Về dàn huấn luyện viên và cố vấn
Ở King Of Rap là các rapper tên tuổi như Lil’Shady, LK (Lil Knight), BigDaddy, Datmaniac. Đây là những huấn luyện viên thiên nhiều về dòng nhạc underground và có những tên tuổi lớn từ thời F1 như Lil’Shady, LK. Mặc dù cả hai hiện không hoạt động sôi nổi như trước nhưng khi nói về rap Việt thì hầu như mọi người sẽ biết đến họ. Các vị huấn luyện viên khác như BigDaddy, Datmaniac thì quen thuộc với khán giả trẻ hiện nay hơn thông qua phong cách biểu diễn đa dạng, mới lạ cùng nhiều màu sắc âm nhạc khác biệt.
Trong khi đó, Rap Việt lựa chọn Wowy, Karik, Binz, Suboi tham gia chương trình. Các huấn luyện viên của Rap Việt đều để lại những ấn tượng mạnh trên thị trường âm nhạc với những ca khúc mang hơi hướng hiện đại, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khán giả. Chưa kể việc Suboi, nữ rapper đời đầu tham gia chương trình cũng tạo nên những nét thú vị trong tương tác giữa các huấn luyện viên với nhau. Đồng thời, cô cũng là nguồn cảm hứng, truyền động lực cho các bạn nữ trẻ yêu rap có thể tự tin, dám khẳng định mình trên sân chơi đặc biệt này. Không dừng ở đó, hai giám khảo là JustaTee, Rhymastic cũng đã mang lại một sức hút to lớn cho người xem bởi kiến thức chuyên môn sâu rộng, sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng rap. Tất cả những gia vị đó, đã khiến những khán giả yêu rap có thể “cháy” hết mình trong từng giây phát sóng của chương trình.
Về dàn thí sinh
Nếu như vòng loại ban đầu của Rap Việt dành nhiều thời gian giới thiệu về những thí sinh tham gia chương trình. Họ đã qua quá trình sàng lọc trước đó và được định hướng chủ đề, được hỗ trợ về kỹ thuật như hát bè, playback… thì ở King Of Rap vòng loại chính là nơi sàng lọc thí sinh ngay từ lúc bắt đầu. Bởi những khác nhau cơ bản như vậy, sau những tập phát sóng vừa qua ta có thể dễ dàng nhận ra những ưu và nhược điểm của hai chương trình.
Các màn biểu diễn của thí sinh ở Rap Việt đến với công chúng có phần chỉn chu và dễ nghe hơn. Thời lượng chương trình dài nhưng chỉ có 6 màn biểu diễn, khán giả được xem trọn vẹn hết những điểm thú vị của các màn trình diễn đó và có thể hiểu được những đánh giá đến từ ban giám khảo, cũng như đưa ra quan điểm đồng tình hoặc không của riêng họ. Không dừng ở đó thí sinh có thể có được sự nhận diện tốt hơn đến với khán giả khi tham gia chương trình cũng như những hoạt động sau này. Tuy nhiên việc vào khuôn tất cả mọi thứ như vậy lại khiến cho thí sinh không thể phô bày hết những ưu điểm hay những màu sắc âm nhạc mà họ muốn theo đuổi. Hạn chế về thí sinh cộng thêm việc giới hạn đề tài có thể sẽ làm giảm sự đa dạng của những buổi trình diễn.
Việc dành spotlight nhiều cho các huấn luyện viên giúp chương trình trở nên thú vị và gần gũi với khán giả. Điều này góp phần quảng bá những cái hay của dòng nhạc rap đến với đối tượng khán giả không quan tâm hoặc có suy nghĩ chưa tích cực về nó.
Ngược lại, ở King Of Rap, tất cả những thí sinh hầu như tự mình chuẩn bị mọi thứ, được tự do thể hiện màu sắc âm nhạc của chính mình. Vì thế mà sau tập đầu, một vài thí sinh trong King Of Rap đã thu hút được một lượng khán giả cho những ca khúc riêng của họ như: Hiếu Thứ Hai, Color, Pháo, Chị Cả, Rica, ICD… với những ca khúc có ngôn từ gần gũi, vui vẻ và mang đậm phong cách của họ. Điểm hạn chế là việc tự chuẩn bị âm nhạc và trình diễn mộc ở một sân khấu lớn khiến chất lượng thu âm không tốt. Số lượng thí sinh tham gia vòng loại khá nhiều nên thời lượng biểu diễn của họ bị cắt ngắn đi, khiến cho những màn trình diễn không được trọn vẹn và nhịp điệu của chương trình cũng trở nên gấp gáp. Việc thưởng thức những màn trình diễn quá ngắn dẫn đến người xem không thể nắm bắt hết những nhận xét của giám khảo nếu không có chút kiến thức về nhạc rap. Về cơ bản chương trình sẽ đi theo hướng khá gần với giới underground yêu rap nhưng không quá thân thiện với bộ phận khán giả khác. Tuy nhiên theo format chương trình thì những thí sinh giỏi và những điểm thú vị của chương trình sẽ bắt đầu ở những vòng sau.
Về format chương trình
The King Of Rap được mua bản quyền từ show truyền hình đình đám của Hàn “Show me the money”, một show rap quen thuộc với thanh thiếu niên Việt. Khi có thông tin Việt Nam làm lại show này, nó đã thu hút được một lượng lớn những rapper nhiều kinh nghiệm tham gia chương trình.
Format của King Of Rap theo hướng các thí sinh sẽ tự chiến với nhau từ vòng loại, cho đến vòng battle 1:1, vòng đấu nhóm để đi được đến vòng chọn huấn luyện viên mà mình muốn hỗ trợ. Về cơ bản các thí sinh và huấn luyện viên chỉ tham gia cùng nhau vào những vòng gần cuối của chương trình. Các màn trình diễn sau đó sẽ nhận phiếu bầu của khán giả bình chọn, cho đến khi chỉ còn lại một người chiến thắng duy nhất.
Còn Rap Việt cũng là một chương trình được mua lại từ “The Rap” của Thái. Chương trình đã nhận được nhiều giải thưởng truyền hình xuất sắc ở Thái, cũng như trong khu vực và được khán giả đón nhận cực tốt.
Format của Rap Việt có chút ngược lại so với King Of Rap khi những thí sinh trình diễn và được chọn vào đội của các huấn luyện viên phù hợp. Sau đó thí sinh từ các đội của huấn luyện viên sẽ đấu với nhau và nhận đánh giá chéo từ các huấn luyện viên khác để loại người. Cuối cùng còn lại 8 thí sinh đi vào vòng chung kết, biểu diễn và nhận phiếu bầu trực tiếp từ khán giả để chọn ra người chiến thắng.
Cho dù sức ảnh hưởng từ các huấn luyện viên, format chương trình khác nhau thì cuối cùng để chọn ra người chiến thắng vẫn chính là lựa chọn của khán giả. Do đó màn trình diễn của các thi sinh càng về cuối mới là sức hút chính hai chương trình hướng đến.