Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa đều có những đặc điểm và bí quyết riêng để tạo ra một cuộc sống hạnh phúc. Mặc dù khác biệt văn hóa nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc, học hỏi những giá trị cốt lõi của từng phong cách sống để áp dụng cho chính mình.
1. Ikigai (Nhật Bản)
Dịch sát trong tiếng Nhật, ikigai có nghĩa là giá trị được tìm thấy trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, ikigai là câu trả lời cho câu hỏi: Mỗi sáng bạn thức dậy vì điều gì?
Hình ảnh ikigai bên-ngoài-nước-Nhật thường mang màu sắc huyền bí, kỳ diệu, thậm chí có phần cường điệu. Rất nhiều người hiểu nhầm ikigai là một công việc mơ ước hay một bí quyết trường thọ của người Nhật.
Thực tế, bạn có thể tìm thấy ikigai – lẽ sống – trong mọi thứ, từ những việc nho nhỏ thường ngày đến việc theo đuổi những mục tiêu to lớn có thể định hình cả cuộc đời. Hoặc bạn có thể nhìn nhận ikigai như một cách để trau dồi tiềm năng bên trong, từ đó biến cuộc sống trở nên đáng sống (một trải nghiệm mà hầu hết chúng ta đều ao ước đạt được).
2. Hygge (Đan Mạch)
Hygge là một khái niệm khó diễn tả thành lời. Về cơ bản, hygge là cảm giác đầm ấm hay sự thoải mái dễ chịu khi chúng ta dành thời gian làm những việc hoặc ở cạnh những người khiến ta hạnh phúc.
Tuy nhiên, hiểu rộng hơn, hygge là cách chúng ta tạo ra và tận hưởng hạnh phúc từ những điều đơn giản. Cũng như ikigai, bạn có thể “tìm thấy” hygge từ mọi hành động nhỏ nhặt nhất: trời mưa bật quạt đắp chăn là hygge, ngồi góc quán quen nghe bài nhạc đã thuộc cũng hygge, dành cả ngày đi picnic cùng gia đình lại càng hygge,…
Bất kể bạn làm gì, chỉ cần bạn dành trọn vẹn tâm trí cho nó và cảm thấy hạnh phúc vì nó, thì lúc ấy bạn đã cảm giác được hygge.
3. Wabi-sabi (Nhật Bản)
Wabi-sabi là vẻ đẹp của 3 yếu tố: không hoàn hảo, không trường tồn, và dở dang (Leonard Koren). Wabi chỉ sự đơn giản mộc mạc, tươi mát, yên tĩnh của các vật thể tự nhiên lẫn nhân tạo. Còn Sabi dùng để mô tả nét đẹp đến từ sự hao mòn do thời gian, khi tuổi thọ và tính chất không trường tồn của một vật thể hiện rõ qua những hư hao và những thiếu khuyết của nó.
Wabi-sabi là triết lý sống tập trung vào các khiếm khuyết nhưng không phải để phán xét mà tìm ra và tôn vinh tính tích cực bên trong chúng. Như nghệ thuật kintsugi – khi những mẩu gốm rạn nứt được “vá” lại bằng chất liệu sơn mài có phủ lên hoặc trộn thêm với bột vàng nhằm phơi bày thay vì che giấu các “khiếm khuyết” của sản phẩm.
Hay như raku – dòng gốm cổ được chế tạo từ phương pháp thủ công truyền thống, không sử dụng men tráng, nhằm tôn lên vẻ đẹp xù xì bất định được tạo ra trong suốt quá trình làm gốm.
Wabi-sabi giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản, chấp nhận bản chất vô thường của nó, từ đó cuộc sống trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
4. Lagom (Thụy Điển)
Lagom là vừa đủ, cân bằng, là không quá nhiều cũng không quá ít. Thật khó để có thể dùng từ nào khác để chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa của lagom. Lagom là một từ riêng của người Thụy Điển, cũng chính là chân dung người dân đất nước Bắc Âu này. Phong cách sống ấy đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động, suy nghĩ, từ cách tư duy đến lối hành xử đều thể hiện tinh thần lagom.
Lagom khuyến khích tính tiết chế và cân bằng. Bên cạnh đó, lagom còn đồng hành với sự bền vững. Tinh thần lagom thấm đẫm trong từng việc làm cụ thể như theo dõi chi tiêu, tái chế rác thải, hạn chế dùng bao nilon, sử dụng thực phẩm hữu cơ… thay vì đắm chìm trong lối sống vật chất phung phí và xa xỉ.
Liệu bạn có thực sự cần đến một tủ quần áo đầy ắp, vài chục đôi giày hay hàng tá phụ kiện? Có lẽ câu trả lời là không. Do đó, thay vì ra sức làm việc 60 tiếng/tuần để mua sắm thỏa thích rồi kiệt sức ngã bệnh, lagom nhắc nhở chúng ta làm việc vừa đủ và nghỉ ngơi hợp lý, nhằm đảm bảo tinh thần sáng suốt cùng thể chất khỏe mạnh.
