Một người cần ít nhất từ hai tám ngày đến hai tháng để có thể biến một việc gì đó thành một thói quen, tập thể dục cũng vậy. Nguyên nhân là bởi khi chúng ta lặp đi lặp lại những hành vi nhất quán trong một thời gian dài, cơ thể chúng ta sẽ quen dần với cảm giác đó. Bộ não cũng nhờ vậy mà có thể tạo ra những liên kết giữa tế bào thần kinh và những hành động cần được ghi nhớ. Sự kết nối này theo thời gian sẽ ngày càng mạnh mẽ, giúp cho những hoạt động được lặp lại một cách dễ dàng, tốn ít công sức hơn.
Để biến một hoạt động thành thói quen không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên nếu kiên trì và có một kế hoạch hợp lý, mọi việc đều có thể. Với những bạn đang gặp khó khăn trong việc duy trì chế độ tập thể dục, những phương pháp sau đây hứa hẹn sẽ giúp bạn đẩy lùi “cơn lười” một cách khá hiệu quả.
1. Dừng cảm thấy tội lỗi
Bước đầu tiên trong việc hình thành thói quen chính là tha thứ cho bản thân khi mắc lỗi. Nếu một người có thể bao dung hơn với lỗi lầm của bản thân, họ có thể sửa chữa và khắc phục lỗi sai đó một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Thay vì đắm chìm vào cảm giác tội lỗi và những câu hỏi đầy tính trách móc, hãy dành thời gian và công sức để duy trì các bài vận động cho những ngày sau. Ngoài ra, bạn có thể tự nhủ với bản thân rằng, “Để thay đổi cuộc đời, ta cần phải tự tạo ra những khác biệt. Hôm nay là ngày tuyệt vời nhất để bắt đầu điều đấy, vì nếu không phải bây giờ, sẽ chả có thời điểm nào hoàn hảo hơn.”
2. Tạo phần thưởng cho bản thân
Theo một nghiên cứu trong tạp chí Sport, Exercise, and Performance Psychology, sự kết hợp của các hoạt động được lặp đi lặp lại đi kèm với phần thưởng sẽ giúp việc tập thể dục trở thành thói quen dễ dàng hơn. Bạn có thể tự thưởng cho mình một bữa ăn thật ngon sau khi vận động, hoặc mỗi khi đạt được một mục tiêu thể chất, ví dụ như ăn cheat meal (những bữa ăn phá vỡ quy tắc, khác với kế hoạch dinh dưỡng quen thuộc trong quá trình luyện tập). Qua thời gian, việc vận động sẽ trở thành nguồn động lực cho cả tâm lý lẫn thể chất của bạn. Qua đó, cơ thể ta không những dẻo dai, khỏe mạnh hơn mà tâm trạng cũng sẽ thoải mái, vui vẻ hơn.
3. Tự tạo ra những thử thách có lợi cho mình
Đối với những người chưa có thói quen tập thể dục, việc khó khăn nhất là đi từ thói quen tĩnh thành động. Bạn có thể đặt ra những mục tiêu mà bản thân tự tin có thể hoàn thành tới 90%. Ví dụ như: Đỗ xe ở vị trí xa nhất so với siêu thị, tăng số buổi đi bộ từ 30 phút tới một tiếng, v.v… Khi thực hiện thành công các thử thách đầu tiên, bạn sẽ muốn thúc đẩy bản thân tiến xa hơn nữa. Trước khi bắt đầu bất cứ thói quen nào, hãy nhận thức khả năng của mình để có những mục tiêu hợp lý.
4. Tự phát các tín hiệu tới não bộ
Diễn viên Hàn Quốc Han Ye Seul (Birth of a Beauty) chia sẻ rằng, cô đã mặc quần áo thể thao khi đi ngủ mỗi tối để sáng tỉnh dậy, bản thân sẽ tự có tinh thần tập thể dục. Câu chuyện này thể hiện “sự kiểm soát có kích thích của bộ não.” Khi ta tự xây dựng một môi trường đầy các tín hiệu, cơ thể sẽ tự nhớ đến những thói quen lành mạnh, giúp chúng ta hoàn thành các mục tiêu một cách hiệu quả hơn.
5. Tìm bạn bè hoặc hội nhóm để tập cùng
Nếu việc tập một mình khiến bạn cảm thấy ái ngại, hãy rủ rê người quen hoặc bạn bè tham dự các buổi tập. Khi có chiến hữu cùng đồng hành, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và có động lực hơn. Chưa kể, những hoạt động này còn tăng tính gắn kết của tình bạn và tạo cơ hội cho chúng ta làm quen với nhiều “đồng đội” mới. Thông qua những lời khuyên, sự trao đổi khi luyện tập, ta sẽ thấy thói quen vận động của mình đạt được những kết quả rõ rệt hơn.
6. Nghiêm khắc và tận tình với bản thân từ những điều nhỏ nhất
Thay vì tự nhủ rằng mình sẽ tập luyện vào ngày mai, hãy lên kế hoạch cụ thể nhằm giúp bản thân đạt được từng mục tiêu đó. Ví dụ, nếu dự báo thời tiết thông báo hai ngày tới trời sẽ mưa và bạn không thể chạy bộ, hãy chuẩn bị sẵn những bài tập tại nhà trên Youtube. Nếu bạn muốn tập luyện vào buổi sáng, hãy đặt báo thức sớm hơn bình thường khoảng một tiếng để thức dậy và chuẩn bị. Thói quen tập thể dục là hành trình đòi hỏi tính kỷ luật cao, vì thế hãy rèn luyện cho mình sự chủ động và quyết liệt.
7. Làm những điều khiến bạn vui vẻ
Thay vì luyện tập quá sức và khiến bản thân mệt mỏi, ta có thể tìm đến các hoạt động giúp mình thấy thoải mái hơn. Nếu bạn thấy việc chạy thật mệt, ta có thể đổi sang đi bộ. Nếu bạn không thích nâng tạ, ta có thể nghĩ đến việc tham dự các lớp yoga hoặc tập nhảy. Làm những điều khiến bạn thích thú sẽ giúp chúng ta có thêm động lực và háo hức hơn mỗi khi nghĩ đến chuyện tập thể dục.
8. Lên playlist thể dục cho riêng mình
Não bộ sẽ luôn ghi nhớ những giai điệu, âm thanh quen thuộc. Khi nghe những bản nhạc sôi động trong lúc tập, tâm trạng chúng ta trở nên hào hứng, phấn khởi. Điều này giúp cho quá trình tập thể dục của mỗi người trở nên hiệu quả và tập trung hơn. Do đó, hãy lên danh sách những bản nhạc bạn yêu thích để sẵn sàng nạp thêm năng lượng cho mình mỗi khi tập thể dục.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
5 kiểu sở thích để đạt trạng thái đỉnh nhất trong cuộc sống
Cách đàn ông sử dụng ngôn ngữ cơ thể để kiểm soát người khác
Tại sao chúng ta thích “hóng” người khác chơi games?
Thảo luận về bài viết