“Nhóm bạn chơi thân lâu năm họp mặt tại một bữa tiệc và cùng nhau chơi trò Công Khai Sự Thật: điện thoại mọi người đặt cả lên bàn, nội dung tin nhắn, email, cuộc gọi,… nhận được sẽ phải công khai với cả nhóm.”
Đó là nội dung chính của Tiệc Trăng Máu (Việt Nam), của Kill Mobile (Trung), của Intimate Strangers (Hàn), và 15 phiên bản remake còn lại, dựa theo bản gốc Perfect Strangers (Perfetti Sconosciuti) của Ý. Với kịch bản hấp dẫn, đề tài “chạm đúng chỗ ngứa”, cùng dàn cast ấn tượng, ngay khi ra mắt, nguyên tác đã nhận nhiều lời khen từ phía khán giả lẫn giới phê bình.
Các phiên bản remake sau này cũng không hề kém cạnh bản gốc về mặt doanh thu, với sự thành công đặc biệt của bản Hàn (phát hành năm 2019). Còn Tiệc Trăng Máu – bản remake của Việt Nam – vừa ra mắt hôm 20/10 đã thu về khoảng 8 tỉ đồng chỉ sau 2 ngày, dù thời điểm đó vẫn chưa phải là cuối tuần. Đến 21h hôm nay, 24/10, doanh số của Tiệc Trăng Máu đã vượt mức 30 tỷ đồng, đi theo hình mẫu của tất cả các bộ phim Việt vượt mốc trăm tỷ trong vòng 2 năm qua: doanh số ngày đầu chiếu thấp, nhưng tăng dần liên tục trong các ngày hôm sau. Theo ước tính của Box Office Vietnam, với tốc độ hiện tại, Tiệc Trăng Máu được kỳ vọng sẽ kết thúc tuần công chiếu đầu tiên với doanh số trên dưới 40 tỷ đồng, và đạt mốc 100 tỷ vào tuần đầu tiên của tháng 11.
Rượu cũ, bình mới (bình made in Vietnam hẳn hoi)
Là phiên bản làm lại, thế nên câu chuyện của Tiệc Trăng Máu không có gì mới mẻ. Phim hầu như giữ nguyên nội dung từ bản Hàn, vốn đã được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa Á Đông. Thoạt nghe qua phim remake, dễ lầm tưởng rằng đạo diễn không cần tốn nhiều công sức vì phần kịch bản đã có sẵn. Thế nhưng điểm thách thức ở đây là đạo diễn và biên kịch phải cải biến nguyên tác như thế nào để gần gũi với khán giả nước sở tại, cũng như phải lựa chọn dàn cast thật sự có năng lực để có thể tạo nên một cái “bình mới” cho món rượu đã cũ.
Ở điểm này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng ê-kíp đã không “phụ” sự mong đợi của khán giả, khi một mặt vẫn giữ nguyên cốt truyện, một mặt vẫn tạo được nét riêng cho phiên bản Việt Nam. Yếu tố hài hước và tính trào phúng trong Tiệc Trăng Máu được đẩy lên cao, đôi khi lên đến mức “đối nhau chan chát” như cách đạo diễn xây dựng cặp vợ chồng Thu Quỳnh – Phan Bất Bình (Thu Trang – Thái Hòa). Đây là điều mà bản Hàn, hay ngay cả tác phẩm gốc của Ý, vẫn chưa làm được.
Tuy châm biếm và “đụng chạm” khá nhiều những chủ đề nhạy cảm trong xã hội, nhưng Tiệc Trăng Máu không phản cảm hay gây xúc phạm người xem, vì từng chi tiết và lời thoại đều đã được lựa chọn kỹ càng. Từ những câu đùa 18+ như “dớ (vớ) ai hông dai” (nói lái), “mua con trâu được con nghé” (ý chỉ việc quen phụ nữ có con riêng), “quét mạng nhện” (ý chỉ việc quan hệ tình dục), đến những chi tiết nghe-là-biết-Việt-Nam như đi lấy cơm heo, tụi con trai thi đái xa, mâu thuẫn muôn đời giữa con dâu / con rể với gia đình chồng / gia đình vợ. Tất cả đều được đưa lên phim và uyển chuyển khéo léo, tưởng như không nói ai nhưng nghe đến ai cũng nhột.
Chuông reo là chết
Cũng như các phiên bản trước, phần lớn thời lượng của Tiệc Trăng Máu diễn ra quanh một cái bàn ăn, trong một cái nhà “nhìn là thấy giàu có”.
Phim mở màn và dẫn dắt khán giả vào câu chuyện một cách tự nhiên theo phong cách phim hài gia đình. Bạn cũ họp mặt ăn uống. Vẩn vơ làm sao rồi nói đến chuyện thời đại bây giờ người ta lệ thuộc điện thoại thông minh.
Hàng ngày, chúng ta dùng điện thoại, vì nó hữu ích và tiện lợi. Ngoài liên lạc, điện thoại thời nay còn kiêm đủ bao nhiêu thứ chức năng khác. Tuy nhiên, hiện đại thì “hại điện”. Chúng ta phó thác hầu như mọi thứ cho điện thoại, tin tưởng rằng sẽ không một ai khác ngoài ta ra biết được những điều bí mật đang hiển thị trong đó. Các nhân vật trong Tiệc Trăng Máu cũng thế, cho đến khi có người đề nghị cả nhóm chơi trò Công Khai Sự Thật.
Bình thường, tiếng chuông reng trên điện thoại có thể là thanh âm báo hiệu của vui mừng, thích thú, xen lẫn hồi hộp, mong chờ, đặc biệt là khi người ta có gì muốn che giấu. Kể cũng lạ khi càng bí mật, càng sợ bị phát hiện, thì càng kích thích. Thế nhưng, trên bàn tiệc hôm đó, tiếng chuông điện thoại bỗng chốc không khác gì tiếng… chuông báo tử.
Hỏi rằng Tiệc Trăng Máu có twist không, đáp rằng “Không chắc nữa”, vì cứ mỗi lần chuông reo là một lần khán giả bị xoay nhém… rớt ghế, nên chẳng biết dành cái danh “twist” cho chi tiết nào. Mỗi cú twist lại tăng “đô” dần theo tiến trình diễn tiến của câu chuyện, từ những lời nói dối nho nhỏ không ảnh hưởng gì nhiều, đến những sự thật “động trời” gây ra những rạn vỡ không cách nào hàn gắn nổi.
Hãy quên Thái Hòa trong trailer đi
Đồng thời quên luôn vai diễn hầu như gắn liền với tên tuổi của anh trong Để Mai Tính. Vì Phan Bất Bình của Thái Hòa trong Tiệc Trăng Máu là một người hoàn toàn khác.
Bạn có thể cười rũ rượi với tình huống khó xử “bị” gửi ảnh nude của nhân vật Bình và cảnh anh van xin ông bạn Mạnh (Đức Thịnh) cứu bồ, thế nhưng vào phim, cái nhìn của bạn với nhân vật này sẽ xoay 180 độ từ “thấy hài” thành “thấy ớn”, để rồi đến gần cuối phim, bạn lại tiếp tục xoay thêm 180 độ nữa để nhận ra góc “thấy thương” của nhân vật Bình. Bản mặt khó đăm đăm của Thái Hòa cực kỳ hợp vai một ông chồng gia trưởng, bảo thủ, ưa cằn nhằn vợ, cũng cực kỳ hợp vai một người thật sự hết lòng vì bạn mình. Xét trong các nhân vật nam, thì nhân vật của Thái Hòa được đánh giá là người “chơi thật” với bạn bè hơn những người còn lại.
Đã quên Thái Hòa, thì sau đó nên quên luôn Thu Trang với danh hiệu “hoa hậu hài” của cô. Nhân vật Thu Quỳnh là một người phụ nữ… vô duyên. Cô thể hiện sự “lạc quẻ” của mình với mọi người, hầu như mọi lúc, cho dù đối phương là chồng hay là những người bạn khác. Thu Trang đã xuất sắc thể hiện một nhân vật vô duyên theo cách rất có duyên, từ điệu cười hô hố nhưng vội im khi thấy chồng lừ mắt, đến vẻ sượng sùng ra mặt khi bí mật “chị chị em em” của mình vô tình bị lật tẩy (nhưng sau đó không quên nhếch mép liếc xéo chính cái người cô đang tìm cách xin lỗi). Khán giả cười cô, rồi khóc vì cô, vì cô làm hài cũng hay, mà diễn bi cũng không tệ. Câu hỏi nhói lòng Thu Quỳnh dành cho chồng mình lúc cuối phim là câu hỏi đã dày vò cô bấy lâu nay. Khi xem đến đó, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng ước mình có thể trở thành Thu Quỳnh, để trút ra được hết những nỗi lòng, những bí mật nặng trĩu tâm can mà vì nhiều lý do, chúng ta cứ phải mang theo bên người.
Bài viết “ưu ái” Thu Trang và Thái Hòa, lý do vì nhờ diễn xuất nhập tâm của hai diễn viên mà cảm xúc của tác phẩm được đẩy lên cao một cách tự nhiên, gây ấn tượng mạnh cho khán giả, thậm chí còn vượt qua cả những bản khác. Hơn nữa, so với các nhân vật còn lại, hai vợ chồng Thu Quỳnh – Phan Bất Bình cũng là cặp đôi sở hữu nhiều “cú twist lật cổ” nhất. Những vai diễn khác đều được thể hiện tròn trịa bởi dàn cast dày dạn kinh nghiệm phim ảnh.
Đau ngắn, hay là đau dài?
Người xưa hay nói “sự thật mất lòng”, nhưng chúng ta cần phải trả lời cho câu hỏi Sự thật đôi khi làm ta tổn thương nhưng ta có muốn sống cả đời trong sự bất tri lừa dối?, và hơn thế, đó là làm thế nào để học cách tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân và của người khác?
Kết phim nhanh và có thể gây… mất não một chút với những người lần đầu mới xem, khi thể hiện hai kết quả khác nhau của hai giả định khác nhau: nhân vật có hoặc không đồng ý tham gia trò Công Khai Sự Thật. Nếu không ai chơi trò chơi đó, thì điện thoại mỗi người vẫn sẽ là của mỗi người, với tất cả những tin nhắn, điện thoại, email,… được bảo vệ cẩn mật. Ai lạnh nhạt sẽ tiếp tục lạnh nhạt, ai lừa dối cũng tiếp tục lừa dối, ai ngây thơ vẫn tiếp tục ngây thơ.
Còn nếu tham gia trò chơi, thì cái kết (như mọi người sẽ thấy) đong đầy nước mắt và cả máu. Không đau sao được khi người ta ngỡ đã biết rõ bấy lâu lại đang che giấu ta một bí mật khủng khiếp? Không tức giận sao được khi nhận ra người đầu ấp tay gối là một người hoàn toàn xa lạ? Không buồn sao được khi phải trải qua những cú sốc tinh thần to lớn gây ra bởi những người ta hoàn toàn tin tưởng?
Bộ phim đưa ra hai cái kết, để khán giả tự do lựa chọn phương án họ cho là phù hợp với nhân vật. Đồng thời, còn khiến chúng ta suy nghĩ về việc, liệu là ta, thì ta sẽ lựa chọn điều gì?
Kết
Là một bản remake, nhưng Tiệc Trăng Máu đã có màn thể hiện trên cả mong đợi với một kịch bản được khéo léo biến chuyển cho gần gũi và phù hợp với khán giả Việt, lồng ghép vào đó là vấn đề xã hội rất thật, cùng với diễn xuất tròn trịa, ăn ý của dàn cast thực lực.
Xem phim, cười đấy nhưng rồi ngẫm lại được ngay, vì mỗi người đều có thể nhìn ra được chính mình trong đó. Phiên bản của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn ấn tượng ở cách đặt tựa phim không theo mô tuýp người quen hóa lạ như đa số các bản khác, mà chọn hình ảnh “trăng máu” (nguyệt thực toàn phần), ám chỉ bản chất con người luôn có những bí mật như một câu thoại trong phim: “Bản tính con người cũng giống như trăng máu, có thể bị che lấp đi trong chốc lát, nhưng cuối cùng thì cũng sẽ lộ ra”. Chính sự mới mẻ của “một bữa tiệc của sự đổ vỡ, sau những tràng cười là tiếng khóc”, sau Ròm, Tiệc Trăng Máu được kỳ vọng sẽ là “cú nổ” phòng vé sau thời gian ảm đạm vì ảnh hưởng dịch COVID-19.
Thảo luận về bài viết