Khai mạc vào ngày 17.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, triển lãmCõi An Thường của họa sĩ Nguyễn Hoài Hươnglà sự tôn vinh nghệ thuật truyền thống và cam kết của người nghệ sĩ trong việc kế thừa, sáng tạo, và làm giàu thêm di sản mỹ thuật Việt Nam. Nó cũng khẳng định sự nỗ lực không ngừng của ông trong việc tái hiện vẻ đẹp quá khứ một cách sống động và ý nghĩa, đồng thời để lại những dấu ấn sâu sắc cho nghệ thuật đương đại.
Đến vớiCõi An Thường, người thưởng lãm không chỉ thấycác tác phẩm sơn mài trừu tượng mà còn có những bức tranh đậm chất hoài cổ, khắc họa vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của làng quê Việt. Hình ảnh nghệ thuật được kết hợp khéo léo với yếu tố không gian kiến trúc và nội thất, phản ánh sự giao thoa giữa hội họa và thiết kế trong sự nghiệp của Nguyễn Hoài Hương.
Triển lãm lần này của người hoạ sĩ gửi gắm triết lý nghệ thuật sâu sắc qua 2 khái niệm “an” (trong “an yên”) và “thường” (trong “bình thường”), biểu đạt tâm niệm giản dị của Nguyễn Hoài Hương: Trân trọng quá khứ, tìm kiếm sự an nhiên và cống hiến hết mình cho hiện tại. Đây là sự hòa quyện giữa ký ức tuổi thơ và hoài niệm về không gian Việt Nam, tạo nên một hành trình sáng tạo mang tính “quy cố hương” – trở về với nguồn cội của hoạ sĩ.
Cái tên “Cõi An Thường” đã đến với hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương ra sao?
Hành trình mà hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương nảy ra ý tưởng và cái tên Cõi An Thường gắn liền với những trải nghiệm cá nhân, các công trình thiết kế, và sự trở về với hội hoạ truyền thống qua chất liệu sơn mài. Tên gọi của triển lãm lần này của ông chứa đựng tinh thần an yên và sự giản dị, như một triết lý nghệ thuật mà ông luôn theo đuổi: tôn trọng quá khứ, hòa mình vào hiện tại, và tạo dựng những giá trị mới cho tương lai.
Nguyễn Hoài Hương từng được biết đến qua tranh sơn dầu từ những năm đầu sự nghiệp, song bước ngoặt đến khi ông chuyển sang sơn mài – một chất liệu truyền thống có khả năng truyền tải tinh tế những giá trị văn hoá và mỹ thuật Việt Nam.
Quá trình sáng tạo của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ “không gian Việt,” (một cụm từ mà nhà báo Nguyễn Trọng Chức đề cập đến), thể hiện trong các công trình kiến trúc và thiết kế nội thất gắn liền với phong cách thanh lịch và hàm súc.
Nguyễn Art Garden, nơi kết hợp giữa không gian sống và sáng tác, cũng là minh chứng cho mối giao thoa giữa mỹ thuật và công năng. Xưởng sáng tác tại đây, với các công đoạn chế tác sơn mài phức tạp, đã góp phần hình thành những tác phẩm đầy dấu ấn riêng biệt. Hơn nữa, mạch cảm hứng từ làng quê Bắc Bộ – nơi gắn liền với tuổi thơ ông – là chất liệu để Hoài Hương tái hiện ký ức qua từng nét vẽ.
Trong Cõi An Thường, các bức tranh sơn mài tập trung khắc hoạ hình ảnh làng quê Việt Nam qua những chi tiết đầy hoài niệm: cổng làng, cổng xóm, mái đình, cây cầu đá, và cả những cô gái áo yếm hay những bầy trâu ung dung trên con đường làng. Hình ảnh hoa sen, lá sen cũng là biểu tượng quen thuộc trong tranh ông, gợi lên nét thanh bình và sâu lắng.
