Chúng ta sử dụng mạng xã hội mỗi ngày để cập nhật tin tức trong nước và thế giới. Gần hơn nữa, ta lên Facebook, Instagram để hóng xem đứa bạn đang làm gì hay có gợi ý về quán cafe thú vị nào gần nhà hay không. Mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, và nếu không có nó, ta cảm thấy dường như mình đang bị ngắt kết nối với mọi thứ.
Bên cạnh những tiện ích như vậy, chúng ta cũng đã nghe nhiều về mặt trái của mạng xã hội, về những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến người dùng. Đôi khi mạng xã hội sẽ khiến bạn trì trệ, lười biếng, khiến cho năng suất làm việc giảm đi đáng kể.
Cũng giống như việc fasting khi ăn uống nhằm detox (thải độc) cho cơ thể, fasting mạng xã hội cũng có thể đem lại kết quả tương tự. Khi đấy, chúng ta sẽ không bị ngộp bởi hàng tá thông tin trên mạng, không cần để ý cuộc sống của người khác hay bù đầu với những ảnh hưởng tiêu cực từ Internet. Dù là kiêng một ngày, một tuần hay một tháng, chắc chắn việc ít dành thời gian cho mạng xã hội sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn đáng kể.
Nếu chưa thể tìm lý do độc hại để bỏ hoàn toàn, sau đây là những điều mà việc kiêng mạng xã hội có thể đem lại cho bạn:
1. Giảm khả năng bị phân tâm
Mạng xã hội là một trong những tác nhân dễ gây mất tập trung nhất trên thế giới. Khi làm việc trên máy tính, chúng ta có thể dễ dàng chuyển giữa các tab trên trình duyệt web. Vì thế nếu không chú ý, đang từ việc nghiên cứu tài liệu, ta rất có thể cuốn vào vòng xoáy của các bài đăng trên wall Facebook, dẫn tới lãng phí hàng giờ trong một ngày chỉ để đọc thông tin trên mạng xã hội.
Khi từ bỏ được thói quen này, bạn sẽ lấy lại được sự tập trung cần có của mình. Hãy tận dụng quãng thời gian không có mạng xã hội để tạo ra những thói quen hiệu quả cho bản thân, những thứ có tác dụng lâu dài ngay cả khi quãng thời gian online kết thúc. Ví dụ như thay vì dành thời gian ngồi lướt Facebook, bạn có thể tập thể dục nhẹ nhàng, giúp giảm khả năng mắc các bệnh về xương khớp. Hoặc bạn cũng có thể chơi đố ô chữ để luyện trí não thay vì ngồi xem những chiếc reels vô tận trên Instagram.
2. Tập trung vào hiện tại hơn
Phương tiện truyền thông có thường xuyên chiếm lấy thời gian và sự chú ý của bạn dành cho những người thân yêu không? Chắc chắn là chúng chiếm nhiều hơn những gì bạn muốn thừa nhận. Vậy nên khi tạm ngừng dùng mạng xã hội, bạn có thể kết nối lại với bạn bè và gia đình của mình một cách ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Mạng xã hội giờ đây đã khác hoàn toàn so với suy nghĩ của chúng ta. Thay vì thực hiện mục tiêu ban đầu là kết nối con người bất kể địa lý và rào cản, Internet dường như đã dựng lên một bức tường giữa rất nhiều người khi chỉ cần bất đồng ý kiến là ta có thể lập tức “tẩy chay” nhau; thay vì gặp gỡ, cùng nhau ăn uống, chuyện trò, ta lại tin rằng chỉ cần lướt qua những bài đăng trên Facebook là đã hiểu về cuộc sống của những người xung quanh.
Việc tạm kiêng mạng xã hội có thể đem đến cho chúng ta những khoảng không để mình nhận ra, ai là người lâu lắm rồi ta không nhấc điện thoại liên gọi cho họ và buôn chuyện. Nếu cách xa người thân, bạn cũng có thể gọi video call để được ngắm nhìn họ. Ngoài ra, việc dành nhiều thời gian để lắng nghe những gì mọi người trò chuyện trong bữa ăn thay vì cúi mặt vào nghịch điện thoại cũng có thể khiến cuộc sống của chúng ta sinh động, ngập tràn âm thanh và màu sắc hơn rất nhiều.
