#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Bạn có còn nhớ những ngày mà ta chưa bao giờ biết đến những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok không? Những ngày mà ta luôn kè kè chiếc điện thoại bên mình, để khi hiện thông báo rằng ai đó đã ‘thích’ hình của bạn không? Hay là những lần stalk profile (được hiểu là hành động tò mò, ‘ngụp lặn’ trên trang cá nhân) của những kẻ mình ghét/người mình thầm thương trộm nhớ? Đối với 8X và 9X thì có thể, nhưng đặc biệt những lứa thế hệ sau này thì chắc hẳn sẽ hiếm biết được cảm giác đó.
Tốc độ tăng trưởng của những nền tảng mạng xã hội đã tăng vọt nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo con số từ cổng thông tin dữ liệu điện tử Statista, phương tiện truyền thông xã hội là một trong những hoạt động trực tuyến phổ biến nhất trên không gian mạng. Vào năm 2024, đã có hơn 5 tỷ người người dùng trên toàn thế giới và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 6 tỷ vào năm 2028.
Cũng chính các ông lớn trong ngành công nghệ và đặc biệt là Meta, X Corp và ByteDance; đã hiểu rõ được sự ‘chín muồi’ của sản phẩm mình. Từ đó, họ đã bắt đầu cải thiện thuật toán, thêm vào các tính năng mới, cũng như mời gọi các doanh nghiệp khác vào nền tảng của họ; dần dần tạo nên một hệ sinh thái mà ở đó người dùng trở thành đúng nghĩa ‘con nghiện’ và không thể thoát khỏi.
Theo một báo cáo về thống kê và xu hướng truyền thông xã hội năm 2024 từ Forbes, trung bình mỗi người dành khoảng 145 phút mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội. Có thể được hiểu như thế này, nếu một người duy trì mức độ sử dụng này trong suốt cuộc đời trung bình 73 năm, kết quả là họ sẽ dành khoảng 5,7 năm để lướt mạng xã hội.
Điều này có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với từng nhóm người. Ví dụ đối với các marketers chẳng hạn, đây là một thông tin tổng quan đầy hứa hẹn mà họ có thể sử dụng để tạo nội dung như một phần của chiến lược Marketing. Tuy nhiên, đối với những người tiêu dùng nội dung, những người thường, điều này có nghĩa là đang có một khối lượng không ngừng các bài viết, bài đăng và video với các quan điểm đang tràn ngập trên mạng xã hội. Và vì thường nhiều quan điểm trong số đó khác nhau, chúng sẽ tạo ra các cuộc tranh luận mà không có điểm dừng.
Mọi người đều sẽ chịu ảnh hưởng của xu hướng, ý kiến và tiêu chuẩn từ mạng xã hội; và việc tiêu thụ những nội dung này vừa lớn và dồn dập có thể gây mệt mỏi. Vì những lý do trên, sử dụng mạng xã hội với tần suất cao sẽ không tốt cho nhiều cá nhân; đặc biệt là trẻ em, những người có thể trải qua những tác động tiêu cực khi còn quá nhỏ.
Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn mạng xã hội được, đặc biệt khi đối với một số người thì nó chính là ‘miếng cơm manh cá’. Vì thế việc sử dụng hay không sử dụng những nền tảng này là sự lựa chọn của cá nhân. Những người thách thức bản thân bằng cách từ bỏ mạng xã hội đã thấy rất nhiều lợi ích. Ban đầu có thể khó khăn, nhưng một khi họ nhận ra mạng xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ như thế nào, thì điều đó thật sự xứng đáng.
Vậy hãy thử tưởng tượng một ngày, ta quyết định ngừng cầm chiếc điện thoại lên và bấm vào các ứng dụng đó; nếu tiếp tục trong nhiều ngày, chúng ta sẽ học được gì?
Lý do nhiều cá nhân không sử dụng mạng xã hội?
Trong thời đại số hóa hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng không nhỏ những cá nhân quyết định từ bỏ hoặc hạn chế sử dụng mạng xã hội. Họ đưa ra quyết định này vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu đều đến từ sự mong muốn cải thiện về sức khỏe cũng như bảo vệ bản thân khỏi sự quấy rối từ bên ngoài.
1. Rời bỏ hay giảm tần suất sử dụng mạng xã hội vì lý do sức khoẻ
Mạng xã hội thường xuyên tạo ra áp lực vô hình thông qua việc so sánh bản thân với người khác. Những hình ảnh và bài viết được chọn lọc kỹ càng trên mạng xã hội có thể tạo ra cảm giác tự ti và không hài lòng về cuộc sống của bản thân. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm và căng thẳng. Chính vì thế, việc một số người từ bỏ các nền tảng này được cho là một cách để tạo ra một môi trường tinh thần lành mạnh hơn.
