Hiệu ứng Pygmalion (Pygmalion Effect) là một hiệu ứng tâm lý cho thấy: Hiệu suất và kết quả làm việc của cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của người khác. Ví dụ như kỳ vọng của sếp vào nhân viên cao có thể giúp cho khả năng làm việc của người đấy tốt hơn. Chưa hết, hiệu ứng Pygmalion còn cho rằng những gì chúng ta mong đợi vào người khác còn ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với họ.
Nguồn gốc thần thoại của hiệu ứng Pygmalion
Hiệu ứng Pygmalion (cũng được gọi là hiệu ứng Rosenthal) được nhà khoa học Rosenthal đặt theo tên nhà điêu khắc Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp. Pygmalion đã tạo ra một bức tượng ngà khắc họa người phụ nữ lý tưởng của mình và đặt tên là Galatea. Ngày ngày, Pygmalion bầu bạn, âu yếm bên bức tượng và đem lòng yêu “nàng” sâu sắc. Khi lễ hội cầu Thần Tình yêu Aphrodite diễn ra, Pygmalion đã cầu xin Nữ thần ban cho Galatea sự sống. Cảm động trước tình yêu chân thành và tài năng của nhà điêu khắc, nữ thần Aphrodite hóa phép cho bức tượng biến thành người thật. Pygmalion và Galatea nên duyên vợ chồng và hai người sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Thần thoại trên dường như cho thấy, khi chúng ta mong đợi điều gì thì có thể làm tăng khả năng việc đó sẽ diễn ra. Nói cách khác, hiệu ứng này được coi là lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy).
*Self-fulfilling prophecy là sự dự đoán trực tiếp hay gián tiếp, biến kỳ vọng đó thành hiện thực nhờ tác động tích cực giữa niềm tin và hành động.
Bài kiểm tra trong đời thực
Vào năm 1964, nhà khoa học Robert Rosenthal cho rằng hiện thực có thể thay đổi tích cực hoặc tiêu cực dựa vào sự mong đợi của chúng ta dành cho người khác. Ông thấy rằng kỳ vọng tích cực sẽ mang lại hiệu suất tốt, trong khi đó kỳ vọng tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả.
Rosenthal quyết định chứng minh nhận định của mình thông qua một bài kiểm tra IQ tại một trường tiểu học ở California. Sau bài kiểm tra, giáo viên sẽ không được nhận kết quả, thay vào đó Rosenthal sẽ chỉ thông báo tên của 20% học sinh ngẫu nhiên có “tiềm năng phát triển trí tuệ vượt bậc”. Khi năm học kết thúc, những học sinh của trường tiểu học trên được làm bài kiểm tra một lần nữa. Lúc này, những em có tên trong danh sách 20% của Rosenthal đều có kết quả học tập cao hơn đáng kể sao với bài kiểm tra 8 tháng trước, đặc biệt là những em học lớp 1 và lớp 2.
Bài kiểm tra này cho thấy kỳ vọng là một yếu tố góp phần dẫn đến kết quả của học sinh, cụ thể là những em nhỏ tuổi. Rosenthal tin rằng những yếu tố khác như tâm trạng hay thái độ của giáo viên cũng có thể ảnh hưởng đến học sinh.
Ngoài ra, giáo viên cũng có xu hướng quan tâm hơn đến những đứa trẻ trong danh sách 20% này. Các em sẽ được đối xử khác hơn, dù dấu hiệu không quá rõ ràng. Sự đối xử khác này bao gồm việc được chú ý kỹ càng hơn, và có những phản hồi cụ thể hơn tới phụ huynh.
Trong bài viết đăng trên American Psychologist vào tháng 11/2003, Rosenthal sau đấy tóm gọn hiệu ứng Pygmalion/Rosenthal là “một hiện tượng, trong đó sự kỳ vọng của một đối tượng dành cho người khác có thể dẫn đến một lời tiên tri tự ứng nghiệm”.
Giai đoạn của hiệu ứng Pygmalion
Theo Rosenthal, hiệu ứng Pygmalion hoạt động theo cơ chế vòng tròn 4 giai đoạn:
1. Niềm tin và kỳ vọng của một người ảnh hưởng đến hành động của họ với người khác
2. Những hành động này sẽ tác động đến niềm tin và kỳ vọng mà một người có về chính họ
3. Những niềm tin này ảnh hưởng đến sự thể hiện của một người
4. Từ đấy niềm tin và kỳ vọng ban đầu sẽ được chứng minh là đúng
Cách áp dụng hiệu ứng Pygmalion trong đời sống
Hiệu ứng Pygmalion không chỉ giới hạn ở trong môi trường lớp học, mà còn có thể ứng dụng cả trong môi trường làm việc. Cần lưu ý rằng hiệu ứng này là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy nhân viên và học sinh. Nếu người lãnh đạo tin rằng mỗi nhân viên đều có khả năng đóng góp tại nơi làm việc, đồng thời truyền đi thông điệp đó thì vô thức sẽ tạo nên tác động đến hiệu suất làm việc của nhân viên.
1. Nhận thức về kỳ vọng
Những kỳ vọng về một người ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta đối với họ. Khi chúng ta nhận thức được sự tồn tại của nó, chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ và hành động của mình.
Cần lưu ý rằng ai cũng có kỳ vọng khác nhau, thang giá trị của người này sẽ khác người kia. Vì vậy, thay vì “săm soi” điểm yếu của mọi người, chúng ta nên nhìn vào mặt tích cực và tiềm năng của họ. Chủ động nhận thức kỳ vọng của mình với những người xung quanh cũng như ngăn cản việc chúng ta có cách hành xử tiêu cực với họ.
2. Nhìn nhận những điểm tích cực
Chúng ta có thể vô thức có kỳ vọng thấp về ai đó, từ đấy dẫn đến khó khăn khi đặt niềm tin vào họ hoặc tự thay đổi cách ứng xử. Nếu chúng ta nhận ra vấn đề từ mình, trao đổi về những mặt tốt họ có, kỳ vọng có thể nâng cao theo thời gian. Điều này sẽ tạo động lực cho những người xung quanh và “mở khóa” khả năng tiềm tàng của họ.
3. Tạo ra thách thức
Khi đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta sẽ cảm thấy thành công. Nhân viên cấp dưới cũng có thể cải thiện khả năng của mình khi hoàn thành những dự án khó nhằn. Nếu nhận được những thách thức hợp lý, màn thể hiện của nhân viên thậm chí có thể vượt xa những gì chúng ta và chính họ mong chờ.
Bằng việc đặt ra những đầu việc có phần vượt quá kỳ vọng của chúng ta về nhân viên, đồng thời cổ vũ họ, nhân viên sẽ đặt mọi tâm sức vào để hoàn thành công việc.
4. Sử dụng ngôn ngữ tích cực
Dù có tin vào tiềm năng của người khác hay không, ta cũng cần hiểu rằng hạ thấp một người không giúp họ cải thiện được tình hình. Hãy tránh những câu nói như, “Tôi nghĩ bạn có thể không làm được điều này”, hay “Bạn có thể cứ thử không?” đều sẽ bị nhìn nhận một cách tiêu cực. Những câu nói như vậy cho thấy ta đang thiếu niềm tin cũng như không đặt nhiều kỳ vọng vào một người.
Tuy nhiên, thông qua việc khen ngợi và chỉ ra những điểm mạnh họ sở hữu, chúng ta có thể cho người đó thấy thấy mình đang có niềm tin vào họ. Qua đó giúp môi trường làm việc tích cực, thoải mái hơn.
5. Sử dụng phản hồi
Dù người đó là là sinh viên, nhân viên hay những mối quan hệ bên ngoài cuộc sống, ai cũng phải nhớ rằng phản hồi là cách tốt nhất để mỗi cá nhân phát triển. Một trong những mặt tiêu cực của hiệu ứng Pygmalion là việc chúng ta thiếu sự quan tâm và kiên nhẫn với những người nằm trong nhóm “kỳ-vọng-thấp”, hoặc tạo ra những kỳ vọng không thực tế cho mọi người. Do đó, hãy hạn chế việc không đưa ra phản hồi cho một ai đó vì thấy rằng điều này không không cần thiết, hoặc cảm thấy “có thể họ sẽ không làm được gì to lớn hơn cả”.
Thay vì để những kỳ vọng thấp của chúng ta trở thành hiện thực, hãy cho người kia cơ hội để phát triển và thay đổi, và hy vọng rằng kỳ vọng đó của mình là sai.
Theo Boyce Wire
Có thể bạn quan tâm:
#NgườiLớnĐiLàm: 15 tips để thành “siêu nhân” trong công việc
#NgườiLớnĐiLàm: Tôn trọng những khác biệt tính cách
#NgườiLớnĐiLàm: Bữa ăn trưa ở công ty nói gì về bạn?
Thảo luận về bài viết