Tuy nhiên, triển lãm tranh không chỉ dừng ở sự hoài cổ mà còn bao gồm những thể nghiệm trừu tượng, biểu đạt sự phóng khoáng trong nghệ thuật sơn mài. Các tác phẩm ở đây vừa kế thừa truyền thống, vừa thể hiện khát vọng đổi mới, phản ánh tâm huyết không ngừng nghỉ của ông trong hành trình sáng tạo.
Cũng có thể nói, Cõi An Thường là minh chứng cho sự gắn bó bền bỉ của Nguyễn Hoài Hương với nghệ thuật và khát vọng tiếp nối, tôn vinh giá trị văn hoá Việt Nam thông qua ngôn ngữ hội hoạ.
Một số tác phẩm nổi bật
Để hiểu thêm về ý nghĩa của những bức tranh sơn mài tại triển lãm, The Millennials Life đã tham dự 1 art tour vòng quanhCõi An Thường. Với sự dẫn dắt của chị Thư từ đơn vị tổ chức Q. AS Concept, chúng tôi đã có một cuộc hành trình đi vào không gian bình dị mà người hoạ sĩ tái hiện lại.
Bức hoạ đầu tiên mà người thưởng lãm bước vào phòng trưng bày, đó chính là tác phẩm Những Con Sáo. Thế nhưng, trái ngước lại hoàn toàn với cái tên đó, có lẽ chủ thể nổi bật nhất khi người xem nhìn vào lại là 3 người phụ nữ trong tư thế ngồi thoải mái; bên cạnh họ là bộ ấm chén với quả dưa hấu được bổ thành phân nửa; bao trùm xung quanh những người đàn bà ấy là những chiếc lá chuối. Chỉ khi ta nhìn lên trên phía góc phải mới thấy những chú sáo đậu trên cành.
Lý giải cho sự kỳ lạ này, chị Thư giải thích rằng: “Đương nhiên ở đây sẽ có chút mâu thuẫn, nhưng đó cũng là một ví dụ về cách mà ta để ý đến những chi tiết nhỏ hơn để đọc được tranh. Những chú sáo đang đậu trên cành thành một nhóm, cũng giống như 3 người phụ nữ tụ tập lại để tám chuyện vậy. Nhưng mà vì không biết nói về điều gì, nên ta phải tiếp tục liên hệ đến những yếu tố kế bên đó nữa.“
Chị nói tiếp: “Ví dụ như trái dưa hấu. Nếu nhìn kỹ, ta có thể thấy nó hơi héo và phải ăn liền. Chính vì thế, theo ý định của hoạ sĩ, cuộc nói chuyện mà ta có thể phỏng đoán ra được là có thể là về cuộc tình hay nỗi nuối tiếc nào đấy; nếu không nói ngay vào lúc đó thì có thể sẽ “nguội” đi mất.“
Chất liệu sơn mài cũng được chị đề cập đến. Nếu để ý kỹ, toàn bộ phần nền của bức hoạ (cũng như đại đa số các bức khác), đều dùng màu ấm. Đây là chất từ nhựa thông cây sơn, một loại cây cho ra màu nâu cánh gián; khi đánh màu lên toan sẽ tạo cảm giác trầm ấm. Ngoài ra, những đốm trắng nhỏ bao quanh những tán cây xanh phía dưới dùng được tạo nên từ vỏ trứng. Khi được đưa vào và mai ra, càng ngày từng lớp sẽ hiện ra rõ hơn.
Sang đến căn phòng thứ 2, nơi đây tập trung những tác phẩm trừu tượng nhưng vẫn cùng chủ đềCõi An Thường của Nguyễn Hoài Hương. “Nó sẽ thuần về bên trong con người nhiều hơn,” chị Thư nói. Bởi vì bây giờ mọi hình thái trở nên khác lạ và ít theo quy luật thông thường, cho nên việc “cảm” đối với từng bức tranh sẽ đến từ nội tâm của người thưởng lãm.
