Việc từ thiện bắt đầu như thế nào?
Ngày 13/10, ca sĩ Thủy Tiên công bố sẽ đi miền Trung với mong muốn giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn do lũ. “Mình quyết định sẽ bỏ bớt công việc đi ra giúp đỡ và chia sẻ cùng người dân miền trung 1 phần nào đó khó khăn,” Thủy Tiên chia sẻ trên trang mạng xã hội.
Bên cạnh đó, ca sĩ “Ngôi nhà hạnh phúc” kêu gọi gây quỹ cứu trợ vùng bão lũ và nhận được nhiều sự tin tưởng và quyên góp từ phía người dân. Cô phối hợp với bạn bè và người dân địa phương gấp rút mua đồ tiếp tế gồm: mì tôm, bánh mì, sữa, nước, dầu gió, áo phao, băng vệ sinh, thuốc cảm sốt, thuốc tiêu chảy… và tiền mặt để người dân sửa nhà, trang trải cuộc sống sau lũ. Chỉ trong ba ngày đầu kêu gọi, ca sĩ thông báo quyên đã được 30 tỉ đồng.
Về sau, chặng hành trình của cô còn có sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của người chồng Công Vinh. Xuyên suốt hành trình, vợ chồng Thủy Tiên đã đi khắp các tỉnh miền Trung, đến các vùng ngập sâu để hỗ trợ và ủng hộ các hộ gia đình khó khăn. Trên Facebook, ca sĩ kêu gọi người dân ra quốc lộ, đường lớn hoặc thông báo địa chỉ để cô và đoàn vào tận nơi trao quà.
Sau khoảng một tháng phát động phong trào quyên góp, thì đến ngày 23/11 vừa qua, ca sĩ Thủy Tiên đã công khai sao kê ngân hàng, bảng thống kê chi tiết số tiền người dân thông qua cô để gửi tới đồng bào miền Trung, cùng với số tiền thực tế mà cô đã gửi đến đồng bào miền Trung gặp khăn – kèm biên bản xác nhận có mộc đỏ của chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã.
Theo đó, số tiền đã được gửi tới tài khoản của cô để hỗ trợ miền Trung từ ngày 13/10 đến 2/11 (ngày đóng tài khoản) đạt hơn 177 tỉ đồng. Số tiền cô đã “giải ngân” có dấu xác nhận của địa phương là hơn 178 tỉ đồng cho hơn 61,000 hộ dân ở 7 tỉnh miền Trung, chưa kể vài tỉ đồng ngày đầu đi cứu trợ chưa liên hệ với cán bộ địa phương nên không có xác nhận.
Sóng gió tại sao lại nổi lên?
1. Nhập nhằng người “đủ” điều kiện nhận quà cứu trợ của “cô tiên”
Ngày 3/11, vợ chồng Thủy Tiên và Công Vinh đã về huyện Hải Lăng (Quảng Trị) để trao tặng phần quà là tiền mặt cho người dân ở đây. Sau đó, ca sĩ Thủy Tiên bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng phát tiền ở huyện Hải Lăng vì nhận thấy có nhiều hộ nghèo, bị ngập lụt nhưng không được ghi trong danh sách. Trong khi những người dân tới nhận thì sơn móng chân, đeo vàng trên người, và đáng chú ý khi trong danh sách lại có tên một trưởng xóm – người mà cô đã cho là khá giả và có hành vi “thiếu trung thực” trong việc xin nhận cứu trợ.
Ngay lập tức, sự việc đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, theo đó, gia cảnh của trưởng xóm ở huyện Hải Lăng cũng bị cư dân mạng “điều tra.” Kết quả cho thấy mặc dù là trưởng thôn nhưng nhà của người này cũng rất nghèo, nhiều góc xập xệ, ruộng vườn đều xơ xác tiêu điều do bão. Một số mạnh thường quân khác khi biết về gia cảnh của bác trưởng xóm đã đến tặng quà giúp bác vượt qua khó khăn, cũng đã kiểm chứng bác không giàu có, dư dả gì.
Đồng thời tiêu chí mà ê-kíp Thủy Tiên đưa ra khi lập danh sách là các hộ gia đình bị ngập trên 1m. Theo hình ảnh của một mạnh thường quân đã đến nhà bác trưởng xóm và chụp lại, thì đúng là nhà bác bị ngập trên 1m. Như vậy bác đủ điều kiện để được liệt kê trong danh sách nhận tiền hỗ trợ của Thủy Tiên.
Sau khi gia cảnh bác trưởng xóm được làm rõ, một số cư dân mạng đã đề nghị Thủy Tiên nên có bài viết đính chính cho bác trưởng xóm vì cho rằng từ sau bài đăng của nữ ca sĩ, trưởng tôn ở xã Hải Lăng đã bị rất nhiều người chỉ trích, nhục mạ. Bài viết về bác trưởng thôn huyện Hải Lăng trên trang cá nhân của Thủy Tiên cũng biến mất cùng ngày.
Hành động này khiến cư dân mạng thắc mắc tại sao cô không đính chính hoặc thông báo nào liên quan đến vấn đề này.
Hay sự việc Thủy Tiên “trưng cầu ý kiến” trên trang cá nhân, xin trích quỹ để giúp đỡ người lao động Việt đang gặp khó khăn ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Bài viết của Thủy Tiên ngay khi lên sóng đã tạo nên những luồng ý kiến trái chiều. Bên cạnh những bình luận đồng tình, nhiều người lại phản đối nữ ca sĩ dùng tiền này để giúp đỡ người Việt tại Nhật.
Bởi, các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ này nhằm mục đích hỗ trợ miền Trung đang trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”. Còn việc giúp đỡ người Việt tại Nhật, Thủy Tiên có thể kêu gọi ủng hộ riêng, hoặc tự giúp đỡ.