3. Tạm biệt sự chán nản
Khi cảm thấy buồn chán, điều đầu tiên ta sẽ làm chính là cầm điện thoại và lướt các trang mạng xã hội. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không khiến cuộc sống của chúng ta thú vị hơn. Hãy thử thay đổi thói quen đấy bằng việc tìm lại quyển sách bạn mua từ nhiều năm trước mà chưa đọc xong. Bạn cũng có thể ngồi xem những bộ phim đã nằm dài trong danh sách chờ, hoặc đơn giản chỉ cần dành 15 phút để tập thể dục, dọn lại nhà để tinh thần trở nên thoải mái hơn.
.
4. Nâng cao sự tự tin
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông xã hội và chứng trầm cảm, đi kèm với đó là những bệnh tâm thần khác như lo lắng và căng thẳng. Những ảnh hưởng này chủ yếu bắt nguồn từ cảm giác hụt hẫng khi nhìn thấy cuộc sống của người khác qua mạng xã hội. Chúng ta có thể so sánh mình với họ, rằng tại sao họ trông hạnh phúc đến vậy, hoàn cảnh của họ thật tốt làm sao. Hay thậm chí, chúng ta nhìn vào những hình ảnh của họ và ép mình phải được như thế.
Thông qua việc tạm ngừng sử dụng mạng xã hội, bạn có thể tập trung vào sức khỏe tinh thần của mình hơn nhiều lần. Mỗi khi cảm thấy tự ti, bạn có thể dành thời gian tập tành trang điểm để tôn lên những đường nét trên khuôn mặt mình. Hoặc nếu cảm thấy buồn bã, bạn có thể đi tập, hoặc đi ra quán cafe, chọn một chiếc bánh ngọt thật ngon để refresh tâm trạng. Một cách khác để khiến những cảm xúc tiêu cực tan biến đi chính là là dành thời gian viết nhật ký, gửi cho bản thân những lời nói tích cực.
5. Cải thiện sức khỏe thể chất
Cũng giống như sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất cũng có thể được cải thiện đáng kể nếu chúng ta dành ít thời gian lướt mạng xã hội hơn. Với những người mới bắt đầu bộ môn kiêng khem này, việc dành ít thời gian ngồi hay nằm cầm điện thoại đi đồng nghĩa với việc ta đang gián tiếp vận động nhiều hơn. Bạn cũng đang cho đôi mắt của mình được nghỉ ngơi, tránh khả năng mắc những bệnh khô mắt hay ảnh hưởng về da bởi tia sáng xanh phát ra từ màn hình.
Trước khi ngủ 30 phút, hãy tắt điện thoại và để lên đầu bàn hoặc thật xa chỗ bạn nằm ngủ. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn đồng thời có một khoảng thời gian nghỉ ngơi hiệu quả, giúp chúng ta tràn đầy năng lượng cho ngày tiếp theo.
Kết
Trước khi có mạng xã hội, chúng ta vẫn có một cuộc sống ý nghĩa và tràn ngập màu sắc vậy nên dù có thể nào, cũng đừng để internet trở thành một công cụ trói buộc mình. Nếu bạn đang muốn thực hiện việc kiêng khem mạng xã hội, hãy bắt đầu với những mốc thời gian ngắn và kéo dài dần theo từng giai đoạn. Sau khi thực hiện kế hoạch này thành công, đừng ngại ngần mà rủ những người xung quanh tham gia cùng.
Theo Calendar
Có thể bạn quan tâm:
9 nguyên nhân khiến bạn trằn trọc khó ngủ cả đêm
9 việc có thể làm để ‘cai’ điện thoại từ hôm nay
8 cách xây dựng thói quen tập thể dục
Thảo luận về bài viết