5. Ho’oponopono (Hawaii)
Ho’oponopono có thể được dịch sát là sửa chữa sai lầm. Ho’oponopono xuất phát từ văn hóa dân gian của người Polynesian, với niềm tin rằng những ý nghĩ tiêu cực như giận dữ hay ghen ghét sẽ gây ra bệnh tật. Do đó, việc tống khứ những chất độc đó ra khỏi cơ thể là một việc làm cần thiết.
Ngày nay, bạn có thể hiểu ho’oponopono như một biện pháp tự chữa lành. Những người sống theo tinh thần ho’oponopono tin rằng nội tâm chúng ta có ảnh hưởng lên tất cả những gì xung quanh, những người ta gặp, những gì ta nghe, những thứ ta thấy, những cảm nhận của ta về thế giới.
Những gì xảy ra với chúng ta không quan trọng. Chính cách chúng ta nhìn nhận và phản ứng với chúng mới là điều đáng nói. Và như thế, mỗi chúng ta vừa là bạn thân nhất vừa là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính mình.
Tuy nhiên, nếu tâm trí là nguồn cơn của vấn đề, thì tâm trí cũng đem lại câu trả lời cho chính vấn đề đó. Mục đích chính của ho’oponopono là tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề này thông qua tăng cường giao tiếp, buông bỏ, và tha thứ.
Nghe thì có vẻ dễ đấy, nhưng bạn sẽ thấy rằng tha thứ không phải là việc dễ làm, nhất là khi tha thứ cho chính mình.
6. Fare la bella figura (Ý)
Fare la bella figura dịch sát là: “Tạo một hình tượng tốt đẹp”. Người ta hay hiểu nhầm rằng khái niệm này mô tả người Ý và thói quen chăm chút cho vẻ bề ngoài của họ. Ở Ý, không có gì lạ khi bắt gặp những người phụ nữ ăn vận chỉn chu dù chỉ để đi chợ hay một người đàn ông đường hoàng mặc vest đạp xe trong một ngày nắng nóng.
Tuy nhiên, la bella figura không đơn giản là cách ăn mặc chải chuốt để có một ngoại hình đẹp khi ra đường. Rộng hơn, khái niệm này được áp dụng trong những khía cạnh khác: cách bạn nói chuyện, cách bạn đối xử với người khác, cách bạn thể hiện bản thân mình, …
Tựu trung, la bella figura là tất cả những thứ bạn làm nhằm mục đích để lại hình tượng tốt đẹp của mình trong lòng mọi người. Thế nên, cho dù ăn diện cẩn thận từ đỉnh đầu đến gót chân mà lại đi chen hàng, thì sẽ chẳng ai công nhận bạn đẹp nữa.
Chăm chút bề ngoài là cách bạn tôn trọng chính mình, và cư xử văn minh là cách chúng ta tôn trọng người khác.
7. Sisu (Phần Lan)
Sisu không có từ tương đương trong tiếng Anh. Ở Phần Lan cũng không ai định nghĩa chính xác được sisu. Nó là tổ hợp của nhiều đặc điểm khác nhau, bao gồm quyết tâm sắt đá, nghị lực, lòng can đảm, sự dũng cảm, ý chí bền bỉ, sự ngoan cường và kiên trì. Sisu có thể được hiểu tương tự tinh thần “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” của Việt Nam.
Sisu sẽ xuất hiện khi bạn gặp khó khăn, khi bạn cảm thấy thế giới đang quay lưng với mình, khi bạn nhận ra bạn đơn độc với hành trình đang đi nhưng bạn vẫn không bỏ cuộc.
Bạn sẽ nhìn thấy sisu trong cách Lady Gaga chật vật tiếp tục phát triển sự nghiệp âm nhạc sau khi bị hãng đĩa sa thải; khi Rose McGowan đơn độc lên tiếng về những vấn nạn tình dục ở Hollywood; khi nhà hoạt động xã hội Malala Yousafzai vẫn ngoan cường đấu tranh cho quyền được giáo dục của phụ nữ và trẻ em gái sau khi cô bị Taliban ám sát không thành.
Trong Harry Potter, thầy Dumbledore từng nói thế này: “Thời kỳ đen tối đang đến. Ai trong chúng ta rồi cũng phải đối mặt giữa việc lựa chọn điều đúng đắn hay việc dễ dàng.” Bỏ cuộc thì dễ hơn, đôi khi lại là hành động khôn ngoan hơn. Nhưng trước khi chịu thua, hãy cứ cố gắng hết sức đã, để còn có cơ hội cảm nhận sisu dù chỉ một lần trong đời.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- 10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn
- Limerence: Khi ta rơi vào lưới tình mà chính mình dệt nên
- 3 câu chuyện về những gánh hàng rong chở cả ước mơ