Bạn đã bao giờ cùng ai đó trò chuyện rất ăn ý, cho đến khi họ đột nhiên ‘có vẻ như’ không còn muốn tiếp tục nói chuyện, và không trả lời tin nhắn nữa? Hoặc trong nhóm bạn bè của bạn có ai nổi tiếng là ‘thánh’ ngâm tin nhắn khi vài ngày, thậm chí vài tuần nhắn xong không thấy trả lời?
Khi bị ngó lơ, chúng ta thường thắc mắc không biết điều gì đã khiến người kia im lặng như vậy. Là do mình nói gì không phải, hay vì mối quan hệ của cả hai đã nhạt đi lúc nào không hay biết? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một số trường hợp thường gặp sẽ là…
#1 – Họ thấy bạn nhàm chán, tẻ nhạt
Cho dù có ‘tự nhận’ bản thân vô vị đến đâu, trong sâu thẳm, hầu hết mọi người đều tin tưởng vào (ít nhất) một khía cạnh hay ho nào đó của mình. Ừ thì… bạn có thể là một người thú vị (hoặc không), nhưng chắc chắn một điều, theo tiêu chuẩn đánh giá của đối phương thì trò chuyện cùng bạn là một trải–nghiệm–chán–ngắt.
Nào nào, khoan cảm thấy tổn thương vội. Niềm vui là một thứ chủ quan. Bạn có thể dành hàng giờ để nói liên tu bất tận về chủ đề mình yêu thích, nhưng rất tiếc, đối phương không có nhu cầu tìm hiểu về phong cách sáng tác của các tác giả tiêu biểu trong nền văn học cận đại Việt Nam.
Vấn đề này không quá to tát, thế nên cách giải quyết cũng đơn giản: nói đúng chủ đề với đúng người.
#2 – Điện thoại hết pin hoặc mất tín hiệu
Khi nhắn tin cho ai đó vài tiếng chẳng thấy trả lời, chúng ta có thể ‘nhảy số’ 7749 nguyên nhân từ nhỏ nhặt đến nghiêm trọng, từ chủ động đến vô tình, trong khi lý do thật sự có khi chỉ là… điện thoại mất tín hiệu hoặc hết pin.
Nhiều người có thói quen tắt điện thoại khi cần tập trung làm việc hay lúc muốn nghỉ ngơi. Và một số khác thì chỉ đơn giản là hay quên đồ sạc mỗi khi ra ngoài.
#3 – Người ta đang bận
Mỗi người có một cuộc sống và công việc khác nhau. Bạn đang không có mặt bên cạnh người kia (thế mới phải gửi tin nhắn chứ), nên bạn sẽ không biết họ đang bận rộn như thế nào. Nếu cứ dành cả ngày chầu chực điện thoại để trả lời tin nhắn thì thời gian đâu mà dành ra cho công việc và bản thân được?
Vì thế, khi ai đó không trả lời tin nhắn, hãy cứ nhớ rằng họ có thể đang bận tối mắt chưa kịp nhìn đến điện thoại, hoặc đang dở tay không tiện tiếp chuyện. (Còn bận cái gì thì là chuyện của người ta.)
#4 – Gây hấn thụ động
Trong một thế giới lý tưởng, mọi mối quan hệ đều trở nên lành mạnh hơn – tin tưởng lẫn nhau, sẵn sàng mở lòng lắng nghe và giải quyết vấn đề để có thể cùng trưởng thành. Nhưng thực tế thì không ai hoàn hảo cả. Do đó, thay vì trực tiếp trò chuyện, nhiều người sẽ chọn giải pháp tránh né và gây hấn thụ động (passive aggressive).
Ví dụ, sau khi tranh cãi, đối phương phản ứng bằng cách làm lơ tin nhắn của bạn suốt nhiều ngày sau đó, không cần biết nội dung trao đổi có liên quan đến cuộc tranh cãi trước đây hay không.
Gây hấn thụ động không phải giải pháp tốt để giải quyết vấn đề. Nếu chuyện này từng xảy ra với bạn, chỉ cần nhớ rằng kiểu cư xử này nói lên nhiều điều về nhân cách của đối phương hơn là của bạn.
#5 – Bạn không (còn) đủ quan trọng với họ
Lý do này buồn ghê, nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra. Họ có thể không thích một chủ đề cụ thể nào đó, có thể bận việc sau đó quên mất, cũng có thể là người không hay giải quyết vấn đề bằng đối thoại thẳng thắn… Nhưng thành thật mà nói thì cho dù bị cản trở bởi điều gì, họ chắc chắn sẽ trở lại trả lời, nếu mối quan hệ này và bản thân bạn đủ quan trọng với họ.
Chúng ta không thể dành cho mọi mối quan hệ trong đời sự đầu tư như nhau được. Dù muốn dù không, ở những thời điểm nhất định, chúng ta vẫn phải đưa ra lựa chọn. Bạn và họ có thể từng nói chuyện rất hợp, chơi với nhau rất thân. Đó là một quá khứ đẹp và đáng nhớ, nhưng nó không thể bảo chứng cho tương lai. Những thay đổi trong sở thích, công việc, quan điểm, giao thiệp xã hội,… sẽ khiến chúng ta và những người từng rất thân thiết buộc phải rời xa nhau.
#6 – Không thích nhắn tin
Nhiều người thấy giao tiếp qua chat box là một việc làm lôi thôi, phiền phức, tốn thời gian. Do không có thói quen check hay trả lời tin nên họ cũng dễ bỏ lơ tin nhắn của người khác.
Cách giải quyết trong trường hợp này, tất nhiên là đừng nhắn tin, mà hãy gọi điện trực tiếp khi có việc cần trao đổi.
#7 – Lườiiiii
Và cuối cùng, họ có thể chẳng có lý do gì quá to tát để không trả lời tin nhắn, đơn giản chỉ là lười mà thôi.
Vì một nguyên nhân ‘khó hiểu’ nào đó mà họ không có thói quen xem tin nhắn ngay khi thấy thông báo hoặc không phản hồi ngay sau khi đọc tin. Nghe ‘lên máu’ dễ sợ, nhưng đó chỉ đơn thuần là cách họ hành xử.
Xem thêm:
Tâm lý khan hiếm – Đặt bẫy là việc của người khác, mắc bẫy hay không là chuyện của mình
Vì sao tiếng cười xuất hiện vào những lúc không nên?
6 đặc điểm nhận dạng của những con ma cà rồng hút năng lượng
Thảo luận về bài viết