Khi đang tận hưởng không khí vui vẻ của bữa tiệc, bạn bất chợt bắt gặp người yêu mình đang nói chuyện với người khác. Đột nhiên, máu nóng trong người bạn sôi lên và trong đầu xuất hiện một tấm biển cảnh báo: “Có đối tượng đang tiếp cận người yêu mình.” Trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì? Để sự ghen tuông chiếm lấy và hành xử một cách hung hăng, hay bình tĩnh tìm hiểu sự việc và tự khắc phục cảm xúc tiêu cực này?
Ghen tuông trong tình yêu không phải điều gì đó quá xa lạ. Tuy nhiên nếu vượt khỏi tầm kiểm soát, cảm xúc này có thể phá hoại mối quan hệ và gây ra những tác động xấu tới tinh thần của mỗi người. Việc khuyên nhủ ai đấy đừng ghen tuông giống như bảo họ đừng cảm thấy buồn nôn nữa. Đây là những cảm xúc tự nhiên, có cường độ và tác động khác nhau tới mỗi cá nhân.
Theo Kathy Labriola, cố vấn quan hệ và tác giả của cuốn The Jealousy Workbook (Tạm dịch: Ghi chú về ghen tuông), cảm giác theo bản năng này tồn tại từ khi con người vẫn còn là động vật. Trong quá khứ, nam giới sẽ luôn tìm cách để bảo vệ vợ mình khỏi sự nhòm ngó của những người đàn ông khác. Tương tự như thế, phụ nữ cũng sẽ tìm cách giữ chặt người đàn ông của mình để đảm bảo anh ta sẽ chỉ chu cấp và bảo vệ họ. Đó là lý do tại sao mà trí não con người dù đã ngày càng lý trí hơn, cảm giác ghen tuông vẫn tồn tại đến tận ngày nay – đặc biệt là trong tình yêu.
Bạn đang ghen tuông hay ghen tị?
Để kiểm soát cơn ghen, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ về nó. Ghen tuông là khi bạn thấy người yêu mình đang vui vẻ với những đối tượng “khả nghi” – kẻ mà có vẻ đang muốn quyến rũ người ta yêu. Như một bản năng tự nhiên, ta sẽ có những hành động cảnh báo hoặc gửi tín hiệu đến người kia để họ nhận ra và tránh xa người yêu mình. Cảm giác ghen tuông cũng sẽ xảy ra khi bạn sợ rằng mình sẽ mất đi một điều quan trọng, có ý nghĩa với mình.
Trong khi đó, cảm giác ghen tị đến từ sự chênh lệch đẳng cấp, địa vị,… Chẳng hạn, ta có thể ghen tị với người khác vì họ luôn mặc những bộ quần áo sành điệu và đắt tiền. Cảm xúc này khác với sự ghen tuông, bởi ta sẽ biết mình sẽ không mất đi bất cứ điều gì và bản thân có khả năng sở hữu những thứ gây ra sự đố kị.
Điều gì dẫn tới việc ghen tuông?
Ghen tuông không chỉ đơn thuần là một cảm giác, nó là sự pha trộn của rất nhiều suy nghĩ tiêu cực. Những cảm xúc đó bao gồm: sự bất an, tức giận và nỗi buồn. Phụ nữ thường ghen tuông vì sợ hãi và lo âu, trong khi đó đàn ông thường cảm thấy ghen vì tức giận. Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này là nhận biết được ta đang trải qua những cảm xúc nào.
Kitty Chambliss, huấn luyện viên quan hệ và tác giả của cuốn sách The Jealousy Survival Guide đã nói, “Bạn phải đặt ra cho mình những câu hỏi thật rõ ràng. Nhiều khi, chúng ta sẽ nhìn một người, so sánh mình với người đó và nói rằng: “Tôi cảm thấy ghen tuông”. Vậy nên điều quan trọng để kiểm soát sự nóng giận chính là đặt ra các câu hỏi cho bản thân, đồng thời hiểu rõ cảm xúc thật sự của mình.
Làm thế nào để biết sự bực tức đến từ đâu?
