Thị trường Trung Quốc đã tạo nên sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất toàn cầu được biết đến với tên gọi Singles’ Day diễn ra vào ngày 11/11 – ngày mà các thương hiệu đua nhau ra mắt sản phẩm mới hoặc bán sản phẩm với mức giá ưu đãi cực lớn trong thời hạn 24 giờ.
Theo tạp chí Forbes, Ngày Độc thân là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc và thế giới diễn ra vào ngày 11/11 hằng năm. Ngày Độc thân trong tiếng Trung là Guang Gun Jie (Quang Côn Tiết), trong tiếng Anh là Singles’ Day.
Bắt nguồn từ tiếng Trung, ngày 11.11 được viết bằng 4 nét gạch, tượng trưng cho 4 cây gậy, ám chỉ sự lẻ loi, cô đơn – điều này khiến người ta liên tưởng đến những người độc thân. Đây vốn không phải là một ngày lễ truyền thống của người dân Trung Hoa, cũng không phải là một lễ hội du nhập từ văn hóa phương Tây, mà là một lễ hội tự phát mang tính giải trí của giới trẻ. Trong 10 năm qua, tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma đã tổ chức ngày sự kiện mua sắm với mức ưu đãi cực lớn cho những người độc thân, như một lễ hội tương phản với ngày Valentine.
Ngày giảm giá 11/11 Trung Quốc được khởi xướng năm 2009 bởi bộ phận xúc tiến thương mại điện tử Taobao & Tmall trực thuộc tập đoàn Alibaba. Sau đó, không chỉ riêng Alibaba mà rất nhiều các công ty thương hiệu, các đối thủ cạnh tranh, cửa hàng cũng đua nhau giảm giá để kích cầu mua sắm, tạo lên làn sóng mua sắm khổng lồ nhất trong năm. Ngày 11/11 trở thành ngày lễ hội mua sắm phổ biến nhất, chủ yếu tại Trung Quốc và các nước châu Á, tương tự như ngày hội mua sắm Black Firday của Mỹ. Doanh thu năm 2016 từ lễ hội này hơn 15 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3 tỷ USD. Con số này gấp 3 lần tổng doanh thu từ lễ hội Black Friday tại Mỹ.
Theo Forrester Forecasts, ngày Lễ độc thân đã trở thành sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới cho đến nay trên thế giới, thu về hơn 30 tỷ USD tổng khối lượng hàng hóa năm 2018 – và doanh thu dự kiến sẽ đạt 37 tỷ USD năm 2019. Lễ hội thương mại điện tử này dự kiến sẽ ngày càng phát triển cùng với việc Alibaba không ngừng tăng số lượng mặt hàng được bán. Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ cũng không ngần ngại nhập cuộc. Các tên tuổi lớn từ Apple đến Estee Lauder, với các giao dịch trên nền tảng của Alibaba cùng với các trang web của riêng họ ở Hoa Kỳ, cũng đã có những chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm.
Alibaba, công ty khởi động sự kiện bằng cách tổ chức các buổi biểu diễn thời trang và buổi hòa nhạc lộng lẫy, cũng mời các ngôi sao tham gia để tăng sự chú ý của công chúng. Năm 2019, Taylor Swift được mời biểu diễn trong buổi dạ tiệc khai mạc, trong khi Kim Kardashian đã phát trực tiếp trên Tmall để giới thiệu nước hoa của mình trong lễ hội mua sắm.
Tại Việt Nam, một số kênh mua sắm trực tuyến từ nhiều năm trước đã tranh thủ ngày lễ này để nhập hàng cho đợt cuối năm. Các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Lotte, Adayroi cũng đã học tập theo và tạo ra những cú hích rất lớn cho thị trường thương mại điện tử, gặt hái nhiều thành công và hiệu quả thông qua chương trình này.
Theo: Forbes.com
Thảo luận về bài viết