Hành vi xã hội – thứ vừa thú vị vừa dễ… gây bối rối – là chủ đề luôn được các nhà tâm lý học xã hội theo dõi và nghiên cứu kỹ lưỡng. Sở dĩ dễ gây bối rối là do chúng ta không thể đếm chính xác số lượng hay lập ra một bảng đo tiêu chuẩn cho các hành vi của con người.
Cả khi chủ động và trong vô thức, cách chúng ta tư duy và hành xử chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Điều này dẫn đến sự đa dạng và phức tạp trong hành vi của con người. Thiên kiến khan hiếm chính là một trong những tác nhân như vậy.
Thiên kiến khan hiếm là gì?
Thiên kiến khan hiếm (scarcity bias) là một suy nghiệm tâm lý khiến chúng ta vô thức kết luận rằng ‘thứ gì càng hiếm sẽ càng quý giá’. Cái bẫy này hay được bắt gặp trong mua bán, kinh doanh – khi người bán hàng lợi dụng tâm lý khan hiếm để người mua vô thức phát sinh nhu cầu mua hàng.
Thú vui sưu tầm cũng là một ví dụ. Tùy sở thích, hầu như tất cả mọi thứ đều có thể biến thành vật sưu tầm. Nhưng có một số người sưu tầm đồ cũ như tem, đồng xu, xe,… ngay cả khi nó chẳng phục vụ mục đích thực tế cụ thể nào ngoài việc chúng là mặt hàng khan hiếm – tem thư cũ hoặc đã dùng rồi sẽ không thể dùng lại, ngân hàng từ chối giao dịch tiền cũ không còn lưu hành, các mẫu xe cũ thì hoặc được cải tiến hoặc bị thay thế để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hơn,…
Đây là điểm làm tăng giá trị của chúng lên, cũng là một trong những điểm thu hút người sưu tầm (The Art of Thinking Clearly – Rolf Dobelli).
Thiên kiến khan hiếm trong marketing và kinh doanh
Tâm lý khan hiếm, cho dù người ta có nhận thức được nó hay không, vẫn là một trong những công cụ marketing được sử dụng phổ biến và hiệu quả.
Nếu từng thử qua các trang web booking (đặt phòng khách sạn, đặt chỗ, mua vé máy bay,…), bạn sẽ bắt gặp ít nhất một lần những dòng thông báo kiểu “Chỉ còn 3 phòng thế này!” hay “Có XX người cũng đang xem khách sạn này!”
Thiên kiến khan hiếm kích hoạt tâm lý cạnh tranh, dẫn đến việc chúng ta muốn mình trở thành người có được thứ đang chỉ còn rất ít hoặc đang được rất nhiều người khác quan tâm. Cái bẫy này còn được nhiều đơn vị buôn bán thể hiện dưới hình thức “Hết hàng!”, khi sản phẩm vừa ra mắt hôm nay thì hôm sau đã full người đặt hay đã out of stock.
Ngoài ra, nhiều nơi còn sử dụng thiên kiến khan hiếm như một cách để tăng uy tín của họ trong mắt khách hàng. Sản phẩm phải tốt, chất lượng phải tuyệt, bán hàng phải có tâm thì mới có ‘nhiều’ người tin tưởng mà mua chứ, đúng không?
Đặt bẫy là việc của người khác, rơi bẫy hay không là chuyện của mình
Thiên kiến khan hiếm không chỉ xuất hiện trong kinh doanh, buôn bán, mà còn trong nhiều khía cạnh khác của đời sống nữa. Như đa số những ‘lỗi’ nhận thức khác, nó ảnh hưởng đến tư duy thông suốt, từ đó tác động đến hành vi của chúng ta.
Do đó, đừng vội vàng kết luận trước bất cứ tình huống nào. Nếu bạn nghĩ rằng mình đang đối mặt với tình trạng khan hiếm, hãy bình tĩnh nhận định rõ ràng xem nó có thật sự như thế hay không. Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ, hãy đánh giá chúng dựa trên giá cả, lợi ích, và nhu cầu của bạn.
(Nguồn: Medium / Sebastian Loius)
Xem thêm:
Vì sao tiếng cười xuất hiện vào những lúc không nên?
Vạn con đường đều dẫn đến thành Rome – Vạn phương pháp để giúp bạn phát triển bản thân
Lười vận động – Sướng thì cũng sướng nhưng hại chẳng ngờ
Vì sao có những người không bao giờ chịu nhận lỗi?
Thảo luận về bài viết