“Là bản thể tốt hơn mỗi ngày” hay “Đừng bao giờ thôi làm việc” là những câu nói đã cổng hưởng cho văn hoá hối hả (hustle culture) trong thế giới tư bản ngày nay. Nhưng có bao giờ bạn đã thực sự dừng lại và tự hỏi bản thân rằng mình có thực sự cảm thấy viên mãn với cuộc sống hay không? Bạn có nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ ‘tự ghét bản thân mình’ không?
Thực ra nói ‘tự ghét’ thì có vẻ hơi quá! Nhưng thực ra, nhiều nhà tâm lý học đã nhận thấy sức nặng của sự tự chỉ trích và tự căm ghét đang đè nặng lên tâm hồn con người. Điều này đã dần trở nên bình thường hóa. Và khi con người cảm thấy như vậy, họ sẽ tìm mọi cách để gồng mình ‘tu sửa’ lại bản thân để đi theo hình mẫu mà xã hội cho là hiện thân của sự thành công.
Hậu quả của văn hoá ám ảnh với việc tự cải thiện chính là sự tập trung quá mức vào bản thân. Từ những quy trình skincare có 10 hoặc đến tận 20 bước hay việc loại bỏ những người bạn độc hại khỏi vòng tròn xã hội của mình, một số người sẽ trải qua những hành động cực đoan như vậy trên danh nghĩa là muốn cải thiện bản thân.
Có thể, đã đến lúc để thừa nhận rằng chúng ta đang dành quá nhiều thời gian sống của mình để… tự đắp nặn mọi thứ. Nghe có vẻ hơi khó hiểu, nhưng bạn cứ tưởng tượng đi; trong xã hội ngày nay, khi bắt gặp một lý tưởng mới để ta phấn đấu, như đơn cử là một bài tập giảm cân mới, một dự án cải tạo nhà mới, một cách mới để cải thiện chức năng cơ thể,… bạn có nghĩ những người trong trong guồng quay đó sẽ khó cảm thấy sự viên mãn từ cuộc đời này.
Những yếu tố rất thực tế như tiềm lực kinh tế xã hội, chủng tộc và sức khỏe cũng ảnh hưởng đến thế giới quan của một người khi định nghĩa về sự viên mãn trong cuộc sống. Khi xã hội luôn coi trọng những điều đó và gạt bỏ những cá thể khác dựa trên thu nhập, xuất thân hoặc khả năng của họ, ta rất dễ để cảm thấy như mình không đủ tiêu chuẩn.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bất kể hoàn cảnh tài chính, điều kiện sống hay sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn, những điều trên sẽ có thể thúc đẩy chúng ta phấn đấu nhiều hơn để đạt được nó. Nhưng nếu đi quá xa, chúng sẽ cảm thấy kiệt sức và chán nản, như bị ‘giam cầm’ trong chính nhà tù mà ta tự tạo nên.
Sự bủa vây của marketing và tâm lý so sánh qua mạng xã hội chỉ càng làm tăng thêm mong muốn trở thành người mà bạn bị ám ảnh. Đương nhiên là không có gì sai khi bạn muốn cải thiện cuộc sống của mình, nhưng ta vẫn có nhiều cách để chống lại những áp lực vô hình, cả bên trong lẫn bên ngoài, mà sẽ thúc đẩy bạn chi tiêu và lao động quá mức để khiến bạn đạt được hình mẫu đó.
Ta muốn cuộc sống của mình trở nên viên mãn… nhưng đời lại không cho!
Trong khi tất cả các loài động vật đều bị thúc đẩy để sinh tồn, thì con người có phần đặc biệt hơn. Chúng ta sẵn sàng cải thiện cuộc sống. Động lực thúc đẩy chúng ta tìm kiếm thức ăn khi đói hoặc tìm chỗ trú khi trời mưa là để thử tìm các cách sáng tạo khác để nâng cao cuộc sống. Theo một nghiên cứu được tiến hành, khi mọi người được hỏi cảm giác về bản thân hay sở hữu đồ vật (như điện thoại, thú cưng và tình yêu) như thế nào; họ thường sẽ nghĩ ra cách để các thiết bị, sinh vật và cảm xúc đó trở nên tốt hơn.
Hay để nói cách khác, lý do chúng ta đi từ việc săn bắn và hái lượm đến việc sống trong các tòa nhà chọc trời là vì ở một thời điểm nào đó, ai đấy đã dám ‘tưởng tượng’ ra tất cả những cải tiến đó. Điều này thực sự dường như là một phần rất nội tại trong cách con người hoạt động. Có lẽ không có giới hạn nào cho những gì con người có thể mơ ước cải thiện.
Điều cho phép chúng ta luôn phấn đấu nhiều hơn và cảm thấy viên mãn khi bản thân liên tục thích nghi với sự thay đổi. Nó được biết đến như là ‘guồng xe hưởng lạc’ (hedonistic treadmill) hoặc sự thích nghi hưởng lạc. Theo nghịch lý này, chúng ta có khả năng tuyệt vời để thích nghi với cả sự kiện tích cực và tiêu cực trong cuộc sống, đạt đến mức độ hài lòng cơ bản sau khi các điều tốt và không tốt xảy ra.
Chính guồng xe hưởng lạc đó là lý do tại sao việc mua một chiếc xe mới sẽ cảm thấy tuyệt vời trong vài tuần, và sau đó dần dần giảm đi cho đến khi chúng ta nhận ra cần có điều gì khác để khơi dậy sự phấn khích đó lần nữa.
Một yếu tố khác khiến ta không thể viên mãn là sự so sánh. Chúng ta không chỉ so sánh mình với người khác, cân đo thành công và hạnh phúc của mình với họ, mà chúng ta còn có thể so sánh hoàn cảnh hiện tại với những gì mình mong muốn trong tương lai.
Cộng hưởng lại, guồng xe hưởng lạc và sự so sánh có nghĩa là các mục tiêu của bạn sẽ luôn thay đổi. Vì thế, khi ta đạt được mục tiêu hoặc mua món hàng, thì đó chỉ là sự khởi đầu của một chu kỳ thôi. Khi sự mới mẻ nhạt dần đi, chúng ta sẽ tìm kiếm điều tiếp theo có thể mang lại sự viên mãn đó. Từ đó ta nhìn qua đồng nghiệp, bạn thân hoặc hàng xóm của chúng ta; có thể họ có điều tiếp theo đấy!
Như anh Rachit Dubey, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Trường Quản lý Sloan của MIT, đã nói: “Rồi bạn sẽ tiếp tục tìm kiếm món đồ mới lấp lánh tiếp theo. Rồi bạn quen với nó, rồi bạn lại so sánh, và rồi bạn muốn điều gì khác. Đấy là chu kỳ của sự thích nghi và so sánh có thể dẫn đến sự khao khát không ngừng.” Vì thế, cái chu kỳ khao khát này hầu như không bao giờ mang lại cảm giác tốt đẹp cả.
Trong một nghiên cứu, anh Rachit Dubey và các đồng nghiệp của anh đã lập trình các robot ảo để hành động như con người, nghĩa là chúng sẽ quen dần với những phần thưởng tích cực mà chúng nhận được và so sánh mình với các con robot khác. Sự thích nghi và so sánh đó khiến các robot đạt được nhiều hơn trong thế giới ảo của chúng, nhưng chỉ đến một mức độ nhất định. “Chúng nó phải trả giá bằng sự hạnh phúc của chúng” anh Rachit Dubey nói. Nếu mức độ khát vọng của các robot không được kiểm soát, hiệu suất của chúng giảm đi.
Bởi vì chúng ta sống trong một xã hội, sự so sánh với người khác là không thể tránh khỏi. Ở mặt tích cực, sự so sánh này có thể thúc đẩy mọi người đạt được thành tựu, như được thăng chức hoặc mua một biệt thự, sự phát triển của xã hội loài người. Một khi đã có những thành tựu trên, chúng ta sẽ còn muốn đạt được nhiều thứ hơn nữa… ngoài trừ sự viên mãn. Ngay cả những mục tiêu bình thường lúc ban đầu cũng có thể bị đẩy đi quá xa, như biến một sở thích vui vẻ thành một công việc tay trái (side hustle) để rồi làm mất tinh thần.
Chính xã hội đã khiến chúng ta cảm thấy không đủ viên mãn với đời như thế nào?
Cái bản năng mong muốn cải thiện hoàn cảnh của chúng ta là một điều hữu ích trong một xã hội khi mà tài nguyên dần trở nên khan hiếm. Vấn đề nảy sinh khi ta đã có đủ (ý là dư dả cả về thời gian lẫn tiền bạc), thì liên tục bị quảng cáo bởi vô số hàng hóa và cơ hội mới mẻ khác trong đời. Khi đó, sự thích nghi này sẽ gây ra sự bất hạnh.
Trong hành trình cải thiện để đến với cuộc sống viên mãn, chúng ta đuổi theo các sản phẩm. Điều này không hẳn là do lỗi của chúng ta, mà là chúng ta dễ dàng trở thành con mồi của các thông điệp từ người dùng mạng xã hội, thuật toán và các quảng cáo chuyên nghiệp. Họ nói rằng dầu gội này hoặc tấm thảm kia sẽ làm thay đổi cán cân của cuộc đời bạn. Nhưng đây là cách thị trường tiếp tục hoạt động, bằng cách khuếch đại những điểm yếu và bất an của chúng ta.
Nếu bạn nghĩ bạn có viên mãn trong cuộc đời khi thoát khỏi nhu cầu của thị trường, thì ta còn có ‘cửa ải’ nữa, đó là mạng xã hội. Trước đây, mọi người so sánh mình với người nổi tiếng trong truyền thông và những người trong vòng tròn xã hội của họ. Giờ đây, chúng ta lại tiếp tục so sánh mình với phiên bản lý tưởng hóa của hàng triệu người lạ trên mạng, những người có thể đang duy trì một xu hướng thẩm mỹ truyền cảm hứng nào đó, với mục đích chính là kích cầu cho thị trường.
Chúng ta thường mắc lỗi khi tin rằng nếu nhiều tiền hơn, có nhiều thứ hơn, những thứ tốt hơn, và bản thân tốt hơn sẽ làm chúng ta hạnh phúc. Chúng ta ám ảnh với việc mua serum để da chúng ta trông thật đẹp, chúng ta ám ảnh với việc mua thiết bị mới để cơ thể chúng ta trông thật tốt. Nhưng có vẻ như trong quá trình đó chính chúng ta đã quên mất mục tiêu chính của mình là gì.
Theo một cách nào đó, việc tìm kiếm sự tối ưu hóa bản thân có thể là một cách khẳng định quyền kiểm soát cuộc sống xung quanh ta; khi mà chiến tranh, biến đổi khí hậu và phân cực chính trị đang hoành hành. Nhưng rồi, tất cả sự khao khát đó sẽ dẫn đến sự tiêu thụ quá mức.
Guồng xe hưởng lạc có những tác động vượt ra ngoài khuôn khổ của hạnh phúc cá nhân. Việc cố gắng lấp đầy một khoảng trống tưởng tượng (thường do nhà quảng cáo khéo léo tạo ra), bằng nhiều sản phẩm hơn sẽ càng làm ‘căng thẳng’ thêm hành tinh vốn đã mong manh của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải phấn đấu để có một cuộc sống tốt hơn, viên mãn hơn, mà không phải tiêu thụ quá mức.
Thoát khỏi guồng xe hưởng lạc
Cảm thấy viên mãn và có mục tiêu không phải là hai điều đối lập nhau. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc đặt mục tiêu có thể tăng cường hiệu suất và động lực. Tuy nhiên, không phải tất cả các mục tiêu đều như nhau. Thay vì ta đặt mục tiêu dựa trên việc tích lũy vật chất, chúng ta nên hướng tới sự phát triển và tiến bộ cá nhân. Điều này đòi hỏi ta phải thật sự nhìn sâu vào nội tâm để xác định những gì chúng ta thực sự coi trọng.
Nếu chúng ta không dừng lại để xem xét những gì mình muốn trong cuộc sống, kết cục là ta sẽ đi theo những chuẩn mực xã hội. Và rồi khi nhìn lại, ta nhận ra mình bị cuốn vào việc hoàn thiện lý tưởng về thành công của người khác. Bạn hãy xác định liệu một mục tiêu có góp phần vào hạnh phúc của mình hay không, liệu nó có thực sự đạt được hay quá tầm với, và liệu đó có phải là điều chúng ta thực sự muốn hay chỉ là điều chúng ta thấy người khác đạt được. Đây có thể là những câu hỏi khó trả lời, nhưng đáng để suy ngẫm.
Một sự thay đổi tư duy khác là ta hãy tránh cảm giác tự dằn vặt mình vì bản thân cảm thấy thiếu hụt. Nếu chúng ta tự nhận điểm khởi đầu của mình ở dưới mức cơ bản, chúng ta sẽ không bao giờ vực dậy được. Thay vào đó, ta nên thể hiện lòng biết ơn về những gì chúng ta đã có. Lòng biết ơn sẽ ngăn chúng ta không phải mua một chiếc xe mới, cố gắng dành một công việc mơ ước hoặc mối quan hệ mới.
Bạn hãy dành vài phút trong bữa tối hoặc trước khi đi ngủ để chia sẻ hoặc viết nhật ký về những điều chúng ta biết ơn và nhắc nhở bản thân về sự cảm kích về tất cả những cách mà chúng ta có, thay vì cảm thấy mình chưa đủ.
Xem thêm: