Bạn có cảm thấy rằng, sau mỗi giai đoạn căng thẳng, cân nặng đều có dấu hiệu tăng giảm bất thường? Nguyên nhân đến từ việc mỗi khi stress, có người sẽ không còn tâm trạng để ăn uống, lại có người tìm đến đồ ăn để xoa dịu muộn phiền.
Theo các nhà nghiên cứu, căng thẳng có tác động lớn tới khả năng duy trì cân nặng, và chính là kẻ thù của chúng ta trong hành trình đạt được số cân nặng như ý. Dù điều này có là do nồng độ hormone stress cortisol cao hay hệ quả của việc sinh hoạt không lành mạnh, đây vẫn là vấn đề khiến nhiều người đau đầu.
Mối liên hệ giữa Stress và Cortisol
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng chỉ số hormone stress cortisol cao có thể dẫn tới việc tăng cân. Mỗi khi bạn căng thẳng, tuyến thượng thận bắt đầu tiết ra adrenaline và cortisol. Kết quả là đường glucose (nguồn năng lượng chính của cơ thể) sẽ đi vào máu. Những phản ứng này sinh ra nhằm cung cấp năng lượng bạn cần để kích hoạt trạng thái phản ứng với sự lo lắng và sợ hãi.
Như đã nói ở trên, đường là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể mỗi khi bạn đang mỏi mệt hoặc đói. Chính vì thế, ta thường thấy thèm đồ ngọt khi stress. Tuy nhiên, việc lập tức tìm đến trà sữa, bánh kem có thể sẽ khiến cảm giác chán chường của chúng ta trở thành một vòng tròn bất tận. Khi tích quá nhiều đường, nguồn năng lượng vốn được dùng để xoá nhoà mệt mỏi có thể chuyển hoá thành những lớp mỡ cứng đầu không thể đánh bay.
Cortisol và quá trình trao đổi chất
Đáng buồn là kể cả khi không ăn thực phẩm nhiều chất béo và đường, cortisol cũng có thể làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến việc giảm cân ngày càng khó khăn. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, trung bình, những người phụ nữ trải qua nhiều căng thẳng trong vòng 24 giờ đốt ít hơn 104 calories so với những người bình thường. Điều này có thể dẫn tới việc một người có thể tăng nhiều hơn 5 kg trong một năm. Những người phụ nữ hay gặp căng thẳng cũng có nồng độ insulin – một hormone dẫn tới việc tích lại mỡ – cao hơn.
Các thói quen gây ra căng thẳng
Ngoài những thay đổi về hormone liên quan tới stress, các hoạt động sau cũng có thể dẫn tới tăng cân:
- Ăn theo cảm tính: Nồng độ cortisol tăng không chỉ khiến bạn thèm đường hơn mà còn thôi thúc mong muốn ăn nhiều hơn so với bình thường. Bạn có thể thấy việc ăn vặt hoặc ăn thêm giúp bạn giải tỏa cơn stress tạm thời, nhưng đồng thời sẽ khiến hành trình giữ dáng khó hơn.
- Tiêu thụ thực phẩm làm sẵn hoặc đồ ăn nhanh: Khi chúng ta căng thẳng và không lên kế hoạch ăn uống tử tế, ta có thể vô thức lên Grab hay Now để đặt đồ ăn, cũng như mua những bữa ăn làm sẵn ở các cửa hàng tiện lợi. Rõ ràng đây không là những lựa chọn lành mạnh nhất. Thay vì nấu một bữa ăn cân bằng và giàu dinh dưỡng, ta sẽ mang tâm trạng não nề của mình tới một cửa hàng ăn nhanh để không phải nghĩ ngợi.
- Ít vận động: Với lịch trình kín bưng từ đầu đến cuối tuần, vận động có thể là điều cuối cùng trong danh sách việc cần làm của bạn. Chưa kể đến việc ngồi hàng tiếng trước bàn làm việc hoặc thất thần trong những mối lo cũng sẽ khiến người ta ít vận động hơn.
