“Cảm nắng” một người là một chuyện. Thế nhưng, đối với limerence, đó lại là một câu chuyện khác.
Chắc một lần nào đó trong đời người, ta đã cảm nhận được cảm giác không thể phủ nhận đó: Mỗi khi bạn ở gần người ấy, bụng dạ mình cứ “lộn nhào”, nhịp tim đập nhanh hơn, lời nói tuông ra không còn trôi chảy nữa. Họ chính là người mà bạn luôn khao khát, dường như hoàn hảo ở mọi khía cạnh.
Nhưng khoan! Hãy dừng lại và ngẫm nghĩ lại xem, có phải bạn đang yêu người đấy thực lòng hay không, hay cảm xúc của ta đang rơi vào một trạng thái kỳ lạ gọi là limerence? Vậy, hiện tượng tâm lý này là gì và liệu có phương pháp điều trị hay không?
Limerence là gì?
Có thể được hiểu, limerence là trạng thái mê đắm hoặc ám ảnh với một người khác, đi kèm với sự đam mê mãnh liệt và những suy nghĩ xâm lấn.
Cũng theo Psychology Today, limerence là một trạng thái ám ảnh không tự nguyện với một người khác. Trạng thái tâm lý limerence khác với tình yêu hoặc sự ham muốn ở chỗ nó dựa trên sự bất định rằng liệu người mà bạn khao khát (được gọi là “đối tượng limerence” trong tài liệu nghiên cứu), có cùng mong muốn như bạn hay không.
Nguyên nhân sinh ra trạng thái kỳ lạ này là gì?
Vì limerence là sự khao khát để được mong muốn, cho nên nó là một trạng thái tâm lý kết hợp giữa nhận thức, thể chất và cảm xúc. Bởi vì người đang ở trong trạng thái tâm lý này sẽ không thể biết được liệu chủ thể mà mình đang hướng tình cảm tới có “cảm nắng” lại hay không, limerence gần như luôn hiện diện trong tình cảm đơn phương.
Nhiều nhà tâm lý học cho rằng limerence có thể xuất phát từ cảm giác không muốn sống trong thực tại. Điều này có thể do sang chấn tâm lý hoặc các vấn đề liên quan đến sự phát triển của người đó thời thơ ấu.
Nói đến trường hợp này, limerence thường có mối quan hệ chặt chẽđến việc thiếu thốn cảm xúc trong thời kỳ này, được gọi là một dạngC-PTSD (Hội chứng căng thẳng hậu sang chấn phức tạp – Complex-PTSD). Bị lạm dụng hoặc bỏ bê cảm xúc trong mọi giai đoạn phát triển của tuổi thơ và thanh thiếu niên đều để lại hậu quả sâu sắc. Khi đó, limerence thường sẽ trở thành là một cơ chế đối phó phổ biến.
Ngoài ra, người ta còn có thể bị limerence khi kiệt sức, thiếu ngủ hay thiếu hụt serotonin. Khi đó, bạn mơ tưởng rằng ai đó có thể cứu rỗi bạn và biến những suy nghĩ đó thành hình ảnh lý tưởng của “người ấy.”Bạn sẽ hình thành thói quen lặp đi lặp lại việc suy nghĩ, xem người kia có quan tâm đến mình hay không. Rồi chính bản thân liên tục hồi tưởng những gì đã trải qua với họ trong ngày, khiến trạng tháilimerence tiêu tốn năng lượng và sự tập trung của bạn.
Thông qua việc mơ mộng và tạo ra mối quan hệ với hình ảnh của một người; họ vô tình trở thành thứ tạm thời làm dịu đi nỗi đau, khi các nhu cầu cảm xúc của người bịlimerence không được quan tâm và đáp ứng bởi người chăm sóc. Nếu không được kiểm soát, trạng thái tâm lý này có thể trở thành một hình thức nghiện.
Limerence được hình thành như thế nào?
Theo nhiều nhà tâm lý học, họ sẽ chia sự hình thành củatrạng thái tâm lý này qua ba giai đoạn. Khi bạn bắt đầu cảm thấy thu hút một người mới và họ kích thích sự quan tâm của bạn, điều đó có nghĩa là ta đang bắt đầu tiến vào “vòng xoáy” củalimerence.
