Trước những tình huống và những cảm xúc khó khăn, phản ứng đầu tiên của ta là ‘giải quyết’ chúng. Giải quyết ở đây không có nghĩa là tìm cách tháo gỡ vấn đề, nói đúng hơn, nó là một dạng cơ chế tự vệ của bản thân trước những khó chịu, đau đớn, bối rối, … mà khó khăn đem lại. Xử lý vấn đề để nó biến mất là một cách giải quyết, và trốn tránh cảm xúc cũng là một cách giải quyết.
Những cách giải quyết dễ dàng, ít ‘tác dụng phụ’ được ưa thích hơn cả – dùng ma túy, chất kích thích, thức ăn ngon để giảm bớt lo lắng; giả vờ rằng mình ổn để tránh né phải nhìn nhận cảm xúc của bản thân; chỉ ra khuyết điểm và lỗi lầm của người khác thay vì dành thời gian nhìn lại chính mình; …
Các biện pháp này có thể giúp giải tỏa cảm xúc, nhưng chúng chỉ có hiệu quả tạm thời. Chúng làm đình trệ cảm xúc chứ không nhằm xử lý tận gốc vấn đề. Đây đều là những cách–dễ–hơn, và sẽ có hiệu quả cho đến khi… mất tác dụng.
#1 – Uống quá nhiều
Rượu bia là một ‘giải pháp’ vừa giải tỏa tinh thần vừa nâng cao sức khỏe, nếu được sử dụng ở đúng và đủ. Dùng rượu bia quá mức là một hành vi không được khuyến khích, bất kể lúc đó sức khỏe tinh thần của chúng ta đang như thế nào.
Rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác không phải là bờ vai vững chãi để chúng ta tựa vào mỗi khi đau khổ, buồn bã, suy sụp tinh thần. Chúng có thể khiến bạn thấy nhẹ nhàng và thư giãn hơn nhưng tác động đó chỉ là tạm thời. Để có thể luôn trong trạng thái ‘yêu đời’, bạn sẽ cần nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Đau khổ chưa dứt, lại thêm chứng nghiện rượu. Bạn chắc đây là điều mình muốn chứ?
#2 – Thả cửa mọi thứ
“Tôi đang buồn, tôi có quyền!”
Đây là cái cớ ai đó thường đưa ra để bào chữa cho việc ăn đến hộp kem thứ 4 trong ngày hay ngồi cày 87 tập Như Ý Truyện bất kể đêm ngày. Nhưng cho phép mình buông thả như thế không phải là yêu bản thân. Ngược lại, nó còn là cách nhanh nhất để bạn càng trượt dài với tâm trạng tiêu cực.
Nếu thấy thèm ăn, đừng vội mở tủ lạnh. Nếu muốn bấm Tiếp theo trên Netflix, đừng vội vơ lấy remote. Hãy ngừng lại, và hít thở sâu. Sau đó, hãy thử nghĩ về nguyên nhân của thôi thúc này – là cô đơn, sợ hãi, hay buồn bã? Bạn đang muốn thoát khỏi điều gì khi chìm đắm trong thức ăn và những tập phim?
Tiếp theo, hãy tự nhủ rằng “Mình biết nó khó. Mình cũng biết nó không dễ chịu. Mình biết mình đang muốn thoát ra. Không sao cả. Cố lên chút nữa thôi.” Và cuối cùng, nếu bạn vẫn không thể chống lai cám dỗ, ít nhất hãy thực hiện hành vi đó một cách tỉnh thức và có kiểm soát – làm mọi thứ chậm rãi, nhận thức mình đang ăn gì / xem gì, chứ không chỉ vội vàng ăn lấy ăn để hoặc xem hết tập này đến tập kia mà không biết mình đang xem cái gì.
#3 – Suy nghĩ tiêu cực và tự chỉ trích
“Là do mình không đủ giỏi / tốt / chăm chỉ / …” là câu nhiều người thường tự nói với bản thân mỗi khi căng thẳng. Hoặc là bạn không đủ phẩm chất gì đó, hoặc là có gì đó không đủ (thời gian, tài năng, tiền bạc, hỗ trợ, … thoải mái điền vào chỗ trống). Điều này có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng cho dù đó là sự thật, thì tập trung vào những gì còn thiếu sót hay những thứ chưa hiệu quả không phải là cách tốt để giải quyết vấn đề.
Thay vì chú tâm đến những điều khuyết thiếu, hãy hướng suy nghĩ sang chiều ngược lại để xem bạn đang có những gì. Bất chấp những khó khăn, tiêu cực (lúc nào chúng cũng sẽ có mặt ở đó thôi), điều gì bạn sở hữu có thể xem là tích cực? Cuộc sống và bản thân bạn không hoàn hảo, vậy đâu là thứ đang có sẵn ở đó? Có thể những thành tựu của bạn không to lớn, không gây ảnh hưởng sâu rộng như người khác, nhưng thành công thì không thể phân định to nhỏ.
#4 – Chối bỏ những cảm xúc thật
Có nhiều lý do khiến một người không muốn thừa nhận cảm xúc của mình – họ muốn đạt kỳ vọng của người khác, muốn được đám đông chấp thuận, muốn giữ gìn mối quan hệ với ai đó, … Họ sẽ vờ như mình ổn, bỏ ngang cuộc trò chuyện, kiềm nén cảm xúc, hoặc im lặng không phát biểu ý kiến riêng. Tất cả những hành động nhằm phủ nhận giá trị bản thân, thay đổi quan điểm, hay che giấu cảm xúc thật đều phải trả giá bằng chính sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.
Thất bại và bị chối bỏ là điều có thể xảy ra, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng thống trị cuộc sống của bạn. Hãy yêu thương, tôn trọng, và tha thứ cho chính mình vì đã buồn bã, cô đơn, thất vọng, hay đau khổ – nhất là những khi người khác không sẵn sàng làm điều đó cho bạn.
#5 – Rút lui khỏi các tương tác xã hội
Tin tức tiêu cực và tình trạng quá tải thông tin có thể khiến nhiều người bị ‘ngộp’. Do đó họ chọn cách rút lui khỏi các tương tác xã hội, cả trên mạng lẫn ngoài đời, bất cứ khi nào có thể.
Bạn có quyền làm thế (và trong một số trường hợp thì cũng nên làm thế), nhưng hãy cẩn thận vì tự cô lập có thể làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng của bạn. Thay vì tránh né tất cả mọi người, hãy giữ liên lạc với những người thân thiết – bạn bè, gia định, … – và tương tác, kết nối với họ thường xuyên. Tất nhiên bạn không cần dành hàng giờ để trò chuyện, chỉ một câu chào nhau hay một lời chúc ngủ ngon cũng đã đủ rồi.
Xem thêm:
Người nhạy cảm với sự từ chối cũng là những người luôn khao khát được yêu thương
Giải mã tâm lý con người với 8 thí nghiệm xã hội nổi tiếng
Bỏ theo dõi – Mạng ảo nghỉ chơi thật hay chỉ là dọn nhà đỡ chật đất?
Thảo luận về bài viết