Làm việc ở nước ngoài đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, là một trong những lựa chọn chủ động của người trẻ bởi nhiều lý do khác nhau như: mức thu nhập cao hơn, điều kiện phát triển một số lĩnh vực nghề nghiệp tốt hơn, một môi trường mới mà họ muốn trải nghiệm hoặc đơn giản là để thích nghi với một hoàn cảnh cá nhân.
Ngoài việc có visa, hay chuẩn bị một bước đệm tốt và môt “Background” xịn xò thì bạn vẫn có thể gặp khó khăn. Vượt qua những rào cản ban đầu là điều tốt nhưng để định hướng cho một cuộc sống lâu dài thì sẽ khó hơn. Vậy nên những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt dành cho mọi người khi lựa chọn làm việc ở nước ngoài trong thời gian dài.
Thứ nhất: Làm sao để hoà nhập với cuộc sống mới khi làm việc ở nước ngoài?
Khi đặt chân đến một đất nước mới, các giác quan của bạn sẽ nhanh chóng nhận ra sự khác biệt từ không khí, ngôn ngữ, con người, mùi vị, đồ ăn… cảm giác choáng ngợp sẽ đến cùng một số lo lắng. Tất cả điều này sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian. Vậy nên trước khi bắt đầu nghĩ đến công việc và sự nghiệp thì bạn cần nhanh chóng hoà nhập được với môi trường mới này. Nó sẽ giúp bạn hình thành một số thói quen cá nhân, cũng như tìm thấy những niềm vui nho nhỏ sau này.
Trong khoảng thời gian tìm chỗ ở, hoàn thành các thủ tục pháp lý, có tài khoản thanh toán cá nhân cho kế hoạch làm việc ở nước ngoài của mình, bạn có thể tranh thủ đi tham quan các nơi, học thêm những kiến thức hằng ngày, đi làm tình nguyện, kiếm một công việc làm thêm đơn giản để bổ sung thu nhập và giao tiếp.
- Học gì khi chuẩn bị làm việc ở nước ngoài: Tất nhiên là ngôn ngữ của đất nước mà bạn đang có ý định làm việc. Ngoài ra nên trang bị tốt tiếng Anh giao tiếp vì dù sao đây cũng là ngôn ngữ phổ biến và có thể hỗ trợ, giúp ích cho bạn trong một số trường hợp.
- Khám phá: Hãy xem việc di chuyển đến những địa điểm nơi mà bạn đến, khám phá những địa điểm nổi tiếng như một du khách du lịch thực sự. Ngoài có cho mình những bức ảnh đẹp, giảm lo lắng, bạn còn làm quen với môi trường, không khí, những con người mới.
- Phương tiện đi lại cần thiết khi làm việc ở nước ngoài: Hãy tìm hiểu và quan sát nơi mà bạn quyết định chuyển đến để làm việc nước ngoài, để xem mọi người thường sử dụng phương tiện di chuyển nào. Hãy cố gắng sở hữu một loại bằng lái, hoặc một phương thức di chuyển tự do như thế sẽ giúp bạn có cảm giác tự tin và tự do hơn khi giải quyết các vấn đề khác.
- Làm thêm: Nếu có một lời mời làm việc trước đó thì mọi thứ sẽ sớm ổn thôi. Nhưng nếu phải bắt đầu lại mọi thứ thì trong thời gian tìm kiếm một công việc chính thức phù hợp, bạn nên thử làm thêm một công việc nào đó đơn giản và dễ tìm. Điều này sẽ giúp bạn có thêm một nguồn thu nhập nhỏ.
- Tham gia tình nguyện: Hãy thử những công việc tình nguyện ngắn hạn, nó sẽ giúp bạn làm quen với mọi người, có một số thông tin và kinh nghiệm hưu ích khác.
Thứ 2: Xác định hướng đi khi làm việc ở nước ngoài thay vì chỉ làm một công việc tạm thời để sống qua ngày
– Tiếp tục công việc mà mình có nhiều kinh nghiệm khi làm việc ở nước ngoài:
Sau khi dành thời gian để hoà nhập với cuộc sống thì cũng là lúc bạn bắt đầu suy nghĩ xem mình nghiêm túc về việc tìm được công việc phù hợp và có cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn. Điều này không đơn giản vì có rất nhiều người nhập cư khác cũng chuẩn bị các kỹ năng và kiến thức tương tự bạn, ngoài ra còn có dân bản địa, những sinh viên nước ngoài sắp ra trường và cả những sinh viên học Master vừa có kinh nghiệm vừa có bằng cấp ở đó. Nếu quyết tâm và chờ đợi được thì chắc vẫn có cơ hội dành cho bạn.
– Suy nghĩ về việc chuyển ngành khi làm việc ở nước ngoài:
Một khởi đầu mới có thể khiến bạn lo lắng nhưng nếu muốn thử thách bản thân ở một lĩnh vực mới thì có thể xem xét thêm phương án chuyển ngành. Lựa chọn làm việc ở nước ngoài giống như một khởi đầu mới và bạn sẽ không bị giới hạn bởi những gì đã làm hay con người trước kia. Bạn cũng không phải ngại chuyện xung quanh có ai đánh giá mình không vì nhưng người này cũng không biết bạn là ai?
Tuy nhiên trước khi có ý định này bạn nên nhìn thấy được những cơ hội nghề nghiệp từ thị trường mới (trừ trường hợp bạn muốn làm điều gì đó bản thân thích). Hãy tổng kết một cách thành thật nhất về điểm mạnh của bản thân, cũng như những kỹ năng hữu ích cho hướng đi khác này. Các cơ hội này hiếm khi đột nhiên xuất hiện vì vậy bạn cần tăng tỷ lệ may mắn lên một chút.
- Cùng với việc nộp đơn vào các trang tìm việc trực tuyến, bạn nên thử tham gia các buổi gặp gỡ, các sự kiện, các câu lạc bộ kết nối cộng đồng nhằm xây dựng mạng lưới network đơn giản. Những lời giới thiệu từ ai đó quen biết sẽ có cơ hội cao hơn dành cho người nhập cư.
- Quyết định học một lớp học ngắn hạn, dù các khoá học ngắn hạn này có chi phí cao nhưng nếu bạn đã chuẩn bị trước đó hoặc có khoản tiền đã dành dụm từ các công việc làm thêm trước kia thì nó sẽ đủ cho các khoá học này. Nhưng vì ngắn hạn nên các kiến thức thường chỉ cơ bản hoặc nền tảng vậy nên bạn cần tự chủ động trau dồi thêm. Cố gắng tìm cơ hội thực hành, xây dựng portfolio để xin việc.
Bài viết được tham khảo từ chia sẻ làm việc ở nước ngoài của chị Trịnh Hà Lê từng là Digital Marketing nhập cư ở Úc và trở thành Product Manager làm việc tại Pluralsight.