Từ lâu, sự kiểm duyệt gay gắt của các nhà chức trách trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng đã trở thành một cơn ác mộng với những người nghệ sĩ, những cá nhân muốn thể hiện quan điểm và sự sáng tạo của mình với công chúng. Trước sự ràng buộc và kiểm soát đó, những cuốn zine đã ra đời, như một làn gió mới giải thoát tâm hồn người nghệ sĩ.
Thế hệ Millennials sử dụng zine như một công cụ nghệ thuật nói lên những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Rất nhiều điều tưởng như đã sớm bị chôn vùi bởi sự ngông cuồng vượt qua mọi quy tắc, nay lại được truyền đạt mạnh mẽ trong từng cuốn zine.
Zine là khởi nguồn cho những cơ hội, đánh thức cái tôi trong mỗi người, và quan trọng hơn cả, zine là nơi để mọi người có thể tự do thể hiện bản thân mà không phải đối mặt với bất cứ rào cản nào.
Zine là gì?
Theo Vănguard – quyển zine đầu tiên dành riêng cho cộng đồng LGBTQ Việt Nam, zine là những tác phẩm nghệ thuật tự làm, tự in và tự phân phối trong một cộng đồng nhỏ nhất định.
Với nội dung xoay quanh bất cứ đề tài nào, zine là sự bùng của những ý tưởng sáng tạo, tự do, có tính kết nối cao và không các yếu tố phân biệt đối xử. Đây là nơi những người nghệ sĩ có thể thoải mái kể những câu chuyện hay truyền đạt ý tưởng đến nhiều người.
Zine xuất phát từ giới punk rock của Mỹ năm 1960 và ra đời với mục đích “đối chọi” với truyền thông đại chúng. Theo đó, những người chơi punk sẽ tạo ra một tập zine riêng về cộng đồng của họ. Nội dung của các cuốn zine có thể liên quan đến âm nhạc, thời trang, hoặc các quan điểm chính trị, v.v. Trong đó, phần lớn thông tin sẽ trái ngược với những chia sẻ trên báo chí truyền thống.
Làm zine, bạn có thể là bất cứ ai, từ những người mới bắt đầu bén duyên với nghệ thuật, hay những nghệ sĩ gạo cội lâu năm trong nghề, hoặc thậm chí là một người không biết gì về viết, vẽ,…
Lịch sử hình thành zine
1930s
Đây là giai đoạn những quyển zine đầu tiên được nhen nhóm nhưng vẫn chưa thật sự có tiếng nói. Người làm zine ở thời kỳ này đa số vẫn là các cá nhân / tập thể “tự làm tự xem”, hoặc chỉ đơn thuần là truyền tay nhau giữa những người có cùng sở thích và ý tưởng.
Zine lúc này không đi một mình mà thường gắn liền với các cuộc biểu tình hay những phong trào giành quyền bình đẳng của nhóm người thiểu số.
1960s – 1970s
Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 là cột mốc quan trọng nhất của zine. Khi thể loại punk rock trỗi dậy tại thành phố New York (Mỹ), người yêu punk cũng đã bắt đầu biết đến sự hiện diện và giá trị của zine. Theo đó, các ban nhạc chơi punk thời điểm này còn chưa được chú ý nhiều, nên zine ra đời như một phương tiện để quảng cáo cho họ.
Từ “punk” trong “punk rock” cũng xuất phát từ cái tên của cuốn zine Punk của Legs McNeil. Ra đời vào năm 1975, Punk được biết đến như quyển zine đầu tiên trên thế giới. Đến tháng 7/1976, cuốn zine thứ hai do Mark Perry phát hành tại Anh với tên gọi Sniffin’ Glue (được lấy cảm hứng từng tên bài hát Now I Wanna Sniff Some Glue của Ramones) để ăn mừng kỷ niệm của nhạc punk.
Sau thành công của những tập zine đầu tiên, hàng loạt những cuốn zine ra đời, đa dạng từ thế loại đến phần nội dung và thiết kế.
Các văn bản, nét vẽ, và hình ảnh được sử dụng trong zine thường hỗn loạn một cách có chủ đích: phản ánh sự rời rạc, vô lý của những quy chuẩn truyền thông thời đó. Không giống như những tài liệu được dạy trên trường lớp, người ta đọc zine không theo một trình tự nào cả. Zine buộc người đọc phải đi theo ý đồ của người làm ra nó.
