Mở cửa cho công chúng từ ngày 13.07, triển lãm cá nhân đầu tiên của hoạ sĩ Phương Lương, mang tên Người Đàn Bà được tổ chức tại TomuraLee Gallery; Đây là những bức họa vẽ lên chân dung chủ thể đầy cá tính và mạnh mẽ. Phương Lương mong muốn những tác phẩm của mình tạo được ấn tượng thị giác mạnh mẽ đến người xem ngay từ những phút giây đầu tiên ngắm nhìn.
Trở lại với phòng tranh TomuraLee Gallery quen thuộc, nơi đã từng trưng bày nhiều tác phẩm khác nhau từ những họa sĩ lớn và nhỏ, giới mộ điệu giờ đây sẽ được chứng kiến màn ra mắt của nữ hoạ sĩ trẻ Phương Lương. Vẫn là không gian đó, các tác phẩm của hoạ sĩ Phương Lương được bày trí một cách tinh tế để đảm bảo cho người xem hoàn toàn ‘đắm chìm’ vào không gian nghệ thuật độc đáo.
Người Đàn Bà là triển lãm cá nhân đầu tiên, đánh dấu sự ra mắt của hoạ sĩ Phương Lương với công chúng yêu mến nghệ thuật. Họa sĩ đã chọn lọc ra 14 tác phẩm sơn dầu tiêu biểu để trưng bày. Mỗi một tác phẩm đều mang cho mình một cái tên đầy ấn tượng, điều này cũng thế hiện sự nhất quán, chặt chẽ trong tư duy sáng tác và mạch cảm hứng của người nghệ sĩ.
Tổng quan về triển lãm Người Đàn Bà của Phương Lương
14 bức tranh với chủ đề Người Đàn Bà đều có tên riêng, được bắt đầu bằng cụm từ “Người đàn bà…”, ví dụ như: Người đàn bà bước vào đời, Người đàn bà nhìn đời, Người đàn bà ngang, Người đàn bà dọc,…
Toàn bộ các tác phẩm được vẽ trên toan sơn dầu. Để nói thêm về chất liệu, tranh sơn dầu trên toan là một kỹ thuật vẽ tranh bằng sơn dầu trên một bề mặt được gọi là toan (canvas). Toan thường được làm từ vải lanh hoặc vải cotton, được căng trên khung gỗ và sau đó phủ một lớp gesso để tạo ra một bề mặt mịn màng và không thấm nước. Kỹ thuật này đã trở nên phổ biến từ thế kỷ 15 và tiếp tục được sử dụng rộng rãi đến ngày nay.
Có rất nhiều lý do vì sao nghệ sĩ chọn vẽ tranh sơn dầu trên toan:
- Độ bền và linh hoạt: toan là một bề mặt chắc chắn và linh hoạt, có khả năng chịu đựng tác động của thời gian mà không bị hư hỏng nhiều. Sơn dầu, khi khô, tạo ra một lớp màu sắc bền vững và rực rỡ, không bị phai mờ dễ dàng.
- Tính năng thấm hút:: lớp gesso trên toan giúp kiểm soát sự thấm hút của sơn, cho phép nghệ sĩ có thể dễ dàng điều chỉnh độ dày, mỏng của lớp sơn, và tạo ra các hiệu ứng bề mặt khác nhau.
- Đa dạng về kỹ thuật: sơn dầu trên toan cho phép nghệ sĩ sử dụng nhiều kỹ thuật vẽ khác nhau như lớp màu mỏng (glazing), lớp màu dày (impasto), pha trộn màu trực tiếp trên bề mặt, và tạo ra các chi tiết tinh tế.
- Khả năng sửa chữa: sơn dầu khô chậm, cho phép nghệ sĩ có thể sửa chữa và điều chỉnh bức tranh trong quá trình làm việc, tạo ra sự linh hoạt trong việc thay đổi và hoàn thiện tác phẩm.
- Hiệu ứng màu sắc: sơn dầu có khả năng tạo ra màu sắc sâu và phong phú, với độ bóng và độ trong suốt cao, mang lại sự sống động và chân thực cho bức tranh.
Nhờ những ưu điểm này, toan trở thành một lựa chọn lý tưởng cho nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả Phương Lương.
Câu chuyện về các tác phẩm trong triển lãm Người Đàn Bà:
Lấy người phụ nữ làm chủ thể chính (hay ‘đàn bà’ theo cách gọi của nhiều người), một chủ đề không hẳn là quá mới đối với thế giới nghệ thuật. Đặc biệt với hội hoạ, cơ thể và vẻ đẹp khuôn mặt của họ đã và luôn từng được thể hiện trên các tác phẩm nổi tiếng của nhiều danh hoạ. Thế nhưng, 14 bức tranh trong triển lãm Người Đàn Bà đã đào sâu vào nội tâm, cá tính của chủ thế, đặt những điều riêng tư, tinh thần mạnh mẽ, những cảm xúc thầm kín bên cạnh nhưng hình ảnh mà mọi người thường hình dung về họ.
