Điện thoại giúp chúng ta kết nối với thế giới, giữ ta không bị lỡ nhịp với tất cả những thứ đang diễn ra quanh mình. Tuy nhiên, nó cũng đem lại nhiều phiền phức, mà một trong số đó là tình trạng lúc nào tay cũng khư khư điện thoại không rời.
Biển thông tin khổng lồ chúng ta có thể truy cập chỉ với một cái lướt tay cũng gây ra những tác động tiêu cực không hề nhỏ cho sức khỏe tinh thần cũng như khả năng nhận thức. Việc xem tin tức qua điện thoại khiến ta hình thành thói quen đọc lướt, độ tập trung bị phân tán theo từng đợt ngắn. Đây là môi trường hoàn hảo để những thứ như tin rác và thuyết âm mưu phát triển mạnh mẽ.
Cai nghiện điện thoại – cũng như cai tất cả các chứng nghiện khác trên đời – không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng đồng thời, nó cũng là việc mà ai cũng có thể và cũng nên làm, và làm sớm chừng nào thì tốt hơn chừng ấy.
Đừng dùng điện thoại để báo thức
Chậc, thời buổi này còn dùng đồng hồ báo thức thì nghe… cổ lỗ sĩ dễ sợ. Thế nhưng nếu đang cần cai nghiện thì nên cân nhắc đừng để điện thoại là thứ đầu tiên bạn chạm tay đến vào sáng sớm sau khi ngủ dậy.
Ở lại với những giấc mơ
Nhưng không phải bằng cách 5-phút-nữa-thôi. Thay vào đó, hãy thử làm nhật ký giấc mơ để lưu giữ những cuộc hành trình trên biển đêm (cách Carl Jung gọi những cơn mộng mị) của riêng bạn.
Nếu chuộng con chữ, hãy viết. Nếu giỏi hình ảnh, hãy vẽ. Nếu toàn bộ nội dung giấc mộng đêm qua đã bay sạch khỏi đầu lúc vừa mở mắt, cứ thành thật rằng “Hồi tối mơ ngộ lắm, mà giờ hết nhớ rồi.”
Đọc sách báo, tạp chí vào buổi sáng
Nghiên cứu xuất bản năm 2016 trên tạp chí Social Science and Medicine cho biết những người hay đọc sách giấy trung bình sẽ sống lâu hơn 23 tháng. Ngoài ra, dành thời gian cho những tin tức, bài báo chuyên sâu, được kiểm tra và dẫn nguồn đáng tin cậy sẽ có lợi hơn nhiều so với chuyện dùng cùng khoảng thời gian đó để thu nạp những thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng.
Không dùng điện thoại khi đang ăn ít nhất một lần trong ngày
Chưa cần quan tâm đến những tác hại cho đường tiêu hóa mà hành động vừa ăn vừa dùng điện thoại gây ra, chỉ cần sự hiện diện của điện thoại trên bàn ăn là đã đủ để khiến các cuộc trò chuyện của bạn với mọi người trở nên nhạt nhẽo, thiếu chiều sâu hơn.
Tập làm quen với những đoạn hội thoại không chỉnh sửa
Có nhiều lý do để một người nhắn tin và gửi email thay vì trò chuyện trực tiếp. Một trong số đó là vì họ sợ hãi sự ngẫu nhiên và những khoảng lặng khó xử – thứ không hiếm gặp với những đoạn hội thoại mặt đối mặt.
Tuy nhiên, bạn không thể tránh nói chuyện trực tiếp cả đời được. Nói như Sherry Turkle – tác giả quyển Reclaiming Conversation – thì “thông thường, chính vào những khoảnh khắc lưỡng lự hay lỡ lời mà chúng ta có thể thật sự bộc lộ chính mình”.
Sử dụng điện thoại có chủ đích hơn
Thời xưa có câu, “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Thời nay, có lẽ chúng ta cũng nên dừng lại vài giây trước khi ‘tiện tay’ cầm lấy điện thoại để chat chit, đăng status, lướt story, vân vân… và tự hỏi mình rằng, “Liệu việc đó có thật sự cần thiết không?”
Để dành năng lượng cho những người bạn bằng xương bằng thịt
Facebook và vô số nền tảng mạng xã hội khác đã ít nhiều thay đổi cách hiểu về bạn bè của chúng ta. Phần lớn các nghiên cứu về tâm lý học đều chỉ ra rằng, con người chỉ có thể duy trì một con số tương đối nhỏ (khoảng 15) những tình bạn thân thiết thực sự.
Theo tiêu chuẩn này, thì chuyện giữ liên lạc với vài trăm “bạn” trên Facebook quả là một công việc… không tưởng. Có lẽ đã đến lúc bạn chọn lọc lại danh sách bạn bè trên mạng của mình
Hoặc tốt hơn tập trung vào việc tương tác với họ ở ngoài đời, nếu có thể.
Có những quãng thời gian không-công-nghệ trong ngày
Điện thoại thông minh đã trở thành một trong những tiện ích không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Nhiều người mạnh mẽ tuyên bố mình không thể sống thiếu điện thoại.
Nhưng cứ thử nghĩ mà xem, trước khi những tiện ích này ra đời, người ta vẫn sống được đó thôi. Nếu đã là thành viên lâu năm của hội điện-thoại-dính-người, bạn có thể từ từ ‘cai nghiện’ bằng cách đặt ra một số quãng thời gian cụ thể trong ngày hoàn toàn không dùng điện thoại và cố gắng thực hành đến khi nó trở thành thói quen.
Để tâm trí được hoàn toàn tĩnh lặng trước giờ ngủ
Một trong những quãng thời gian lý tưởng nhất để tập ‘buông bỏ’ điện thoại, là khoảng 2 tiếng trước khi đi ngủ. Thay vì dán mắt vào màn hình, hãy thử viết nhật ký, xem sách, đọc thơ, thiền, trò chuyện với người thân / bạn cùng nhà,… hoặc nghe một vài podcast giúp thư giãn đầu óc nếu bạn khó ngủ.
(Ảnh minh họa: Goodbye Phone, Hello World – Paul Greenberg)
Xem thêm:
Trợ lý ảo Alexa và những tính năng “bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa”
7 podcast để những bài thể dục bớt nhàm chán hơn
Vượt qua nỗi cô đơn trong cuộc sống
Tình bạn thật sự không phải một vở diễn
Thảo luận về bài viết