Chronotype, hay thời điểm sinh học, của mỗi người liên quan đến chu kỳ thức – ngủ, thời điểm tỉnh táo và hiệu quả nhất trong ngày.
Chronotype được nghiên cứu dựa vào chiều dài của gen PER3 (một mã gen liên quan đến hội chứng rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn), cũng như một số yếu tố khác như giới tính, tuổi tác, môi trường sống. Yếu tố này cũng ảnh hưởng đến hormone, quá trình trao đổi chất, nhiệt độ cơ thể, thói quen ăn uống, đời sống tinh thần,…
Việc nhận biết kiểu thời gian sinh học giúp bạn xác định thời điểm nào bản thân làm việc năng suất nhất, thường uể oải vào khi nào, liên kết thời gian ngủ thức với sức khỏe tinh thần. Từ đó điều chỉnh hoạt động theo đồng hồ sinh học của mình.
Thông thường sẽ có nhóm người buổi sáng và nhóm người nửa đêm, hay “chim sớm” chiện và “cú đêm”. Ngoài ra, còn có bốn kiểu chronotype khác tương ứng với bốn con vật là gấu, sói, sư tử và cá heo.
Tuy nhiên, cần biết rằng, chronotype không phải lúc nào cũng cố định theo bốn nhóm dưới đây mà vẫn thay đổi do chất hóa học trong não, môi trường sống và nhiều yếu tố tác động.
Cho dù xác định được mình thuộc nhóm chronotype nào thì đó cũng chỉ là công cụ hỗ trợ bạn xây dựng một lối sống phù hợp và lành mạnh, nhưng đa phần thì vẫn dựa vào tình hình thực tế và quyết tâm của bản thân khi theo đuổi lối sống đó.
Gấu (The Bear Chronotype)
Nhóm gấu hoạt động theo chu kỳ chuyển động của mặt trời – nghĩa là chúng sẽ thấy tỉnh táo, sảng khoái và làm việc hiệu quả nhất vào buổi sáng. Từ 2 giờ trưa đến 4 giờ chiều là khoảng thời gian mà “gấu” lờ đờ và uể oải nhất trong ngày.
Thời gian hoạt động hợp lý:
7:00 – 8:00: Thức dậy
10:00 – 14:00: Tập trung làm việc, ưu tiên xử lý công việc khó
14:00 – 16:00: Làm việc nhẹ nhàng, thong thả
16:00 – 22:00: Thời gian cho bản thân trước khi đi ngủ
22:00 – 7:00: Ngủ
Một số thông tin khác:
55% dân số trên thế giới thuộc nhóm “the bear chronotype”.
Đa số là những con gấu hướng ngoại.
Dễ ngủ và thức dậy đúng giờ.
Nếu tối hôm trước, gấu ngủ muộn và không được ngủ đủ 8 tiếng, ngày hôm sau nó sẽ là một con gấu vật vờ và cần được đi ngủ sớm.
Sói (The Wolf Chronotype)
Nhóm sói hoạt động năng suất nhất vào buổi tối. Buổi sáng, chúng cần nạp năng lượng trước khi dành thời gian để hoạt động hết công suất vào chiều tối. Giống như “cú đêm”, nhóm sói sẽ không thể tỉnh táo suốt cả ngày mà chỉ thật sự bùng nổ vào tối muộn.
Thời gian hoạt động hợp lý:
7:30 – 9:00: Thức dậy
10:00 – 12:00: Khởi động bằng những hoạt động nhẹ nhàng
12:00 – 14:00: “Đốt” năng lượng đợt đầu tiên trong ngày
14:00 – 17:00: Là những hoạt động nhẹ nhàng, ít căng thẳng
17:00 – 21:00: Thời điểm “vàng” để sáng tạo
21:00 – 22:00: Thư giãn sau một ngày dài
22:00 – 24:00: Thời gian cho bản thân trước khi đi ngủ
24:00 – 7:30: Ngủ
Một số thông tin khác:
Khoảng 15% dân số thuộc nhóm “the wolf chronotype”.
Thông thường, đây là những con sói hướng nội, kín đáo và sáng tạo.
Sư tử (The Lion Chronotype)
Nhìn chung, chronotype của sư tử và gấu khá giống nhau, đều là những đối tượng thiên về hoạt động buổi sáng. Tuy nhiên, thời gian của sư tử sẽ đẩy sớm lên một chút so với gấu – ví dụ như dậy sớm hơn, ngủ sớm hơn, nghỉ ngơi sớm hơn, v.v.
Thức dậy từ sớm tinh mơ đối với sư tử là một cách để hưởng thụ một ngày mới. Phần lớn nhóm người này sẽ đốt hết năng lượng của mình vào trước giờ trưa, vì thế một chút chợp mắt giữa ngày là điều cần thiết cho họ. Và cứ thế đến cuối ngày là khi sư tử “về chuồng” sau một ngày mệt mỏi.
Thời gian hoạt động hợp lý:
6:00 – 7:00: Thức dậy.
8:00 – 12:00: Tập trung giải quyết việc khó nhằn trước
12:00 – 16:00: Làm những công việc nhẹ nhàng, đơn giản
16:00 – 21:00: Thư giãn sau một ngày dài
21:00 – 22:00: Thời gian cho bản thân trước khi đi ngủ
22:00 – 6:00: Ngủ
Một số thông tin khác:
Khoảng 15% dân số là “the lion chronotype”.
Sư tử thích dậy sớm tập thể dục.
Sư tử thích làm “chúa tể rừng xanh” – nói cách khác là tuýp người lãnh đạo.
Cá heo (The Dolphin Chronotype)
Trên thực tế, bộ não trong lúc ngủ của cá heo sẽ có một nửa nghỉ ngơi và một nửa thức. Như vậy, chúng sẽ tăng mức độ cảnh giác trước thú săn mồi.
Còn ở người, nhóm “the dolphin chronotype” thường có thời gian ngủ ít (khoảng 6, 7 tiếng) và/hoặc gặp một số triệu chứng liên quan đến giấc ngủ (khó ngủ, hay thao thức, trằn trọc, ngủ không đủ giấc,…). Và nhóm người này có thói quen ngủ “rời rạc”, xem việc đi ngủ như một điều cần thiết để họ nạp năng lượng – chứ không phải vì bản thân mong muốn.
Cá heo gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng, nhưng khi đã bắt đầu, năng suất của họ sẽ đạt đến đỉnh điểm vào khoảng giữa ngày.
Thời gian hoạt động hợp lý:
6:30 – 7:30: Thức dậy
8:00 – 10:00: Khởi động bằng những việc nhẹ nhàng
10:00 – 12:00: Tập trung giải quyết công việc khó
12:00 – 16:00: Hoàn thành nốt những việc đơn giản
16:00 – 10:00: Thư giãn và dành thời gian cho bản thân
10:00 – 11:30: Chuẩn bị để đi ngủ
12:00 – 6:30: Ngủ
Một số thông tin khác:
Khoảng 10% dân số là “the dolphin chronotype”.
Cá heo rất thông minh, cá heo không có hứng thú tương tác xã hội.
Việc gì cá heo đều xuất sắc, trừ ngủ.
Nguồn: Casper
Xem thêm:
#NgườiLớnĐiLàm: Bạn là “chim sớm” hay là “cú đêm”?
7 kiểu nghỉ ngơi để nạp đầy năng lượng trong mùa Tết
Tại sao Thứ Hai lại đáng sợ?
Thảo luận về bài viết