Tìm ra nguồn gốc của cơn ghen có thể giúp ta giải quyết nó. Huấn luyện viên hẹn hò Chuck Rockey cho rằng, “Cảm xúc này có thể bắt nguồn từ sự tự ti, nỗi sợ bị vứt bỏ, sợ bị chế giễu.” Những người đã từng bị bỏ rơi, lừa dối trong quá khứ thường lo rằng tình huống này sẽ lặp lại. Từ những chấn thương tâm lý đó, họ đã áp dụng những cảm xúc tiêu cực vào mối quan hệ hiện tại. Những người từng trải qua sự lừa dối cũng dễ ghen tuông hoặc ám ảnh hơn khi thấy người ấy trò chuyện với đối tượng khác, dù đó chỉ là một cuộc đối thoại đơn thuần.
Do đó, ta cần tự hỏi bản thân rằng những năng lượng xấu này bắt nguồn từ hiện tại hay liên quan đến các trải nghiệm trong quá khứ? Liệu nó có xuất phát từ mối liên kết với cha mẹ, anh chị em hoặc người yêu cũ không? Sau đó, hãy suy nghĩ xem liệu ta có nên để những chuyện đã qua này làm ảnh hưởng đến hiện tại của mình.
Tất nhiên mỗi cảm xúc đều có công dụng riêng, sự ghen tuông cũng thế. Khi bạn phát hiện ra những tín hiệu nguy hiểm, các giác quan sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn và những nỗi sợ sẽ được thể hiện thông qua các tín hiệu của cơ thể. Sự ghen tuông có thể được coi như áp kế của một mối quan hệ, khiến đôi bên qua đó hiểu nhau hơn. Thế nhưng, hành động sau khi đó mới là điều qua trọng. Nếu bạn bình tĩnh giải quyết mọi chuyện, mối quan hệ sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì. Ngược lại, nếu bạn nổi cáu, dùng ngôn từ cùng hành động thô lỗ tấn công người khác khi chưa thật sự hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra, mối quan hệ sẽ bị đe dọa, thậm chí là dẫn tới đổ vỡ.
Cách kìm hãm những cơn ghen vô lý
Ta cần phải hiểu rõ nguồn gốc của những suy nghĩ nóng nảy và khống chế nó. Để làm được điều đó, bạn có thể tâm sự cùng người yêu hoặc hướng nguồn năng lượng này đến những chủ đề khác. Hãy tưởng tượng, cuộc sống là một chiếc bánh và tình yêu chỉ đơn giản là một phần nhỏ được cắt ra từ chiếc bánh gato tròn đó.
Nếu không hài lòng về mối quan hệ lãng mạn, bạn có thể tìm đến gia đình, bạn bè, sở thích hoặc công việc của mình. Trau dồi thêm hiểu biết, dành thời gian cho các mối quan hệ xã hội khác sẽ giúp ta nhận ra cuộc sống không chỉ gói gọn trong quan hệ đôi lứa. Mỗi người còn rất nhiều trải nghiệm thú vị cùng những hoạt động hấp dẫn đang chờ ta khám phá. Khi hiểu rõ được điều này, bạn sẽ trở nên tự tin, bận rộn hơn và giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn tới những cơn ghen vô lý.
Cuối cùng, hãy luôn dành thời gian quan tâm tới cảm xúc của người ấy. Một mối quan hệ bền chặt được hình thành khi hai người luôn để tâm đến cảm xúc của nhau. Mỗi người cần phải đặt câu hỏi xem: “Tình yêu của mình đang như thế nào?”, “Liệu mình có thể làm gì để người kia cảm thấy tốt hơn?”, “Liệu có điều gì ta có thể trao đổi với người ấy để cải thiện mối quan hệ?”
Tình yêu giúp chúng ta học hỏi, phát triển và thay đổi cùng nhau. Vậy nên, để mối quan hệ luôn lành mạnh, đôi bên cần có sự cởi mở, trung thực… nhằm đảm bảo những cơn ghen sẽ không thể phá hỏng điều mà chúng ta trân trọng.
Theo Good House Keeping
Có thể bạn quan tâm:
#KhôngQuạu: Gaslighting – Khi người yêu trở thành người điều khiển rối
#Thoáng: Cực khoái của nữ giới – “Không thể cho người yêu biết tôi đã giả vờ lên đỉnh”
Bạn yêu một người hay yêu hình ảnh mình tự tạo về đối phương?
#Nghĩ: Hội chứng sợ thân mật và cảm giác “mình không xứng đáng được yêu”
Thảo luận về bài viết