Giai đoạn 1: Cuồng si
Bởi vì chính bản chất rằng ta không thể có được họ, sẽ càng khiến người đó trở nên hấp dẫn hơn. Giai đoạn này bao gồm những hành vi say đắm, suy nghĩ về người đó 24 giờ một ngày, căng thẳng, hồi hộp, lo lắng trong người, và thậm chí là những suy nghĩ xâm nhập không ngừng. Nói tóm lại, nó sẽ trông giống như là ta có một mong muốn không thể kiểm soát dành cho ai đó.
Giai đoạn 2: Kết tinh
Ta sẽ bắt đầu củng cố hình tượng của người đó trong đầu. Bạn sẽ bắt đầu tin rằng người mà bạn đang nghĩ đến là giải pháp cho tất cả các vấn đề của mình và quyết định lý tưởng hóa họ.
Giai đoạn 3: Thoái trào
Thực tại sẽ bắt đầu len lỏi vào tâm trí và bạn nhận ra rằng bạn sẽ không bao giờ có được người mà mình khao khát. Giai đoạn cuối của limerence là sự thất vọng với đối tượng mình yêu và buông bỏ họ. Đây là sự nhận thức rằng sẽ không có điều gì xảy ra cả; và nó khiến ta nhưng tưởng mình mất một người thân nào đấy.
Trạng thái tâm lý này giống và khác gì với khi ta thực sự yêu người đó?
Hai khái niệm này trông rất giống nhau. Khi bạn đang trải qua trạng thái limerence với một người nào đó, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng họ là “người ấy”, khiến ta lầm tưởng rằng đây có vẻ giống như tình yêu. Dưới đây là 2 lý do vì sao trạng thái tâm lý này và tình yêu thường hay bị nhầm lẫn:
- Bạn bị thu hút bởi một người nào đó: Khi đang trong trạng thái limerence, bạn sẽ có cảm giác như thể đang yêu. Thế nhưng, đây là một dạng cuồng si. Nó giống như những giai đoạn đầu của việc yêu đương khi bạn liên tục nghĩ về người đó.
- Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào: Như người đời thường nói: “Thời tới cản không kịp”. Bởi thực tế là ta sẽ không biết khi nào bản thân sẽ phải lòng với một người khác, và trạng thái tâm lý limerence cũng giống như vậy. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, từ một người chủ nhà, một ông sếp, cho đến một chủ cửa hàng.
Tuy nhiên sự khác biệt chính ở đây, là tình yêu cần một kết nối thực sự và có ý nghĩa với người khác, trong khi limerence chỉ liên quan đến sự theo đuổi và khao khát một người nào đó. Nếu bạn không chắc mình đang cảm thấy điều gì, hãy thử kiểm tra những sự khác biệt lớn dưới đây xem?
- Bạn nghĩ rằng người đó sẽ là “mảnh ghép hoàn thiện” của cuộc đời: Bạn đang tìm kiếm một mối quan hệ hay đang cần một người để cứu rỗi mình? Bởi vì nếu là vế thứ 2, thì bạn đang ở trong trạng thái tâm lý limerence đấy. Đây cũng có thể là được miêu tả là một dạng của mối quan hệ gắn bó đau thương (Trauma bond), khi một người đang tìm kiếm sự “cứu rỗi” từ người khác.
- Bạn muốn ở bên họ, dù có tốt hay không đi chăng nữa: Một mối quan hệ yêu thương, nuôi dưỡng nên dựa vào sự tôn trọng lẫn nhau; điều đó đồng nghĩa với việc bạn nên phát triển cùng với mối quan hệ đó. Tuy nhiên, khi nói đến limerence, tất cả điều đấy đều bị bỏ qua.
- Bạn phớt lờ đi khuyết điểm của họ: Nếu thấy rất nhiều “cờ đỏ” mà vẫn bỏ qua, thì có thể bạn có thể đang trong trạng thái limerence đấy. Bởi đối với tình yêu, mỗi người đều có khả năng nhìn thấy những khuyết điểm của người kia nhưng vẫn thích họ. Ngoài ra, họ còn tạo dựng một môi trường an toàn và có sự cởi mở để giao tiếp với nhau chân thành hơn.
