Bạn đã bao giờ bực mình khi ai đó cứ nói quanh co, lòng vòng, không vào được chủ đề, đặc biệt trong những lúc như bàn luận, tranh cãi, họp hành, … – những trường hợp mà đối thoại một cách thẳng thắn, đúng, đủ, rõ ý sẽ dễ dàng hơn cho cả hai bên biết bao nhiêu?
Tuy nhiên, nói quanh co không đơn thuần là biểu hiện của một người có kỹ năng giao tiếp kém. Đôi khi vòng vo Tam quốc lại được sử dụng như một chiến thuật trốn tránh nhằm gây hiểu lầm và đánh lạc hướng người nghe.
Vì sao hiện tượng này lại xuất hiện và chúng ta có thể làm gì để đối phó cũng như để tránh việc vô tình thực hiện hành vi này?
Thế nào là nói quanh co?
Nói quanh co được hiểu là khi ai đó trả lời hoặc phát biểu một cách dài dòng hoặc sử dụng nhiều từ ngữ phức tạp hơn mức cần thiết. Chúng ta thường bắt gặp hiện tượng này trong một số trường hợp như:
(1) Nhân viên bán hàng cố tình đưa nhiều thuật ngữ chuyên ngành vào phần giới thiệu và thuyết phục đối tượng tiềm năng họ đang nhắm đến nhằm tạo cảm giác bối rối và choáng ngợp, tăng khả năng khách hàng ra quyết định mua.
(2) Khi một người bị chất vấn, họ có thể nói quanh co cốt để lảng tránh việc phải đưa ra câu trả lời thực thụ. Ví dụ:
Phóng viên: Xin hỏi ông, có đúng là công ty XX đang chịu phạt do vi phạm nhiều điều luật không?
Người phát ngôn công ty XX: Đây là một câu hỏi nghiêm túc. Như mọi người đều biết, XX luôn luôn tận tâm tận lực tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được đặt ra bởi các cơ quan quản lý thuộc các cấp khác nhau trên cả phương diện pháp luật và, quan trọng hơn, trên phương diện đạo đức. Nếu các tổ chức trên có điều gì không đồng tình về cách chúng tôi vận hành, chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng nỗ lực cải thiện những thiếu sót để tiếp tục tiến lên phía trước trong bối cảnh thế giới thay đổi từng ngày từng giờ.
(3) Nếu ai đó tạm thời chưa thể đưa ra câu trả lời, họ thường “câu giờ” bằng những từ và cụm từ đệm. Ví dụ:
Giáo viên: Em có thể cho tôi biết nguyên nhân của sự kiện năm XX?
Sinh viên: Vâng ạ. Sau đây em sẽ trình bày về nguyên nhân của sự kiện năm XX. Như mọi người đã được biết, trong tiết học tuần trước chúng ta đã được biết những lý do khiến sự kiện này diễn ra. Qua các cuộc thảo luận trên lớp và dựa trên nhiều nguồn tham khảo khác nhau, theo những gì chúng ta biết, thì những nguyên nhân được đề cập là…
(4) Diễn tả dài dòng về một thứ mình chưa biết hoặc đang muốn tìm hiểu, ví dụ gõ vào thanh tìm kiếm Google là “phim có song joong ki người ý chiến đấu tội phạm” thay vì gõ “Vincenzo”
(5) Sử dụng những câu văn dài, khoa trương trong văn bản vì không nghĩ đến những cách diễn đạt ngắn gọn khả thi hơn, ví dụ: “những phương án tiềm năng để ngăn chặn vấn đề này” thay vì “cách ngăn chặn vấn đề này”
Vì sao người ta nói quanh co?
Nói quanh co thường được sử dụng khi người nói muốn che giấu ý định thật sự hoặc chuyển sự chú ý của mọi người khỏi chủ đề đang được nhắc đến. Trong những trường hợp này, nó được xem là một lỗi ngụy biện, ngay cả khi người nói có lý do chính đáng để lảng tránh, ví dụ như họ không cảm thấy thoải mái khi phải chia sẻ sự thật.
Ngoài ra, người ta còn nói quanh co (cả vô tình và cố ý) vì một số lý do như:
– Không biết hoặc không nhớ từ / cụm từ nào đó;
– “Câu giờ” để nghĩ câu trả lời hoặc tìm cách diễn đạt phù hợp;
– Diễn giải các thuật ngữ chuyên ngành hoặc những từ ngữ ít phổ biến;
– Thấy khó xử với chủ đề đang thảo luận;
– Thể hiện lịch sự với người nghe, đặc biệt khi yêu cầu hoặc nhờ vả;
– Thủ pháp nghệ thuật (phép lặp hoặc gieo vần).