Những cảm hứng nghệ thuật này được hoạ sĩ Phương Lương thể hiện theo trường phái hội hoạ biểu hiện (Expressionism), được nữ hoạ sĩ lựa chọn khi định hình cho phong cách hoạ hoạ của mình. Chủ nghĩa này đã xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, nhấn mạnh việc thể hiện cảm xúc và ý nghĩ nội tâm của nghệ sĩ hơn là mô tả thực tế khách quan.
Nghệ sĩ thuộc trường phái này sử dụng màu sắc để khơi gợi cảm xúc, hình ảnh chủ thể được biến đổi linh hoạt, để truyền tải những cảm xúc mãnh liệt, chẳng hạn như sự lo âu, khủng hoảng, hoặc niềm đam mê… Trong hội họa biểu hiện, thay vì chú trọng vào sự chính xác và chi tiết từ hiện thực, người nghệ sĩ sẽ tập trung vào việc bộc lộ thế giới nội tâm của mình, mang đến cho người xem những trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc.
Tất cả những điều này được hoạ sĩ Phương Lương thể hiện thông qua các tác phẩm từ triển lãm Người Đàn Bà. Ở đại đa số bức tranh, hoạ sĩ vẽ lại dáng đứng và chuyển động của chủ thể khá khác thường nhưng đầy sức sống và không hề gượng ép. Những đường nét của nhiều bức hoạ đều có điểm chung là cơ thể phụ nữ uốn lượn tinh tế, nổi bật với không gian bao quanh; khiến người xem ngay lập tức bị thu hút vào chủ thể ở trung tâm các tác phẩm.
Một điểm đặc biệt khác từ các tác phẩm trong triển lãm Người Đàn Bà, đó là người xem có thể dễ dàng nhận ra 14 bức tranh được trình bày theo hai hình thức khác nhau. Trong đó có 5 bức tranh có kích thước nhỏ hơn so với những bức còn lại và thay vì mô tả cơ thể của người phụ nữ, chủ đề chính của những bức tranh này tập trung vào khuôn mặt, với những biểu cảm khác nhau của họ. 5 bức tranh này đi kèm với các bức tranh còn lại trong triển lãm tạo một sự kết hợp độc đáo, bổ sung thêm nhiều sắc thai đa dạng cho người xem.
Để nhìn chung lại, đến với triển lãm, người xem sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm có cá tính mạnh mẽ nhưng cũng đôi chút uyển chuyển và nhẹ nhàng, từ một trong hoạ sĩ trẻ Phương Lương.
Trong mỗi tác phẩm, ta có thể cảm nhận được ‘người đàn bà’ mà Phương Lương đang miêu tả là những con người tuy có thể mang trong mình một tâm hồn đầy bí ẩn, nhưng họ cũng đầy phi thường. Những người đàn bà đó mong muốn vượt ra khỏi khung tranh, vượt ra khỏi những định kiến về nữ giới. Và chính nữ hoạ sĩ Phương Lương đã thành công trong việc nắm bắt được chủ đề này.
Một vài chia sẻ từ hoạ sĩ Phương Lương
Tại buổi khai mạc diễn ra vào chiều tối ngày 13.07, The Millennials Life đã có cơ hội được nói chuyện với hoạ sĩ về triển lãm cá nhân Người Đàn Bà đầu tiên của mình. Chị Phương Lương đã có những chia sẻ sâu sắc về buổi ra mắt này, cũng như nói thêm về quá trình hình thành những bức tranh trong BST này.
Xin chào hoạ sĩ Phương Lương. Khi xem qua những bức tranh tại triển lãm Người Đàn Bà, người ta có thể thấy rõ được phong cách trường phái hội hoạ biểu hiện (Expressionism) qua từng bức tranh. Thế nhưng, điều mà có thể nhiều người không để ý đó chính là cách vẽ ‘kiệm màu’ của chị ở nhiều bức hoạ. Chị có thể chia sẻ thêm về lý do vì sao mình lại chọn kiểu vẽ này cho BST không?
Phong cách mà tôi theo đuổi không chỉ xuất hiện trong đề tài này mà còn ở những đề tài khác nữa, và tôi đã ứng dụng nó cho những tác phẩm đầu tiên của mình từ hồi năm 2020 đến nay.
Nói đến cách vẽ ‘kiệm màu’, thực ra thì mỗi hoạ sĩ họ sẽ có sự khai thác về màu riêng, sẽ có nhiều hoạ sĩ dùng màu sắc rực rỡ và nhiều tông màu đa dạng để phối với nhau rất là hài hoà. Tôi lại muốn tập trung vào một vài màu thôi, để nó nêu bật lên những màu sắc mà mình muốn. Bởi vì tinh thần của bộ tranh Người Đàn Bà là thể hiện sự mạnh mẽ, nên tôi cũng sẽ sử dụng những tông màu mạnh mẽ.