- Bỏ ăn: Những thói quen như bỏ ăn sáng vì muộn giờ đi làm, hay quên ăn vì quá bận rộn cũng chính là nguyên nhân khiến cơ thể càng khó vào dáng hơn.
- Ngủ ít: Nhiều người cho biết họ khó ngủ hơn khi đang gặp căng thẳng. Một nghiên cứu cũng cho thấy rằng thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể càng khó giảm cân. Chưa kể, việc không ngủ đủ giấc sẽ tạo cảm giác mệt mỏi, ảnh hưởng đến tinh thần và dẫn tới các thói quen ăn uống không lành mạnh khác.
Cách để phá vòng luẩn quẩn stress và tăng cân
Khi gặp căng thẳng, chúng ta dễ dàng quên đi những thói quen sống lành mạnh. Vậy nên chúng ta cần cố gắng duy trì lịch trình hoặc hoạt động thường xuyên trong ngày, cũng như tìm các cách để giảm căng thẳng. Sau đây là một số bí kíp giúp bạn phá vòng luẩn quẩn stress và tăng cân:
- Tìm mọi cách để hoạt động thể thao. Vận động là yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu stress và kiểm soát cân nặng. Hãy dành thời gian để đi tập nhẹ nhàng trong giờ nghỉ trưa, hoặc mỗi 45 phút đứng lên đi lại một vòng trong văn phòng.
- Luyện ăn uống có ý thức. Hãy tập bỏ điện thoại ở một góc khác hoặc tắt TV mỗi khi ăn. Khi bạn tập trung ăn, bạn vừa có thể giảm căng thẳng, tránh nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Một nghiên cứu cho thấy những người phụ nữ không làm những việc khác trong bữa ăn thường có mức độ stress thấp hơn và cũng ít tích mỡ bụng hơn.
- Giữ nhật ký thức ăn. Việc kiểm soát khẩu phần ăn giúp bạn biết được mỗi món ăn có thể dẫn đến những hiện tượng nào như: đầy hơi, khó tiêu, ợ chua… Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy những người có nhật ký thức ăn có khả năng kiểm soát cân nặng tốt hơn những người không có. Bạn có thể sử dụng nhật ký giấy có phân chia thời gian ăn trong ngày, hoặc lưu lại thực đơn ăn trên phần mềm điện thoại.
- Uống nhiều nước. Chúng ta thường nhầm lẫn cơn đói và cơn khát. Nhưng nhầm lẫn hai hiện tượng cơ thể này có thể khiến bạn ăn thêm nhiều calories hơn lượng cơ thể cần và gây tăng cân. Nếu bạn cảm thấy đói sau vài tiếng khi ăn, hãy thử uống nước trước khi ăn. Nếu sau đó cơn đói vẫn không buông tha, ta có thể suy nghĩ đến việc đi lục tủ lạnh.
- Thực hiện các phương pháp giảm căng thẳng. Dù bạn thích yoga hay thấy được an ủi sau khi đọc một quyển sách hay, hãy làm thêm các hoạt động giảm stress đơn giản như thở sâu, nghe nhạc hay đi dạo.
Kết
Việc cảm thấy khủng hoảng và chán chường trong cuộc sống là điều khó tránh. Thế nhưng nếu bạn đã và đang gặp căng thẳng trong thời gian dài, hãy tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe. Để có cân nặng như ý đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa chế độ ăn uống và tập luyện. Quan trọng nhất là chính tinh thần lạc quan, thoải mái của bạn.
Theo Very Well
Có thể bạn quan tâm:
Stress ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
Millennials liệu có phải là “Thế hệ lo âu”?
#Nghĩ: Hội chứng sợ thân mật và cảm giác “mình không xứng đáng được yêu”
Thảo luận về bài viết