Nếu có người hỏi ta muốn nghe lời chân thật hay nói dối, chúng ta sẽ nói: “không thích nghe sự thật chả lẽ lại thích người người khác lừa mình.” Khi còn là một đứa trẻ, bài học đầu tiên mỗi người nhận được cũng chính là phải luôn luôn trung thực.
Thế nhưng khi đối diện với những lời thật lòng, không phải ai cũng có thể tiếp nhận. Có rất nhiều khoảnh khắc buộc người ta phải lựa chọn giữa sự thật xấu xí và lời nói dối phủ đường. Và rồi chúng ta quyết định chọn cách thứ hai.
Một trong những lời nói kinh điển nhất của người trưởng thành chính là “tôi ổn.” Thế giới của người lớn chính là học cách che giấu cảm xúc, lúc mệt mỏi sẽ vờ như không có gì, lúc muốn khóc càng sẽ cười thật tươi. Bầu trời của người trưởng thành chính là những áng mây trắng bồng bềnh, miệng nói chuyện về cầu vồng như trong lòng đầy bão tố. Cuộc sống của những người lớn giống như những chú vịt đang bơi trên nước, biểu cảm bình thản, nhưng dưới chân đang điên cuồng quẫy đạp để có thể bơi về đích. Sự thật là chúng ta đang bấp bênh thế nào vốn không quan trọng, lời nói dối là mình ổn được bản thân và những người xung quanh chấp nhận mới là điều cần chú ý.
I. Những sự thật được giấu đi
Bạn xa nhà vào Sài Gòn làm việc, thường xuyên tăng ca đến chín, mười giờ đêm. Tối đó bạn up ảnh ăn mì tôm ở văn phòng lên Facebook. Bài vừa đăng được ba phút, có mười like. Bỗng bạn giật mình, lập tức xoá bài đi vì chợt nhớ ra khi nãy gọi điện thoại về nhà, bạn nói dối bố mẹ là đang đi ăn lẩu với đám bạn. Giờ nếu gia đình nhìn thấy chắc chắn sẽ lo lắng.
Quãng thời gian làm việc ở thành phố khác đó, những việc tốt bạn sẽ lập tức kể ra, điều gì không vui sẽ tự giữ lại trong lòng. Bạn bảo với bố mẹ và họ hàng mình ở một căn chung cư rộng rãi, có xe ô-tô đưa đón nhân viên hàng ngày, công việc nhàn hạ , tiền lương cao. Đến lúc cô, dì lên thành phố chơi mấy ngày qua nhà bạn ở cho đỡ tốn tiền khách sạn, bạn lúng túng dọn chiếc giường ở căn trọ ọp ẹp của mình. Về đến quê, mọi người bèn bàn tán, nói rằng bạn chỉ giỏi nói dối, lên thành phố có làm được trò trống gì đâu.
II. Có phải lúc nào người lớn cũng thích nghe sự thật?
Lại có anh chàng phấn đấu cật lực mấy năm, rốt cuộc cũng lên làm quản lý, mức lương trong khoảng hai, ba chục triệu. Về quê muốn chia sẻ về thành quả công việc của mình, tự đắc là phụ mà muốn gia đình tự hào là chính. Bố bèn nắm chặt tay anh dưới gầm bàn, mặt rầu rĩ nói với họ hàng, lương tháng nó được có bảy, tám triệu nuôi thân cũng chẳng xong chứ chả hiểu đỡ đần gì được bố mẹ. Khi về nhà anh không hiểu tại sao, bố bèn nói rằng, người ta mong con hạnh phúc, nhưng không hy vọng còn hạnh phúc hơn người ta. Rồi lại kể chuyện anh họ đi làm nước ngoài lương nghìn đô, về sau cứ mỗi khi họ hàng gặp chuyện gì đều sang gõ cửa ngỏ ý vay mượn. Lúc vay thì cười nói lúc trả lại cau mày than thở. Tất nhiên không phải họ hàng nào cũng thế nhưng đôi khi sự thật không hẳn là điều người lớn thích nghe.
Cũng chính bởi lý do này, khi có người chỉ ra sai sót, khuyết điểm của bạn, tâm trạng bạn sẽ trở nên không thoải mái, bất giác muốn giữ khoảng cách với người đó.
Từ trước đến nay, những người thật lòng luôn cố gắng nói lời thẳng thắn, không chút kiêng dè. Nhưng đổi lại người ta sẽ chỉ nhận lại sự khó chịu, bực mình. Cho dù mình nói đúng, người kia cũng không muốn công nhận, cho dù có nhận ra, người kia cũng tức giận vì sĩ diện và cái tôi của họ. Bởi thế, những người thành thật thường dễ đắc tội, trở nên xấu xí trong mắt người khác. Sau dần sự thật không còn là điều gì đó đẹp đẽ, những người trung thực cũng theo đó ít dần. Người ta nói với nhau những điều qua loa, vô thưởng vô phạt kiểu: cũng được, vậy là ổn rồi, cái này tạm chấp nhận được rồi.
Vậy nên người lớn nói muốn nghe lời thẳng thắn, đôi lúc cũng là nói dối.
