Cách đây 15 năm, bộ phim “Hoàng Cung” của xứ sở nhân sâm đã tạo nên cơn sốt trên toàn châu Á. Các tập phim phủ kín hầu hết màn hình máy tính ở quán net, ti vi gia đình, từ ngõ nhỏ đến phố lớn. Hai năm trước, drama “Hoàng Hậu Cuối Cùng” gần như luôn đứng số một trong khung giờ phát sóng, chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ của các gia đình xứ Hàn. Gần đây, series “The Crown” nói về hoàng gia Anh Quốc cũng liên tục được xếp vào top ranking của Netflix, hiện cũng đang được được gấp rút chuẩn bị để hoàn thiện phần thứ 5. Có thể nói từng góc khuất của Hoàng gia, những câu chuyện quyền lực, cung đấu vẫn luôn có khả năng thu hút sự chú ý của tất cả mọi người.
I. Điểm danh chuyện hoàng gia nóng hổi, vừa thổi vừa “hóng” được quan tâm nhất hiện nay.
1.Buổi phỏng vấn của Hoàng tử Harry và Meghan
Khoảng giữa tháng hai, Hoàng gia Anh chính thức đưa ra tuyên bố sau cùng về việc rời đi của Hoàng tử Harry và Meghan sau thời gian dài gây tranh cãi. Lý do của cuộc chia ly này đến từ việc Meghan cảm thấy không thể hoà hợp với những quy tắc nghiêm ngặt và cuộc sống khắt khe khi trở thành Vương phi nước Anh. Cặp đôi này chuyển đến Mỹ và Canada nhằm hy vọng có cuộc sống bình yên hơn. Tuy vậy Harry cùng vợ vẫn tích cực phủ sóng mọi mặt trận truyền thông bằng việc trả lời phỏng vấn, xuất bản sách, sản xuất các chương trình truyền hình. Sau một năm dài để cả hai bên đánh giá về quyết định của mình, Công tước và Công nương xứ Sussex chính thức bị lấy lại tước vị và các quyền lợi, chấm dứt mọi hy vọng trở lại Hoàng gia.
Đáp lại động thái này của cung điện Cung điện Buckingham, Harry và Meghan đã nhận lời tham gia một chương trình phỏng vấn dài hai tiếng với kênh CBS cùng nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey. Cuộc phỏng vấn này đã vén màn những góc khuất liên quan đến hoàng gia Anh và ngầm bày tỏ sự bất mãn của Công tước và Công nương xứ Sussex với những chuyện diễn ra trong quá khứ .
2. Sóng gió hoàng gi hậu cung tại Thái Lan
Ngày 26/1/2021, vào tiệc sinh nhật lần thứ 36 của mình, bà Sineenat Wongvajirapakdi đã được quốc vương Thái Lan tấn phong làm Đệ Nhi Hoàng Hậu. Thông tin này lập tức gây sốc cho toàn bộ người dân Thái nói riêng và cư dân mạng thế giới nói chung bởi việc một nước có đến hai Hoàng hậu là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử Thái Lan.
Câu chuyện gây chấn động dư luận của Hậu cung Thái Lan bắt đầu từ tháng 7 năm 2019, khi chỉ sau gần 3 tháng lập Hậu, vua Rama X đã tổ chức lễ sắc phong cho Thiếu tướng của mình làm thứ phi, tước hiệu chính thức dành cho người vợ lẽ. Buổi lễ này đã lập nên sự kiện mới của lịch sử hoàng gia khi rất lâu rồi Thái Lan mới xuất hiện một thứ phi tiếp theo kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế kết thúc năm 1932.
Sau hai tháng được tấn phong, Hoàng quý phi Sineenat nhanh chóng bị phế truất với cáo buộc “âm mưu lật đổ Hoàng hậu Suthida, vô ơn, có hành động không phù hợp với vị trí.” Một năm sau, bà bất ngờ được phục chức với thông báo”chưa từng làm điều sai trái và sẽ được coi là chưa từng bị tước danh hiệu.”
Điều dáng nói là chỉ một tháng trước khi được sắc phong làm Hoàng Hậu, hơn 1.000 bức ảnh nhạy cảm của Sineenat, được cho là do chính bà tự chụp, bị rò rỉ trên mạng, phơi bày rất nhiều góc khuất khó tin của hoàng gia Thái. Bất chấp những điều đấy, Sineenat đăng quang, sánh ngang với “đối thủ” của mình là là Hoàng hậu Suthida.