Hiện tượng này có thể bắt gặp nhiều hơn ở những người sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, nhất là khi họ vẫn chưa thật thành thạo. Giáo viên hoặc người bản xứ có thể dùng cách nói dài dòng để cắt nghĩa những khái niệm mà đối phương chưa biết đến trong ngôn ngữ này, và ngược lại.
Cuối cùng, hiện tượng nói quanh co không vào vấn đề còn là triệu chứng của một số rối loạn thần kinh nhất định, chẳng hạn như một người mất năng lực giao tiếp vì bị tổn thương não (aphasia).
Làm thế nào khi người khác nói mãi chẳng vào đề?
Để “đối phó” hiệu quả, đầu tiên bạn cần xác định và biết được lý do vì sao người đối diện làm vậy:
(1) Người này có đang dùng nhiều từ hơn mức cần thiết không?
Liệu vấn đề đang được nhắc đến có thể được truyền đạt theo cách ngắn gọn hơn không? Ngoài ra, tần suất và thời điểm xuất hiện của những lần quanh co như thế nào?
(2) Nếu đối phương nói quanh co, nguyên nhân có thể là gì?
Nói vòng vo không phải lúc nào cũng nhằm mục đích xấu, do đó, khi thấy ai đó làm vậy, đừng vội cho rằng họ đang muốn che giấu sự thật hoặc đánh lạc hướng bạn.
(3) Nếu đối phương dùng phương thức giao tiếp quanh co như một lối ngụy biện, liệu họ có lý do gì chính đáng hay không?
Nguyên nhân của hành vi nói quanh co là chủ quan. Tùy từng trường hợp cụ thể mà nguyên nhân đó có thể được chấp nhận hay không. Ví dụ, thường thì chúng ta sẽ nói chung chung khi nhắc đến thu nhập vì đây là vấn đề nhạy cảm, thuộc phạm trù cá nhân. Nhưng nếu đối phương vẫn giữ thái độ này ngay cả khi hỏi mượn một số tiền lớn hoặc khi yêu cầu bạn đầu tư cho họ, thì bạn cần thận trọng vì rất có thể họ đang che giấu mục đích khác.
Một khi đã xác định được nguyên do, bạn sẽ chọn được cách phản ứng phù hợp trong từng trường hợp và tùy vào mục đích ban đầu của cuộc trò chuyện này.
(1) Nếu đối phương không cố tình hoặc có lý do chính đáng
Bạn có thể giữ im lặng hoặc đề nghị giúp tháo gỡ. Ví dụ, khi ai đó nói quanh co vì đang suy nghĩ câu trả lời hoặc ngại đề cập sự thật, bạn có thể im lặng. Hay nếu thấy ai đó liên tục viết dài dòng, khó đọc, bạn có thể đưa nhận xét để họ nhìn ra vấn đề.
(2) Nếu đối phương cố tình dùng lối nói quanh co để tung hỏa mù
Bạn có thể cân nhắc các cách giải quyết sau:
– Trực tiếp nói rằng: “Xin lỗi, nhưng bạn đang nói dài dòng đấy.”
– Gián tiếp chỉ ra hành vi này và lặp lại câu hỏi ban đầu: “Tôi hiểu, nhưng những điều đó vẫn chưa giải đáp thắc mắc tôi đưa ra về …”
– Nhận thức rằng đối phương đang nói quanh co và dùng nó với mục đích đánh giá tính cách họ và tình hình vấn đề hiện tại chứ không bắt bẻ hay tỏ thái độ gì khác.
Làm sao để tránh nói quanh co?
Hành vi này có thể được sử dụng một cách vô tình hoặc có chủ ý. Để tránh những lúc vô tình làm người khác không hiểu mình muốn nói gì, cần ghi nhớ:
(1) Suy nghĩ thấu đáo hoặc dành thời gian chuẩn bị trước khi trình bày
(2) Học hỏi và áp dụng các cách diễn đạt ngắn gọn, đủ ý
(3) Tìm hiểu và thử nghiệm những từ vựng / cụm từ / câu mới để có thể mô tả suy nghĩ của mình nhanh gọn, chính xác, đặc biệt nếu bạn đang học một ngôn ngữ mới
Những biện pháp này có thể áp dụng cả khi nói và viết, mặc dù nhiều người nhận định viết sẽ dễ hơn vì văn bản viết có thể được rà soát, điều chỉnh trước khi xuất bản. Ngoài ra, nếu đã… lỡ khiến người nghe lạc theo mình, bạn hoàn toàn có thể sửa lỗi bằng cách tóm tắt những điểm quan trọng cần lưu ý lúc kết thúc, hoặc hỏi xem mọi người có thắc mắc gì nữa không.
(Theo: Effectiviology)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Những đặc điểm tính cách ít ai nói, được “gói” kỹ của người thành công
Hiệu ứng phản tác dụng – Vì sao chúng ta “từ chối” sự thật?
9 việc nhỏ cần lưu ý để có thể đưa ra quyết định tốt hơn
Thảo luận về bài viết