Trên Weibo từng chia sẻ một câu chuyện thế này: “Rất lâu rất lâu trước đây, Nói Dối và Sự Thật tắm ở bên sông.Nói Dối tắm xong, mặc quần áo của Sự Thật đi mất, Chân Sự lại quyết không chịu mặc quần áo của Nói Dối. Sau này, trước mặt người khác, chỉ có những người Nói Dối mặc quần áo của Sự Thật, vì rất khó để tiếp nhận những lời nói thật trần trụi.
Nói như vậy, trái tim con người thật sự rất phức tạp.”
III. Sự thật có phải điều đẹp đẽ nhất?
Wonder Woman 1984 không phải một bộ phim suất sắc. Xem hết cả phim trừ Gal Gadot ra, người xem chả lưu lại bất cứ ấn tượng gì. Nhưng 15 phút cuối phim thật sự khiến người ta phải suy ngẫm. Diana trong sự cố gắng cuối cùng của mình đã nói rằng:
Mọi thứ đều có một cái giá. Cái giá mà tôi không chấp nhận để trả. Thế giới này là một nơi tươi đẹp và chúng ta không thể có được tất cả mọi thứ. Chúng ta chỉ có thể có sự thật mà thôi và sự thật là đủ, sự thật là điều đẹp đẽ. Vì thế hãy nhìn vào thế giới và xem những mong ước đã khiến ta mất đi cái gì… Chúng ta không phải là người duy nhất đau khổ, có người muốn thêm, có người muốn người thân quay lại, có người muốn dũng cảm hơn, không đơn độc hay sợ hãi, bất lực nữa. Không phải mỗi mình bạn mong cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi mình được yêu thương, trân trọng và chấp nhận. Nhưng điều đó, đã lấy đi của bạn điều gì? Bạn có nhìn thấy sự thật không?
Câu trả lời là có, nhưng phải rất lâu, sau khi đã lỡ làng, bỏ qua nhiều thứ rồi, chúng ta mới nhìn ra điều đó.
Trong phim Barbara Minerva thay vì sống thật với chính mình, chấp nhận bản thân thì lại mong muốn biến thành người khác, để rồi cuối cùng trở thành một con quái vật.
Ngoài đời có một cô gái vốn đã hết tình cảm với người con trai. Nhưng vì áy náy, cảm giác tội lỗi, tiếc nuối quãng thời gian đã qua, cô đã không đủ can đảm để nói lời chia tay. Kết quả là trong quá trình cố gắng duy trì tình yêu, cô gái đã có cảm xúc với người khác. Người bạn trai phát hiện ra và cảm thấy bị lừa dối, tổn thương sâu sắc. Mối tình vốn có thể kết thúc êm đẹp bằng sự trung thực và những lời chúc phúc cho nhau, nay chỉ còn lại sự phản bội xấu xí.
Ở chỗ làm có một anh nhân viên lần đầu được đề cử lên vị trí trưởng nhóm, vì sợ mất lòng mọi người nên khi gặp điều gì không hài lòng cũng đều im lặng, chất lượng công việc chưa tốt cũng chỉ tặc lưỡi cho qua, thay thế cho những góp ý thẳng thắn là một câu nói: “chắc vậy cũng được rồi.” Kết quả công việc triển khai một thời gian không hiệu quả, toàn bộ dự án bị giải thể, tất cả thành viên phải thôi việc và rời khỏi công ty.
Người viết bài đã từng có một trải nghiệm thế này. Ngày bé tôi từng nói dối là nhà mình rất giàu, nhờ đó mà bạn bè cũng chú ý đến tôi hơn. Để duy trì điều này tôi thường xuyên phải lén lấy trộm tiền của mẹ để mua quà vặt cho đám bạn, đi chơi cũng ra vẻ hào phóng chủ động trả tiền, đôi khi phải khai khống tiền học hoặc bịa ra một khoản tiêu nào đó để bòn rút thêm từ gia đình. Việc liên tục phải dùng những lời nói dối để nuôi dưỡng sự dối trá đã trở thành một áp lực lớn đối với cô bé khi đó. Kết quả là một ngày không chịu được sự dày vò trong tâm trí, tôi đã thú nhận với cả lớp. Rằng chuyện tôi là tiểu thư giàu có chỉ là sự bịa đặt, tất cả số tiền hào phóng được vung ra trước kia vốn là do nói dối bố mẹ mà có được. Trong sự ngỡ ngàng của các bạn, tôi ôm cặp chạy ra khỏi lớp.
Buổi chiều hôm đấy, hoàng hôn rực rỡ vô cùng. Theo mỗi bước chạy dưới những áng mây bồng bềnh, tôi thấy tâm hồn mình như trút được gánh nặng. Khoảnh khắc âý, nếu có hỏi xem tôi đã cảm thấy gì ? Tôi sẽ không ngần ngại nói rằng “khi đó, sự thật đối với tôi chính là điều đẹp đẽ nhất.”
#KhungHìnhKểChuyện không phải một chuyên đề review, đây là những cảm xúc tản mản, những câu chuyện ngắn được liên tưởng ngẫu nhiên theo từng bộ phim.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quyền được giám hộ và “I care a lot” – gáo nước lạnh tạt thẳng vào nhận thức
Nạn nhân không hoàn hảo
Sự thật có phải là điều đẹp đẽ nhất
Chúng ta tồn tại vì điều gì?
Nếu chúng ta có thể gọi về quá khứ
Thảo luận về bài viết