Trung bình, một người lớn ngáp 20 lần mỗi ngày. Đây là một trong những phản xạ không chủ đích và có tính ‘lây lan’ nhất của cơ thể con người. Chúng ta không thể (và cũng không nên) ngừng lại một khi đã muốn ngáp – có chăng chỉ là lịch sự một tí khi ngáp mà không há to miệng ra thôi.
Không chỉ người mà một số loài động vật có vú khác cũng có thể ngáp.
Vì sao chúng ta ngáp?
Ngáp, là hành động “mở rộng miệng một cách không tự chủ, hàm cũng được mở rộng tối đa, sau đó hít vào sâu và thở ra chậm rãi”. Con người thường ngáp khi cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn chán.
Trước đây, khoa học lý giải rằng ngáp là cách cơ thể chúng ta nạp thêm oxy cho não. Lý thuyết này đã bị bác bỏ vào năm 1987 khi kết quả từ một loạt các thí nghiệm cho biết không có mối tương quan giữa chuyện cơ thể thiếu oxy và hành động ngáp.
Cho đến hiện tại, một trong những giả thuyết được ủng hộ nhất, đó là ngáp giúp não điều chỉnh nhiệt độ. Nghiên cứu năm 2014 xuất bản trên tạp chí Physiology & Behavior về thói quen ngáp của 120 người nhận thấy họ ngáp ít hơn vào mùa đông. Khi các cơ bắp trên mặt thư giãn, nhiệt độ được tiết ra thông qua hệ thống mao mạch. Khi đó, việc đưa vào cơ thể một luồng không khí nhiệt độ thấp hơn sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể và não bộ.
Ngoài ra, ngáp cũng được cơ thể sử dụng như một biện pháp kích thích để duy trì trạng thái tỉnh táo. Khi cơ thể mệt mỏi, hoặc khi phải liên tục tiếp xúc với những thứ lặp đi lặp lại, nhàm chán, không tương tác cao (như nghe giảng bài, làm việc theo quy trình lặp lại,…), há miệng thật to ngáp một hơi thật dài có thể làm tăng nhịp tim trong vòng 10-15 giây sau đó – tương tự như khi dùng caffeine.
Hơn nữa, chuyển động khi ngáp giúp ‘kéo giãn’ phổi và các mô tại đó, làm các cơ và khớp toàn thân được thả lỏng, dồn máu về mặt và não để tăng sự tỉnh táo của cơ thể.
Lý do thứ ba, cực kỳ bí ẩn nhưng vô cùng dễ nhận ra, đó là chúng ta ngáp vì thấy người khác làm vậy.
Vì sao ngáp lại lây?
Lòng đồng cảm và tính liên kết xã hội
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Baylor đã thực hiện một thí nghiệm với 135 sinh viên. Các sinh viên này được kiểm tra về tính cách và cách họ phản ứng với các dạng chuyển động khác nhau trên khuôn mặt. Kết quả cho thấy có mối liên hệ giữa lòng đồng cảm và ngáp. Một người có mức độ đồng cảm càng thấp thì càng ít ‘ngáp theo’ người khác.
Nhưng cần lưu ý là kết quả từ nghiên cứu này không thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Ai đó không ngáp theo bạn không có nghĩa họ là một kẻ máu lạnh hoặc mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần khác.
Ngáp theo cũng được xem như cách để con người củng cố các mối liên kết xã hội. Chuyên gia thần kinh học Thomas Scammell (Đại học Y Harvard) cho biết, “Nếu ai đó mỉm cười thân thiện với bạn, bạn sẽ mỉm cười đáp lại mà thậm chí không cần suy nghĩ. Đây là một dạng thức giao tiếp xã hội. Những người có năng lực đồng cảm cao sẽ có xu hướng thực hiện điều này thường xuyên hơn.”
Hành vi phản chiếu
Ngáp khi thấy người khác ngáp (hoặc chỉ xem video thôi cũng được) là một trong những hành vi phản chiếu của con người, liên quan đến hoạt động của các tế bào thần kinh phản chiếu trong não. Gãi, bắt chéo chân, hoặc cười lớn,… đều là những hành vi phản chiếu – thứ mà bạn vô thức ‘bắt chước’ người đối diện.
Động vật cũng có xu hướng bắt chước hành vi của đồng loại. Phản chiếu hành vi giúp chúng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ chúng tốt hơn khỏi các nguy hiểm tiềm ẩn trong môi trường sống. Với con người, việc bắt chước / lặp lại lời nói hoặc hành động của người khác còn là cách để chúng ta trở nên phù hợp hơn với môi trường quanh mình.
Một điểm đáng chú ý là phản ứng ngáp theo hầu hết chỉ được ghi nhận ở những người có não bộ phát triển đầy đủ và khỏe mạnh. Các nghiên cứu trên trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi – đối tượng có cơ chế phản xạ thần kinh vẫn đang phát triển – cho thấy các bé chỉ ngáp khi mệt mỏi. Điều tương tự diễn ra với những người lớn có bệnh lý hoặc rối loạn về tâm thần, thần kinh, khiến sức khỏe tinh thần và liên kết xã hội của họ bị ảnh hưởng.
Chúng ta dễ ngáp theo nếu đó là những người ta thân thiết
Cuối cùng, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng phản chiếu lại hành động ngáp nhiều hơn nếu đối phương là người thân trong gia đình hoặc là người mà ta có mối quan hệ thân thiết.
Đây đều là những người có liên kết chặt chẽ hơn, đồng thời gợi cho chúng ta một lòng đồng cảm sâu sắc hơn.
Tóm lại, việc bạn ngáp theo ai đó chỉ đơn giản là bằng chứng cho thấy bạn là một người giàu lòng đồng cảm, đồng thời chỉ ra nhu cầu tăng cường liên kết xã hội của con người, đặc biệt là với những người mà ta có cảm tình.
(Ảnh minh họa: TED)
Xem thêm:
Drama có gì mà nhiều người hóng thế nhỉ?
Những thói quen khi sử dụng điện thoại di động của chúng ta ảnh hưởng người khác thế nào?
“Khoảng cách” – ngôn ngữ thứ sáu của tình yêu
10 bí quyết chống trì hoãn cho hội ‘để mai tính’
Thảo luận về bài viết