Chị giải thích thêm: “Tổng thể trung từ góc nhìn hoạ sĩ, đó là về “sự sống”. Có thể ở một số bức tranh, nó có chủ đề về sự sống, nhưng nó cũng là về ánh trăng/nguyệt, về đêm. Và còn có những ý tưởng và hình thể khác, thì người xem có thể tự suy đoán mà ra. Tự hỏi mình là vì sao mình thấy cái khác, mà hoạ sĩ lại thấy kia. Đó là tự do của mọi người.”
Bức hoạ cuối cùng mà chị Thư giới thiệu cho chúng tôi nằm ở căn phòng thứ 3. Với tên gọi là Ngũ Nhạc, bức hoạ tái hiện lại hình ảnh của một dàn nhạc bao gồm 5 người phụ nữ đang biểu diễn. Người thì đánh trống, người thì đánh đàn tỳ bà, người thì thổi sáo; toàn bộ những người phụ nữ ấy được bảo trùm bởi những dải vải màu cam và xanh nước biển uốn lượng như sóng vậy. Tất cả đều tạo ra một khung cảnh trữ tình nhưng cũng đầy màu sắc.
“Cách vẽ về cơ bản thiên về đối xứng là chính. Nhưng mà khi các bạn đứng ra xa và thử nheo mắt lại, thì vô tình ta sẽ thấy một chiếc mặt nạ tuồng. Con người giờ đây trở thành yếu tố bổ trợ cho chủ thể chính là cái mặt nạ đó,” chị Thư giải thích.
“Bác Hoài Hương là một hoạ sĩ đại diện cho cái chất về di sản, về văn hoá rất là nhiều. Cho nên ta có thể những bức này tuy đơn giản, nhưng hàm ý chính ở đây đến từ chất liệu, đến từ tâm niệm mong muốn để lại điều gì đó cho nghệ thuật. Các tác phẩm của bác có sức trường tồn, lâu dài,” chị Thư chốt lại ý nghĩa của triển lãm.
Đôi nét về hoạ sĩ
Nguyễn Hoài Hương là một họa sĩ nổi bật của Việt Nam. Sinh năm 1956 tại Hải Phòng, ông tốt nghiệp khoa Sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh voà năm 1986, nhưng sau đó lại gắn bó sâu sắc với chất liệu sơn mài truyền thống. Hoạ sĩ là thành viên của Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm tập thể cả trong và ngoài nước.
Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương được biết đến với các tác phẩm sơn mài giàu tính biểu cảm. Ông thường lấy cảm hứng từ cảnh sắc Việt Nam và ký ức tuổi thơ, phản ánh tình yêu quê hương qua những hình ảnh quen thuộc như mái đình làng, đụn rơm, tàu lá chuối, hay sen hồ. Những tác phẩm của Nguyễn Hoài Hương không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn gợi mở không gian trầm lắng, nơi người xem cảm nhận sự an yên và cân bằng trong tâm hồn.
Triển lãm Cõi An Thường và Giấc Mơ là 2 trong số những sự kiện nghệ thuật quan trọng của hoạ sĩ. Các triển lãm này đã thể hiện khả năng phối màu độc đáo và sáng tạo của Nguyễn Hoài Hương, đồng thời tiếp tục khẳng định vị trí của ông trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ông còn được đánh giá cao trong lĩnh vực thiết kế nội thất và điêu khắc, với nhiều tác phẩm được trưng bày trong các bộ sưu tập tư nhân ở Việt Nam và nước ngoài.
Một số thông tin về triển lãm tranh Cõi An Thường:
- Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (Toà nhà 2), Số 97, Đường Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.
- Thời gian trưng bày: 17.11- 28.11.2024.
- Giờ mở cửa: 08:00 – 17:00.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”
- Xem chỉ tay: Từ góc nhìn khoa học và cách bói đúng
- 7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?