- Cảm giác cuồng si này khiến bạn bỏ bê nhu cầu của bản thân: Khi ai đó đang trải qua trạng thái limerence, sự ám ảnh với người khác trở nên quá mạnh mẽ đến mức nó lấn át những nhu cầu và mong muốn cá nhân của họ. Về cơ bản, người đó hy sinh sự an lành của bản thân để tập trung một cách quá mức vào người kia, đặt hạnh phúc và sự chú ý của họ lên trên tất cả mọi thứ khác.
- Bạn sợ phải thật sự mở lòng: Có lẽ ẩn sâu bên trong, bạn sợ phải bắt đầu kết nối thực sự với người đó và có thể cảm thấy thoải mái hơn khi có chút khoảng cách.
Tác động tiêu cực của Limerence
Để nói ngắn gọn, đây là một trạng thái tâm lý không có lợi cho sức khoẻ. Như đã đề cập ở trên, những tình trạng như căng thẳng, mất ngủ và suy nghĩ ám ảnh sẽ là những thứ bạn sẽ trải qua. Càng ngã sâu, bạn càng có khả năng bỏ bê những nhu cầu cơ bản của mình. Việc không ngủ hoặc ăn uống hợp lý sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần của bạn.
Nhưng nó không dừng lại ở đó đâu! Càng lâu ngày, bạn có thể sẽ bắt đầu thực hiện một số hành vi vô đạo đức, mà có thể tạo ra hiệu ứng gợn sóng, ảnh hưởng đến nửa sau của cuộc đời bạn. Ta cũng có thể coi đây như là bước đầu tiên dẫn đến tình trạng một số cá nhân bắt đầu trở thành một kẻ theo dõi.
Limerence xuất phát từ bên trong nội tại, rằng đứa trẻ bên trong ta đang phải tìm kiếm những sự thay thế cho tình yêu và chú ý, mà đáng lẽ ra phải nhận được khi trong quá trình trưởng thành. Vì vậy, sự cuồng si thái quá này xuất hiện như một cách để bù đắp cho điều đó. Bạn không thực sự yêu họ, mà bạn chỉ yêu đắm say sự chú ý mà họ dành cho bạn.
Trạng thái tâm lý này còn có thể thấy rõ trên không gian mạng. Việc bị cuốn vào sự tồn tại của một người nổi tiếng mà thậm chí không biết bạn là ai, cũng là một điều không lành mạnh chút nào.
Làm thế nào để biết đó là limerence hay tình yêu?
Bạn có thể tự hỏi bản thân một số câu hỏi sau:
- Liệu mình có khả năng và mong muốn hẹn hò với người ấy không? Tại sao mình lại muốn họ như vậy?
- Hãy viết ra 5 lý do tại sao bạn thích người này. Bạn có thể xác thực chúng bằng một ví dụ đã xảy ra, hoặc khoảnh khách mà bạn đã quan sát không?
- Bạn có thực sự thấy mình với người này đi đường dài không? Tại sao?
Khi bạn nhận ra rằng bản thân mình đang có một vấn đề, ta có thể thực hiện một số bước tích cực để kéo bản thân trở lại thực tại. Ẩn sâu dưới trạng thái limerence là nỗi sợ phải ở một mình, và không thể xây dựng mối quan hệ yêu thương đủ tốt với bản thân.
Ta có thể thay đổi điều này khi ta đặt ra giới hạn và thiết lập những nguyên tắc hành xử—tức là phải có trách nhiệm trong việc đối xử tốt với bản thân. Ví dụ, ta chăm sóc bản thân với chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi, nuôi dưỡng các mối quan hệ bạn bè, tập thể dục, ngủ đủ giấc và đáp ứng các nhu cầu cơ bản khác của mình. Bạn cũng nên dừng những hành vi và suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Hơn nữa, vì limerence là trạng thái mê đắm một hình mẫu của người khác, rất có thể bạn đang ám ảnh về những gì mà người đó có thể mang lại cho mình. Thay vì vậy, hãy chuyển hướng sự tập trung và cố gắng tìm niềm vui từ chính nội tại. Bạn có thể thử lập danh sách các đặc điểm mà bạn cảm thấy người đó có và bắt đầu phát triển những đặc điểm đó ở chính mình, để không còn cảm thấy cần đến người kia nữa.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây: