Phản diện nữ – nàng táo bạo, ngạo ngược, quyết đoán, thông minh, xảo quyệt, không bao giờ quan tâm ý kiến của người khác và lúc nào cũng sẵn sàng phá vỡ mọi luật lệ. Sự xuất hiện của những series như Killing Eve hay những bộ phim có vai chính là một nữ phản diện đã làm rõ hơn bao giờ hết sự say mê của chúng ta với những nhân vật “kẻ ác”, đặc biệt khi giới tính của họ là nữ. Nhưng vì đâu chúng ta lại bị cuốn hút bởi một nhân vật vốn dĩ xấu xa đến thế?
Sức hút của kẻ ác
Từ khi còn bé, chúng ta đã được giáo dục để yêu quý những anh hùng – người hiện thân cho những điều tốt đẹp – và chê ghét kẻ ác – người đại diện cho những thứ xấu xa. Trong mắt trẻ con, thế giới được chia rõ thành phe thiện và phe ác. Và con người thì sẽ luôn hướng về cái thiện.
Tuy vậy, khi lớn lên, cái nhìn của chúng ta về các nhân vật phản diện trong các câu chuyện và các bộ phim lại thay đổi. Thậm chí rất nhiều người còn không ngại ngần tuyên bố rằng nhân vật yêu thích của họ là một kẻ phản diện. Với họ, ngắm nhìn Hoàng Tử Tội Phạm thực hiện những trò xấu xa mang đến nhiều cảm xúc hơn hẳn nhìn Kỵ Sĩ Bóng Đêm ra tay giải cứu người bị nạn. Là do chúng ta nhận ra “hóa ra phản diện cũng không tệ đến thế”, hay vì ta có xu hướng xấu tính hơn khi trở thành người lớn?
Abraham Maslow – nhà tâm lý học nổi tiếng với mô hình Tháp nhu cầu Maslow – nhận thấy rằng nếu những nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất của con người không được đáp ứng, họ sẽ gặp khó khăn trong việc trở nên một con người tốt hơn, theo đuổi những thứ tích cực, những giá trị nằm trong những bậc cao hơn của tháp nhu cầu.
Ngoài ra, theo cha đẻ của trường phái tâm lý học phân tích, Carl Jung, để có thể trở thành một con người trưởng thành cả về thể chất lẫn tâm lý, chúng ta cần đương đầu và hiểu được bản chất tiềm ẩn của chính mình, cả tốt và xấu.
Không chỉ mỗi Dr Jekyll mà ai cũng có cho riêng mình một Mr Hyde xấu xí.
Dr Jekyll and Mr Hyde
Có nhiều cách để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu, cũng như để chúng ta đối diện với “mặt tối” của bản thân mình. Những rào cản về mặt đạo đức và pháp luật ngăn chúng ta công khai ủng hộ cái xấu, cũng như trở thành một người xấu. Do đó, yêu thích một nhân vật phản diện được xem là “giải pháp thay thế” tuyệt vời.
Nhà sinh lý học Ivan Pavlov và chuyên gia tâm lý, hành vi học B. F. Skinner cho rằng, đối với chúng ta, nhân vật phản diện đại diện cho sự tự do, tinh thần độc lập, tính chân thật. Họ làm bất cứ điều gì họ muốn, không ngại ngần bộc lộ những mặt tối trong mình ra với thế giới bên ngoài. Họ làm những thứ ta “ước gì mình cũng có thể”. Nói cách khác, nhân vật phản diện có tác dụng như một tấm gương, giúp ta soi chiếu những mặt lẩn khuất của chính mình.
Lý do tiếp theo, đó là có phản diện thì mới có anh hùng. Con người vẫn yêu thích hình tượng anh hùng và mô típ người tốt chiến thắng (nhưng có lẽ ít hơn ngày bé một chút). Để có một nhân vật người hùng đủ thuyết phục và để chiến thắng của họ để lại ấn tượng đủ sâu, chúng ta cần một phản diện được xây dựng đủ tốt. Liệu chúng ta có còn yêu thích Batman nhiều như bây giờ, nếu anh chưa từng đối diện với Joker? Liệu nhóm Avengers có để lại nhiều cảm xúc cho người xem đến thế, nếu họ không gặp những đối thủ xứng tầm như Thanos?
Chúng ta không có xu hướng trở nên xấu tính hơn. Chỉ là cách nhìn nhận thế giới của chúng ta khác đi so với ngày bé. Ngoài những mảng màu đen-trắng rạch ròi, cuộc sống còn đầy những khoảng xám. Và những kẻ ác trên màn ảnh là những nhân vật được khéo léo xây dựng để vừa có thể hòa lẫn vừa có thể rõ ràng hiện lên trên chính những mảng xám ấy.
