Cô đơn là cảm xúc chung mà ai trong chúng ta cũng từng trải qua, tuy nhiên ở mỗi cá nhân, cảm xúc này lại có sự phức tạp và những ảnh hưởng khác biệt. Chúng ta sẽ không bao giờ có chung một lý do cho sự cô đơn, vì thế càng không thể có cùng một phương pháp ngăn ngừa hoặc xoa dịu cho mọi trường hợp. Một đứa trẻ cô đơn khi gặp khó khăn trong việc kết bạn sẽ khác với nỗi buồn của người lớn khi trưởng thành. Để hiểu được sự cô đơn (loneliness), điều quan trọng là phải hiểu về thuật ngữ này cũng như các nguyên nhân, hậu quả, triệu chứng và những phương pháp điều trị đối với loại cảm xúc đặc biệt này.
Định nghĩa sự cô đơn?
Các định nghĩa phổ biến thường cho rằng cô đơn là sự miêu tả trạng thái cô độc (solitude) hoặc cảm xúc khi ở một mình. Nhưng thực tế, cô đơn là cái tên cho một trạng thái tâm lý, có thể dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu duy trì trong một thời gian dài.
Khác với sự cô độc (solitude) là khi một cá nhân có chủ đích ở một mình để nghỉ ngơi hoặc tìm kiếm sự riêng tư, thì sự cô đơn (loneliness) lại là cảm xúc khiến người ta cảm thấy trống rỗng, bị bỏ rơi và không được để ý. Những người cô đơn luôn khao khát được kết nối với mọi người, nhưng những rào cản tâm lý thường khiến họ gặp khó khăn trong việc tạo ra những mối quan hệ có ý nghĩa.
Sự cô đơn đến từ đâu?
Những yếu tố “làm nên” sự cô đơn có thể bao gồm các thay đổi về hoàn cảnh sống, những chuyến đi xa, hoặc hậu quả của việc ly dị, chia tay. Cảm giác này cũng xuất hiện khi một người thân yêu qua đời. Nó dẫn đến sự xa cách về mặt thể chất, cảm giác mất mát, trống vắng. Ở khía cạnh khác, sự cô đơn cũng có thể là một trong những dấu hiệu bệnh lý của trầm cảm.
Những rào cản từ bên trong chúng ta cũng có thể góp một phần không nhỏ vào cảm giác cô đơn. Khi không thể tự tin vào bản thân, ta sẽ nghĩ rằng bản thân mình không đủ sức hút hoặc thú vị để được chú ý và quan tâm. Lâu dần, suy nghĩ này sẽ khiến họ tách dần khỏi những người xung quanh, để bản thân rơi vào trạng thái xa cách với mọi người.
Những tác hại sức khỏe đi cùng nỗi cô đơn
Sự cô đơn được ghi nhận là có tác hại tiêu cực đến cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, như:
– Dẫn tới việc lạm dụng rượu và thuốc
– Suy giảm các chức năng não
– Dẫn tới căn bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer
– Những biểu hiện tẩy chay xã hội
– Tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch và đột quỵ
– Dẫn tới suy giảm trí nhớ và cảm thấy khó học hành
– Trầm cảm và những suy nghĩ tiêu cực
Những căn bệnh hoặc triệu chứng trên không phải tác hại sức khỏe duy nhất mà sự cô đơn có thể gây ra. Cảm xúc này còn khiến chúng ta giảm đi động lực tập thể dục, tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường,.v.v… Cô đơn cũng tiết ra những hoocmon phá vỡ sự điều hòa của các tế bào, khiến chúng ta lão hóa sớm và trông già hơn tuổi.
Các nghiên cứu cho biết gì về nỗi cô đơn?
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ cô đơn của một người có thể gắn với nhiều vấn đề của cuộc sống như: hôn nhân, tình trạng thu nhập và học vấn. Những người thường xuyên cảm thấy cô đơn có thể là những cá nhân ở một mình, có vòng tròn bạn bè nhỏ và các mối quan hệ xã giao của họ có chất lượng thấp.
Một vài kết quả của các nghiên cứu liên quan đến chủ đề này như sau:
1. Bạn bè thân thiết giúp chúng ta vượt qua nỗi cô đơn
Một bài nghiên cứu cho thấy tình trạng cô đơn đang trở nên phổ biến hơn ở Mỹ. Kể từ năm 1985 đến nay, số cá nhân không có bạn bè thân thiết ở nước này đã tăng gấp 3 lần. Nguyên nhân gây ra con số này được cho là bởi sự phát triển của Internet và hơn cả, là mạng xã hội.
Các chuyên gia cho rằng chất lượng của các mối quan hệ mới là yếu tố quyết định chống lại sự cô đơn, chứ không phải về số lượng. Chỉ cần có ba hoặc bốn người bạn thân để ta có thể thoải mái gặp gỡ, trao đổi là đã có thể làm giảm được sự cô đơn cũng như những tác hại tâm lý đi kèm.
2. Sự cô đơn mang tính lây nhiễm
Một bài nghiên cứu khác cũng đã cho thấy sự cô đơn có thể mang tính lây nhiễm. Trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm, các nhà nghiên cứu đã xét đến việc trạng thái tâm lý này “lan truyền” như thế nào trong các mối liên hệ xã hội. Kết quả là những người thân thiết với cá nhân đã hoặc đang trải qua sự cô đơn cũng có 52% khả năng đương đầu với trạng thái tâm lý này.
Vậy làm thế nào để ngừng cảm thấy cô đơn?
Tin tốt là chúng ta có thể vượt qua sự cô đơn bằng những cố gắng của bản thân. Trong thời gian dài, việc tạo ra những thay đổi nhỏ trong việc giải tỏa nỗi cô đơn sẽ khiến chúng ta thấy vui vẻ, khỏe mạnh và được đón nhận hơn. Sau đây là một vài cách để bạn có thể vượt qua cảm xúc này, và chia sẻ với những người đang gặp hoàn cảnh tương tự:
- Tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc hội nhóm có cùng sở thích. Hoạt động này sẽ giúp bạn làm quen thêm nhiều bạn bè mới, giúp bạn mở rộng thế giới quan và tìm được những mà bạn có thể tin tưởng tâm sự.
- Luôn mong chờ điều tốt đẹp nhất. Những người cảm thấy cô đơn thường rơi vào suy nghĩ rằng họ sẽ bị từ chối, không đáng được quan tâm và từ đó lánh xa mọi người. Thay vì chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực, hãy nghĩ rằng bản thân bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất.
- Tập trung phát triển các mối quan hệ chất lượng. Nhiều bạn bè không đồng nghĩa với việc ta sẽ thấy thoải mái khi ở bên cạnh họ. Những mối quan hệ chất lượng sẽ đến từ những người bạn có thái độ tích cực, chia sẻ quan điểm, hệ giá trị giống chúng ta. Ở bên cạnh họ, chúng ta sẽ được là chính mình, thoải mái thể hiện bản thân cũng như luôn cảm thấy có động lực sống.
- Nhận ra rằng cô đơn là một trạng thái cần thay đổi và hiểu tác động của nó. Con người là loài động vật xã hội luôn có mong muốn gắn kết với nhau. Trừ những trường hợp đặc biệt, còn lại không ai có thể sống hạnh phúc mà thiếu đi những tương tác giữa mình và cộng đồng. Đồng thời, chúng ta phải nhận ra những tác động tiêu cực mà sự cô đơn có thể gây ra trong cuộc sống của chính mình và những người xung quanh.
Theo Very Well Mind
Có thể bạn quan tâm:
Rối loạn lo âu xã hội ngăn cản chúng ta mở lòng như thế nào?
Vì ai cũng cần một chút cảm hứng để luôn lạc quan trong đời
8 việc nhỏ để nuôi lớn tình yêu bản thân mỗi ngày
“Chân cứng đá mềm” đi dự tiệc và trăm suy nghĩ bộn bề của người hướng nội
Phong ba bão táp không bằng kết bạn ở tuổi trưởng thành
Thảo luận về bài viết