#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tường cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Susan Cain – tác giả của quyển sách Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking (tạm dịch: Im lặng: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới không bao giờ có thể lặng im) đã chia sẻ về sự khác biệt của bản thân với những bạn đồng trang lứa là người hướng ngoại trong một lần cô tham gia cắm trại với trường.
Trong khi những đứa trẻ có tính cách hướng ngoại nhanh chóng hòa nhập và tham gia với những hoạt động nhóm, Cain lại mong muốn được yên tĩnh đọc những quyển sách chất đầy vali của mình.
“Sao bạn lại im lặng thế?” là câu hỏi đầu tiên Cain nhận được từ một người bạn cắm trại cùng. Không lâu sau đó, giám thị của trường cũng đã đến gặp cô với bộ mặt lo lắng và khuyên nhủ Cain nên cố gắng để hòa đồng với các bạn, bởi đấy mới là tinh thần của hoạt động cắm trại này.
Câu chuyện của Susan Cain chỉ là một trải nghiệm rất nhỏ trong rất nhiều những tình huống mà một người hướng nội luôn gặp phải. Việc họ tỏ ra im lặng và thu mình trước đám đông với họ là điều vô cùng bình thường, nhưng phần lớn những người xung quanh lại là đó là điều không đúng, rằng họ nên cởi mở và hòa đồng với mọi người hơn.
Nếu như bạn đã từng nhận được những thắc mắc như “Bạn có vẻ trầm tính, ít nói nhỉ” tại những sự kiện, bữa tiệc công ty, thì cũng đừng tự trách bản thân vì sao mình không thể nói nhiều hơn như những người khác hay tự vấn tại sao mình lại kém cỏi như vậy – vì chắc chắn bạn không cô đơn đâu.
Một sự thật là chúng ta đang sống trong một xã hội thiên vị những con người hoạt bát, và họ lầm tưởng rằng người hướng nội dường như đang gặp phải “vấn đề” về giao tiếp.
Định nghĩa về một người hướng nội là gì?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về người hướng nội (và người hướng ngoại). Như theo Susan Cain, tính cách của một người là cách họ phản ứng với những kích thích – bao gồm kích thích xã hội, và những người hướng nội được hiểu là những đối tượng ưa thích các môi trường có ít kích thích hơn, bởi đó là nơi họ cảm thấy an toàn và thoải mái nhất.
Một cách dễ hiểu, người hướng nội là kiểu người thích dành thời gian ở một mình, thiên về suy nghĩ nhiều hơn nói, hiếm khi tham gia các hoạt động xã hội – hoàn toàn ngược lại với các đối tượng hướng ngoại, vốn là những người thích đám đông, ưa giao tiếp, không thể chịu được cảm giác một mình.
Nếu như đặt những người hướng nội vào các sự kiện networking, các bữa tiệc lớn chỉ toàn người lạ mặt, họ sẽ cảm thấy “cạn” năng lượng, trở nên thu mình và ít nói, rất cần khoảng thời gian ở một mình để nạp lại nguồn năng lượng đó.
“Hướng nội” không có nghĩa là “nhút nhát”
Lý do hướng nội bị đánh đồng với sự nhút nhát là bởi người nhút nhát cũng có những biểu hiện tương tự – như ít nói ra suy nghĩ của mình hoặc né tránh các sự kiện đông người. Nhưng hai kiểu tính cách này xuất phát từ những động cơ khác nhau.
Sự nhút nhát là nỗi sợ hãi trước những phán xét của xã hội. Chẳng hạn như tại một cuộc phỏng vấn xin việc, bạn có thể cảm thấy bất an và lo lắng thái quá về những gì mọi người nghĩ về bạn. Trong khi một người hướng nội khi ở chốn đông người lại không cảm thấy lo sợ vì bị dòm ngó, họ chỉ đơn giản là có sở thích ở trong một khung cảnh yên tĩnh hơn.
Và một ví dụ về điều này là Bill Gates – người thường được mô tả là sống nội tâm và có vẻ ngoài khá kín đáo; nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy rằng ông ấy ra vẻ sợ hãi, bối rối về những gì mọi người nghĩ về mình.
Xã hội ta đang sống chỉ yêu người hướng ngoại?
Khi một người hướng nội phải tham gia vào các cuộc gặp xã giao – mà đối với họ là một “thử thách tinh thần”, họ đã nỗ lực rất nhiều để tự “kéo” được bản thân đến tham dự và trải qua 2-3 giờ đồng hồ “kinh hoàng” đó.
Và trớ trêu thay, những nỗ lực như thế lại gặp phải các “chướng ngại vật” – không gì khác chính là những câu nói tưởng chừng vô hại như “Bạn này ít nói nhỉ?” khiến người hướng nội chẳng biết làm gì mà chỉ ngại ngùng cười trừ cho qua.
