#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Mở lòng, cố gắng thấu hiểu và trân trọng mọi điều trong cuộc sống.
Đó là quan điểm sống và làm việc của Nguyễn Thành Trung (bút danh Trung Rwo), người đã dành hơn mười năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và phim ảnh. Hiện tại, Thành Trung đang làm công việc thẩm định và thương thảo bản quyền nội dung phim.
Với kinh nghiệm dày dặn trong nghề, Trung Rwo đã tham gia nhiều workshop trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước. Anh nhận được học bổng khóa học Film Studies của ĐH KHXH&NV do Quỹ Ford tài trợ. Đồng thời, cùng với Viện Goethe, Trung tâm triển lãm VCCA…, Trung Rwo cũng đã cho ra nhiều dự án chiếu phim với mục đích giáo dục.
Là người có niềm đam mê to lớn với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, anh Trung Rwo đã đồng sáng lập Lớp Mơ Phim – một dự án giáo dục nghệ thuật giúp mọi khán giả cảm nhận và tư duy phim tốt hơn.
Không phải là một “lớp học’”theo nghĩa mà bạn hay thấy, Lớp Mơ Phim thực ra là một không gian để bạn gặp gỡ và mơ cùng những bạn mê phim.
Trung Rwo
The Millennials Life đã may mắn có cơ hội được cùng anh Trung Rwo hàn thuyên về điện ảnh, lắng nghe những chia sẻ về mười năm làm nghề của anh, cũng như những cảm nhận chân thành của anh về “chỗ đứng” của bộ môn nghệ thuật thứ bảy này.
1. Anh Trung Rwo thích điện ảnh vì?
Mình thích điện ảnh vì đó là một cánh cửa mở ra những thế giới mới, tạo cơ hội giúp chúng ta chiêm ngưỡng và suy ngẫm lại những điều quanh ta, để học cách cảm thông và thấu hiểu cuộc sống hơn.
2. Ba lựa chọn mang tính quyết định trong quá trình làm nghề của anh?
Bất cứ ai khi làm việc đều sẽ phải đặt ra những sự lựa chọn về phương hướng tiếp theo của công việc.
Đối với mình, lựa chọn quan trọng đầu tiên là khi mình quyết định nhảy sang nghiên cứu phim và báo chí, bỏ lại công việc ngành ngoại giao mà gia đình luôn hướng mình đi theo. Tiếp theo, đó là quyết định dừng công việc mảng báo chí mà mình quen thuộc bao lâu để chuyển sang công việc thẩm định và mua bán phim – vốn thiên về kinh doanh sản phẩm hơn. Và cuối cùng là khi mình quyết định mở Lớp Mơ Phim, một dự án giáo dục nghệ thuật, nhằm đưa nghệ thuật dễ dàng tiếp cận hơn với đại chúng.
Cho dù mình thi thoảng có làm một số dự án phim độc lập riêng biệt, nhưng mình cảm thấy công việc của mình trở nên đa dạng hơn nhờ những lựa chọn trên. Mỗi quyết định là một bước ngoặt thử thách hướng đến những mảng khác nhau của ngành, nhưng đầy thú vị khi mình có thể thử nghiệm những điều mình chưa từng làm để làm giàu vốn hiểu biết của mình hơn.
3. Điều anh ước mình biết trước khi mới bắt đầu bước vào ngành phim?
Dù đã có hơn mười năm làm việc trong ngành phim, nhưng mình còn nhớ rõ những ngày đầu bỡ ngỡ bắt đầu bước chân vào. Thời đó, mình không biết chỗ nào dạy uy tín nên mình chỉ xem rất nhiều phim để cố gắng tự học. Mọi kiến thức mình thu thập được đều chủ yếu đến từ… các review khác trên mạng! Mình đọc rất nhiều rồi phát triển nó bằng những cảm nhận chủ quan của mình.
