âm thanh đều đều, lặp đi lặp lại, ví dụ như tiếng nhai thức ăn, tiếng gõ bàn phím, tiếng bấm bút bi, tiếng lá xào xạc, …

Nhạy cảm âm thanh chọn lọc được công nhận là một hội chứng từ năm 2000, tuy nhiên nó vẫn chưa được chính thức phân loại theo tiêu chí nào trong Cẩm nang Số liệu và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần DSM-5. Các nghiên cứu về nguyên nhân cũng như mức độ phổ biến của hội chứng này vẫn còn rất hạn chế. Những người có trải nghiệm về hội chứng này thường không nghĩ rằng mình mắc bệnh hoặc không tìm kiếm trợ giúp vì ngại bị đánh giá là người khó tính. Ngoài ra, khi chia sẻ với người khác, vấn đề của họ thường không được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Nghiên cứu công bố trên tờ Journal of Clinical Psychology (2014) cho biết, hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc có thể gây ảnh hưởng đến 20% dân số. Cuộc sống hàng ngày của họ dễ gặp trở ngại do họ thường xuyên phản ứng thái quá một cách không kiểm soát với những âm thanh mà phần lớn người khác nhận thấy vô cùng bình thường.

Một số biểu hiện của người nhạy cảm âm thanh chọn lọc

Khi nghe thấy những tiếng động thật sự khó chịu, nhiều người sẽ bị nổi da gà và muốn tiếng động đó dừng lại ngay lập tức. Tuy nhiên, họ chỉ thỉnh thoảng mới gặp phải hiện tượng này. Với những người có hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc, đây lại là ‘chuyện thường ngày’ của họ, xảy ra khi nghe thấy những âm thanh mà hầu hết mọi người không mấy để tâm.

Nếu có phản ứng nhẹ, họ có thể thấy lo lắng, khó chịu, muốn âm thanh ngừng lại hoặc muốn chạy trốn. Trường hợp nặng hơn, các âm thanh kích hoạt có thể gây ra cảm giác ghê tởm, tức giận, thù hận, sợ hãi, đau khổ, hoảng loạn, có ý định tự tử, ham muốn làm bất cứ điều gì – kể cả giết chóc – để ngăn chặn nguồn phát ra âm thanh.

Các loại âm thanh kích hoạt phổ biến với hội chứng này là:

– Tiếng hơi thở nặng nề hoặc các âm thanh phát ra từ mũi: ảnh hưởng khoảng 64,3%
– Tiếng động ăn uống: ảnh hưởng khoảng 81%
– Tiếng của ngón tay hoặc bàn tay: ảnh hưởng khoảng 59,5%
– Tiếng của một số hoạt động thể chất khác: ảnh hưởng khoảng 11,9%

Ngoài ra, người có hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc còn dễ ‘phát điên’ với những tiếng như tiếng hắng giọng, chép môi, tiếng ngòi bút khi viết, tiếng giấy xào xạc, tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng đóng mở cửa, tiếng líu lo của chim chóc, tiếng kêu côn trùng, …

Không phải đôi tai mà chính bộ não mới là ‘thủ phạm’

Hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc có thể xuất hiện sớm nhất từ khoảng 9–13 tuổi, phổ biến ở người trưởng thành, và không thể trị khỏi hoàn toàn. Nghiên cứu năm 2017 của nhóm nghiên cứu Đại học Newcastle đã phát hiện rằng ở người mắc hội chứng này, những âm thanh kích hoạt gây ra thay đổi tại khu vực vỏ não trước – nơi chịu trách nhiệm của các cảm xúc như tức giận, sợ hãi, lo lắng, …

Các tình nguyện viên được chia thành 2 nhóm: nhóm thí nghiệm (test group) gồm những người có các biểu hiện nhạy cảm âm thanh chọn lọc, nhóm kiểm soát (control group) gồm những người không có(*). Nhóm nghiên cứu so sánh các phản ứng thần kinh và sinh lý giữa 2 nhóm sau khi các tình nguyện viên được cho nghe qua 3 loại âm thanh: âm thanh trung tính và lặp đi lặp lại (tiếng ấm nước sôi), âm thanh gây khó chịu (tiếng em bé khóc), và âm thanh kích hoạt (tiếng ăn uống, tiếng thở mạnh).

