#LocalZine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt
Việt Nam có Internet không? – Một câu hỏi tưởng như khá ngớ ngẩn lại nhận được nhiều lượt quan tâm trên diễn đàn Quora.
Trải nghiệm kết nối Internet ở Việt Nam thật tuyệt vời. Nó rẻ đến mức đã làm tôi lãng quên rằng tôi đã phải thanh toán bao nhiêu tiền. Mọi quán cà phê đều cung cấp dịch vụ Wi-Fi miễn phí, điều này thật tuyệt vời. Wi-Fi xuất hiện cả trên những quán cà phê sang chảnh hay những quán cóc vỉa hè với bàn ghế nhựa. Kết nối rất tiện lợi và bạn sẽ luôn tìm thấy người Việt chơi game tại mọi quán cà phê.
Một giáo viên nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam chia sẻ.
Việt Nam là một trong những nước có hệ thống Wi-Fi miễn phí dễ truy cập nhất thế giới. Trào lưu văn hóa “trà đá Wi-Fi” cũng làm du khách nước ngoài kinh ngạc và thích thú mỗi lần đặt chân đến đây.
Sự phổ biến khó tin của Wi-Fi “chùa” tại Việt Nam
Những quán cà phê Wi-Fi ra đời ở Việt Nam hơn 10 năm trước. Từ 2002 đến 2006, cà phê Wi-Fi trở nên thịnh hành khắp mọi nẻo đường, ngóc ngách ở dải đất hình chữ S.
Thời điểm đó, các chiến dịch cài đặt Wi-Fi miễn phí của FPT Telecom, Nokia… tại các quán cà phê khiến dịch vụ kết nối này phổ biến hơn. Cùng với quá trình bùng nổ của điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử cá nhân, người dùng ngày càng có nhu cầu truy cập vào các tụ điểm Internet công cộng.
Kết nối Wi-Fi miễn phí trở nên phổ biến, người dùng coi đó là thứ bắt buộc phải có ở các đơn vị kinh doanh, thậm chí quán trà đá, trên xe khách cũng đều lắp đặt Wi-Fi phục vụ khách hàng.
Tuy phổ biến như thế nhưng Việt Nam không phải quốc gia có chất lượng Internet cao. Theo báo cáo từ Hiệp hội Viễn thông Quốc tế (ITU), chỉ số chất lượng Internet Việt Nam đạt điểm 4,28 trên thang điểm 10 và xếp thứ 102 trên toàn cầu (2015). Song, đây lại là một trong những nơi người dùng có thể kết nối Internet dễ dàng nhất thế giới.
Không ít người cho rằng Việt Nam là một quốc gia lạc hậu và không tự do trên Internet. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn đối lập. Tại Việt Nam, có hàng chục triệu người Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube…
Trong một thống kê phân tích dữ liệu cho thấy trong năm 2020, người Việt dùng Internet và mạng xã hội nhiều hơn các nước châu Á khác. Theo đó, thời gian trung bình một người Việt dùng mạng xã hội hàng ngày là 6 giờ 47 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, theo báo cáo Digital 2020 của We are social, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân) và số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân).
Thậm chí, thời gian gần đây, người dùng trong nước còn truyền tay nhau ứng dụng Wi-Fi Chùa khiến gần như tại bất cứ địa điểm nào, họ cũng có thể truy cập các mạng có mật khẩu. Duy chỉ có một vài trang web nhạy cảm thì đã và đang bị chặn nhưng quả thực là nhiều người Việt luôn cố tình tìm cách truy cập vào chúng.
Miễn phí ở Việt Nam nhưng Wi-Fi lại là món hàng đắt đỏ tại nhiều nơi trên thế giới
Nhiều người Việt khi đi du lịch nước ngoài – thậm chí là các nước phát triển, tỏ ra ngạc nhiên khi không tìm đâu ra mạng Wi-Fi miễn phí để sử dụng như trong nước. Tuy cơ sở hạ tầng Internet tại những quốc gia này rất tốt, người dùng chỉ có thể truy cập Wi-Fi tại một số địa điểm công cộng lớn như nhà ga, sân bay, các địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng bắt buộc phải khai báo thông tin hoặc truy cập theo giờ.
Lấy Nhật Bản làm một ví dụ. Theo Japan Times, sở dĩ những đất nước như Nhật Bản không cung cấp nhiều điểm phát Wi-Fi miễn phí là vì chất lượng mạng 3G hoặc 4G tại đây đủ đáp ứng nhu cầu người dùng.
“Tại một số nước, người dùng mang theo laptop để sử dụng mạng Wi-Fi ở tất cả mọi nơi. Tại Nhật, những người như vậy sẽ mang theo các gói dữ liệu 3G hoặc Wi-Fi Router để kết nối với laptop, smartphone hay tablet. Họ không cần đến Wi-Fi miễn phí nhiều”, trang này cho hay.
Khi nhu cầu sử dụng Wi-Fi miễn phí của người dùng không cao, việc thiết lập và cung cấp mạng Wi-Fi miễn phí là một điều lãng phí trong suy nghĩ của họ.
Trên thực tế, ngoài các địa điểm công cộng nổi tiếng cung cấp Wi-Fi miễn phí, những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Trung Quốc đều cung cấp các gói dịch vụ Wi-Fi có trả tiền. Theo đó, người dùng khi đăng ký các gói Wi-Fi này theo tháng, tuần hoặc dung lượng sẽ nhận được mã đăng nhập tại hầu hết các địa điểm phổ biến do đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí sẵn Wi-Fi hotspot.
Chẳng hạn, người dùng Nhật phải trả 500 – 800 JPY (tương đương 90.000 – 145.000 VND) cho 24 tiếng truy cập Wi-Fi Internet theo dạng này. Đây là cách đảm bảo người dùng có thể truy cập Internet tại mọi địa điểm nhưng sẽ sử dụng một cách có trách nhiệm nhất.
Hỏi du khách nước ngoài, “Điều bất ngờ nhất khi bạn đến Việt Nam là gì?”
Phở, bún bò huế, cà phê trứng và những kết nối Internet nhanh chóng. Tôi khá dám chắc rằng kết nối Internet tại Việt Nam thuận tiện, nhanh chóng hơn ở Thái Lan, Philippines hay Indonesia. Tôi từng ở một khách sạn 4 sao ở Bali và đã phải 4 lần gọi hỏi về kết nối Internet chập chờn, nhân viên khách sạn khá lúng túng. Còn ở Việt Nam thì điều này chưa từng xảy ra, hoặc tôi ở chưa đủ lâu để chứng kiện chuyện này xảy ra.
Tài khoản Gonzalo (hiện là blogger du lịch) cho biết.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển sở hữu một hệ thống kết nối viễn thông còn hơn nhiều các quốc gia phát triển. Điều đó thể hiện ở việc bạn đứng ở bất cứ một nơi nào trên đường phố Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, mở kết nối điện thoại ra và sẽ thấy không dưới 10 kết nối Wi-Fi đang sẵn sàng.
Tài khoản Robert Turner chia sẻ.
Bạn có thể xem Youtube với chất lượng 1080p ở hầu hết các quán cà phê tại Việt Nam. Các chủ quán ở Việt Nam khá hào phóng với du khách và luôn cố gắng trang bị Wi-Fi đủ tốt để phục vụ khách hàng. Ngoài ra, đại đa số các quán cà phê không giới hạn thời gian và lưu lượng truy cập của khách hàng. Nhiều người Việt mang máy tính ra quán cà phê làm việc nhiều giờ đồng hồ và dĩ nhiên không nhân viên nào khó chịu vì điều đó cả.
Tài khoản Joseph Pfeifer viết.
Làm sao các quán vỉa hè tại Việt Nam có thể có lãi khi họ cung cấp Wi-Fi cho khách hàng khi chỉ yêu cầu khách trả 20 cent cho một cốc nước uống nhỉ? Tại Hàn Quốc, tôi phải trả hơn 4 đô cho một cốc nước uống nhưng chỉ được kết nối giới hạn trong 45 phút thôi.
Một tài khoản có tên tiếng Hàn Quốc viết.
Người Việt Nam chơi game trên điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Tôi thấy lạ khi nhân viên không nói mà chấp nhận để khách ngồi chơi ở đó hàng giờ liền mà chỉ gọi một cốc nước có mức giá rất rẻ.
Tài khoản Christine chia sẻ.
Kết: Tuyệt vời là thế, nhưng liệu Wi-Fi công cộng có an toàn?
Theo khuyến cáo của hãng bảo mật Kaspersky, Wi-Fi công cộng không có mật khẩu, thông tin không được mã hoá nên dễ dàng bị những người có kiến thức về máy tính hoặc hacker nhìn thấy, thu thập và sử dụng cho những mục đích bất chính. Do đó, người dùng khi sử dụng Wi-Fi công cộng nên hạn chế đăng nhập vào tài khoản ngân hàng hoặc những dịch vụ cá nhân như email, Facebook, Skype… để tự bảo vệ chính mình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho biết, Wi-Fi miễn phí từ lâu phổ biến ở Việt Nam nên để thay đổi mô hình này hoặc bắt người dùng trả tiền thật sự là một bài toán khó. Tại một số trung tâm thương mại, nhà cung cấp Wi-Fi công cộng đang tiến hành thử nghiệm việc cho người dùng miễn phí mạng, nhưng phải đăng ký, hoặc xem quảng cáo. Dù vậy, hình thức này vẫn không được nhiều khách hàng ủng hộ, chưa kể chất lượng kết nối khá chập chờn.
Xem thêm:
Chuyện Ma Gần Nhà – Cô Mía ngày bán nước đêm đi dọa người?
Thâm cung bí sử về trang phục đón tết Nguyên đán các nước
Là người Việt, bạn có biết ý nghĩa trong tên của mỗi tỉnh, thành phố?
Thảo luận về bài viết