Những câu nói ấy làm người hướng nội càng tự định kiến, nghĩ rằng mình có vấn đề. Họ lo lắng và áp lực rằng mình phải năng nổ giao tiếp hơn thì mới “bình thường.” Áp lực khiến họ càng thu mình, càng không muốn đến những nơi đông người vì không muốn bị đánh giá, không muốn phải “giả vờ” là một người khác để có thể hòa nhập.
Chúng ta đang sống trong một hệ giá trị mà tôi gọi là “khuôn mẫu hướng ngoại lý tưởng” (the extrovert ideal) – một niềm tin có vẻ có mặt ở khắp mọi nơi rằng một con người lý tưởng với xã hội phải là một kẻ hoạt bát, xông xáo, năng nổ, hăng hái giao du rộng rãi, và có thể hoàn toàn thoải mái khi là trung tâm của mọi sự chú ý.
Sự hướng nội – cùng với những tính cách đi kèm như tính nhạy cảm, sự nghiêm túc, và sự rụt rè – giờ đây đã trở thành những đặc điểm tính cách hạng hai, đâu đó nằm giữa một nỗi thất vọng và một chứng bệnh về tâm lý.
Hướng ngoại vốn là một tính cách cực kỳ hấp dẫn, nhưng xã hội đã vô tình biến nó thành một tiêu chuẩn đàn áp, và khiến cho phần lớn trong chúng ta cảm thấy mình buộc phải tuân theo.
Sự thiên vị này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của xã hội
Từ trước đến nay, ở bất kì nền văn hóa nào, nền giáo dục cũng luôn ủng hộ những học sinh hướng ngoại hơn là các bạn rụt rè, ít nói.
Những đứa trẻ ngay từ bé đã được đặt vào môi trường lớp học – nơi mà các kích thích xã hội được cho là ở mức tương đối cao. Vì vậy, trường và lớp học cuối cùng đã trở thành nơi mà những đứa trẻ hướng nội học được rằng, chúng phải sống như những người hướng ngoại.
Không chỉ thế, trong quá trình lớn lên, những người hướng nội luôn bị cho là có vấn đề tâm lý khi họ lựa chọn ở một mình hay có tính cách trầm tĩnh và ít giao tiếp. Cha mẹ thường cố “sửa chữa” những đứa con hướng nội của mình bằng cách khiến trẻ ra ngoài nhiều hơn, cho trẻ tham gia các lớp học kích thích hơn, ép trẻ “ra khỏi cái vỏ của mình” để được như những đứa trẻ hướng ngoại.
Một ví dụ điển hình khác là các vòng tuyển dụng của các tập đoàn lớn dường như được thiết kế để tìm ra những người hướng ngoại nhất.
Từ vòng hồ sơ, bạn đã cần chứng minh mình tham gia nhiều hoạt động xã hội, mình là người hướng ngoại, năng nổ và có thể năng làm tốt việc nhóm (teamwork). Những người có tính cách hoạt bát và năng nổ sẽ dễ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn những người hướng nội.
Những cuộc phỏng vấn dường như biến thành sàn đấu của những người hướng ngoại khi bạn nói càng nhiều, càng to, thuyết trình càng hay thì bạn càng dễ “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng.
Vì thế giới “yêu” hướng ngoại, để cạnh tranh và thành công được trong công việc và cuộc sống, có vẻ người hướng nội chỉ có một cách duy nhất là cố gắng trở thành hoặc “đóng vai” người hướng ngoại. Nhưng có thực sự người hướng nội là những người thiếu sáng tạo và không có tài năng?
Nếu bạn không biết thì Einstein, Bill Gates, Warren Buffett, Steven A. Spielberg, Murakami Haruki… đều là người hướng nội, và có đến 70% số người thành công trên thế giới thuộc nhóm người này.
Kết
Ai cũng có quyền là chính mình, không ai có thể ép một người hướng nội trở thành hướng ngoại hoặc ngược lại.
Bản thân những người hướng nội cần hiểu về mình, rằng không có gì sai khi là một người hướng nội cả. Những người hướng nội có thế mạnh riêng của mình và chỉ khi bạn chấp nhận con người mình, bạn mới có thể phát huy được tối đa những khả năng đó.
Tất cả là sự lựa chọn của cá nhân, việc chúng ta cần làm không phải là bám vào các khuôn mẫu và tạo áp lực lẫn nhau để ai ai cũng khít vừa khuôn mà là học cách chấp nhận và tôn trọng tính cách riêng cũng như lựa chọn của những người khác.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- #Nghĩ: Hiệu ứng Zeigarnik: Vì sao “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”?
- #Nghĩ: Đã đến lúc những mục tiêu năm mới cần được suy xét lại
- #Nghĩ: Cố gắng quá sức để thành công vượt mức – Lợi ở đâu, hại chỗ nào?