Điều gì hấp dẫn hơn một phản diện? Chính là một nữ phản diện
Hầu hết các nữ diễn viên đều thừa nhận rằng vào vai một nữ ác nhân thú vị hơn một nhân vật tốt bụng. Người xem cũng thế. Bình thường đã thích phản diện, nhưng chúng ta dường như lại càng ưu ái những vai nữ phản diện hơn.
Nguyên do có thể do phản diện nữ là một hình tượng đối nghịch trực tiếp của bánh bèo yếu đuối – một lối mòn hay thấy trong cách xây dựng nhân vật giới tính nữ trên màn ảnh. Nữ phản diện mang lại cho khán giả cảm giác cân bằng sau khi đã chứng kiến quá nhiều những nhân vật giới tính nữ dư thừa tươi sáng và thiếu thốn sự chủ động cần thiết.
Không còn là nàng công chúa trò chuyện cùng chim muông chờ đợi tình yêu chân thật từ hoàng tử, không còn là những người vợ ở lại phía sau làm nền, hy sinh cuộc đời mình để nhân vật khác có cơ hội tiến lên, phản diện nữ đầy tự tin và táo bạo trên con đường làm chủ số phận của mình, thậm chí không ngại ngần xoay chuyển luôn số phận kẻ khác.
Ngoài ra, phản diện nữ hay được đặt trong bối cảnh một xã hội không cổ vũ hoặc không khuyến khích những người có tính cách như họ. Nàng thách thức tất cả những ý tưởng mặc dù đã lỗi thời nhưng vẫn còn rất phổ biến về những gì mà “một người phụ nữ nên có”.
Là phụ nữ, bạn sẽ nhẹ nhàng, chu đáo, thấu hiểu. Bạn cũng nên quan tâm đến tri thức, thông minh, có tham vọng. Nhưng đến lúc cần thiết, thì bạn cần trông đẹp đẽ, sức sống căng tràn, thần thái ngời ngời như những thiên thần đang sải bước trên sàn runway của Victoria’s Secret vậy. Đó là những gì mà phần lớn mọi người trong xã hội, kể cả xã hội ngày nay, trông đợi ở bạn, trong vai trò một người phụ nữ.
Phụ nữ thì chu đáo, quan tâm, nhẹ nhàng? Có lẽ bạn đã quên Aunt Lydia trong The Handmaid’s Tale rồi.
The Handmaid’s Tale (2017)
Nữ phản diện thì không thế. Nàng là hiện thân của những quy tắc bị phá vỡ. Nàng không quan tâm đến bất cứ ai trong một môi trường yêu cầu nàng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của chính mình. Phản diện nữ thường là người duy nhất “dám” tiến lên trong một xã hội nơi phụ nữ bị cản trở bởi cảm giác bất an và thiếu tự tin vào bản thân mình.
Bằng cách này, định nghĩa “phản diện nữ” có phần uyển chuyển hơn, không nhất thiết phải liên quan đến yếu tố bạo lực, tàn ác, thâm độc,… như phản diện nam. Đây cũng là lý do khiến khán giả dễ thích và thông cảm với phản diện nữ hơn.
Trong đời mỗi người đều có một Regina George. Dưới sự thể hiện tuyệt vời của Rachel McAdams, nhân vật này đã được xem là hình mẫu biểu tượng của tuýp nhân vật queen bee học đường
Mean Girls (2004)
Trên màn ảnh hay trong đời thực, phụ nữ vẫn thường là nạn nhân, là đối tượng chịu bất công khi tiếng nói của nam giới được phần đông xem trọng hơn. Ý tưởng về những người phụ nữ có quyền lực, có sức mạnh và không ngại ngần dùng nó để đạt được mục đích khiến khán giả thích thú.
Trong bối cảnh rất nhiều bạo lực và tội ác chống lại phụ nữ bị che giấu, bị bỏ mặc, ngó lơ, thì hình tượng phản diện nữ là hiện thân của ý thức công lý. Dù cho ý thức đó có phần méo mó và cách nó được thực thi mang lại nhiều hệ quả khác nhau, nhưng nhiều người vẫn lấy đó làm “hả dạ”.
Khán giả thích thú khi biết hóa ra người góp phần không nhỏ vào những chiến công của Odin, “cánh tay phải” của ông, hóa ra lại là một người phụ nữ.
Thor: Ragnarok (2017)
Giết người không gớm tay, thế nhưng O-ren Ishii (Lucy Liu) vẫn chiếm cảm tình của khán giả vì tài năng và ý chí quyết liệt của mình.
Kill Bill: Volume 1 (2003)
Một lý do nữa khiến khán giả không thể không yêu những nhân vật nữ phản diện, đó là mặc dù “bận” độc ác, nhưng họ vẫn không quên xinh đẹp. Rộng hơn, họ không biến mình thành đàn ông, không chối bỏ những gì được xem là “nữ tính”.
Villanelle (Jodie Comer) không cần một bộ đồ đen bó sát để đi đâm vào mắt người ta. Trái lại, nàng chọn cho mình chiếc đầm Molly Goddard màu hồng phấn với những lớp tulle nhẹ nhàng bay bổng.
Killing Eve (2018)
Cersei Lannister (Lena Headey) có thể là một kẻ cuồng tín đam mê quyền lực, nhưng đồng thời bà ta cũng là một người mẹ yêu thương và hết lòng bảo vệ con cái của mình.
Game of Thrones (2011)
Những nhân vật nữ phản diện cũng đa dạng và được thể hiện phong phú hơn nam phản diện. Sarah Michelle Gellar trong Cruel Intentions hay Sharon Stone trong Basic Instinct là một ví dụ. Không bạo lực, không hung ác, những nhân vật phản diện này rất giỏi thao túng, đồng thời nắm bắt và tận dụng điểm yếu của kẻ khác để đạt được mục đích của mình.
Tất nhiên, không thiếu những nhân vật nữ “ác thật sự”, những kẻ điên loạn, khát máu, không ngại sử dụng bạo lực hay những chiêu trò tra tấn dã man nhất với nạn nhân của mình, dù là thể xác hay tinh thần.
Khán giả có thể ghê sợ một cô vợ như Amy Dunne (Gone Girl), một mụ y tá như Ratched (One Flew Over the Cuckoo’s Nest), hay một người phụ nữ Serena Joy (The Handmaid’s Tale), nhưng sau rất nhiều những nhân vật phản diện nam với tính cách tương tự thì những nữ phản diện “ác thật sự” vẫn là một món mới, khơi lên sự thích thú nơi khán giả.
Serena Joy (Yvonne Strahovski) – The Handmaid’s Tale (2017) Y tá Ratched (Louise Fletcher) – One Flew Over The Cuckoo’s Nest (1975) Amy Dunne (Rosamund Pike) – Gone Girl (2014)
Phản diện nữ – Đừng sợ hãi khi làm những gì mình muốn
Phụ nữ đã, đang, và có lẽ sẽ còn tiếp tục là đối tượng chịu nhiều bất công trong xã hội. Phản diện nữ mặc dù được xem là hình tượng “trong mơ”, mạnh mẽ chống lại tất cả những gì tiêu cực mà cuộc đời thực mang đến cho phụ nữ, thế nhưng bản thân nàng không phải là một “kẻ ác hoàn hảo”.
Harley Quinn (Margot Robbie) có thể không ngại ngần vung gậy giết chết người khác, nhưng chẳng mấy ai biết được quá khứ bị ruồng bỏ của nàng.
Suicide Squad (2017)
Với những người dân trong vương quốc, Maleficent (Angelina Jolie) là mụ phù thủy độc ác. Chẳng ai biết trong quá khứ, Maleficent từng là một người như thế nào.
Maleficent (2014)
Phản diện nữ không phải siêu anh hùng, càng không phải siêu ác nhân. Nàng đơn giản là một con người không phản bội lại lời cam kết luôn là chính mình, cho dù cái “chính mình” của nàng có bị xã hội phản đối đến đâu. Tất nhiên chúng ta không xem phim hay hâm mộ một nhân vật nào đó để trở thành người xấu như họ. Nhưng trong một xã hội nơi mỗi người và mỗi hành vi đều có nguy cơ trở thành mục tiêu dò xét, tấn công, thì hình tượng phản diện nữ là lời “mời gọi” vô cùng hấp dẫn, rằng hãy cứ làm những gì mình muốn, và trên hết, hãy là chính mình.
#KhungHìnhKểChuyện không phải một chuyên đề review, đây là những cảm xúc tản mản, những câu chuyện ngắn được liên tưởng ngẫu nhiên theo từng bộ phim.
Xem thêm:
Quyền được giám hộ và “I care a lot” – gáo nước lạnh tạt thẳng vào nhận thức
Sự thật có phải là điều đẹp đẽ nhất
Nếu chúng ta có thể gọi về quá khứ
Thảo luận về bài viết