Chị có chia sẻ gì về cách sử dụng màu sắc cho các tác phẩm trong triển lãm Người Đàn Bà không?
Mỗi bức tranh sẽ có những tông màu chủ đạo và trong mỗi tông màu sẽ có những sắc độ khác nhau.
Ví dụ như bức Người đàn bà nhìn đời với gam màu xanh, thì sẽ mang nhiều sắc độ xanh khác nhau. Chỉ trong một bức tôi đã có thể pha đến khoảng 10 sắc độ xanh khác nhau. Nhìn tổng thể, có thể thấy nó bổ trợ cho nhau.
Có một điều mà chúng tôi để ý khi trải nghiệm buổi triển lãm Người Đàn Bà, đó chính là sự khác biệt về của 5 bức tranh có kích thước nhỏ so với những bức còn lại. Có thể thấy, từ cách trình bày đến nội dung cũng không hề giống với những bức lớn hơn?
Đó là một phát hiện khá là thú vị! Thực ra, trong BST Người Đàn Bà này nó sẽ chia ra làm 2 series (tuyển tập).
Một series sẽ chỉ tập chung tả về dáng và tư thế của người ‘đàn bà’. Những bức đó sẽ không có mặt. Các bức hoạ này sẽ được tạo hình bởi những tư thế khác nhau, mỗi tư thế nó sẽ mang lại những cảm xúc khác nhau, mình không nhất thiết phải tả gương mặt mà chỉ cần tập trung vào tư thế. Còn với series thứ 2, tôi chỉ tập trung tả biểu cảm gương mặt. Cứ như thế, tả dáng thì không tả mặt, tả mặt thì không tả dáng.
Vậy thì lý do vì sao chị lại chọn chia ra làm 2 series này?
Tại vì 2 series này nó không hẳn là 2 series riêng biệt, mà nó bổ trợ vào trong một chủ đề đó là Người Đàn Bà. Hơn nữa, tôi muốn đào sâu vào bộ tranh của mình. Nếu như mà chỉ vẽ thuần tuý về dáng thôi thì nó sẽ có sự đơn điệu. Từ đó, tôi đã tạo ra 2 series để có sự phong phú trong cách tạo hình, đó có thể là về gương mặt, về dáng.
Đôi nét về nữ hoạ sĩ Phương Lương:
Hoạ sĩ Phương Lương, tên thật là Lương Ngọc Khánh Phương, sinh năm 1992 tại TP. Hồ Chí Minh, là một họa sĩ tự học đầy triển vọng. Cô tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Ngữ Văn tại Trường Đại Học Sư phạm TP.HCM vào năm 2014.
Năm 2017, cô đạt được cùng lúc hai bằng thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học và ngành Việt Nam học. Với hơn tám năm công tác trong ngành giáo dục, cô hiện là giảng viên, đồng thời bắt đầu sự nghiệp sáng tác hội họa từ năm 2020.
Dù mới sáng tác trong 5 năm gần đây, nữ hoạ sĩ đã nhanh chóng bộc lộ cá tính và tư duy độc đáo qua các tác phẩm của mình. Cô đã tham gia 14 triển lãm trong nước, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, và Hải Phòng. Sắp tới đây, cô sẽ tham gia triển lãm quốc tế tại Hà Lan vào tháng 10 năm 2024.
Phong cách tạo hình của nữ hoạ sĩ nghiêng về chủ nghĩa biểu hiện, với phong cách mạnh mẽ, màu sắc kịch tính và hình tượng táo bạo. Cô từng thử sức với nhiều đề tài sáng tác như mối quan hệ giữa con người với con người, sự xung đột giữa các giá trị cơ bản (tiền tài, địa vị, tri thức, lý tưởng), và suy tư về hành trình của sự sống và cái chết.
Nữ hoạ sĩ từng chia sẻ rằng: “Trong tác phẩm nghệ thuật, có tư tưởng của người nghệ sĩ, nhưng nghệ thuật không phải là phương tiện nhồi nhét ý tưởng, tư tưởng. Trước một tác phẩm mà phải diễn giải quá nhiều thì người xem sẽ ‘ngộp thở’. Nghệ thuật là sự thể hiện chân thực và đa dạng những suy nghĩ, cảm xúc của người nghệ sĩ, gồm cả những điều người ta không biết phải nói ra bằng lời như thế nào.” Hội họa của cô mang đến những góc nhìn trực diện đầy thách thức, tạo cảm giác mạnh mẽ, gai góc và đôi khi ma mị.
Một số thông tin về triển lãm Người Đàn Bà:
- Địa điểm: TomuraLee Gallery – Số 24 Đường số 1, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
- Thời gian trưng bày: đến hết ngày 20.07.2024
- Giờ mở cửa: 9:30 – 19:00 (Thứ 3 – Thứ 7) & 9:30 – 17:00 (Chủ Nhật)
- Vào cửa miễn phí