3. Mái tóc cạo nửa đầu của Vương phi hoàng gia Monaco
Vị vương phi xứ Monaco vốn nổi danh khắp thế giới với ngoại hình đẹp tựa nữ thần. Charlene nổi bật với mái tóc vàng óng ánh, đôi mắt xanh sâu thẳm và thân hình vô cùng quyến rũ. Tuy nhiên gần đây, người phụ nữ này đã bất ngờ xuất hiện với mái tóc cạo nửa đầu bên trái, phần tóc còn lại được cắt xéo theo kiểu punk với hai màu vàng nâu lẫn lộn.
Hành động này của Công nương Charlene được coi như một lời tuyên bố với hoàng gia Monaco rằng bà đã chán ngấy những quy tắc, luật lệ và khuôn phép mà Hoàng gia đã đặt lên vai mình. Trong suốt cuộc hôn nhân, Vương phi Charlene Lynette Wittstock đã liên tục chịu đựng tin đồn về sự không chung thuỷ của chồng cũng như rất nhiều lần chia sẻ về sự “cô đơn” của bản thân. Ngay từ khi chưa chính thức bước chân vào hoàng gia Monaco, vị vương phi này từng cố gắng chạy trốn về Nam Phi những ba lần sau khi phát hiện vị hôn phu của mình đã có một đứa con ngoài giá thú khi hai người vẫn đang yêu nhau.
II. Nghĩ gì khi “hóng” chuyện hoàng gia
Đối với câu chuyện của Hoàng tử Harry và Meghan, dư luận chia ra thành rất nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi phần lớn báo chí Anh khắc hoạ Meghan như nhân vật phản diện: Người phụ nữ Mỹ một đời chồng bị gắn mác “dụ dỗ” hoàng tử Anh tới Mỹ sống, gây ra rạn nứt không thể hàn gắn với gia đình thì trong buổi phỏng vấn vừa qua, Công nương xứ Sussex dường như quyết tâm định vị mình giống như một Diana tiếp theo. Meghan đã chia sẻ về những vất vả, tổn thương mà mình đã phải chịu đựng, đến mức cô từng có ý định tự sát khi cảm thấy bế tắc, không nhận được sự giúp đỡ từ Hoàng gia Anh
Những lời bày tỏ của Meghan đã nhận được sự đồng tình của khá nhiều người. Tuy nhiên phần lớn người theo dõi cho rằng không thể so sánh Meghan và công nương Diana. Khi sóng gió xảy ra, Diana chỉ mới 20 tuổi, còn vô cùng non nớt khi bước vào hoàng gia Anh. Ngược lại, Meghan đã 36 tuổi, là diễn viên, từng ly hôn và tự kiếm sống suốt nhiều năm trước khi cưới Harry. Một điểm khác biệt lớn nữa là Meghan sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cô có sự nổi loạn, phóng khoáng, tự do của người dân nước này. Trong khi đó Diana xuất thân trong một nền văn hoá cẩn trọng, đề cao các quy tắc. Chưa kể đến, thực tế là hôn nhân của Diana đã đổ vỡ, còn hôn nhân của Meghan lại bền chặt và được Harry bảo vệ.
Sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, Oprah Winfrey bất ngờ nhận được “cơn mưa” lời khen từ khán giả truyền hình Mỹ. Nhiều người nhận xét rằng bà xứng đáng với danh hiệu người phỏng vấn vẫn xuất sắc nhất mọi thời đại. Hàng loạt những câu từ “có cánh” đã được gửi tới nữ hoàng truyền hình như: “Người dẫn chương trình siêu việt”, “Không ai làm tốt hơn Winfrey”…
Đối với câu chuyện của hoàng gia Hậu cung Thái Lan, ý kiến của dư luận có phần giải trí hơn.
Phía báo chí Thái Lan cho rằng gần đây vua Rama X đang vấp phải nhiều sự chỉ trích do những trì hoãn trong việc phân phối vắc-xin COVID-19. Bởi vậy, Sineenat giống như một “công cụ PR”, việc lập bà làm Đệ nhị Hoàng hậu chính là một phương pháp để làm công chúng sao lãng. Trong khi đó, cư dân mạng Việt Nam và Trung Quốc lại cảm thấy sự kiện phong Hậu này khá giống với những bộ phim cung đấu hoàng gia Trung Quốc khi nhiều tình tiết trùng hợp với tác phẩm “Chân Hoàn Truyện.” Nữ chính được vua sủng ái rồi sau đó bị hãm hại đuổi khỏi cùng, từ phế phi từng bước được thăng lên làm Hoàng Hậu. Ngay cả những bức ảnh gây tranh cãi bị rò rỉ ra cũng được cho là do đội ngũ của Hoàng hậu Suthida ra tay thực hiện. Từng diễn biến đều cho thấy cuộc “nội chiến hậu cung” hoàng gia Thái Lan gay gắt không kém gì một kịch bản phim truyền hình.
