Theo như báo cáo thường niên về tình hình dân số thế giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), 20 quốc gia trên thế giới vẫn cho phép những kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân của họ để tránh khỏi việc bị truy tố hình sự.
Nga, Thái Lan và Venezuela là một trong những quốc gia cho phép đàn ông thoát tội hiếp dâm nếu họ kết hôn với nạn nhân mà họ đã hành hung.
Tiến sĩ Natalia Kanem – Giám đốc điều hành của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cho rằng những đạo luật như vậy là “hoàn toàn sai trái” và là “một cách để khuất phục người phụ nữ.”
Việc người phụ nữ có quyền từ chối hay không không được bao gồm trong đạo luật này. Luật “Kết hôn với kẻ hiếp dâm” đã vô tình chuyển gánh nặng tội lỗi sang những nạn nhân, đồng thời cố gắng xóa bỏ một tình huống phạm tội.
Tiến sĩ Natalia Kanem cho biết
Dima Dabbous – Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Equality Now khu vực Trung Đông và châu Phi, có nghiên cứu được trích dẫn trong báo cáo của UNFPA, cho biết: luật đã phản ánh một nền văn hóa xem thường khả năng tự chủ của người phụ nữ về thể xác, cho rằng “[họ] là một loại tài sản của gia đình.” Đó là một cách tiếp cận lạc hậu đối với tình dục và danh dự của phái nữ.
Bà cũng thẳng thắn chia sẻ rằng thật sự khó để thay đổi những đạo luật này – nhưng nhấn mạnh “không có nghĩa là không thể”.
Dabbous đã lấy dẫn chứng là đất nước Maroc. Bà kể về sự việc quốc gia này phải bãi bỏ luật “Kết hôn với kẻ hiếp dâm” sau làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ của quần chúng – phản ứng trước việc một người phụ nữ trẻ đã tự sát sau khi cô bị buộc phải kết hôn với kẻ xâm phạm mình.
Jordan, Palestine, Lebanon và Tunisia là những quốc gia có quyết định tương tự ngay sau đó.
Tuy nhiên, khác với những nước trên, Kuwait vẫn cho phép kẻ gây án kết hôn với nạn nhân của mình với sự cho phép của người giám hộ.
Ở Nga, nếu thủ phạm đủ 18 tuổi và thực hiện hành vi giao cấu với trẻ tuổi vị thành niên dưới 16 tuổi, người đó sẽ được miễn án phạt nếu kết hôn với nạn nhân.
Tương tự như thế đối với Thái Lan. Tại đất nước chùa vàng, hôn nhân cũng được coi là giải pháp thoát tội hiếp dâm nếu thủ phạm trên 18 tuổi và nạn nhân trên 15 tuổi “đồng thuận” với hành vi giao cấu và được tòa án cho phép kết hôn.
UNFPA cho biết, các luật và tập quán về hôn nhân – khiến người phụ nữ trở thành “cửa dưới” trong xã hội, là những điều lệ vốn đã được áp dụng lâu đời và phổ biến, nên rất khó để “diệt tận gốc.” Cũng theo tổ chức phi chính phủ này, hiện nay trên thế giới có 43 quốc gia không có luật hình sự hóa hiếp dâm trong hôn nhân.
Không chỉ đơn thuần được quyết định hôn nhân của mình, báo cáo của UNFPA còn cho biết sự việc còn đi xa hơn thế khi những quyền lợi khác của phụ nữ và bé gái, người khuyết tật và những người có xu hướng tính dục đa dạng cũng bị kìm hãm một cách vô lý.
Theo đó, báo cáo tập trung vào quyền tự chủ cơ thể – là khả năng đưa ra những quyết định về cơ thể của chủ thể mà không bị bạo lực hoặc ép buộc. Đồng thời, tổ chức cũng nhấn mạnh rằng, gần một nửa số phụ nữ (45%) ở 57 quốc gia bị từ chối quyền được nói “có” hoặc “không” với quan hệ tình dục, cũng như với việc sử dụng biện pháp tránh thai hoặc quyền tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe.
Ở Mali, Niger và Senegal, hiện trạng này hết sức đáng báo động. Có ít hơn 1 trên 10 phụ nữ được tự quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, phòng tránh thai và quan hệ tình dục với bạn đời của họ.
Kanem cho biết, về bản chất xã hội tồn tại hàng trăm triệu phụ nữ và trẻ em gái không có quyền sở hữu cơ thể của chính mình, cũng như không thể đưa ra quyết định của bản thân về việc quan hệ, sử dụng biện pháp tránh thai hay tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cuộc sống của họ bị chi phối bởi những người khác.
Hơn 30 quốc gia hạn chế quyền tự do bên ngoài của người phụ nữ. Trẻ em gái và trai khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực tình dục cao hơn gần ba lần – và các bé gái có nguy cơ cao nhất.
Chìa khóa để cải thiện quyền tự chủ của cơ thể không gì hơn chính là giáo dục. Song song với đó, luật pháp cũng cần phải được thay đổi, đồng thời các chuẩn mực xã hội đối với các giới cũng cần cân bằng hơn.
Việc từ chối quyền tự chủ về cơ thể của một cá nhân là hành vi vi phạm quyền con người cơ bản của các nạn nhân bị hiếp dâm. “Điều này chẳng khác gì sự hủy diệt linh hồn của một người, và nó phải dừng lại”, Kanem khẳng định.
Nguồn: The Guardian
Thảo luận về bài viết