Nhưng để nói cụ thể hơn về một ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể chúng ta khi sử dụng mạng xã hội, đó chính là sự đảo lộn trong đồng hồ sinh học của mỗi người. Khi ta sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là vào buổi tối, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại và nội dung kích thích có thể làm gián đoạn quá trình thư giãn và khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ. Từ đó, nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến chu kỳ, làm giảm chất lượng giấc ngủ và dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.
Ngoài ra, một trong những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội là đó là sự phân tán chú ý. Việc các thông báo liên tục và nội dung mới xuất hiện không ngừng có thể làm giảm khả năng tập trung vào công việc hoặc học tập. Nếu từ bỏ mạng xã hội, điều này sẽ giúp các cá nhân để tâm hơn vào những nhiệm vụ quan trọng, từ đó cải thiện hiệu suất và chất lượng công việc cũng như học tập.
2. Dừng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội vì mong muốn bảo vệ bản thân
Đôi khi, lý do của một bộ phận không muốn dùng hay dừng việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội sẽ không đến từ những lý do ở trên mà là từ yếu tố ngoại cảnh.
Thứ nhất là sự lo ngại bảo mật thông tin cá nhân. Mặc dù các nền tảng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn điều này, nhưng có vẻ những cuộc rò rỉ dữ liệu từ người dùng trong những năm qua vẫn khiến nhiều cá nhân từ chối tham gia.
Mạng xã hội thường yêu cầu người dùng chia sẻ thông tin cá nhân, từ ảnh chụp, vị trí đến các mối quan hệ xã hội. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng thông tin cá nhân và xâm phạm quyền riêng tư. Bằng cách từ chối sử dụng mạng xã hội, nhiều người sẽ cảm thấy yên tâm hơn về sự an toàn của thông tin cá nhân và tránh được những rủi ro không mong muốn.
Ngoài ra như đã nói ở trên, bởi vì mạng xã hội có thể được hiểu là ‘nồi lẩu’ của mọi nội dung mà ta có thể nghĩ đến, vì vậy những điều được nói hoặc ghi ra trên này đều mang một phần nào đó là ý kiến cá nhân. Khi tập hợp lại và một nội dung nào đó đột nhiên bị lan truyền sang bên khác, điều này nhiều khả năng sẽ diễn ra xung đột.
Mạng xã hội là nơi dễ dàng phát sinh các cuộc tranh cãi và nội dung tiêu cực. Những cuộc tranh luận vô bổ và những bình luận không mấy xây dựng có thể tạo ra căng thẳng và làm suy giảm tinh thần. Nhiều người vì thế không tham gia vào những nơi này để tránh những tình huống này, giữ cho cuộc sống tinh thần của cá nhân bình yên và thoải mái hơn.
Nghiện mạng xã hội là một vấn đề ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Thời gian bị lãng phí vào việc lướt mạng xã hội có thể được sử dụng để làm những việc có ý nghĩa hơn như học tập, làm việc, hoặc rèn luyện sức khỏe. Nhiều người nhận ra rằng họ đã dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội mà không đạt được điều gì cụ thể và quyết định từ bỏ nó để tận dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.
Thay vì dành thời gian để duy trì các mối quan hệ ảo trên mạng xã hội, họ sẽ chọn cách tập trung vào các mối quan hệ thực tế. Điều đó giúp xây dựng những kết nối sâu sắc và chân thành hơn với gia đình và bạn bè. Những cuộc gặp gỡ trực tiếp và những cuộc trò chuyện thật sự có giá trị hơn nhiều so với những tương tác qua màn hình.
3 điều ta có thể học được từ việc từ bỏ mạng xã hội
Bất cứ ai cũng đều có thể hưởng lợi ích từ việc ngắt kết nối với thế giới ảo, từ người nổi tiếng đến những con người thường ngày, Giờ đây, với nhiều thời gian rảnh, chúng ta có thể làm những điều mang lại lợi ích cho mình hơn. Đó có thể là tập trung làm những công việc quan trọng còn dang dở hoặc bắt đầu một sở thích nào đó, hay chỉ đơn giản là dành thời gian bên người thân cũng là một điều tốt. Để nhìn chung lại, những hoạt động đó thay cho sử dụng mạng xã hội sẽ dạy cho ta được điều sau đây.
1. Dành thời gian cho người khác
Một phần vấn đề với các nền tảng mạng xã hội là chúng ta không chỉ sử dụng nó để giao tiếp thông thường; mà là học một cách được các nền tảng này thúc đẩy, để tạo ra những tương tác được số hoá thành dữ liệu. Những thông số này được chuyển qua cho các nhà môi giới dữ liệu và các Marketers, để phục vụ cho mục đích kinh doanh của họ.
Nhưng đó đâu phải là mục đích của giao tiếp đâu nhỉ? Có thể thấy nhiều người khác lại thích những cuộc gặp mặt trực tiếp một cách xã giao hơn; điều đó sẽ bao hàm sự biểu đạt, tiếp xúc cơ thể, nói chuyện trực tiếp và ở cùng với người khác trong một không gian vật lý. Đối với họ, điều này giúp duy trì cảm giác kết nối và gắn kết con người.