Trào lưu DIY và sự ra đời của máy photocopy cũng đã góp phần cho sự phát triển của zine. Về bản chất, máy photocopy không chỉ đơn thuần là một phương tiện để sao chép, người làm zine đã biến chúng trở thành “nhà xuất bản” bí mật, nhằm lưu truyền những tư tưởng mà trước đây khó có thể “lọt vào mắt xanh” của các nhà kiểm duyệt và biên tập viên chính thống.
1990s
Ngay cả trong cộng đồng, những người làm zine cũng thường xuyên đối mặt với vấn đề bất đồng quan điểm. Tuy những mâu thuẫn đã phần nào giúp cho loại hình này ngày một phát triển hơn. Thế nhưng những vấn đề tồn đọng về việc phân biệt giới tính đã làm cho những tranh cãi này càng thêm gay gắt.
Phong trào punk nữ quyền Riot grrrls ra đời tại Mỹ với mục đích trao quyền và đại diện cho phụ nữ trong xã hội do nam giới thống trị vào những năm 90. Họ khuyến khích các cô gái thành lập các ban nhạc, tạo ra zine để lan truyền sức ảnh hưởng của mình ra thế giới. Riot grrrls khởi đầu trào lưu làm zine dành quyền cho phụ nữ da trắng.
Trong phong trào Riot grrrls, người Mỹ gốc Á và những người phụ nữ da màu cũng đã đóng góp rất nhiều công sức cho sự thành công của zine nữ quyền. Tuy nhiên, những cố gắng của họ vẫn chưa được ghi nhận khi sự phân biệt chủng tộc vẫn còn đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội.
Khi những cuộc bạo loạn tranh giành sự bình đẳng giữa các màu da nổi lên, zine về phân biệt chủng tộc cũng ngày một phát triển. Tiêu biểu là Evolution of Riot của cô Mimi Nguyễn – một tiến sĩ người Mỹ gốc Việt. Cô đã làm ra một tập zine chống lại quan điểm nữ quyền là đặc quyền riêng của phụ nữ Mỹ trắng.
2000
Xã hội ngày càng phát triển, song hành với đó là những phát minh tiên tiến và công nghệ mở rộng hơn. Sự ra đời của Internet những tưởng sẽ tiêu diệt zine, nhưng chính mạng lưới toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình tạp chí độc lập này.
Những người cùng tư tưởng với nhau đã dễ dàng liên kết thành một cộng đồng lớn và bền chặt hơn. Tốc độ lan truyền zine nhờ đó ngày một lớn mạnh. Đặc biệt còn phải kể đến sự phát triển của kỹ thuật in ấn hiện đại đã giúp cho việc làm zine ngày càng trở nên nhanh chóng và dễ dàng.
Zine bây giờ không chỉ là tiếng nói đối chọi với truyền thông đại chúng mà đó còn là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu, nơi mọi người có thể giao lưu và chia sẻ cùng nhau.
Bản chất của zine
Zine và Blog:
Nhiều người nghĩ zine giống blog. Thời zine ra đời thì blog vẫn chưa xuất hiện, nhưng sau này khi nhìn lại thì nhiều người đã nhận xét rằng zine và blog có khá nhiều nét tương đồng với nhau.
Tuy nhiên, zine vẫn có một sự tự do nhất định: những cuốn zine làm ra không cần nhận feedback – trong khi blog là nơi mọi người chia sẻ và góp ý ý tưởng cho nhau. Người tạo ra zine sẽ không lắng nghe feedback của bất cứ ai, những gì họ làm ra chỉ để họ thưởng thức và để người khác biết đến sản phẩm của họ, chứ không cần ai đánh giá hay đóng góp ý kiến.
Zine và Journal / Sketchbook:
Điều làm nên khác biệt của zine và journal chính là ở zine, những câu chuyện được kể có đầu, có đuôi, được dẫn dắt rõ ràng, rành mạch, đưa người đọc hiểu một thông điệp, một góc nhìn mới của người làm nên nó. Một điểm đặc trưng khác nữa là zine được làm ra để in, lưu giữ hoặc gửi đi khắp nơi.
Zine và Magazine:
Có nhiều ý kiến cho rằng, zine có nguồn gốc của magazine. Tuy nhiên, zine lại gần với tên gọi fanzine hơn là magazine. Như đã nói, nguồn gốc của zine bắt đầu từ giới punk. Những người chơi punk yêu thích bộ môn nghệ thuật này và sáng tạo zine dựa trên nó, vậy nên có thể hiểu zine là những tác phẩm của fan (người hâm mộ) tạo ra.
Zine không chỉ không bắt nguồn từ magazine hay các phương tiện truyền thông đại chúng, mà ý tưởng làm zine còn đi ngược lại với magazine. Khi nói về truyền thông đại chúng, những đề tài được nhắc đến đều liên quan đến các vấn đề nhức nhối trong cuộc sống và được xã hội quan tâm. Còn tiếng nói của zine là tiếng nói của những cá nhân / cộng đồng nhỏ hơn, chưa được nhiều người biết đến, hoặc có những ý kiến bất bình, “không phù hợp” để chia sẻ rộng rãi trên báo chí.
Tại sao zine quan trọng?
Là nơi mọi người có quyền tự do ngôn luận.
Người làm zine không có tiếng nói nên họ phải tự tạo tiếng nói cho mình thông qua những cuốn zine chứa đầy những thông điệp, tư duy vốn được cho là không phù hợp để trình chiếu trên băng thông rộng. Zine phá vỡ mọi chuẩn mực giới tính cổ hữu, tạo nên những không gian sáng tạo cho nữ quyền lên ngôi cũng như giúp cộng động LGBTQ được tỏa sáng, cũng như phá bỏ các vấn đề liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc.
Mọi người tìm đến zine như một chiếc phao cứu sinh. Ở đó, không giới hạn và rào cản nào có thể ngăn cản những người làm zine được bước ra ánh sáng.
Tính tiện dụng
Một quyển zine thường rất nhỏ gọn, có thể nhét vừa túi quần và mang đi khắp nơi, bởi thế nên tính lan truyền của zine rất cao và rất dễ tiếp cận. Chi phí làm zine cũng không quá cao và dễ dàng tái sản xuất. Thêm vào đó, máy photocopy đã giúp nhân bản zine để số lượng người cầm được quyển zine trên tay là không giới hạn.
Có giá trị lịch sử cao
Zine được công nhận có giá trị như những tài liệu lịch sử. Nhiều thư viện của các trường đại học trên thế giới đã và đang lưu trữ zine cho những nghiên cứu sau này bởi không chỉ phản ánh tình hình xã hội, kinh tế, và văn hóa, zine còn thể hiện những bản sắc rất riêng của một cộng đồng nhỏ. Theo đó, các nhà sử học rất coi trọng zine bởi đó là nguồn tin chuẩn xác và chân thực nhất về một cộng đồng, một nền văn hóa trong các giai đoạn lịch sử.
Không chỉ riêng các cá nhân, học viện muốn nghiên cứu về lịch sử thông qua zine, mà các tổ chức lớn trên thế giới cũng đều coi trọng zine và có hẳn những bộ sưu tập về thể loại này. Vào năm 2019, thư viện quốc hội Mỹ đã gửi thư cho Vănguard với mong muốn được lưu giữ các tập zine của họ như một dạng tư liệu để học” về cộng đồng LGBTQ Việt Nam.
Làm zine như thế nào?
Ngày trước, mọi người làm zine bằng tay rất công phu: họ cắt, tách rời các cụm từ từ sách báo rồi dán thành một bài viết, hoặc vẽ và trang trí theo những cách rất riêng. Sau này khi có phần mềm chỉnh sửa, người làm zine có thể thiết kế trên máy tính và in ra, đóng thành cuốn. Một tập zine có thể được hoàn thành trong vài tiếng hoặc vài tháng, số trang có thể dày như một cuốn từ điển hoặc chỉ có mỗi cái bìa.
Zine bắt đầu được chia sẻ rộng rãi hơn từ 1970 khi máy photocopy được sáng chế. Nói rộng rãi nhưng thật chất số lượng zine được photo chỉ trên dưới 100 cuốn là nhiều. Để ở một cửa hàng cafe, quán bar hoặc tiệm sách nhỏ để ai có nhu cầu thì sẽ lấy xem.
Nhiều người làm zine không phải vì lợi nhuận mà chỉ để chia sẻ ý tưởng của mình. Nếu có bán thì chỉ một phần rất nhỏ, vì bản chất làm zine không để kiếm tiền. Thay vào đó, đây là một phương tiện để người nghệ sĩ nói ý tưởng của mình mà không phải thông qua khâu kiểm duyệt của bất kỳ ai.
Bài viết được tư vấn bởi Vănguard và có tham khảo một số nguồn khác
Xem thêm:
Đi tìm sự bình đẳng trong làng thời trang: Đâu là những cột mốc quan trọng?
#HọNóiLà: Cậu bé Thỏ và TUỒNG – Tấm Gương Tâm Khảm: Chúng ta nên mở lòng và yêu thương nhiều hơn
“Designer” vẽ quảng cáo Sài Gòn trước năm 1975 thì sẽ như thế nào?
Thảo luận về bài viết