Đối với công nương Monaco, mái tóc mới của cô đã lập tức gây sốt khắp các trang mạng khi xuất hiện cùng chồng trong dịp phát quà giáng sinh. Các nhà tạo mẫu tóc đã buông lời chê bai thậm tệ khi nhận xét mái tóc này dường như được cắt bởi hai đứa trẻ sinh đôi của công nương. Nhiều người cũng đồng tình với bình luận này. Họ cho rằng tạo hình mới hoàn toàn không phù hợp với khuôn mặt nhỏ nhắn, thanh tú của Charlene.”Tôi ủng hộ sự thay đổi nhưng phải đem đến màn lột xác ngoạn mục. Tuy nhiên bà ấy đã biến tạo hình của bản thân từ thanh lịch và đẳng cấp sang quê mùa” – Brad Allen – chủ sở hữu JellyFish LOS ở Southend on Sea bình luận.
Có thể thấy dư luận quan tâm tới mái tóc của Charlene không chỉ vì tính thời trang mà còn bởi đây là thông điệp ngầm về sự nổi loạn và thể hiện sự bất mãn của mình với đời sống hôn nhân. Công chúng theo dõi từng phản ứng của cô nhằm tìm ra mảnh ghép phía sau những lùm xùm trong cuộc sống của người chồng đào hoa.
III. Tại sao nhà bao việc, thế giới bao chuyện mà người ta vẫn quan tâm đến chuyện thị phi cung đấu?
1. Hình thành liên kết xã hội
Tiến sĩ Frank Farley, giáo sư, nhà tâm lý học tại Đại học Temple và là cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho biết: “Con người là động vật xã hội. Với những nhân vật được truyền thông chú ý, những người nổi tiếng, v.v., chúng ta thường sống một phần cuộc đời của mình thông qua họ.”
Farley nói rằng điều này bắt nguồn từ “hành vi mang tính chất xã hội.” Trong đó, người ta có thể cảm thấy gắn bó với một đối tượng dù chưa thật sự tương tác hay liên quan nhau. Hành vi này bao gồm việc dành quá nhiều cảm xúc, sự chú ý vào một chương trình truyền hình, đội bóng yêu thích hoặc những câu chuyện Hoàng gia. Nhất là khi những người nổi tiếng có khả năng đặc biệt trong việc thu hút sự chú ý cũng như phác hoạ bức tranh về một cuộc sống mà mọi người đều thèm muốn.
2. Kỷ niệm thời thơ ấu
Hầu hết chúng ta đều lớn lên cùng các bộ phim và truyện cổ tích của Disney, gia đình hoàng gia là đại diện cho trí tưởng tượng, niềm tin và mơ ước ấu thơ.
Con người luôn mơ về sự giàu có, nổi tiếng, hạnh phúc và sức ảnh hưởng tới xã hội. Điều này bắt nguồn từ những hình mẫu mà phim, truyện và cách người lớn nuôi dạy con cái mình. Những bài học đó ở lại trong tiềm thức chúng ta, được duy trì từng ngày với chủ nghĩa anh hùng của Hollywood cùng các truyền thuyết về sự hào nhoáng, quyền lực ẩn đằng sau những ngai vàng.
3. Gắn kết với lịch sử.
Người ta quan tâm đến Hoàng gia bởi đây là sợi dây gắn kết với quá khứ. Hoàng gia có thể trở thành một biểu tượng lịch sử của một đất nước, nơi người ta nuôi dưỡng lòng tự hào, xây dựng danh tính quốc gia nhờ những câu chuyện hấp dẫn. Chế độ quân chủ phần nào thúc đẩy chúng ta khám phá những chuyện đã qua, trở thành sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại một cách đơn giản và hữu hình nhất. Ví dụ như Nữ hoàng Anh, đối với nhiều người, câu chuyện về Elizabeth đệ nhị chính là những gì nước Anh đã trải qua, nhìn thấy bà là chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ dòng chảy của Anh Quốc từ thế kỷ 20 đến 21.
4. Thoát ly khỏi thực tại
Theo Arianne Chernock, phó giáo sư lịch sử Anh hiện đại tại Đại học Boston, nói với HuffPost: “Chủ nghĩa thoát ly hiện thực có thể là một trong những lý do khiến các câu chuyện Hoàng gia ngày càng được chú ý.” Năm 2018, khi người Mỹ cảm thấy mất niềm tin và hoàn toàn bi quan về tình hình chính trị nước mình. Đám cưới giữa Hoàng tử Harry với Markle, tin tức về việc Hoàng tử William và phu nhân Kate Middleton một lần nữa mang thai đã trở thành làn gió mát thổi vào tâm trí nhiều người. Những sự kiện đó đã giúp người dân Mĩ phân tâm trước những vấn đề căng thẳng đang diễn ra trong nước.
Việc nhìn thấy một cặp vợ chồng hạnh phúc, những đứa trẻ sắp được chào đời đã mang đến suy nghĩ tươi sáng, cảm xúc tích cực cho người theo dõi. Ngược lại, với những sóng gió về hậu cung Thái Lan, người ta có thể cảm thấy an toàn và thoả mãn hơn khi ngay cả hoàng gia, với cuộc sống quyền lực và giàu sang, người ta vẫn không thể thoát khỏi những tranh đấu và rắc rối. Từ đó, khán giả sẽ cảm thấy vui vẻ và hài lòng hơn với cuộc sống của mình.
5. Câu chuyện về Hoàng gia là một chương trình truyền hình thực tế dài kỳ
Đời sống Hoàng gia là một trong những chương trình thực tế có nội dung đa dạng nhất mà mọi người có thể xem. Tại đó, người xem thậm chí có thể nhìn thấy cả yếu tố nữ quyền, khi người phụ nữ luôn đóng vai trò đại diện trong các câu chuyện về hoàng gia. Họ tạo nên hình ảnh của các triều đại theo nhiều cách, đưa nó trở thành câu chuyện được công chúng quan tâm. Đó có thể là chuỗi sự kiện về cuộc chiến giữa quyền lực và tình yêu của Meghan Markle, cũng có thể là những màn đấu đá hậu cung của Hoàng gia Thái, hoặc mối tình ngọt ngào, chung thuỷ hơn 60 năm khiến người người ngưỡng mộ của bà Michiko- cô gái thường dân đầu tiên lên làm hoàng hậu Nhật Bản và Thái tử Nhật Bản Akihito .
Trong bộ phim điện ảnh nổi tiếng “The Truman Show,” người xem được theo dõi câu chuyện về Truman Burbank. Từ khi ra đời, đến lúc trưởng thành, nhân vật này đều sống trong một phim trường khổng lồ. Anh ta không biết rằng cuộc sống của mình đã được ghi lại bởi một hệ thống gồm 5000 chiếc camera lắp đặt khắp nơi. Từng quyết định, từng hành động, giấc ngủ, bữa ăn của Truman đều được phát sóng trên toàn cầu. Tất cả mọi người xung quanh đều là diễn viên được thuê để “diễn kịch”trong cuộc đời nam chính. Các giai đoạn như vào trường đại học nào, làm nghề gì , yêu đương và kết hôn với ai đều đã được đạo diễn lên kịch bản hoàn hảo. Trong khi người xem hiểu rõ tường tận từ chân tơ, kẽ tóc về những gì Truman đã, đang và sắp trải qua thì anh lại hoàn toàn không thể làm chủ cuộc đời của chính mình.
Điều này tương tự với góc nhìn của người xem về các câu chuyện của Hoàng gia. Trong khi người trong cuộc cũng đang hoang mang, lúng túng về những gì đang diễn ra thì dư luận lại cảm thấy thoả mãn với những mảng ghép tươi đẹp, rộng mở, đồng thời cũng thô kệch và bi thảm của từng người trong Hoàng gia. Người xem cũng cảm thấy hài lòng và gắn bó khi được theo dõi sát sao hành trình trưởng thành của Hoàng tử William và Harry khi họ còn là một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, trở thành những người đàn ông đẹp trai, tài giỏi.
Kết
Việc cảm thấy tò mò, và gắn kết với bất cứ sự việc gì trong cuộc sống không phải là điều xấu. Các nhà truyền thông, tâm lý, xã hội học đều đồng ý rằng việc quan tâm tới các câu chuyện hoàng gia có thể giúp cho người xem cảm nhận được những thông điệp tích cực. Hoàng gia làm rất nhiều điều tốt. Họ làm từ thiện, quảng bá các sự kiện và thậm chí khuyến khích du lịch, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cuộc sống của họ không có khuyết điểm. Với vai trò là người theo dõi, việc “hóng” những tin tức này như một sở thích nho nhỏ là điều hoàn toàn có thể chấp nhận. Nhưng bị ám ảnh đến mức dành quá nhiều thời gian để đào bới, phán xét hoặc ghét bỏ ai đó và nhận về những năng lượng tiêu cực rõ ràng không phải một lựa chọn khôn ngoan.
#Thứ 5 Hóng Chuyện nằm trong series Ngày Trong Tuần Vẫn Vui của The Millennials Life
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Có gì sai trong “sạp dưa bở” về thông tin “tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc”
Việt Nam có Internet không? – Câu hỏi ngớ ngẩn nhưng hot không tưởng trên Quora
“Đu” idol thường sẽ tốn bao nhiêu tiền?
Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á
Thảo luận về bài viết