2. Theo luật pháp, Thủy Tiên gây quỹ từ thiện cá nhân là sai?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung là vi phạm pháp luật.
Theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP, thì ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương… thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Nghị định này đã đặt những nhà hảo tâm như Thủy Tiên hay các cá nhân, tổ chức khác có tâm từ thiện và có hành động cứu trợ nhưng không thuộc những thành phần nêu trên trở thành không đúng pháp luật.
Có đúng như vậy không?
Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”
Việc trao tặng tài sản, tiền bạc của ca sĩ Thủy Tiên hay các cá nhân tổ chức khác cho người chịu ảnh hưởng thiệt hại bởi lũ lụt chỉ là một quan hệ dân sự. Trong đó, Thủy Tiên chỉ là người trung gian để chuyển tài sản giữa bên cho: “Những nhà hảo tâm” và bên nhận: “Bà con vùng lũ”. Đã là quan hệ dân sự thì nó cần được điều chỉnh chiểu theo Bộ luật dân sự, mà cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015 thì Thủy Tiên được phép làm những điều mà pháp luật không cấm.
Còn các Thông tư, nghị định… chỉ là văn bản dưới luật. Theo quy định của pháp luật, cao nhất là Hiến Pháp, rồi đến các luật, sau đó mới đến các văn bản dưới luật. Khi chúng có mâu thuẫn nhau thì phải áp dụng theo mức độ ưu tiên từ cao đến thấp theo Hiến định. Văn bản dưới luật phải nhường Hiến Pháp và Luật.
Vậy thì chắc hẳn việc làm của Thủy Tiên không hề trái với pháp luật.
3. Antifan và nghệ sĩ: Cuộc chiến không hồi kết
Không như hoa Hương Giang từng nói, rõ ràng antifan không phải là một điều đó dễ chịu.
Việc làm thiện nguyện của Thủy Tiên đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, từ việc tấn công cá nhân rằng “làm từ thiện bằng tiền bá tánh”, đánh bóng tên tuổi, tại sao không dùng tiền của chính mình và âm thầm đi làm từ thiện, đến những bắt bẻ về thái độ làm từ thiện của cô hay yêu cầu đòi hỏi minh bạch số tiền khổng lồ kia (mặc dù Thủy Tiên đã liên tục cập nhật tình hình cũng như xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh và xác thực).
Nhiều ý kiến gay gắt hơn còn cho rằng Thủy Tiên chỉ đến những nơi “thuận tiện”, không đi được đến những nơi khó khăn nguy hiểm, và cần phải giao số tiền đó cho những người chuyên nghiệp hơn. Họ còn dẫn chứng rằng, ở nước ngoài, việc huy động tiền từ thiện phải tuân thủ pháp luật rất nghiêm túc nhắm tránh trục lợi. Người ta có thể không động lòng trước tiền nhưng sẽ động lòng khi đứng trước rất nhiều tiền. Đã có nhiều người huy động được số tiền lớn và bị tố cáo ăn chặn tiền từ thiện.
Nhưng phải chăng đó là do mọi người đã chưa từng đặt mình vào hoàn cảnh của cô gái can đảm và có lòng nhân ái này.
Một ca sĩ đã có tiếng tăm, có điều kiện kinh tế vững mạnh, có một gia đình êm ấm hạnh phúc có lẽ không cần phải lao mình vào hiểm nguy vất vả để “khoe mẽ”, bởi vì cái giá phải trả thực sự quá đắt. Ai có lý trí tỉnh táo cũng đều hiểu điều này. Thủy Tiên đã phải hy sinh công việc cá nhân, thu nhập, hy sinh thời gian với gia đình, con nhỏ, hy sinh cả sức khỏe, nhan sắc – vốn rất quan trọng với những người làm nghề biểu diễn, người của công chúng; thậm chí chịu sự đe dọa về tính mạng ở một nơi nguy hiểm như thế, chẳng lẽ chỉ để “khoe mẽ”, để “diễn sâu” thôi ư?
Cũng đừng đòi hỏi ai đó phải âm thầm đi làm từ thiện, bởi vì mỗi người có một cách làm, một lợi thế khác nhau. Những người nổi tiếng, họ có thể truyền cảm hứng rất mạnh mẽ và huy động được số tiền lớn trong thời gian ngắn. Nhiều tiền hơn nghĩa là nhiều người được giúp hơn. Nếu nhìn vào quyền lợi của những người được giúp đỡ thay vì so đo “cái danh” thì lòng sẽ dễ chịu hơn nhiều. Bởi rất có thể khi lên án ai “đánh bóng tên tuổi”, chính là khi lòng bạn đang khát khao, ghen tị “cái danh” đó. Đây cũng chính là quy luật tâm lý phóng chiếu mà Tâm lý học đã nhắc đến. Hoặc lên án ai đó tham tiền từ thiện khi chưa có bằng chứng, rất có thể bạn đã từ bụng ta suy ra bụng người.
Kết
Chín người mười ý, quả thật không dễ để làm hài lòng tất cả mọi người. Dù trong quá trình kêu gọi và làm từ thiện, ca sĩ Thủy Tiên cũng đã mắc phải những sai sót, nhầm lẫn, nhưng không thể phủ nhận những đóng góp rất ý nghĩa của cô cho người dân miền Trung nói riêng cũng như người Việt Nam ta nói chung.
Với số tiền quyên góp là 178 tỉ đồng, Thủy Tiên đã giúp đỡ được hơn 61,000 hộ dân ở 7 tỉnh miền Trung. Đồng thời, việc làm cao đẹp của cô cũng đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam ta, là tấm gương cũng như bài học cho những nhà hảo tâm sau này.
Thảo luận về bài viết