Có một điều mà bạn sẽ nhận ra ngay lập tức khi bắt đầu bỏ điện thoại xuống, đó chính là sự tĩnh lặng và chậm rãi ngoài đời. Trong bối cảnh mạng xã hội đầy căng thẳng, tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ việc sống chậm lại và nhìn nhận môi trường xung quanh thường xuyên hơn. Đối với những người không sử dụng điện thoại thông minh hoặc mạng xã hội, thì thời gian dành cho người khác sẽ tạo nên cảm giác yên bình trong cuộc sống.
2. Tắt máy nhưng không sợ FOMO
Thuật ngữ FOMO (nghĩa là ‘Fear of Missing Out’; tạm dịch: sợ bỏ lỡ), có thể được hiểu ngắn gọn là một hội chứng tâm lý, với người đó tin rằng mình đang không nắm bắt được những thông tin, sự kiện, trải nghiệm hoặc quyết định có khả năng cải thiện cuộc sống của người đó. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi ta nhìn vào cách thức hoạt động của mạng xã hội, khi mà những thông tin mới nhất xung quanh ta đều được đăng lên với tốc độ nhanh đến ‘chóng mặt’.
Bạn đã bao giờ tự hỏi điều gì thực sự là ‘xã hội’ về mạng xã hội chưa? Điều gì cấu thành từ những cuộc giao tiếp đó, và chúng ta nhận lại được gì từ cách thức xã hội được đo lường trên các nền tảng trực tuyến này? Đó có phải là tình bạn, sự hỗ trợ hay gắn kết xã hội? Thay vì có hàng trăm bạn bè, chẳng phải gặp gỡ trực tiếp và nuôi dưỡng những mối quan hệ sẽ hỗ trợ chúng ta trong những lúc khó khăn có phải tốt hơn không?
Những ngày đầu tiên khi tắt máy sẽ khiến một số cá thể trong chúng ta cảm thấy hiện tượng FOMO. Nhưng bí quyết ở đây là nhận ra rằng việc tắt máy không có nghĩa là ta bỏ lỡ. Khi tắt máy lần đầu, bạn có thể dành nhiều thời gian cho bản thân hơn. Nhưng từ những khoảnh khắc đó, ta có thể nảy sinh được nhận thức về việc duy trì các quan hệ trực tuyến thật sự mệt mỏi như thế nào, và việc bị mắc kẹt trong các cuộc trao đổi thông tin vụn vặt không hề sâu sắc đã khiến ta tốn thời gian ra sao.
Những người chọn ngắt kết nối khỏi mạng xã hội sẽ không hề buồn bã hay bị cô lập. Khi thoát khỏi màn hình đen đó, họ cũng sẽ thoát khỏi dòng chảy thông tin áp đảo. Từ đó, sự kết nối sâu sắc của người đấy với thế giới bên ngoài và những người thân yêu lại càng trở nên rõ ràng hơn.
3. Trở về với thực tại
Bất cứ điều gì đều có thể bị bóp méo về mục đích và ý nghĩa ban đầu nếu nó ở trên mạng xã hội. Ví dụ khi những hình thức chánh niệm dần trở nên phổ biến, thì các ý tưởng cốt lõi của nó thường bị chiếm dụng bởi công nghệ. Trên Instagram, các influencer thường khoe kỹ năng yoga của họ và truyền bá cách thức kỷ luật tinh thần. Rồi các ứng dụng theo dõi sức khỏe, dữ liệu sức khỏe và yoga liên tục xếp hạng trong số các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất bởi người sử dụng điện thoại thông minh.
Điều đó đặt ra một câu hỏi: nếu chánh niệm là một trạng thái đòi hỏi ta phải hiện diện tập trung vào hiện tại, thì cái màn hình ta đang cầm có ích lợi gì?
Rời khỏi không gian ảo nghĩa là mọi người sẽ được kết nối lại với thế giới thực tại. Điều này rất quan trọng, bởi vì việc tịnh tâm và thư giãn là để chuẩn bị cho những thời điểm căng thẳng hơn trong đời người. Những người chọn ngắt kết nối với mạng xã hội không phải là để trở nên ‘phản xã hội’. Họ làm như vậy để kiểm soát khi nào và nơi nào họ có thể kết nối với mọi người.
Cứ cho là 10 năm nữa, chúng ta có thể nhìn lại sự xuất hiện của mạng xã hội như một phần của quá trình trưởng thành của nhân loại. Một thời kỳ tạo ra các xung đột xã hội, lo âu và gây hại cho sức khỏe và hạnh phúc của nhiều người. Nhưng cho đến lúc đó, có lẽ tốt nhất là ta hãy thoát khỏi ứng dụng mạng xã hội đang dùng, và đặt điện thoại của mình xuống.