Spoiler alert: Quay lại với người cũ không phải chuyện hiếm gặp, tuy nhiên không phải trường hợp “ru lại câu hò” nào cũng đem đến kết quả tốt đẹp.
Kết thúc mối quan hệ tình cảm lãng mạn là một trải nghiệm không dễ chịu. Chia tay khiến cảm xúc chúng ta bị tổn thương, cái tôi chịu bầm dập, cùng biết bao kế hoạch khác phải thay đổi. Quyết định chấm dứt với ai đó cũng đồng nghĩa với việc ta bị bỏ lại giữa một tập hợp hỗn độn những khoảnh khắc tuyệt vọng, đau đớn, buồn bã, hụt hẫng, hối tiếc, và đôi khi lại là vui mừng, nhẹ nhõm. Bước ra khỏi một mối quan hệ buộc chúng ta phải học cách trở thành một “tôi” mới – tách biệt khỏi người cũ và khác biệt với những gì mình từng quen thuộc trước đây.
Hồi phục sau chia tay là một quá trình tốn sức lực, đặc biệt nếu mối quan hệ hay cuộc chia ly vừa qua để lại những tổn thương quá sâu sắc. Theo logic thông thường, chúng ta nên tránh những thứ làm mình đau càng xa càng tốt. Thế nhưng, điều thú vị là có khá nhiều người lại quyết định “ru lại câu hò”. Theo nghiên cứu năm 2011 của giáo sư, tiến sĩ René Daily (Viện ĐH Texas–Austin) cùng cộng sự, ước tính có 40–50% người chọn bắt đầu một mối quan hệ mới với người cũ của mình.
Riêng chuyện quay lại thế nào và sau bao lâu cũng muôn hình vạn trạng. Có người quay lại với người cũ sau vài tháng, có người vài tuần, thậm chí có người chỉ vài ngày. Nhưng cũng có trường hợp về lại bên nhau sau khi cả hai đã sống cuộc đời riêng của mỗi người trong rất nhiều năm, ví dụ như Ben Affleck và J.Lo: tan vỡ vào 2004, hẹn hò và kết hôn cùng những người khác nhau, chia tay với những người đó, cuối cùng tái hợp vào 2021.
Như vậy, quay lại với người cũ liệu có phải là một ý tưởng hay?
Chất lượng của những mối quan hệ “ru lại câu hò”
Theo các nghiên cứu về chủ đề này của tiến sĩ René Daily, nhìn chung, khi so sánh với các mối quan hệ chưa trải qua đổ vỡ thì các mối quan hệ tái hợp có xu hướng:
– Có sự thỏa mãn về mối quan hệ thấp hơn,
– Thấy ít được công nhận hơn,
– Cảm giác yêu thương kém hơn,
– Mức độ thỏa mãn tình dục thấp hơn,
– Cảm giác nhu cầu được đáp ứng thấp hơn.
Những nghiên cứu của tiến sĩ René Daily không bao hàm tất cả những cặp đôi chọn cách quay lại với người cũ. Nhưng kết quả trên cũng cho thấy rằng quyết định này có vẻ như không khôn ngoan cho lắm. Trên thực tế, tần suất lành rồi vỡ vỡ lại lành của một cặp đôi càng nhiều, họ càng dễ dàng nhìn ra được những thứ xấu xí ở nhau cũng như ở chính mối quan hệ của mình.
Nhưng mặc, người ta vẫn cứ muốn quay lại với người cũ. Vì sao lại thế?
Những nguyên nhân đằng sau câu chuyện biến ex thành next
Có nhiều lý do để một người quyết định trở về bên người cũ, trong đó vương vấn là nguyên nhân phổ biến nhất. Tàn tro cảm xúc là một trong những động lực to lớn để những người từng bên nhau tìm cách về lại với nhau. Suy cho cùng thì kết thúc một mối quan hệ đâu có nghĩa là tình cảm dành cho nhau cũng biến mất?
Ngoài những cảm xúc còn sót lại, một số nguyên nhân khác có thể kể đến bao gồm:
Nhu cầu về sự quen thuộc
Trạng thái thoải mái với những điều quen thuộc là một cám dỗ khó cưỡng lại. Và còn ai có thể cho chúng ta sự quen thuộc lớn hơn người từng cùng ta kề cận sớm chiều? So với việc phải lần nữa dấn thân vào thế giới phức tạp của quen biết, gặp gỡ, hẹn hò, yêu đương, (biết đâu lại) tan vỡ lần nữa, thì việc chọn lấy một người ta biết rõ mình mong đợi điều gì ở họ có vẻ như là một quyết định an toàn hơn.
Nhu cầu tìm kiếm sự quen thuộc cũng lý giải vì sao nhiều người dù trải qua kha khá mối tình nhưng những đối tác của họ đều có nét từa tựa nhau kể cả về ngoại hình hay về tính cách.
Cần có ai đó đồng hành
Chia tay đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng người từng bên cạnh sẽ không tiếp tục đi cùng mình nữa. Buồn bã, đau khổ, hay cô đơn đều là những gánh nặng đáng kể cho tinh thần. Chúng ta có thể “cắn răng” chịu đựng trong vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, nhưng nếu tình trạng này không thuyên giảm trong thời gian dài, nhu cầu tìm kiếm người đồng hành sẽ nảy sinh.
Khi ấy, tái hợp là một trong những cách giải quyết vấn đề khả dĩ khi những lợi ích của việc có ai đó bên cạnh lấn lướt đi lý do chia tay ban đầu. Hoặc giả không quay lại với người cũ thì nhiều người cũng rất nhanh chóng bắt đầu những mối quan hệ mới để lấp đầy cảm giác cô đơn ngự trị.
Những chuyện “bây giờ mới biết”
Không phải vô lý khi nhiều người cho rằng người cũ luôn là người tốt nhất. Sau chia tay, chúng ta không chỉ thấy buồn khổ mà còn có thời gian ngẫm nghĩ chiêm nghiệm chuyện đã qua. Khi soi chiếu mối quan hệ trên góc độ “người ngoài cuộc”, chúng ta nhận ra nhiều điều mà trước đây vì vô ý hoặc cố tình mà đã không nhìn thấy.
Trong quá trình này, nhận thức của chúng ta về mối quan hệ và về người cũ bị thay đổi. Ta có thể “đột nhiên” thấy rõ hơn về con người họ, về những gì họ đã làm, vì sao họ lại cư xử như thế – tất tần tật những thứ khuất lấp khi xưa nay lần lượt được lôi ra ánh sáng. Hành động này có thể dẫn đến hai hệ quả, hoặc thở phào nhẹ nhõm “may quá chia tay” hoặc đau buồn nuối tiếc “giá mà lúc ấy…”
Nhưng thế không có nghĩa rằng tất cả những chuyện vỡ lẽ sau chia tay đều là ngộ nhận. Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những phán đoán chính xác hơn về người kia một khi cả hai đã không còn bên nhau nữa. Và với những cặp đôi tái hợp sau thời gian dài thì “quãng nghỉ” ở giữa lại là một lợi thế – đó là thời gian cần thiết để cả hai thay đổi, trưởng thành, và trở nên phù hợp với nhau hơn.
Nhận ra người cũ mới là mảnh ghép vừa vặn nhất
Đôi khi người ta quay lại với người cũ đơn giản vì những “phương án lựa chọn” khác hóa ra chẳng hấp dẫn hoặc không hề phù hợp.
Hối hận
Con người có bao nhiêu lý do để đến với nhau thì cũng có bấy nhiêu đó cách để rời xa nhau. Có những lời tạm biệt được nói ra sau rất nhiều ngày đêm trăn trở, nhưng cũng không thiếu những lời chia tay xuất phát từ một phút giây nóng vội nhất thời. Do đó, nhiều người tìm cách nối lại tình xưa vì tin rằng chuyện đôi bên tan vỡ là một sai lầm không đáng có. Thực tế, đây cũng không phải trường hợp hiếm gặp.
Vì thương hại
Điều đáng buồn là không phải cuộc tái hợp nào cũng là kết quả từ mong muốn của cả hai. Một số người đồng ý quay lại với người cũ không phải do cô đơn, không vì ngại bắt đầu mối quan hệ mới, cũng không phải do nhận ra người kia mới là tốt nhất tuyệt nhất, mà do họ cảm thấy có lỗi với đối phương. Đây là trường hợp quay lại không phải vì thương yêu mà chỉ vì thương hại – khi một bên xem việc gặp gỡ và tiếp tục mối quan hệ như trước đây là cách để người cũ cảm thấy khá hơn.
Kết
Nhìn chung, những mối quan hệ “gương vỡ lại lành” ẩn chứa khá nhiều rủi ro. Bên cạnh sự lên xuống cảm xúc sau những lần chia ly và tái hợp, các cặp đôi còn có nguy cơ đối mặt với những thứ như: ngăn trở (thay vì ủng hộ) từ người thân, lòng tin vào mối quan hệ và đối tác, hay nỗi thất vọng một khi phát hiện ra rằng những chuyện khiến họ không hạnh phúc vào lần trước vẫn còn đó trong lần này.
Tuy nhiên, xu hướng này không thể áp dụng chung cho tất cả các mối quan hệ tái hợp. Vì lý do chia tay và lý do quay lại của mỗi cặp đôi đều khác nhau nên tình trạng mối quan hệ mới của họ cũng sẽ khác nhau. Một mối quan hệ xuất phát từ nỗi sợ cô đơn hay do lòng thương hại chắc chắn sẽ khác một mối quan hệ được xây dựng trên những nhận thức mới về nhau của đôi bên.
Tái hợp không phải là chuyện gì quá to tát, quan trọng là tâm thế của chúng ta với người kia và với mối quan hệ này như thế nào. Dù là người cũ, nhưng nếu ẩn dưới gương mặt quen thuộc kia là một con người mới, với những trải nghiệm và những giá trị khác với ngày đầu, thì mối quan hệ này có lẽ cũng hứa hẹn thú vị và hào hứng chẳng kém một chuyến phiêu lưu chúng ta chưa từng thử qua.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
10 dấu hiệu cho thấy đã đến lúc từ bỏ một mối quan hệ
Khoa học lý giải tình yêu như thế nào?
Vén màn bí mật “tình yêu sét đánh”
Thảo luận về bài viết