Ban đầu, mọi thứ khá ổn. Chỉ đến một ngày, mình chợt nhận ra mình chỉ đang copy từng mảng kiến thức chứ không biết rõ bản chất thực sự của nó, chỉ biết từng trường hợp (case-by-case) chứ không có một cái nhìn gốc rễ, bao quát về điện ảnh.
Mình quyết định dự thi và may mắn được học bổng của khóa học Nghiên cứu Phim do Quỹ Ford tài trợ. Việc học ở một môi trường mở cùng những chuyên gia trong và ngoài nước như đạo diễn Đặng Nhật Mình, Nhuệ Giang, Phan Đăng Di, giáo sư Dean Wilson, Timothy Corrigan… đã giúp mình hiểu rõ bản chất của việc xem và làm, cảm nhận phim.
Sau này, khi được gặp và trực tiếp nghe những bài giảng của những đạo diễn nổi danh như Trần Anh Hùng, Wayne Wang, Mohsen Makhmalbaf… mình càng nhận ra tầm quan trọng của việc học phim một cách bài bản và ước gì được đi học sớm hơn.
4. Đó có phải lý do anh thành lập dự án Lớp Mơ Phim?
Lý do thì đơn thuần hơn nhiều, không “cao cả” gì lắm đâu.
Chỉ là trong những buổi tán gẫu với bạn bè và chủ đề của buổi trò chuyện đó xoay một bộ phim bất kỳ. Mình thấy nhiều bạn cảm thấy bối rối khi không hiểu vì sao có người lại chê bai những bộ phim mình thích; hoặc ngược lại, khen ngợi những phim mình thấy dở.
Do đó, mình nghĩ đến việc mở một khóa học nho nhỏ về cảm nhận phim để tất cả mọi người dù theo ngành phim hay không cũng có thể “đọc vị” các bộ phim và hiểu hơn về gu phim của mình cũng như của người khác.
Lớp Mơ Phim là một dự án giáo dục nghệ thuật độc lập do mình đồng sáng lập, hướng đến việc giúp các bạn rèn luyện kỹ năng tư duy bằng cách “đọc phim”, để bạn có thể tự đưa ra những nhận xét riêng và thoải mái chia sẻ nó trong những cuộc thảo luận văn minh, có tính xây dựng.
Mình hy vọng rằng các bạn tham gia sẽ là những người chủ động tư duy về vấn đề, trân trọng cái đẹp và sẵn sàng lắng nghe với một tư duy phân tích và cầu thị, phân biệt được giữa thông tin và ý kiến chủ quan (facts vs. opinions) khi tiếp nhận bất kỳ điều gì trên mạng trong thời đại của digital bubble (tạm dịch: bong bóng kỹ thuật số) này.
5. Lớp Mơ Phim là nơi dành cho những ai?
Tất cả mọi người!
Có nhiều suy nghĩ cho rằng việc cảm thụ nghệ thuật chỉ dành cho những người cấp tiến, tinh hoa, bởi chỉ khi đã đáp ứng các nhu cầu cơ bản thì người ta mới quan tâm tới các nhu cầu cao hơn theo tháp nhu cầu Maslow. Kiểu như mình phải có đủ đồ ăn thì mới quan tâm tới các món cầu kỳ, fine dining chẳng hạn.
Nhưng mình không nghĩ cảm thụ nghệ thuật chỉ dành cho một nhóm người nghiên cứu hay làm nghề. Ai cũng có thể cảm nhận nghệ thuật, dù ít hay nhiều. Dưới sự hướng dẫn đúng đắn, cảm nhận nghệ thuật hoàn toàn có thể giúp con người xây dựng những kỹ năng chuyển đổi (transferable skills) để phục vụ cả công việc lẫn đời sống, từ đó tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn nữa. Do đó, Lớp Mơ Phim được xây dựng là một không gian cởi mở cho tất cả mọi người.
6. Kể về kỷ niệm có ý nghĩa nhất của anh khi đứng ở Lớp Mơ Phim?
Mỗi sự kiện của Lớp Mơ Phim đều đem lại những cảm xúc đặc biệt cho mình. Tuy vậy, trong sự kiện “Phá Án Cùng Phim” gần đây ở Hà Nội, một bạn tham gia đã chia sẻ rằng trải nghiệm ở đó đã xoa dịu bạn rất nhiều và giúp bạn đỡ hơn khi đối mặt với sự trầm cảm của mình.
Mình cảm thấy rất xúc động khi biết điều này và có thêm động lực trong việc giúp nghệ thuật thể hiện vai trò của nó hơn nữa, đó là xoa dịu và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trong cuộc sống dù họ là ai, đến từ đâu.
7. Dự định tương lai Lớp Mơ Phim?
Lớp Mơ Phim là một dự án độc lập, được tụi mình làm song song với công việc chính của mình mà không có sự tài trợ hay góp vốn của bất kỳ ai. Nhân sự cũng không có nhiều nên mình khá thoải mái khi duy trì hoạt động của nó. Đó là lý do vì sao Lớp Mơ Phim không có nhiều hoạt động, không cập nhật nhiều trên các mạng xã hội và mình không có một kỳ vọng nó sẽ là một “quái kiệt” trong ngành phim. Mình tâm niệm chỉ cố gắng làm công việc của mình, luôn thay đổi và cải tiến và hy vọng nó sẽ tác động dần dần đến mọi người.
Bên cạnh những khóa chuyên sâu hơn cho các bạn yêu phim, Lớp Mơ Phim sẽ còn hướng đến những lĩnh vực khác trong cuộc sống để mọi người có thể tiếp cận sự tương đồng và khác biệt trong tư duy. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm cảm hứng để cuộc sống tinh thần, cá nhân hay công việc của mình tươi mới hơn, linh hoạt hơn, tự chủ hơn và dễ thích nghi hơn trong thời đại nhiều đổi thay này
8. Ở thời điểm hiện tại, khía cạnh nào trong điện ảnh mà anh tò mò muốn thử nhất?
Các làn sóng mới trong nghệ thuật thường nổ ra do có sự thay đổi vĩ mô từ chính trị, kinh tế…Hiện nay, chúng ta đang trải qua một thời điểm thú vị khi mọi mặt của cuộc sống bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điện ảnh đang có những thay đổi để thích nghi với tình trạng “bình thường mới” này và chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong tương lai.
Ngày càng có nhiều người muốn xem VOD hơn ra rạp, các hãng phim hạ chi phí sản xuất để xuất bản phim trên VOD, số lượng phim tăng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim trẻ, sự đi lên của game và VR trong phim… Tất cả mọi thứ đang thay đổi và mình luôn tò mò điều gì sẽ xảy ra tiếp theo để trải nghiệm.
9. Covid-19 đang căng thẳng, ai sẽ quan tâm đến nghệ thuật?
Trong một bài báo mình từng đọc, 71% người được phỏng vấn đã cho rằng nghệ sĩ là nghề không quan trọng. Điều này thật dễ hiểu trong thời kỳ Covid-19 hoành hành khắp nơi, khi mà các ca nhiễm tăng cao chóng mặt, số người chết ngày càng nhiều và ai cũng có phần lo lắng cho sinh mạng của mình. Bản thân mình khi đọc những thông tin dịch bệnh bùng phát trở lại và nghĩ về những người thân yêu xung quanh, mình cũng không còn quan tâm đến những tin nghệ thuật rải rác trong news feed của mình nữa. Như mình đã nói bên trên, khi các nhu cầu cơ bản nhất như được tồn tại, ăn mặc chưa được thỏa mãn, thì ta chưa thể nghĩ đến các nhu cầu cao hơn.
Thế nhưng vào vài ngày trước, mình đã rất xúc động khi xem hình ảnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chơi nhạc cho các bệnh nhân F0 nghe trong khu cách ly Thủ Đức. Anh đứng dưới thổi kèn saxophone, hàng nghìn căn hộ sáng đèn hướng theo anh kèm những lời ca ngợi “Hay quá anh ơi.” Mình chợt nhớ lại, đúng rồi, nghệ thuật ở bất kỳ thời khắc nào, kể cả trong những lúc khốn đốn nhất, cũng có sức mạnh tinh thần trong việc giao chuyển tình cảm, xoa dịu những nỗi đau không nói thành lời.
Việc cảm nhận nghệ thuật cho dù không thể làm ta no hay giúp ta lành bệnh, nhưng nó vẫn Iuôn cần thiết bởi nó xuất phát từ nhu cầu truyền đạt thông tin, biểu đạt cảm xúc của con người và bồi bổ tâm hồn chúng ta trải dài suốt quá trình tiến hóa.
Hiểu về nghệ thuật tức Ià hiểu hơn về con người – bao gồm cả chính bản thân ta, để ta thấu hiểu, bao dung và đoàn kết hơn trên con đường dài phía trước, như đoạn thoại trong phim “Dead Poets Society” đã nói: “Chúng ta đọc và viết thơ không phải vì nó hay, mà bởi chúng ta Ià một phần của nhân Ioại, vốn tràn đầy đam mê. Kinh tế, y dược, Iuật, kỹ sư… Ià những nghề cao quý và cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng văn thơ, phim ảnh, cái đẹp, tình yêu… chính Ià lý do chúng ta tồn tại.”
10. Những lời nhận xét đáng nhớ nhất mà Lớp Mơ Phim từng nhận được?
Vui vui về phim
Hãy trả lời câu hỏi liên quan đến điện ảnh và giải thích về nó trong 1-3 câu
Nếu bị đẩy lên sao Hoả và được chọn một người bạn đồng hành trong các tác phẩm hoạt hình, đó sẽ là ai?
Mình sẽ chọn một robot Evangelion, nhất là khi nó có khả năng gắn kết tâm hồn với mình nữa.
Giả như thượng đế xuất hiện, trao cho anh một thử thách làm phim về cuộc đời mình, bộ phim đó sẽ thuộc thể loại gì? Vì sao?
Có lẽ sẽ là một bộ phim arthouse với những phân cảnh mình ngắm bể cá hoặc chơi với mèo cả tiếng đồng hồ rồi. Dù thực ra, mình luôn mong muốn cuộc đời mình sẽ là một bộ phim nhạc kịch.
Nếu được chọn một bộ phim cho đạo diễn mới vào nghề học hỏi, đó sẽ là phim gì?
Adaptation (2002). Bạn có thể học được nhiều điều thú vị từ bộ phim meta này lắm.
Trong trường hợp cần phải lập trình lại toàn bộ thế giới, anh muốn cuộc sống sẽ giống tác phẩm nào?
My Neighbor Yamadas (1999) – Một thế giới có buồn, có vui, có hờn ghen, đấu tranh lẫn mất mát, nhưng luôn đầy ắp sự lạc quan và thấu hiểu lẫn nhau giữa con người.
Một nhân vật điện ảnh mà nếu “xuyên không” vào cuộc đời của anh thì sẽ làm hỏng hết mọi thứ?
Godzilla. Dù luôn yêu mến nhân vật kinh điển này vì sự ẩn dụ của nó, nhưng thực sự mình không muốn thành phố nơi mình sống bị chìm trong đống đổ nát vì những trận đánh đâu.
Ảnh: NVCC
Xem thêm:
#HọNóiLà: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Hải: “Đam mê chính là đường dẫn lớn nhất giúp mình không đi lạc”
#HọNóiLà: Cùng bếp trưởng Nghiêm Minh Đức bàn về định kiến: “Phụ nữ có thể nấu ăn, nhưng đàn ông mới là đầu bếp”
#HọNóiLà: Cùng YouTuber Diệp Minh đi tìm “những ngày đẹp trời”
Thảo luận về bài viết