#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Cùng với taxi con cóc, xích lô máy là một phần ký ức của những người từng sinh sống ở Sài Gòn giai đoạn trước 1975.
Từ khoảng cuối thập niên 1940 đến thập niên 1970, Sài Gòn là thành phố duy nhất trên thế giới có xích lô máy. Năm 1945, sau khi quân đội Hoàng gia Nhật Bản thua trận, Sài Gòn được quân Anh tiếp quản, sau đó được giao lại cho chính quyền thuộc địa Pháp. Khi ấy, nhu cầu vận tải hàng hóa cao nên một số phương tiện vận tải chuyên chở được nhập cảng Sài Gòn, trong đó có mẫu Triporteur 3 bánh do hãng Peugeot sản xuất.
Loại xe này nguyên là xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng nông thôn đến các chợ hoặc siêu thị bên Pháp. Hình dáng của nó gần giống xe ba gác máy chở hàng. Model đầu tiên sản xuất năm 1939 là 53TN, có thể chở 100 ký hàng hóa với tốc độ tối đa 45km/h.
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Peugeot tái khởi động sản xuất mẫu Triporteur. Xe được cải biến đôi chút thành model 54TN. Đến 1949 thì kiểu 55TN với động cơ 125cc ra mắt, bánh xe được gia tăng kích cỡ để chịu tải 150 ký.
Tại Sài Gòn, chủ yếu sử dụng model 55TN. Thoạt đầu, xe dùng để vận tải hàng hóa. Sau này, do nhu cầu vận chuyển người tăng mạnh nên những chiếc xe này được cải biến thành phương tiện độc đáo có một-không-hai: xích lô máy.
Một chiếc xích lô máy chạy trên đường Bến Bạch Đằng, tòa nhà phía sau là CLB Thể thao dưới nước Sài Gòn (Saigon Nautical Club) nằm trên đường Bến Chương Dương, sát đầu cầu quay Khánh Hội.
Ảnh: Flickr / Manhhai
Những năm 1930, những chiếc xích lô đạp đã xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, thay thế loại xe kéo tay. Sang thập niên 1940, thành phố đã có khoảng trên 6.500 chiếc xích lô đạp. Thế nhưng dân cư ngày một tăng, xích lô đạp với những điểm yếu rõ ràng như sử dụng sức người, tốc độ chậm, chỉ tiện di chuyển quãng đường ngắn,… không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển, trong khi taxi thì giá lại khá cao, không phải ai cũng có điều kiện chi trả.
Thế là xích lô máy ra đời. Rập theo cấu trúc của xích lô đạp, người ta đặt lên khung xe một cái nôi bằng thép uốn với băng ghế nệm, dưới ghế nệm biến thành khoang chứa dụng cụ bảo trì xe cùng xăng nhớt, ruột lốp xe và tấm bạt để che phía trước hành khách khi trời mưa.
Bên cạnh hai hông ghế là bộ khung thép bọc mái che bằng vải dầu gấp xếp lại được, dùng để che nắng và mưa. Đến năm 1950, có khoảng 1.800 xe xích-lô máy hoạt động quanh Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Xích lô máy trở thành biểu tượng của Sài Gòn, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Người ta nhớ rằng thời đó, mỗi góc chúng cư, mỗi ngõ hẻm, bệnh viện, bến xe đều có những bác Ba, chú Tư, anh Hai chạy xích lô máy túc trực. Người chạy xích lô máy có phần được trọng nể hơn người chạy xích lô đạp, bởi thời đó sở hữu được một chiếc xích lô máy khoảng gần chục cây vàng (vào những năm cuối thập niên 50, giá một chiếc xích lô máy khoảng tám cây vàng) là cũng coi như… đại gia.
Xích lô máy cũng có bến riêng. Ở cầu Hậu Giang, khu Bà Chiểu,… có những hãng chuyên cho thuê xe xích lô máy.
Ảnh: Bến xích lô máy tại Ga Sài Gòn – 3/3/1950 (Carl Mydans)
Từ giữa thập niên 1960, xe lam (Lambro) du nhập vào Sài Gòn, xe xích lô máy bị cạnh tranh dữ dội. Xe lam chở được nhiều khách, chi phí rẻ, mui xe còn có thể tận dụng chứa hàng hóa. Sau 1975, xăng dầu khan hiếm, nghề chạy xích lô máy dần trở nên khó khăn hơn. Đến khoảng 1985 thì xích lô máy – đặc trưng của một thời Sài Gòn hoa lệ – xem như biến mất.
(Hình ảnh & Thông tin: Tổng hợp)
Xem thêm:
#LocalZine: Nhị Thiên Đường – Cái tên nhiều kỷ niệm với người Sài Gòn
#LocalZine: Nhìn về thời bao cấp với lăng kính màu hồng
#LocalZine: Tổ nghiệp sân khấu và chuyện kiêng kỵ của giới nghệ sĩ
#LocalZine: Rạp xi nê nào ở Sài Gòn trước 1975 ?
Thảo luận về bài viết