Kết quả, không nhóm nào phản ứng nhiều với các âm thanh trung tính hoặc khó chịu. Nhưng với âm thanh kích hoạt, dữ liệu từ các tình nguyện viên nhóm thí nghiệm cho thấy nhịp tim và độ dẫn điện của da (skin conductivity) tăng đáng kể.

Các nhà khoa học cũng phát hiện những người có hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc có lượng myelin – chất béo cách điện bao bọc xung quanh các tế bào thần kinh – trong não cao hơn bình thường. Không rõ liệu tăng myelin có phải là nguyên nhân hay chỉ là hậu quả của chứng nhạy cảm âm thanh. Nhưng trước đó, các nhà khoa học cũng quan sát thấy ảnh hưởng của nó tới chứng giảm trí nhớ và sự kích hoạt đối với các vùng não khác.

Sukhbinder Kumar, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, ‘Đây là một tin đáng mừng với những người có hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng minh được sự khác biệt trong cấu trúc và chức năng não bộ ở họ.’

(*)Nhóm thí nghiệm (Test / Experiment group) và nhóm kiểm soát (Control group) là các khái niệm thường gặp trong nghiên cứu thực nghiệm (experimental study). Control group là nhóm không nhận được những thay đổi gì mới khi tham gia thí nghiệm, Test group là nhóm có những điều kiện làm thí nghiệm khác hoàn toàn so với Control group. Mục đích của Control group là để đưa ra hệ tiêu chuẩn cơ bản, từ đó quan sát viên có thể thấy được những thay đổi nếu có khi áp dụng các điều kiện mới lên Test group.

Làm thế nào để giải quyết hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc?

Không có cách cụ thể để chẩn đoán hội chứng này, chủ yếu dựa vào việc hỏi bệnh, xác định biểu hiện, hoặc hoàn cảnh xuất hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý phân biệt hội chứng này với việc ai đó chỉ đơn giản là thấy khó chịu với các âm thanh… gây khó chịu nói chung. Một trong những dấu hiện nhận biết là người có hội chứng sẽ có phản ứng thái quá không thể kiểm soát với những âm thanh mà đa số không để ý hoặc không gây khó chịu.

Nếu chỉ đơn giản cảm thấy bực mình vì tiếng nhóp nhép của người bên cạnh, bạn hoàn toàn có thể tránh ra chỗ khác hoặc yêu cầu họ dừng lại. Nhưng với người có hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc, mọi việc không dễ dàng như thế. Bạn có tưởng tượng được một nhân viên văn phòng sẽ phải làm gì nếu bị dị ứng với tiếng gõ bàn phím? Hay một học sinh sẽ cảm thấy thế nào khi phải dành phần lớn thời gian trong môi trường lúc nào cũng có tiếng ngòi bút sột soạt hay tiếng bấm bút tanh tách?

Mặc dù hiện nay không có thuốc chữa khỏi hội chứng này và phương pháp điều trị thực sự hiệu quả cần thêm thời gian dài để nghiên cứu, nhưng hội chứng này vẫn có thể được kiểm soát thông qua một số phương pháp điều trị như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), thôi miên và điều trị ù tai (TRT).

Đối với những người bình thường không thể tiếp cận các phương pháp trị liệu chuyên nghiệp, các nhà khoa học cho biết họ có thể dùng biện pháp đánh lạc hướng thính giác (chẳng hạn như đeo tai nghe hoặc phát tiếng ồn trắng – white noise) để xua an các cảm xúc mà hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc gây ra.

(Ảnh minh họa: Meredith Rizzo)

Tham khảo:
If You Can’t Stand The Sound of People Chewing, Blame Your Brain
What Is the Treatment for Misophonia?

Xem thêm:
Ngủ sâu hơn mỗi đêm với sự hỗ trợ của tiếng ồn hồng
Tiếng ồn trắng, hồng, và nâu – Bạn biết gì về âm thanh trong cuộc sống?
Để những kẻ ngắt lời không còn “lên tiếng”

Mi Nguyen

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

4 giờ ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

1 ngày ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago