Theo văn bia chùa Đọi, từ đời nhà Lý (năm 1211), Tết Trung thu ở Việt Nam đã được tổ chức tại kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến thời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã trở nên một ngày lễ lớn, mỗi năm đều được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Thế nhưng với “dân thường” thì Tết Trung thu không phải để tổ chức ăn uống cầu kỳ, mà là dịp để nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình. Theo phong tục, vào ngày rằm Trung thu, người dân sẽ cúng gia tiên vào ban ngày, đến đêm thì bày mâm cỗ ra cả nhà quây quần vừa ăn bánh vừa thưởng trăng.
PHÁ CỖ
Ngày xưa, phá cỗ là thời điểm để các thành viên trong gia đình tụ họp trong đêm Trung thu. Mọi người ngồi dưới bóng trăng rằm, cùng nhau trò chuyện, cúng bái tổ tiên. Cỗ Trung thu được xem như lòng thành của con cháu gửi đến cho ông bà, đồng thời thể hiện mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sum vầy đầm ấm.
Những “thành viên” góp mặt trong mâm cỗ có thể kể đến:
Bánh Trung thu
Thứ đầu tiên và quan trọng nhất cần nhắc đến, chính là bánh Trung thu. Ngày xưa đơn giản chỉ cần cặp bánh nướng–bánh dẻo nhân đậu xanh trứng muối hoặc nhân thập cẩm là đã đủ để mọi người trong nhà háo hức chờ lúc được “phá cỗ” rồi.
Nhớ hồi còn bé, cứ thấy bánh Trung thu là đều trầm trồ vì bánh đẹp quá, những hoa văn tinh xảo được dập nổi trên bánh khiến lũ trẻ dù thèm lắm vẫn không muốn cắt bánh ra. Nhân bánh quý nhất quả trứng muối, mỗi lần ăn đều thấy ít rồi thắc mắc sao người ta không làm bánh với hẳn 2–3 quả trứng.
Một món nữa mà bọn trẻ thích mê là bánh dẻo cá chép. Tuy ít khi xuất hiện trong mâm cúng trăng, nhưng lúc học Tiểu học, mỗi khi đến gần dịp Trung thu, nhà trường đều phát cho mỗi đứa một “con cá”. Vỏ bánh trắng và mềm thơm phức mùi bột. Đôi mắt cá chép được chấm màu đỏ với phần vẩy nổi lên đều tăm tắp nhìn vô cùng sinh động.
TRÁI CÂY
Ngoài bánh Trung thu, mâm cỗ còn bao gồm các loại hoa quả được bày biện cẩn thận, đẹp mắt. Mâm cỗ từng vùng sẽ khác nhau ở cách bày trí cũng như loại hoa quả sử dụng. Tuy nhiên điểm chung sẽ là sự hài hòa màu sắc (các loại quả mang màu lạnh như xanh, tím đen,… xen kẽ các thứ trái cây màu nóng như đỏ, vàng, cam,…) và sự cân bằng âm–dương (mâm quả bao gồm cả những trái chín tượng trưng cho tính dương và những trái còn xanh tượng trưng cho tính âm).
Xung quanh mâm cỗ còn được trang trí lồng đèn. Mâm cỗ truyền thống thường treo đèn ông sao, đèn cá chép, đèn hạt bưởi,… Ngày nay nếu không tìm mua được lồng đèn giấy thì có thể dùng luôn cả loại đèn nhựa đủ hình dáng và màu sắc.
CHÓ BƯỞI
Trung thu là Tết thiếu nhi, Thiếu đi chó bưởi thì vui chỗ nào?
Và tất nhiên… không thể nào vắng mặt “linh vật” đêm Trung thu: chó bưởi lông xù. Trung thu trùng với mùa bưởi chín. Các chị gái khéo tay sẽ gọt bưởi, tách lấy từng tép bưởi và xếp lại thành hình một chú chó lông xù. Nếu may mắn thì sẽ được quả bưởi đào vị ngọt lịm, chấm chút muối chanh là thấy cuộc đời hân hoan đầy hạnh phúc.
Sau khi các nghi lễ cúng bái đã xong, mọi người sẽ cùng ngồi lại với nhau, bắt đầu phá cỗ. Người lớn ăn bánh uống trà, trẻ con thì cầm lồng đèn chạy vội ra sân “nhập bọn” với đám bạn đã đợi từ nãy để cùng chơi đủ thứ trò chơi Trung thu.
LỒNG ĐÈN TRUNG THU
Ngày trước, điều kiện sống còn thiếu thốn, đường phố, đặc biệt ở những vùng quê, chưa nhiều đèn điện như bây giờ. Vậy nên hình ảnh đoàn trẻ rồng rắn cầm trên tay những chiếc lồng đèn tỏa sáng lung linh cả một khoảng không gian có lẽ là hình ảnh mọi người sẽ nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến “Trung thu xưa”.
LỒNG ĐÈN GIẤY KIẾNG
Nói đến lồng đèn Trung thu, phổ biến nhất vẫn là những chiếc đèn lồng bằng giấy kiếng xanh đỏ hình ngôi sao, cá chép, con bướm, con gà. Lồng đèn có khung bằng nan tre được uốn theo nhiều hình thù khác nhau, bên ngoài dán giấy kiếng và được tô điểm thêm vài nét trang trí để thổi hồn cho cây đèn.
Đèn ông sao 5 cánh là loại dễ làm nhất vì phần khung chỉ gồm những thanh tre thẳng ghép lại. Bạn đọc The Millennials Life có nhớ ngày còn đi học, mỗi năm cứ đến Tết Trung thu lại có tiết mục các lớp thi đua làm lồng đèn ông sao không?
Làm lồng đèn là một nghề thủ công vô cùng tỉ mỉ. Một chiếc đèn muốn hoàn thiện phải trải qua các công đoạn chọn tre, chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, dán giấy, sơn phết, vẽ trang trí.
Ngoài đèn ông sao, đèn cá chép, nhắc đến họ hàng lồng đèn giấy kiếng còn phải kể đến đèn cù (hay còn được gọi là đèn ông sư).
Đèn cù được bọn trẻ xem là “cao cấp” hơn đèn ông sao một chút, vì đèn ông sao thì chỉ có thể cầm trên tay đi khắp hang cùng ngõ hẻm, trong khi đèn cù có thêm bánh xe gắn phía dưới nên có thể xoay tít như con quay khi được đẩy trên đường.
Để làm được một chiếc đèn cù mất khá nhiều công đoạn: bắt đầu với chẻ nứa, vót nan cắm vào bánh xe và uốn khung; tiếp đó dán giấy kiếng và trang trí bằng sơn hoặc màu vẽ; sau cùng là buộc lõi dây thép vào then ngang, nối đèn vào đai gỗ, và gắn bánh xe vào đế đèn.
Đứa nào không có nhiều tiền mua đèn đẹp, cũng không đủ kiên nhẫn khéo tay cắt cắt dán dán thì có thể tự chế đèn cù bằng vỏ lon sữa đục lỗ thế này.
ĐÈN KÉO QUÂN
Tiếp tục nói về đèn, thì cầu kỳ và thú vị hơn cả là đèn kéo quân. Cái thời chưa có internet, ti-vi cũng hiếm khi được xem, thì đèn kéo quân là cả một bầu trời nhiệm màu độc đáo.
Đèn có lồng kéo bằng khung tre, bao bên ngoài là một lớp giấy mỏng. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng thích đèn kéo quân vì mỗi khi thắp nến, chiếc đèn trở thành một màn rối bóng tự động.
Đèn ông sao cầm đung đưa trên tay, đèn cù nhảy múa vui mắt, còn đèn kéo quân thì biết kể chuyện. Khi thắp nến, những “quân” bên trong đèn sẽ hiện ra trên mặt giấy và bắt đầu chuyển động xoay vòng theo lồng kéo do lực đẩy của luồng khí nóng tạo ra từ ngọn lửa.
Các “quân” dán trên đèn thường là các nhân vật trong những câu chuyện đời xưa, hoặc hình ảnh mô phỏng những thứ vô cùng gần gũi với cuộc sống bình thường như con trâu, con gà, hoặc những cảnh tượng quan trạng vinh quy, đoàn quân khởi nghĩa,…
LỒNG ĐÈN PIN NHỰA
Bên cạnh những món đồ truyền thống, ngày xưa đứa nào có được chiếc đèn lồng chạy pin Trung Quốc đều sẽ không kiềm chế được mà đem ra ngõ khoe cùng đám bạn. Đèn phát sáng bằng 2–3 viên pin con thỏ đút vào cán cầm. Bật công tắc lên sẽ đèn sẽ xoay tròn hoặc nhấp nháy và có thêm tiếng nhạc phát ra.
Những chiếc đèn lồng đó làm bằng nhựa, đôi khi là hình con cá chép, con rồng, hoặc đơn giản chỉ là một chiếc đèn tròn có tua rua đung đưa ở dưới, phía trên khi thì dán hình Doreamon, hình siêu nhân hoặc các họa tiết trang trí khác. Ngày nay những chiếc đèn này đã hiện đại hơn, với các mô hình phong phú như batman, người nhện, pikachu… Nhưng dù là nhân vật nào, hình ảnh trên đó vẫn gắn liền với những đứa trẻ.
VƯƠNG MIỆN CÔNG CHÚA
Đối với các bé gái khi xưa, đây là sự kiện quan trọng để được bố mẹ cho “trang điểm” ăn diện trong đêm phá cỗ.
Đó có thể là chiếc vương miện bằng nhựa phát ra nhạc, lấp lánh đèn trong đêm, hoặc một chiếc cài giả mũ Hoàn Châu Cách Cách, hoặc mấn đội đầu Hàm Hương. Mỗi món không nhiều tiền, nhưng chỉ cần vậy đã đủ khiến cho các bé gái cảm thấy mình điệu đà và duyên dáng hơn rất nhiều.
MÚA LÂN
Với người Việt, con lân tượng trưng cho điềm lành. Dịp Tết Trung thu, người ta thường tổ chức múa lân vào hai đêm 14, 15. Nhân vật chính của đám múa dĩ nhiên là “con lân” với cái đầu to làm bằng giấy, phía sau là chiếc đuôi dài bằng vải màu. Ngoài ra đám múa còn có ông Địa bụng phệ phe phẩy cái quạt, kéo theo bầu đoàn nào thanh la, não bạt, nào cờ ngũ sắc, đèn màu,… tưng bừng huyên náo cả một khoảng trời.
Đầu lân – cũng như đa phần món đồ chơi Trung thu khác – có bộ khung bên trong làm từ song và tre, bên ngoài bồi nhiều lớp giấy và trang trí bằng sơn màu.
Đám trẻ con thì rủ nhau múa lân sớm hơn ngay từ mùng 7 – 8, và đa phần là múa cho vui chứ không cần lĩnh giải như đám múa của người lớn.
Chính vì chơi vui là chính nên “bộ đồ nghề” của trẻ con cũng không cầu kỳ.
TRỐNG ẾCH
Đã múa lân thì không thể thiếu trống! Trống ếch có thể được xem như một phiên bản thu gọn của những chiếc trống da trâu (là mấy cái trống ngày xưa chuyên dùng báo giờ vào lớp đấy!).
TRỐNG BỎI
So với trống ếch hay trống lắc tay, ngày nay chúng ta ít còn cơ hội nhìn thấy trống bỏi. Mặt trống bằng giấy bìa, tang bằng đất sét, còn dùi là một que gỗ nhỏ nhắn xinh xinh. Khi xoay trống, các khía của cái cán nhựa (trước kia thì bằng tre) tác động vào dùi, khiến nó đập liên hồi vào mặt trống, tạo nên âm thanh thúc giục giòn giã.
MẶT NẠ
Trong đám múa, ngoài con lân ra còn phải kể đến “đám lâu la” đi theo sau nó. Không phải ai cũng đủ sức khỏe để được đội lân hay đủ nhí nhố để làm ông Địa, nhưng bọn trẻ vẫn muốn hòa cùng đám rước vui nhộn ấy. Thế là chúng bày nhau cùng đeo mặt nạ.
Từ ông Địa, chú Tễu, đến Thị Nở, Chí Phèo, đứa nào thích hóa thành ai thì đeo lên người mặt nạ đó.
Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy phải qua nhiều công đoạn: làm khuôn, bồi giấy, phơi khô, tô màu, trong đó khâu cuối cùng đòi hỏi sự tinh tế và độ tỉ mỉ cao của người thợ vì chỉ cần một nét vẽ lệch, một mảng màu sai cũng làm mất đi cái “thần” của nhân vật.
KẾT
Thời gian trôi đi, rất nhiều món đồ nho nhỏ ngày xưa đã trở thành một phần trong hồi ức. Thế nhưng điều đó không khiến ngày lễ này trở nên bớt quan trọng trong lòng mỗi người. Sự trưởng thành khiến con người ta trở nên bận rộn, thêm vào đó là những gánh nặng trong cuộc sống khiến người ta không kịp sửa soạn nhiều cho dịp lễ này. Thế nhưng mỗi khi tan làm hoặc khi kết thúc một ngày dài, trông lên trời thấy vầng trăng tròn vành vạnh vẫn không thể kiềm được mà thở “phù” một tiếng nhẹ nhõm và bình yên.
Từng món đồ nhỏ mà The Millennials Life đề cập ở trên đều có ý nghĩa quan trọng trong tuổi thơ của mỗi người. Có người chắc đã quên, nhiều người thì vẫn nhớ. Thế nhưng còn một điều khác chúng mình chưa nhắc đến, tuy nhiên chắc chắn nó vẫn hiện diện trong tim mỗi người, đặc biệt là vào dịp Trung thu đoàn viên – đó chính là Gia Đình.
The Millennials Life không chúc các bạn một Trung thu với đầy đủ hồi ức của tuổi thơ, hay những bữa ăn sang trọng, những buổi gặp gỡ bạn bè vui vẻ. Chúng mình chỉ chúc các bạn có một buổi tối đoàn viên thật hạnh phúc bên gia đình mình. Bữa tối nào có đầy đủ gia đình, thì trăng tròn hay trăng khuyết đều không quan trọng, có cỗ để phá, có đồ chơi để nghịch hay không cũng chả phải câu nệ. Bởi trong lòng mỗi chúng ta, Gia Đình đã là lễ Trung thu tròn vẹn nhất.